Chính sách Đông Á tiền hậu bất nhất?
Việt-Long - RFA
2013-12-05
2013-12-05
Mất uy tín?
Thứ năm ngày 5 tháng 12 giờ Đông Á, phó Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden từ Bắc Kinh bay sang Seoul, trong khuôn khổ chuyến công tác qua ba nước Nhật-Trung-Hàn, giữa lúc không khí biển Hoa Đông sôi động vì vùng nhận dạng phòng không (ADIZ) do Trung Quốc áp đặt. Nhưng sau khi B-52 bất ngờ bay qua, rồi đến cả chục chến đấu cơ Nhật-Hàn noi gương bay qua đó không báo cáo, thì đột nhiên hôm thứ sáu, cũng lại bất ngờ nữa, Hoa Kỳ lại khuyến cáo các hãng hàng không thương mại của Mỹ hãy tuân thủ quy định của Bắc Kinh về việc báo cáo các chi tiết về phi hành và căn cước chuyến bay khi bay qua vùng ADIZ đó. Cách hành xử của Washington có thể được nhận định ra sao? Liệu hành động như vậy có làm sứt mẻ hình ảnh của Hoa Kỳ và giá trị của chính sách chuyển trục chiến lược sang châu Á không?Thủ tục thông thường
Chính phủ Nhật không tuyên bố chính thức điều gì, nhưng công luận Nhật tỏ ra khá bực bội với hành động xem ra như trống đánh xuôi kèn thổi ngược với đồng minh, làm Nhật Bản bị "hố". Nhật vừa mới khuyến cáo máy bay Nhật không báo cáo, thì Mỹ lại dặn các hãng bay Mỹ hãy báo cáo.Tuy nhiên nếu xem xét kỹ, người ta thấy Cơ quan Quản trị Hàng không Hoa Kỳ có điều khoản số 91.139 (C) quy định mọi phi công thương mại của Hoa Kỳ phải tuân thủ tất cả những NOTAM, Notice To Airmen, tức bản Thông báo cho Phi công, của mọi quốc gia, liên quan đến không phận của họ, khi bay qua không phận đó. Phi cơ hàng không dân dụng nào của Hoa Kỳ không muốn tuân thủ thì không được bay qua.
Như vậy, Washington chỉ thi hành một thủ tục hàng không quốc tế thông thường áp dụng cho mọi vùng ADIZ trên thế giới. ADIZ mới của Trung Quốc cũng không ngoại lệ. Có thể coi đó là cách hành xử của một nước lớn, tỏ ra đứng bên trên những tranh chấp khu vực để hòa giải, giải quyết bằng đường lối hoà bình, trong khi vẫn xác định không
chấp nhận sự áp đặt chủ quyền không phận của Trung Quốc. Riêng những nước Nhật và Nam Hàn trực tiếp liên can, thì lại không nên thi hành thông báo NOTAM của Trung Quốc để khẳng định mạnh mẽ chủ quyền của mình trong môt phần hay toàn bộ không phận áp đặt đó.
Món quà xã giao
Thêm vào với ý thức về luật pháp và bang giao quốc tế của chính phủ Hoa Kỳ thể hiện như vừa nói, người ta còn nghĩ tới chuyến đi Bắc Kinh của phó Tổng thống Biden hôm thứ năm, 5 tháng 12, 2013. Ông Biden tuyên bố ông đi Bắc Kinh để cùng Trung Quốc xây dựng một đường hướng quan hệ quốc tế mới mà sẽ có nhiều ảnh hưởng đến chiều hướng của cả thế kỷ 21. Thêm nữa, sứ mạng của phó Tổng thống Mỹ là hòa giải và rút ngòi nổ ở biển Hoa Đông, nên dù quan niệm thế nào về chủ quyền chăng nữa thì ông cũng phải có hành động và thái độ hòa hoãn, ngọt ngào. Vì thế ngoài ý nghĩa về một thủ tục quốc tế thông thường, việc nhắc nhở các công ty hàng không Mỹ tuân thủ quy định của Trung Quốc còn là một hành động ngoại giao khôn khéo, tế nhị, như một món quà xã giao để dạo đầu cho những lời lẽ ôn hòa nhằm giải quyết một tình hình căng thẳng.Mâu thuẫn, nước đôi?
Nhưng hành động như vậy có trái ngược với việc cho B-52 bay vào vùng phòng không cần nhận dạng, ADIZ, rồi đến những lời tuyên bố của ông Biden tại Tokyo, nói là bày tỏ mối quan ngại sâu xa về ADIZ, gọi đó là nỗ lực đơn phương thay đổi hiện trạng ở biển Hoa Đông, gây nên nguy cơ tai nạn và tính toán sai lầm? Và ông còn nói ông sẽ nêu vấn đề này một cách chi tiết với giới lãnh đạo Trung Quốc.Có thể cảm thấy sự mâu thuẫn ở bề ngoài giữa việc B-52 bay vào mà không báo cáo nhận dạng cho đài không lưu Trung Quốc, trong khi Washington lại nhắc hàng không dân dụng phải báo cáo. Nhưng thực ra hai sự kiện đó không mâu thuẫn về nguyên tắc. Washington có thể đã tính toán thận trọng.
