Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2013

Phan Châu Thành - Nghệ thuật "trảm tướng" kiếm tiền của Bộ trưởng Đinh La Thăng

Phan Châu Thành - Nghệ thuật "trảm tướng" kiếm tiền của Bộ trưởng Đinh La Thăng 



Phan Châu Thành
Mấy năm nay trò hề “trảm tướng” của bộ trưởng Thăng thỉnh thoảng lại rộ lên trên các báo lá cải - à quên: lá đảng, liên tục không ngừng từ khi Thăng lên bộ trưởng GTVT. Thăng “nổ” mà không lên bộ GTVT thì chắc PetroVietnam hôm nay đã đi theo Vinashin, Vinalines luôn rồi, chẳng cần phải đợi dăm ba năm nữa. Nhưng đó là chuyện khác.
Bài này tôi chỉ muốn nói về, muốn vạch trần trò hề “trảm tướng” của Thăng vốn đã trở thành trò cười và “thương hiệu đặc sản” của Thăng từ thời anh cán bộ đoàn “năng” ít “nổ” nhiều của Sông Đà này được “trên” thăng lên làm Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí PV.
Ở PV thời Thăng “nổ”, ai cũng biết “trảm tướng” là vở kịch hài, để Thăng giương oai và củng cố vị thế CT của mình trong Tập đoàn PV, vì ngoài khả năng “nổ” và khả năng “định hướng XHCN”- tức là lưu manh chính trị ra, không có nhiều lĩnh vực để Thăng có thể xây dựng uy tín lãnh đạo của mình đối với thuộc cấp và ban lãnh đạo Tập đoàn, nhất là với lĩnh vực khai thác dầu khí thì có thể hình dung Thăng ở PV như một chuyên gia hoạn lợn đột nhiên được lên làm tư lệnh hải quân.
“Trảm tướng” chỉ là vở tuồng Thăng diễn cho thiên hạ xem và dùng “mạng” của cán bộ cấp thấp (ngoài công trường) để trảm – trảm thế nào chúng ta sẽ nói rõ sau.
Còn ở tổng hành dinh Thăng mới dùng võ bẩn thật – võ chính, để xây dựng vương quyền. Đó là tác phong làm việc lạnh lùng, coi người như rác, luôn “xử lý công việc nhanh gọn” bằng “Một tờ A4” của Thăng. Có nghĩa là, Thăng luôn biết và chỉ biết bài lạm dụng quyền của mình để dọa hoặc bất ngờ chuyển công tác các cán bộ dưới quyền bằng một quyết định ngắn gọn trong “Một tờ A4”. Đó luôn là những quyết định “phân công công tác theo nhu cầu công việc của Tập đoàn” do Chủ tịch Thăng ký mà đối với người nhận “tờ A4” đó không khác gì một quyết định kỷ luật, khi đương sự bị Thăng bứng ra một vị trí lạ hoắc thường là “ngồi chơi xơi nước”, mà không ai dám công khai chống lệnh, và chỉ có một con đường duy nhất: vác “gạch” hay “đạn” đến nhà Thăng “tâm sự”… (“gạnh” là vàng và “đạn” là tiền đô, đơn vị tính là “tấn” hay “tạ”, “tấn” là 100 nghìn đô, “tạ” là 10 nghìn đô…)
Sau vài lần “tâm sự” đương sự mới có thể yên tâm ở vị trí cũ nhưng “tinh thần thái độ” thì đã và phải thần phục Thăng hoàn toàn, nếu được Thăng “chấm” thì sẽ có cơ may được Thăng cho thăng tiến tiếp. Nếu Thăng không tiếp tại nhà mà chỉ cho người nhà nhận “đạn”, thì coi như đương sự mất cả chì lẫn chài, mà cái ghế thì vẫn phải “nhường trong đau đớn” cho đệ tử của Thăng. Tất cả chỉ vì Thăng luôn có “định hướng XHCN” như trên…
Với “tác phong một tờ A4” Thăng đã làm lộn tùng phèo cả một Tập đoàn lớn hàng đầu quốc gia là PV chỉ trong vài tháng đầu nhiệm kỳ. May mà ở cấp tập đoàn “tác phong A4” của Thăng không ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động khai thác, chế biến và kinh doanh dầu khí của PV, chứ nếu Thăng làm thế ở cấp công ty, tổng công ty thì PV… chỉ có sập tiệm ngay lập tức, chìm nhanh hơn cả Vinashin.
Đó là cách Thăng “xây dựng đội ngũ”, củng cố vị thế, xây dựng uy quyền (Thăng từng tuyên bố uy quyền đẻ ra uy tín!) cho mình, trong nội bộ, đúng như một nhà độc tài dần dần nắm hết toàn quyền. Những kẻ ở PV (và chắc nay là ở bộ GTVT) Thăng đưa lên thường giống Thăng y chang: coi thường (vì kém) chuyên môn nhưng thích nổ, nặng về xảo trá dựa trên uy quyền của Thăng, và tất nhiên: cung phụng Thăng như thờ Thánh...
Còn với bên ngoài Thăng PR, đánh bóng tên tuổi của mình rất tích cực, bằng tiền và rất nhiều thủ thuật. Một trong những trò Thăng thích thú và hay diễn là màn “trảm tướng”. Tôi đã chứng kiến tại trận vài vụ “trảm tướng” của Thăng và để ý theo dõi một thời gian dài nên có thể tạm đúc kết thành kịch bản “trảm tướng” của Thăng như sau:
