Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Kami - Hiến pháp được toàn dân phúc quyết sẽ thực sự là của nhân dân?

Kami - Hiến pháp được toàn dân phúc quyết sẽ thực sự là của nhân dân? 



Kami
Vừa qua, ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã trả lời phỏng vấn báo chí và cho rằng "Hiến pháp được thông qua với đồng thuận cao là tất yếu dân chủ, là kết quả của chân lý ý Đảng lòng dân". Đó là một sự nhìn nhận không đúng, nếu không phải là phản khoa học. Vì nguyên tắc nguyên tắc thiểu số phải phục tùng đa số không phải lúc nào cũng đúng, khi cái đa số trong quốc hội ở Việt nam, một quốc hội giả tạo là một hình thức đa số chuyên chế.
Đối với những người quan tâm về chính trị, câu hỏi "Dân chủ là gì?" tưởng rằng chỉ là câu hỏi đơn giản và dễ có câu trả lời. Đây là một câu hỏi quan trọng, vì nếu không xác lập một hệ thống dân chủ một cách thực sự thì người ta không thể nhân danh nhân dân để khẳng định tính chính danh của mình. Nếu có thì đó chỉ là hình thức mạo danh để lừa dối. Dân chủ nếu nói ngắn gọn là "dân chủ là người dân làm chủ bản thân và xã hội". Câu trả lời này tuy chưa hoàn chỉnh, song phần nào nó cũng phản ảnh cho thấy khi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân, do dân lựa chọn thông qua hệ thống bầu cử tự do. Nghĩa là nhân dân là luôn trung tâm của mọi quyền lực và thông qua bầu cử.
Song không ít người chỉ nghĩ rằng có một cuộc bầu cử công bằng và tự do, qua đó người dân lựa chọn người đại diện cho mình vào quốc hội đã là thể hiện sự dân chủ. Nhưng họ không biết rằng nếu chỉ thỏa mãn với yêu cầu đó thì mới chỉ là khái niệm dân chủ đơn giản tồn tại trước chiến tranh thế giới thứ II. Nghĩa là quyền làm chủ của người dân chỉ tồn tại vài ba phút khi họ bỏ phiếu chọn đại biểu thực hiện quyền của họ trong quốc hội và ngay sau đó các đại biểu được nhân dân ấy lựa chọn ấy muốn làm gì thì làm. Nếu như thế, điều đó đã tạo ra cái mà người ta gọi là độc tài nghị viện một kẻ độc tài. Mà Adolfer Hitler là một kết quả điển hình đã làm khuynh đảo thế giới. Điều đó cho thấy chỉ riêng việc bầu cử không phải là một điều kiện đủ cho một nền dân chủ tồn tại. Mà dân chủ phải là một thể chế mà quyền thay đổi luật pháp và cơ cấu chính quyền thuộc về người dân. Trong hệ thống này, luật pháp được đặt ra do những đại biểu nhân dân thực sự được người dân bầu ra và quyền lực nhà nước phải được kiểm soát chặt chẽ bởi những cơ chế phù hợp tạo điều kiện cho người dân tham gia kiểm soát quyền lực.
Việc thông Quốc hội Việt nam thông qua bản Hiến pháp sửa đổi vừa qua cho thấy đó là thứ dân chủ giả hiệu, khi mà các đại biểu của nhân dân không phải là thực chất, mà họ được lựa chọn theo lối đảng cử dân bầu. Hơn nữa, trong một Quốc hội mà có tới hơn 90% đại biểu là đảng viên đảng CSVN hoạt động theo yêu cầu phải tuyệt đối tuân thủ các nghị quyết, quyết định của đảng thì không thể gọi là dân chủ. Hơn nữa đảng CSVN luôn bác bỏ các ý kiến khác biệt và coi đó là các tư tưởng thoái hóa, mà theo họ cần phải xử lý. Đó là lý do vì sao hầu hết các ý kiến đóng góp của nhân dân cho Dự thảo Sửa đổi Hiến pháp đều bị coi là ý kiến của thiểu số và không được chấp nhận. Nguyên tắc tiên tiến của dân chủ là ở chỗ dù phải là tôn trọng đa số nhưng vẫn biết lắng nghe ý kiến của thiểu số, chứ không chỉ dùng đa số để đánh bại thiểu số.
