Thứ Năm, 26 tháng 12, 2013

Nghệ sĩ Việt Dzũng không chỉ là “Một chút quà cho quê hương”

Nghệ sĩ Việt Dzũng không chỉ là “Một chút quà cho quê hương” 



|
VietDzung-4
Tôi bàng hoàng khi truyền thông đưa tin rộng rãi về nhạc sĩ, ca sĩ, MC và nhà tranh đấu cho tự do dân chủ quê nhà vừa qua đời tại quận Cam chỉ mới ở tuổi 55!  Từ bàng hoàng đến thương tiếc.  Rồi chùng xuống, đau buồn!
Dư luận cũng đang ca ngợi anh về sự dấn thân không mệt mỏi đó với khả năng Thiên phú nhiều mặt, mà tôi vắn tắt là nghệ sĩ!
Riêng tôi, chưa có cơ hội quen anh.  Cũng chưa bao giờ tham dự một chương trình đại nhạc hội nào, hay trực tiếp nghe anh hát dù qua đài phát thanh, ngoài việc tình cờ “gặp” anh, như chợt ghé nhà người quen đúng lúc họ đang xem video chương trình ca nhạc của trung tâm nhạc Asia mà anh đang là MC hay đang hát!  Tôi cũng không có CD ca nhạc Việt thế mà tôi vẫn “biết” anh.
Lại “biết” anh từ lâu!  Lâu lắm!  Từ ngày còn bị giam cầm trên đất Bắc!
Tình thật, không hiểu xuất phát từ đâu mà bài hát Một Chút Quà Cho Quê Hương lọt được đến tai chúng tôi lúc đó!  Từng lời, từng âm, từng chữ như có sức thẩm thấu vào từng nhịp đập của trái tim.  Qua đó chúng tôi hình dung ra được sinh hoạt của xã hội mà chúng tôi đã bị cách ly lâu ngày và cũng hiểu được nỗi trăn trở của người đã may mắn vượt thoát khỏi đất nước.  Những câu, chữ của bài hát cho thấy toàn cảnh một xã hội miền Nam đang tan hoang bên ngoài.  Rách nát.  Ngược đãi.  Từ tự do hạnh phúc đến xác xơ tiêu điều.  Nội dung bài hát như một thứ keo đã gắn kết chặt chẽ tâm tình giữa người đi / kẻ ở và đặc biệt gần gũi với thân phận của người tù không có án mà không biết ngày về!
Việt Dzũng viết như một trang trải còn chúng tôi nghe với xúc động và biết thêm như đọc một bản tin.
Từ những hình ảnh nhỏ bé nhất cây kim, sợi chỉ mà người con gửi cho Mẹ để Mẹ khâu vá lại cuộc đời “Mẹ may hộ con tim gan quá đọa đày” đến thực tế với việc tù chúng tôi, từng nhóm, cũng nhận được vài cây kim với dúm chỉ của trại phân phát nhưng hiếm lắm, thường thì xin thân nhân gửi trong gói quà, để tự may vá áo quần bị rách nát, đến xấp vải Chị “may áo cưới hay áo tang” như là một hiện thực!   Rồi hình ảnh của đứa em thơ với chiếc kẹo “em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng” chẳng khác gì những viên đường hiếm hoi trong các gói quà chúng tôi thường cắt nhỏ, cho đủ phần, để chia nhau thấm lưỡi!
Cho Mẹ, cho Chị, cho Em rồi tiếp theo là manh áo trắng cho Cha để “Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây”!  Nếu Cha mà mặc được chiếc áo trắng của đứa con gửi trước khi ra pháp trường thì đã hẳn là hạnh phúc vô cùng, vì được ấm lòng trước khi gục ngã, trong lúc người tù thật sự khi bị giải ra pháp trường thì te tua, rách nát và bị nhục mạ, mắng chửi thậm tệ!
Diễn biến từ lời bài hát đến thực tế thật sống động!
Vì thế giai điệu của bài hát dù trầm buồn nhưng không sướt mướt hay yếu hèn!  Khi những tù nhân hát rỉ tai cho nhau thì sự xúc động khác hẵn với bây giờ, được nghe ca sĩ thứ thiệt với dàn nhạc công tài hoa điêu luyện phụ họa!  Một Chút Quà Cho Quê Hương có một âm hưởng riêng trong hoàn cảnh người tù rách nát, gầy rạc, trần trụi, ngồi hát nho nhỏ cho nhau nghe, sai lời, lạc điệu!  Nhưng bài hát đó đã tồn tại trong tâm thức của người tù, như tôi!
Vì hình ảnh đó rất thật!  Thật và vẫn hiện hữu!  Thật và rõ như đang xem phim mà mình là vai chính trên màn hình HD!
Ngày đó Việt Dzũng bao nhiêu tuổi mà đã sâu sắc nỗi đau của người VN đến như vậy?
Cũng không cần phải hình dung thêm, khi thực tế thì phe thắng cuộc cứ ca ngợi hết công suất về thành quả “cách mạng” còn phe thua cuộc thì “cha ru cuộc đời trong xứ tù chung thân”!  “Xứ tù chung thân” không phải là một thực tế thì là gì?
Hai hình ảnh đó tương phản như trắng / đen thì làm sao có thể “hòa hợp”?
Phe chiến thắng đã “phanh thây uống máu quân thù”, đang đứng ngập bàn chân trong máu người đồng chủng Việt để phất cờ, còn phe chiến bại thì bẹp dí dưới gót dép vỏ cao su Bình Trị Thiên để nón cối dép râu ngự trị với “đổng / đài / đạp” cùng “TV tủ lạnh chạy đầy đường”(?)