Đầu tiên, Thăng chọn rất kỹ hiện trường để trảm tướng, là những công trình, dự án lớn, trọng điểm và “hot” – tức là được cấp trên, người dân và báo chí quan tâm. Nếu không “hot” thì Thăng không quan tâm, dù nó thiết thực quan trọng với ngành đến thế nào.
Tiếp theo là Thăng giao đám chân tay chuẩn bị “đội ngũ” đi ra trận. Đội ngũ của Thăng ở đây là dàn phóng viên các báo, đài, TV lớn trong nước – “cái bọn đói tin và đói tiền”, theo cách nói của Thăng – phải được lính của Thăng “nhân danh anh Chủ tịch TĐ” thân mến mời đi cùng, Thăng bao hết, và đưa thêm phong bì “tiêu vặt” từ trước. Mỗi chuyến đi như thế riêng tiền phong bì cho phóng viên là hàng trăm triệu, không kể chi phí ăn ở, xe cộ Thăng lo hết. Không hiểu sao, bao giờ các báo, đài, tv cũng đều cử phóng viên chân dài đi theo Thăng, không biết viết lách phỏng vấn có giỏi không nhưng ngoại hình thì toàn dự thi hoa hậu được.
“Ra trận”, đoàn của Thăng luôn rất đông đảo và có trật tự được dàn xếp kỹ càng hoành tráng như đoàn đóng phim sử liệu. Sau khi tác nghiệp tại hiện trường cùng với Thăng và cán bộ công trường xong, các phóng viên được quân của Thăng mời đi chiêu đãi bí tỉ, chỉ một số ít được tham dự cuộc họp chuyên môn của Thăng tại công trường, và họ được phép ghi âm, quay hình.
Chính trong những “cuộc họp chuyên môn” đó Thăng thường biểu diễn động tác mà các phóng viên thường bù lu bù loa lên là “trảm tướng”. Đó là, sau khi nghe sơ hai bên A và B báo cáo – thường là kể công của mình và đổ tội cho bên kia, bất luận tình thế thế nào Thăng cũng thường đứng hẳn về phía bên B (vì bên A thường là quân của Thăng, chủ đầu tư), và Thăng dùng lý luận của bên B để đập lại tơi bời chính quân của mình, với lời lẽ thường vô cùng gay gắt, “cả vú lấp miệng” và nhiều khi lập luận sai vì Thăng thường không hiểu chuyên môn của bên B – nhà thầu, trước sự ngỡ ngàng của cả hai bên. Rồi Thăng luôn kết luận với yêu cầu kỷ luật quân của mình, bắt “kiểm điểm sâu sắc” với lời dọa kiên quyết: tôi sẽ cho thay anh, sẽ kỷ luật anh… Kết quả vở diễn, qua tường thuật của phóng viên, luôn là “vỡ òa”, “bừng tỉnh”… Hình ảnh “một vị tư lệnh chiến trường Thăng sâu sát, mạnh mẽ, công bằng, vô tư, nghiêm khắc v.v…” sẽ đến với hàng triệu người sau đó.
Sau màn diễn thuần thục của Thăng, băng âm và hình được cung cấp đầy đủ cho các phóng viên với lới tri ân là các phong bì dầy cộp “thù lao trước” cho các bài phóng sự “sẽ có ngay”.
Còn các vị tướng “bị trảm tại trận” thì sao? Không ai bị mất chức hay mất việc. Tôi biết khá rõ, một số họ còn được thăng chức sau đó, vì ngay sau khi “bị trảm” họ sợ quá tưởng mất việc thật nên ôm ngay “đạn tấn”, “đạn tạ” đến nhà Thăng xin chịu tội. Có “vị tướng cụt đầu” Thăng không nhận “đạn” mà bắt họ đưa cho đàn em Thăng. Những tay đàn em này cầm “đạn” còn chê: “Chỉ đủ chi cho một chuyến đi hiện trường của Chủ tịch…” Thế là đám “bị trảm” hay “bị cụt đầu” đó trở thành đàn em tin cậy của Thăng. Có kẻ “bị trảm” nay đã lên đến phó chủ tịch Tập đoàn PV…
Thế cho nên, càng “trảm tướng” Thăng càng giàu và càng nhiều kẻ cung phụng, mà danh tiếng Thăng càng nổi như cồn, qua dàn đồng ca lá đảng. Dân ta thích những vở tuồng như thế, vì thời đại đói anh hùng, tưởng Thăng là anh hùng là thật.
Vẫn biết tất cả quan lại cộng sản hiện nay, tất tật lũ bộ trưởng hay tỉnh trưởng, hay các chánh phó thủ tướng… đều đểu, đều bẩn và đều giả như Thăng, đều không sửa được, nhưng cái cách Thăng cứ diễn mãi vở tuồng “trảm tướng” và cách dân ta vẫn cứ tin và hy vọng, thấy tội dân mình quá, cứ bị một thằng đểu xỏ mũi hoài, tôi đành viết mấy dòng trên.
Mong sao mọi người đừng quá ngây thơ tin hoài vào những vở ca hí kịch của cộng sản nữa! Nói chung, đừng tin vào những con người cộng sản.
Admin gửi hôm Thứ Sáu, 29/11/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131128/phan-chau-thanh-nghe-thuat-tram-tuong-kiem-tien-cua-bo-truong-dinh-la-thang
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001