Hiến pháp cần phải hiểu là một hệ thống quy định những nguyên tắc chính trị căn bản và thiết lập kiến trúc, thủ tục, quyền hạn và trách nhiệm của một chính quyền. Đồng thời Hiến pháp là đạo luật cơ bản nhất của một nhà nước, thể hiện ý chí và nguyện vọng của tuyệt đại đa số dân chúng. Khi Hiến pháp là một bản Khế ước xã hội cơ bản nhất, một bản hợp đồng trên đó các thành viên xã hội thống nhất các nguyên tắc để cùng chung sống với nhau và nó là nền tảng cho tất cả các thỏa ước (luật pháp) khác của cộng đồng. Hiến pháp không thể là một văn bản cụ thể hóa cương lĩnh của một chính đảng như hiện nay đảng CSVN đang tiến hành. Khái niệm cộng đồng ở đây là một khái niệm rộng, bao gồm tất cả mọi tầng lớp nhân dân, mọi giới, mọi nghề..., do đó không thể nhầm lẫn với khái niệm nhỏ hẹp trong phạm vi một đảng chính trị, chỉ đại diện cho một nhóm người có chung mục đích, lý tưởng và quyền lợi chung. Hiến pháp của một quốc gia thì phải là Hiến pháp một cách đúng nghĩa, Cương lĩnh của một đảng cầm quyền chỉ là văn bản thể hiện nhiệm vụ, lý tưởng chung của một nhóm người và bảo vệ quyền lợi của một tầng lớp, một giai cấp đó. Không thể lầm lẫn và lẫn lộn giữa hai khái niệm đó như chúng ta thấy được thể hiện trong bản Hiến pháp vừa được thông qua. Nếu không tách bách được sẽ dẫn tới tình trạng Hiến pháp sẽ hướng cho cả cộng đồng sẽ phải hy sinh quyền lợi của mình cho một bộ phận nhỏ đang nắm giữ quyền lực. Hay nói cụ thể hơn, đa số trong 90 triệu người Việt nam phải hy sinh quyền lợi của mình đã được hiến định để phục vụ cho số người khoảng 3% dân số, là những người là đảng viên đảng CSVN. Đây là một sự bất hợp lý vì đa số đã bị ép buộc phải phục tùng thiểu số.
Bởi vậy việc xử lý và tiếp thu những ý kiến đóng góp của nhân dân trong việc Sửa đổi Hiến pháp vừa qua cho thấy, đảng CSVN và chính quyền chưa thấy vấn đề Dân chủ luôn phải là là tiền đề của một nhà nước của dân, do dân và vì dân. Nó không thể bị lạm dụng để biện minh hay che dấu cho bất kỳ mục đích gì và phục vụ cho bất kỳ ai. Không thể có dân chủ trong một cơ chế mà mọi vấn đề chính trị, kinh tế, xã hội... đều là của đảng, do đảng và vì đảng như ở Việt nam hiện nay đang tồn tại. Dân chủ nhiều lúc đơn giản chỉ là biết lắng nghe và tôn trọng những ý kiến khác biệt. Chứ không thể nhắc đến dân chủ trong khi chính quyền luôn đe dọa và sẵn sàng xử lý các ý kiến trái chiều như ta vẫn thường thấy.
Nhưng vấn đề đâu là ý kiến của đa số, đâu là ý kiến của thiểu số cũng là điều cần phải bàn. Không thể lấy biểu quyết đồng thuận cao của các đại biểu nhân dân giả mạo, trong một quốc hội với những khiếm khuyết đã nói ở trên để nói rằng đó là ý kiến của nhân dân. Nên nhớ, thể chế dân chủ luôn vận động và thay đổi để phù hợp với sự phát triển của xã hội, đó chính là sự xuất hiện của cơ chế kiểm tra- điều chỉnh và sự tham gia của người dân trong việc kiểm soát quyền lực của mình. Mà cụ thể ở đây là quyền phúc quyết của cử tri thông qua việc trưng cầu ý dân. Kết quả đó mới nói lên thực chất và điều đó đã được ghi nhận rõ trong Chương 7 Điều 70 khoản (c) của bản Hiến pháp nước Việt nam DCCH năm 1946. Đã ghi rõ "Những điều thay đổi khi đã được Nghị viện ưng chuẩn thì phải đưa ra toàn dân phúc quyết.". Điều đó đã khẳng định vai trò của người dân trong việc tham gia thực hiện quyền làm chủ của họ, trong vai trò người chủ thực sự của quyền lực nhà nước.
