Nền kinh tế cưỡi cọp của Trung Quốc
at 1:37 PM
Nguyễn-Xuân Nghĩa -
Từ lâu,
người viết thường nói rằng việc quản lý kinh tế Trung Quốc cũng tựa như
cưỡi xe đạp, xe không lăn bánh thì đổ. Bây giờ thì có lẽ phải điều chỉnh
lại là cưỡi lưng cọp. Vất vả không kém mà nguy hiểm gấp bội - vì bước
xuống là bị cọp vồ. Khi tổng kết cuối năm về chuyện kinh tế, xin được
nói về hiện tượng đó...
Mọi sự khởi đầu, hay kết thúc, với tin Chu Vĩnh Khang sẽ lãnh án tử hình.
Sinh năm
1942, cho đến đại hội 18 vào cuối năm ngoái họ Chu là một trong chín ủy
viên của Thường vụ Bộ Chính Trị, cơ chế quyền lực cao nhất đảng Cộng Sản
Trung Hoa. Là trưởng ban chính pháp trung ương, Chu Vĩnh Khang chỉ huy
mạng lưới tòa án lẫn hai bộ công an và quốc an. Công an là Bộ Nội Vụ.
Quốc gia An
toàn bộ thì phụ trách hệ thống tình báo và phản gián. Một nhân vật quyền
thế như vậy mà bị tống giam và điều tra, như vừa xác nhận hồi đầu
tháng, và nay mai thì sẽ có tin là bị án tử hình!
Chuyện còn
lạ hơn vụ Jang Song Thaek (Trương Thành Trạch) bị người cháu là lãnh tụ
Bắc Hàn Kim Chính Ân bắt giữ, truy tố và hành quyết nội trong hai ngày
vào hôm 12 vừa qua. Từ khi đảng Cộng Sản cầm quyền tại Trung Quốc vào
năm 1949, chưa khi nào có chuyện thanh trừng bằng luật pháp lên đến cấp
cao như vậy. Hơn hẳn vụ kết án Bí Thư Thượng Hải Trần Lương Vũ vào năm
2006, Bộ Trưởng Hỏa Xa Lưu Chí Quân bị tử hình hồi Tháng Bảy vừa qua,
hay nguyên bí thư Trùng Khánh là Bạc Hy Lai bị cách chức đầu năm ngoái
rồi ra tòa và lãnh án tù chung thân vào Tháng Tám vừa rồi.
Ly kỳ hơn
vậy là lý do kết án họ Chu: Tham nhũng. Trùm an ninh và tình báo mà lại
liên hệ đến số tiền vĩ đại là 100 tỷ đồng Nguyên, bằng 16 tỷ Mỹ kim? Tại
sao vậy?
Thì kinh tế cũng là chính trị!
***
Trước khi có
tin Chu Vĩnh Khang bị bắt, nguyên chủ tịch tập đoàn Dầu Khí Quốc Gia
CNPC là Tưởng Cát Mẫn và năm đảng viên cao cấp khác trong ngành dầu khí
đã bị điều tra. Tưởng Cát Mẫn vừa rời ngành dầu khí lên làm trưởng ban
cải cách và quản lý doanh nghiệp nhà nước SASAC có mấy tháng thì vào tù.
Ði theo là nhiều đàn em trong khu vực năng lượng, các đảng viên đã quản
lý hai giếng dầu lớn nhất là Ðại Khánh tại tỉnh Hắc Long Giang và Thắng
Lợi ở tỉnh Sơn Ðông và tổ hợp tài chánh Côn Luân của doanh nghiệp CNPC.
CNPC là tập đoàn dầu khí số một của Trung Quốc, quản lý một tài sản hơn
480 tỷ đôla và cả PetroChina, doanh nghiệp có kết giá tài sản đứng hàng
thứ nhì thế giới, chỉ sau ExxonMobile của Mỹ.
Mà họ Tưởng này lại là thuộc cấp ngày xưa, và đàn em ngày nay, của Chu Vĩnh Khang.
Trước khi
làm trùm an ninh, họ Chu là chuyên gia dầu khí, đã lập thành tích quản
lý năng lượng, làm thứ trưởng về dầu khí, chủ tịch CNPC, bộ trưởng điền
thổ và tài nguyên quốc gia rồi bí thư tỉnh Tứ Xuyên, một khu vực giàu
năng lượng và bao trùm lên thành phố Trùng Khánh.
Năm ngoái,
khi quyết định kỷ luật Bí Thư Trùng Khánh Bạc Hy Lai, Chu Vĩnh Khang là
ủy viên duy nhất của thường vụ Bộ Chính Trị đã bỏ phiếu chống và gây ra
nhiều suy luận về sự cấu kết giữa hai người, và cả tin đồn là họ dự tính
tiến hành đảo chánh... Phải chăng khởi đi từ việc hạ bệ Bạc Hy Lai vào
đầu năm ngoái, hai năm thanh trừng chính trị đã tạm kết thúc với việc
kết án Chu Vĩnh Khang vào cuối năm nay?
Vì chính trị cũng là kinh tế, chúng ta cần nhìn sâu hơn vậy.
Qua vụ tống
giam các đảng viên cao cấp của ngành năng lượng, người ta được biết là
việc điều tra ngấm ngầm đã khởi sự từ năm 2011. Mục tiêu chính thức là
diệt trừ tham nhũng, y như vụ Trần Lương Vũ ở Thượng Hải hay Lưu Chí
Quân trong Bộ Hỏa Xa, và đấy là phương châm được Tập Cận Bình phổ biến
sau khi lên lãnh đạo: đánh cả cọp chứ không chỉ đập ruồi. Cọp là các ông
kễnh trong mạng lưới tham nhũng.