Điều động oanh tạc chiến đấu cơ bay qua, không báo cáo, là nhằm xác định lời lên án rằng hành động về ADIZ của Trung Quốc là vô giá trị, đồng thời cho thấy lời cảnh giác của Bắc Kinh rằng sẽ có" biện pháp phòng vệ khẩn cấp" chỉ là điều khoác lác. Hai phi vụ của B-52 vào vùng ADIZ mới của Trung Quốc là hành vi thách thức cao nhất trong ôn hòa, đã không gặp phản ứng nào của Bắc Kinh.
Nhưng ngược lại, dù vậy, Washington không thể đem sự an toàn của hành khách dân sự ra thách đố. Sự an toàn của người dân Mỹ luôn luôn chiếm hàng đầu trong mọi chính sách của chính phủ Hoa Kỳ, trong khi sự khuyến cáo các công ty hàng không Mỹ như vậy là phù hợp với luật lệ của FAA liên quan đến hàng không quốc tế. Hoàn toàn không có gì mâu thuẫn về nguyên tắc.
Không nói tới là điều tốt!
Tuy nhiên, qua tin tức người ta không thấy hai ông Tập Cận Bình với Joe Biden nói một điều gì liên quan đến vấn đề ADIZ, trong khi phó Tổng thống Mỹ đã hứa là sẽ bàn thảo chi tiết với lãnh đạo tối cao của Trung Quốc?Trong nghề truyền thông thường nói "No news is good news", ý là không nói gì tới, không có tin gì đáng nói mới là điều hay, là tin tức tốt. Vì thông thường, những tin tức gọi là sôi nổi, hot news, breaking news, chỉ toàn liên quan đến những tổn thất, thiên tai, hoạn nạn, xung đột, chiến tranh, thương vong cao, thiệt hại tài sản lớn lao.... toàn những điều khổ não của con người mà thôi.
Trường hợp ở Bắc Kinh hai hôm nay, việc hai nhà lãnh đạo không đề cập đến ADIZ trong cuộc họp báo không có nghĩa là họ không đàm luận về vấn đề đó trong cuộc hội kiến 2 giờ đồng hồ, dài gấp hai lần rưỡi so với chương trình họp 45 phút.
Cuộc hội kiến kéo dài như vậy phải chăng là vì hai bên đã thảo luận gay go nhưng không thể đạt được một giải pháp, hay thậm chí, một lời giải thích vấn đề ADIZ sao cho hài hòa với cả hai bên trong bối cảnh tình hình căng thẳng và mâu thuẫn cao độ về chủ quyền giữa hai nước Trung Quốc-Nhật Bản? Phả
i chăng họ đồng ý gác lại vấn đề này và thỏa thuận không làm cho vấn đề nóng hơn lên để có thể bùng nổ thành đụng độ quân sự?
Căn nguyên của vấn đề
Giả thuyết này tạm chấp nhận được, vì tòa Bạch ốc có tuyên bố rằng phó Tổng thống Biden sẽ tìm cách kiến tạo một cơ chế kiểm soát khủng hoảng ở biển Hoa Đông. Có thể hiểu đó là một hệ thống phối hợp liên lạc giữa các cấp chỉ huy cao cấp để tránh những đụng độ tương tụ như năm 2001. Khi ấy phi cơ chiến đấu của Trung Quốc bay cảnh cáo để đuổi chiếc phi cơ do thám P-3 Orion của Mỹ ra khỏi không phận cạnh đảo Hải Nam. Chiếc MIG-21 bay quá sát, đụng vào cánh chiếc P-3, MIG-21 mất thăng bằng rơi xuống biển. Phi cơ Mỹ hư hại phải đáp khẩn cấp xuống Hải Nam và bị bắt giữ ở đó. Hoa Kỳ phải xin lỗi mới đem được máy bay và phi hành đoàn về nước.Nguyên do chính yếu của những mâu thuẫn, đụng chạm ở biển Hoa Đông yếu chẳng phải nằm ở mấy hòn đá đảo chơ vơ ở cửa ngõ ra đại dương của Trung Quốc. Căn nguyên của vấn đề là tham vọng đại dương của Trung Quốc, bị đối đầu bằng quyết tâm ngăn chặn, phong tỏa Hoa Lục của Mỹ-Nhật-Úc-Ấn, những cường quốc Thái Bình Dương.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/is-it-an-inconsistent-us-east-asia-policy-12052013124135.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001