Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

VĂN HÓA VIỆT BÌ BÕM TRƯỚC NGỌN NÚI NOBEL

VĂN HÓA VIỆT BÌ BÕM TRƯỚC NGỌN NÚI NOBEL 



05/12/2013
Nguyễn Hoàng Đức
 .Yêu nước yêu dân không có nghĩa là cứ ca tụng, nhạc sĩ thiên tài Schumann nói, bánh ngọt và kẹo chỉ làm cho con người lớn lên yếu ớt, không thể thành người lành mạnh, người Việt cũng nói “Yêu cho roi cho vọt/ ghét cho ngọt cho bùi”.
Tôn Trung Sơn thiên tài lý thuyết hiện đại của Trung Quốc chê dân tộc mình không trưởng thành vì già rồi còn bị lấy roi đánh như trẻ con ưa bạo lực, Văn hào Lỗ Tấn cảnh tỉnh “người Trung Quốc chỉ giỏi ăn thịt người”, còn thi sĩ Tản Đà róng riết người Việt “dân hai nhăm triệu ai người lớn”… họ đều là những người đau đáu về tình yêu đất nước. Hoàng đế Napoleon nói “Quá khoan dung với tội lỗi chỉ là đồng tình với tội lỗi”. Những con chuột ở trong chĩnh gạo bao giờ chẳng chút chít hát vang bài hát ca tụng chĩnh gạo. Một số người bênh vực và đồng tình với tính hư nết xấu, chẳng qua là vì họ giống vậy, họ bảo vệ vì thấy bị động lòng, bảo vệ cái xấu của người khác chính là bảo vệ cái xấu, cái dốt của họ. Ở đời công việc cao đẹp và can đảm bậc nhất là dám làm chứng để cứu vớt những người oan khuất trước tòa công lý. Việc làm chứng đó can đảm khác hẳn ở chiến trường chỉ có một phương thụ địch, còn ở tòa án người làm chứng phải đối mặt mười phương thụ địch. Muốn yêu nước thương nòi, thì cũng nên bảo vệ và làm chứng cho dân tộc. Người Việt nói “Khôn ngoan đến cửa quan mới biết”. Muốn làm chứng, muốn nói về cái hay của người Việt sao không bước lên thẳng diễn đàn để ca hát cùng nhạc điệu âm vang mà cứ rúc xuống sàn hát thì ai nghe thấy? Triết gia Sartre nói: Con người tự do, người ta lựa chọn đối mặt để làm người anh hùng, và chọn chạy trốn để làm kẻ hèn nhát. Có một bước lên sàn đấu để ca tụng, hay biện hộ cho dân tộc mà không dám thì là gì đây? Con người vĩ đại là bởi hệ thống. Một đinh ốc riêng lẻ chẳng là gì, nhưng đứng trong cỗ máy nó có thể vận hành cũng như khai tử cả cỗ máy. Xe bò, xe đạp, ô tô hay tên lửa vận động được là bởi chúng hoàn thiện tính hệ thống của mỗi chủng loại. Một người xách cái túi ra chợ hỏi “có mua ô tô không?” Ô tô đâu sao chỉ có cái túi con con. Người bán lấy ra cái gương bảo “gương ô tô đây”. Cái gương ô tô riêng lẻ không bao giờ là cái ô tô, mà chỉ là của bọn chôm đồ. Xe Nga, xe Pháp, xe Mỹ, xe Ý có thể khác nhau, nhưng chúng đều lái được bởi vì chúng hoàn thiện hệ thống riêng của mình theo qui tắc chung về vận động. Một người viết bài không có khả năng hoàn thiện tính hoàn chỉnh của bài thì có khác gì đi khoe mấy cái gương, cái đèn, cái còi…? Người Việt cũng bảo “khôn ngoan hiện ra mặt”, ở đời nếu ta không phô tên tuổi mặt mũi mình ra thì ai biết ta khôn ngoan? Thông minh tài giỏi mà không dám bước vào công đường thì chỉ là thứ xó bếp. Con vật ăn thịt như sư tử vừa đi vừa gầm. Con voi ăn cỏ cũng vừa đi vừa rống. Chỉ có loài chuột, bọ, gián, muỗi mới chui rúc gầm giường xó tối rình rập cắn đồ hút máu.