Vậy tại sao đảng CSVN không dám làm?
Một thời gian dài, đảng CSVN đã từ chỗ dần lấn át đến bắt chẹt để thâu tóm quyền lực tuyệt đối về tay mình. Và lấy toàn thể nhân dân làm con tin và dùng Quốc hội làm bình phong để thả sức tự tung, tự tác làm bất kể những gì mà họ muốn. Tới mức mỗi lần sửa đổi Hiến pháp gần đây đã bị coi là những bước thụt lùi, đưa thể chế chính trị lún sâu vào con đường độc tài. Điều đó dẫn tới hậu quả đang ngày càng dần bộc lộ trên mọi mặt của đời sống kinh tế-xã hội, văn hóa, giáo dục v.v... Khi mà kinh tế sa sút, đời sống của người dân khốn khó, đạo đức xã hội băng hoại và chất lượng giáo dục đang xuống cấp một cách trầm trọng. Điều mà người dân ai ai cũng biết. Nhưng lãnh đạo đảng CSVN vẫn cố tình diễn kịch và khẳng định điều mà chỉ nhắc đến thì ai ai cũng phải phì cười, đó là cái "Ý đảng là lòng dân". Điều mà thực hay hư thì không khó gì để kiểm chứng xem cái đó thực sự nó là bao nhiêu phần trăm. Nhưng con số phản ảnh cái "Ý đảng là lòng dân" nếu để đảng làm và dùng con số do Quốc hội của đảng bấm nút theo yêu cầu để tạo sự đồng thuận cao thì xin thôi. Vì nhiều người nghĩ rằng, cái Quốc hội Việt nam giả hiệu như hiện nay thì bỏ đi có khi lại có lợi cho dân cho nước hơn.
Cho dù vẫn biết rằng mọi bản Hiến pháp luôn có mục đích phục vụ cho nhóm người có thực quyền chi phối quyền lực nhà nước, việc bản Hiến pháp mới được Quốc hội Việt nam thông qua với kết quả 97,59% đồng thuận cũng là điều dễ hiểu. Nhưng việc nhân danh nhân dân trong cái công thức "Ý đảng là lòng dân" như phát biểu của ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một luận điệu lừa dối, không thể chấp nhận được. Nó là vấn đề thuộc về đạo đức của con người, mà lẽ ra ở cương vị người đứng đầu đảng CSVN thì ông Nguyễn Phú Trọng không được phép phát biểu như vậy. Người ta sẽ đánh giá gì về sự trung thực và lòng tự trọng của đảng CSVN nói chung và ông Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói riêng?
Việc xác nhận ý đảng có là lòng dân hay lòng dân có là ý đảng hay không là vấn đề không khó xác định và có thể làm rõ sau khi Quốc hội đã biểu quyết thông qua. Bước tiếp theo là tiến hành lấy phúc quyết của nhân dân thông qua một cuộc trưng cầu dân ý sâu rộng, công bằng tự do và kiểm soát minh bạch đối với bản Hiến pháp vừa được Quốc hội bấm nút thông qua. Một việc làm không hề khó, tốn kém chi phí không nhiều và sẽ không gặp bất kỳ trở ngại nào đáng kể. Và nếu như có, đó chỉ là nỗi lo sợ sự thật sẽ được chúng minh của đảng CSVN.
Vấn đề là đảng CSVN có dám đối diện với sự thật hay không mà thôi.
Ngày 05 tháng 12 năm 2013
© Kami
Admin gửi hôm Thứ Năm, 05/12/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131205/kami-hien-phap-duoc-toan-dan-phuc-quyet-se-thuc-su-la-cua-nhan-dan
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001