Và hôm nay, chính hôm nay đã xác định mục đích “cách mạng” là giới Tư bản Đỏ man rợ đang thống trị trên toàn cõi VN!
Dù từ thời điểm bài hát ra đời cho đến hôm nay Việt Nam đã có rất nhiều thay đổi về vật chất nhưng cốt lõi về tinh thần vẫn như thế!  Mỗi Tết đến, một bên cờ xí truyền thông ca ngợi chiến thắng Mậu Thân 1968, một bên người có thân nhân ruột thịt đã bị sát hại trong biến cố đó thì lo dọn dẹp bàn thờ để khói hương cúng vọng!  Cũng thế, dịp 30 tháng Tư thì phe chiến thắng có lễ hội “hoành tráng” ca ngợi “ngày lịch sử giải phóng miền Nam” còn phe chiến bại thì hồi tưởng kinh hoàng về sự sụp đổ, tán gia bại sản, gia đình ly tán, người thân yêu chết rừng, chết sông, chết biển với chuổi ngày đăng đẵng tiếp theo!  Đến nỗi những người vượt biển có may mắn thoát chết giữa sóng gió đại dương cũng không còn cơ hội tưởng nhớ đến những người thiếu may mắn đang mồ hoang khói lạnh trên các cồn đảo, vì mấy tấm mộ bia tưởng niệm nạn nhân vượt biển tại các trại tỵ nạn đã bị phe thắng cuộc vươn tay ra đập bỏ!
Tuổi trẻ Việt Dzũng không lao về phía trước đầu tư vật chất cho cá nhân như bè bạn cùng trang lứa mà anh ngoái lại đàng sau lo kết nối những mảnh đời lang bạt với hy vọng “gửi về VN nước mắt đong đầy / mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình”!
Anh cũng muốn tìm lại nguyên do sự thất bại của miền Nam bằng cách trực diện với ông Nguyễn Văn Thiệu, cựu Tổng thống VNCH, nên khập khểnh với đôi nạng đứng trước micro để chờ đến phiên được đặt câu hỏi, trong lần ông Nguyễn Văn Thiệu họp báo tại quận Cam.  Dù không biết anh sẽ hỏi gì nhưng rất tiếc, vừa đến lượt anh thì ban tổ chức thông báo đã hết giờ, rồi vội vã hộ tống ông Nguyễn Văn Thiệu ra khỏi hội trường ngay sau đó!  Việt Dzũng đứng nán lại trong giây phút để chứng kiến thêm một lần lỗi hẹn nữa của vị cựu lãnh đạo miền Nam!  Trong cuộc họp báo đó ông Nguyễn Văn Thiệu dám tuyên bố “nhận hoàn toàn trách nhiệm” (về việc sụp đổ chế độ VNCH) nhưng lại quay lưng với nạn nhân!  “Nhận hoàn toàn trách nhiệm” nhưng vẫn không dám để lại, dù chỉ là một thư ngỏ, cho hậu thế có cơ hội soi rọi một giai đoạn bi thiết nhất của lịch sử VN cận đại!
Sau đó Việt Dzũng có cuộc phỏng vấn ông Trần Thiện Khiêm, cựu Thủ tướng VNCH và cũng là cánh tay mặt của cố Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu.  Tôi không còn nhớ chi tiết đối thoại nhưng trao đổi như thế nào đó đã đưa đến việc ông Trần Thiện Khiêm lý luận kiểu như ông còn là Thủ tướng, ông muốn dạy cho người Việt tị nạn (!) mà không hề xác nhận ông là một trong số người chính phải chịu trách nhiệm để mất miền Nam!  Cuộc phỏng vấn đó đã làm cho dư luận sôi động nhưng sau đó chắc có một số lý do nào đó nên link đã bị gỡ xuống!
Những gì Việt Dzũng đã làm, đã để lại thì rất nhiều, không thể kể ra hết!
Tôi không gọi Việt Dzũng bằng những mỹ từ hào nhoáng như một số người đang ca ngợi, dù rất đồng tình, tôi muốn trả Việt Dzũng trở lại ngôi vị bình thường của anh, của một người VN tị nạn!  Chính từ chỗ bình thường nầy nhưng nhờ cái TÂM đối với đất nước và dân tộc nên anh trở thành biểu tượng!  Một nghệ sĩ biểu tượng phải khác với một nghệ sĩ chỉ biết sống riêng cho chính mình!  Một nghệ sĩ biểu tượng phải là người dám sống cho lý tưởng cao đẹp!  Hiện tại lý tưởng đó là Dân chủ Tự do cho quê nhà!
Nên thay vì gọi Việt Dzũng bằng tài nghệ tôi chỉ gọi đơn giản bằng “anh” để anh được trở về như với một người Việt Nam bình thường!  Và từ chỗ bình thường đó anh mới nổi lên thành hiện tượng.  Hiện tượng tấm lòng của một người con yêu quý Tổ quốc!
Nghệ sĩ Việt Dzũng, anh không chỉ là Một Chút Quà Cho Quê Hương mà Chính Anh là một món quà tuyệt đẹp của quê hương!
Xin chào vĩnh biệt con người thể chất của anh!
(Dec 23rd, 1013)
© Đàn Chim Việt
_______________________________________
https://www.youtube.com/watch?v=eZtz9-f6cKg  Một chút quà cho quê hương.  Khánh Ly hát.
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/82508/nghe-si-viet-dzung-khong-chi-la-mot-chut-qua-cho-que-huong/2013/12
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001