Bài trước bàn về “Nobel và thể chất của người Việt”, tôi đã bàn trên những nền tảng khoa học chắc chắn bậc nhất của nhân loại, bao gồm lý thuyết địa- chính trị, nhân chủng, và cả tướng số. Vì đề tài trung tâm là khao khát Nobel của người Việt, nên các yếu tố khác chỉ là bổ xung. Nếu bạn nào muốn bàn kỹ, mời lên đài. Còn bạn nào cảm thấy mình chưa đủ tự tin thì nêu câu hỏi, nhưng cần nêu đích danh tên tuổi. Vì tôi không thể đấu với cối xay gió.
Nhưng khi bàn về văn hóa, thì vấn đề còn minh định hơn, vì văn hóa là cái kết tinh từ tất cả, là “cái còn lại sau khi người ta đã quên đi tất cả”. Người phương Tây đặc biệt là triết gia Mauss trong tiểu luận “Những kỹ năng cơ thể” (Les techniques du corps) được đăng trong cuốn “Con người và thế giới” (l’Homme et le Monde) đã viết: “Bạn có thể phân biệt nhân loại ngồi xổm và nhân loại ngồi ghế… những người có bàn và những con người không có bàn”. Người phương Tây không có từ ngồi xổm, mà họ dùng từ này qua cách nói “ngồi kiểu ếch” (l’humanite accroupie). Theo triết gia Hegel, ngồi ghế là địa vị của ông chủ, đặc biệt vua chúa xác định quyền lực tối cao của mình bằng ngai vàng. Ngồi bệt là người nghèo khổ nô tài. Ngồi xổm là kiểu ngồi không có ghế. Theo đó trình độ của châu Á nói chung vào nhà tụt dép ngoài cửa, lấy đất làm ghế, bàn bé tẹo cao bằng chiếc ấm… vì thế là những dân tộc không có nhu cầu viết lách, chữ nghĩa ít, văn hóa kém. Ngay cả quan lại Tàu hay Nhật xưa kia cũng ngồi nền nhà khom lưng viết trên cái bàn bé tẹo. Phía sau ngai vua thì viết chi chít chữ để khoe mẽ “chữ thánh hiền”.
Về ở, cũng là kiến trúc, để giữ ấp cho ngôi nhà của mình thì tường phải dầy, trong khi người xứ lạnh xếp cả những cây gỗ lên nhau làm vách, thì người phương nam có những ngôi nhà bé tẹo che vách bằng phên tre hay lá hoặc gỗ mỏng. Nhiều ngôi nhà phía nam bé đến mức, khi diễn xuất các diễn viên điện ảnh cứ đứng ngoài sân cho tiện, vì như vậy mới đủ ánh sáng, và bên trong những ngôi nhà đó cũng không thể đem hết dụng cụ quay phim vào.
Vì không khí mát mẻ, đánh một chiếc quần đùi hay xà lỏn có thể đi tung tăng khắp nơi mà người Việt mắc thói tùy tiện, vô cùng tùy tiện. Điều này là khác hẳn các xứ tuyết cũng như sa mạc. Ở đó ngôn ngữ của người ta rất cụ thể chính xác và cẩn trọng bởi vì nó liên quan trực tiếp đến sinh tử của con người. Ở vùng sa mạc chẳng hạn, nếu muốn đi xa mà không chuẩn bị túi da đựng nước, diêm để đốt lửa ban tối, chăn đắp ban đêm, thì nguy cấp ngay cho tính mạng. Ở vùng xứ tuyết cũng vậy. Cho nên họ không có thói quen nói năng ba phải tùy tiện nghê nga. Ngôn ngữ là tư tưởng, và cũng chính là con người. Ngôn ngữ tùy tiện là loại hạ tiện và nó hạ cấp con người xuống hàng nô lệ không bao giờ phải chịu trách nhiệm về ai cả. Người Hoa có câu “vua không nói chơi”, hay “nhất ngôn cửu đỉnh”, còn người Việt nói loại lời nói gió bay hoặc “nhổ bọt xuống đất rồi lại liếm” nghĩa là thứ mạt hạng, bò lóp ngóp không bao giờ có tư cách của ông chủ.