Nhìn vào chiến lược kinh tế thì mới thấy rằng mục tiêu thật lại còn xa hơn vậy.
Từ thời cách
mạng kiểu Mao, kỹ nghệ nặng và năng lượng được coi là xương sống của
kinh tế xã hội chủ nghĩa và các đảng viên phụ trách về dầu khí đều là
đại công thần. Một nhân vật khét tiếng là Tướng Dư Thu Lý, ủy viên Bộ
Chính Trị, lên cầm đầu hệ thống dầu khí từ thành tích khai thác giếng
dầu Ðại Khánh. Họ Dư được coi là thủ lãnh của “phái dầu khí” trong hệ
thống quyền lực cho tới khi bị Ðặng Tiểu Bình đánh bạt vì chủ trương bảo
thủ và duy trì thế độc quyền của nhà nước. Sau đó, khu vực dầu khí bị
phân tán thành ba tập đoàn để giảm bớt thế lực.
Nhưng từ hai
chục năm nay, khi dầu khí lại trở thành nhu yếu phẩm cho kỹ nghệ hóa,
các lãnh tụ thời cách mạng được dần thần thay thế bởi chuyên gia về dầu
khí, như Tăng Khánh Hồng hay Chu Vĩnh Khang. Họ lặng lẽ xây dựng lại thế
lực, và qua ba đợt chuyển quyền từ đại hội 14 vào năm 1992, luôn luôn
vận động để có một người lên tới thường vụ Bộ Chính Trị ở trên cùng. Bên
dưới thì có nhiều người giữ vị trí trọng yếu ở các tỉnh và trong Quốc
Vụ Viện là Hội đồng Chính phủ. Phái dầu khí này hỗ trợ nhau để thời nào
cũng có ảnh hưởng. Người lên tới tột đỉnh là Chu Vĩnh Khang còn nắm bộ
máy an ninh, tình báo - và nhiều hồ sơ nhạy cảm của trung ương.
Chiến lược
kinh tế Trung Quốc lấy đầu tư làm đầu máy tăng trưởng bất kể tới nạn
tham ô lãng phí. Ðó là nền kinh tế đi xe đạp và đạp xe chậm thì đổ, tăng
trưởng thấp thì khủng hoảng. Sự bất công của chiến lược là đảng viên ở
trên uống sâm cho nhân dân ở dưới đạp xe. Vì vậy xứ này có nhiều tỷ phú
nhất thế giới trong khoảng thời gian ngắn nhất, mà cũng bị động loạn
nhiều nhất khi quần chúng bất mãn biểu tình phản đối đảng viên cường hào
ác bá và đại gia tham nhũng.
Chiến lược
kinh tế có tính chất trưng thu và bóc lột đó khiến lãnh đạo rơi vào hoàn
cảnh cưỡi lưng cọp và có ngày bị cọp vồ là khi dân chúng nổi loạn, như
đã từng thấy trong lịch sử.
Chính là vì
vậy mà ba thế hệ lãnh đạo nối tiếp, từ Gang Trạch Dân đến Hồ Cẩm Ðào rồi
Tập Cận Bình, đã lần đầu tiên nhất trí là phải cải cách, nếu không thì
đảng bị khủng hoảng. Mà việc cải cách phải khởi sự từ bên trong, từ bên
trên, là triệt hạ các thế lực cứ liên thủ với nhau để duy trì nguyên
trạng và bảo vệ quyền lợi. Một trong các thế lực đó là phái dầu khí và
phe an ninh của Chu Vĩnh Khang.
Có thể là hệ
thống lãnh đạo có quyết định này trước đại hội 18, vì không họp Bộ
Chính Trị mà mở ra hội nghị bán chính thức tại Bắc Ðới Hà vào cuối Tháng
Năm 2012. Ðây là loại hội nghị xa xưa từ thời Mao mà rất hiếm sau này,
khi lãnh đạo trung ương và địa phương cùng các lão đồng chí đã về hưu
gọi nhau đi nghỉ mát ngoài ven nước. Nơi đó, họ bàn thảo chuyện quốc sự
bên ngoài sự theo dõi của bộ máy thông tin và tình báo hiện hành.
Chúng ta có
thể liên tưởng đến chuyện ngũ đại gia của Mafia không họp tại New York
mà đi nghỉ mát ở Florida, ngoài hệ thống thông tin và bảo vệ đã “có vấn
đề”. Khi trở về thì họ giải quyết vấn đề!
Việc Tập Cận
Bình giáng cấp trưởng ban Chính Pháp Trung ương ra khỏi thường vụ Bộ
Chính Trị, đưa một chuyên gia tài chánh là Vương Kỳ Sơn lên vị trí
trưởng ban kỷ luật và giám sát trong Thường vụ Bộ Chính Trị để thanh
trừng đảng viên tham nhũng và lập ra Hội đồng An ninh Quốc gia để tập
trung quyền lực cho thấy là vụ Chu Vĩnh Khang mới chỉ là màn đầu.
Màn kế tiếp
là lần lượt phá vỡ các thế lực cưỡng chống việc chuyển hướng kinh tế.
Chuyện an ninh quốc gia chính là an ninh của đảng, tiết mục đáng theo
dõi trong năm tới...
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/12/nen-kinh-te-cuoi-cop-cua-trung-quoc.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001