Thêm vào đó, tiếng Việt chủ yếu do ông Alexandre de Rhodes chế ra từ thế kỷ 17 với mục đích dễ học nhất giành cho trình độ dân Việt 99% mù chữ. Có chuyên gia tính tiếng Việt người khôn học mất 20 ngày, người ngu học trong ba tháng, có một bằng chứng lớp vỡ lòng trước kia chỉ trong một năm trẻ con đã cầm tất cả các tờ báo đọc vèo vèo… Ngôn ngữ lớn mới sinh văn học lớn, như tiếng Nga, tiếng Pháp, hay tiếng Anh đã tạo ra các văn hào và thi hào cũng những triết gia. Trong khi đó tiếng Việt quá dễ, nên đã tạo ra sự dễ dãi trong tâm tính, cộng với tính tùy tiện “mặc xà lỏn tung tăng khắp nơi” mà người Việt mới chỉ có thể làm mấy vần thơ tức cảnh sinh tình. Tại sao?
Bởi vì thơ cũng là một hình thức tùy tiện, nó được bao dung tuyệt đối về trí tuệ. Có ai cự nự hay vấn hỏi tính trí tuệ của một bài thơ bao giờ! Trí tuệ chắc hẳn là giá trị cao nhất của con người, mà cái giá trị đó lại được tha bổng hay bỏ qua tuyệt đối cho thơ. Thì thơ còn lại gì? Đúng lý ra theo Hegel, thơ ca là môn nghệ thuật cao nhất khi chỉ có nó bày tỏ trực tiếp được triết lý mà cả kiến trúc, hội họa và âm nhạc không làm được. Nhưng đó là thơ ca bao gồm cả kịch, cả văn xuôi, cả thơ. Nhưng mà với văn hóa tùy tiện mặc xà lỏn cho mát các nhà thơ xứ ta chủ yếu mới vè vè quanh cảm xúc làm sao đạt tới trình độ đồ sộ của văn học mang tinh thần văn hóa cao?
Thể trạng tinh thần lúa nước ở mức nào? Trung Quốc, rồi Ấn Độ, Nhật Bản, Việt Nam, Đông nam Á… chiếm dân số hơn nửa loài người mà không có nổi dăm mống cầu thủ bóng đá cỡ quốc tế. Bóng đá là môn cơ bắp còn thế, nói gì đến các môn cao siêu. Tại sao? Vì thể tạng của người châu Á yếu ư? Không! Cái yếu chủ yếu của người châu Á là họ không mang tính nhất quán trong tâm hồn, lúc nào cũng nước đôi, sắc sắc không không, “tính không của vật”, trong âm có dương… thì làm sao có thể thành mũi nhọn chú mục vào điểm gì? Người biết võ người ta chỉ ra một đòn đúng huyệt, đằng này học hành ú ớ, đấm như phủi bụi, đấm lia lịa không thấy đã, đành cứ phải đấm thêm đấm nếm. Nhìn cách cá ăn rỉa xung quanh người ta biêt đó là cá đồng. Nhìn cách con cá kình lao nhất khoát vào con mồi người ta hiểu được đó là cá đại dương. Nền văn học Việt đã bao giờ sắm tầu để đi săn cá voi Nobel, hay mới chỉ loanh quanh đánh giậm bắt vài cái giải khu khóm trong cái ao lõm bõm toàn tép?
NHĐ  05/12/2013

Tác giả gửi cho NTT blog
nguồn:http://nguyentuongthuy2012.wordpress.com/2013/12/05/van-hoa-vie%CC%A3t-bi-bo%CC%83m-truoc-ngo%CC%A3n-nui-nobel/
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001