Võ Phiến - Tả Cảnh
at 2:25 PM
Võ Phiến -
— Tiến bộ đâu chẳng thấy, đời cứ mỗi
ngày mỗi tệ thêm. Chán thật.
— Ý bạn muốn bảo hạt cơm ngày nay ăn
không ngon bằng đời Nghiêu Thuấn chăng, phi cơ bây giờ bay chậm hơn đời Nghiêu
Thuấn chăng?
— Hừm! Người ta nói đây là nói về
đường tinh thần. Về văn chương, nghệ thuật cơ.
— A! Tôi hiểu.
Vậy chắc bạn cho rằng văn bây giờ không theo kịp Siêu Quát, thơ hôm nay thua
thơ Lý Đỗ?
— Tôi không nói lên một cảm tưởng
chung chung, vu vơ. Nên nói cái gì cụ thể, rõ ràng: Chuyện tả cảnh chẳng hạn. Ngày
trước, khắp Đông Tây bao nhiêu là cây bút tả cảnh thần tình. Mãi sau này lớp
Nguyễn Tuân, Hàn Mặc Tử, Thế Lữ v.v...cũng có những bức tranh tuyệt vời về cảnh
vật thiên nhiên. Mấy chục năm gần đây mở sách ra chỉ thấy toàn những nhân vật
bấu xấu lẫn nhau, chộn rộn, nhố nhăng; chẳng thấy thiên nhiên đâu nữa, chẳng có
mấy cảnh vật tả ra hồn. Úi dào!
— Bạn nói năng
có khẩu khí.
— Thế à?
— Vâng. Nói cứ
như một nhân vật lẫy lừng. Tức bà lão Chín Cân trong truyện Lỗ Tấn.1
— Không được láo nhé. Tôi có gì
sai?
— Nói chung thì đúng. Còn cái
riêng, sẽ xét sau.
— Kìa! Đúng, hãy bảo là đúng. Còn
khẩu khí thế nào, mặc tôi. Khi nói lên một chân lý, tôi có quyền tuyên bố với
khẩu khí đế vương chứ ạ.
— Giá bạn có
được khẩu khí đế vương! Đàng này bạn phàn nàn, cằn nhằn... Xin lỗi, bạn có phần
lố...
— Lại láo! Trước sự trạng đáng
phàn nàn: phải phàn nàn thôi. Bạn có gì thắc mắc về sự trạng không? Bạn có cho
rằng chúng ta càng ngày tả cảnh càng hay chăng? rằng trong tác phẩm văn chương
của chúng ta có nhiều thiên nhiên hơn của tiền bối chăng?
— Không.
— Tốt. Thế về sự trạng, chẳng cần
chứng minh nhá. Vả lại nếu bạn không nhìn thấy sự trạng như tôi, tôi chỉ có
cách chấm dứt chuyện trò, mời bạn đọc sách lại, suy nghĩ lại thôi. Tôi không có
số thống kê để chứng tỏ cái nhiều ít, tôi cũng không mời được một hội đồng giám
định để quyết định cái hay dở.
— Bạn chỉ được
tôi ban cho một sự may mắn. Từ sự đồng ý may mắn về sự trạng, chúng ta đi tới
hai thái độ khác nhau. Bạn chê trách, phàn nàn...
— Còn bạn thì hoan hỉ? Đừng, bạn
không cần phản đối. Hiện thời chưa cần biết thái độ gàn bướng của bạn là như
thế nào. Bạn chê tôi, trước hãy để tôi biện minh. Theo tôi (và cũng là theo tất
cả mọi người) đã kém tất nên phàn nàn. Huống hồ đây là cái kém trầm trọng;
không phải chỉ là một sự kém sút về kỹ thuật, mà là một sa sút trong tâm hồn.
Tôi không cho tả cảnh là một vấn
đề kỹ thuật. Ở trường thày có dạy trò những kỹ thuật căn bản về phép tả cảnh,
nhưng tất nhiên không ai tin rằng cái dạy dỗ ấy có thể tạo nên những tài năng
về tả cảnh. Nếu đó là cách đào tạo, lúc này những kẻ có năng khiếu kinh doanh
tha hồ mở trung tâm huấn luyện thuật tả cảnh để hốt bạc. Giật được mấy chứng
chỉ về tả cảnh, thêm mấy chứng chỉ về phép tả người, thêm một mớ chứng chỉ về
phép dựng truyện nữa, từ trong trường bước ra tha hồ làm văn sĩ. Hoặc giả đang
viết lách phăng phăng bỗng thấy có trục trặc, cứ mạnh dạn vào lớp bổ túc cẩn
thận về môn tả cảnh, thế là “đổi mới” ngay. Lo quái gì.
Đàng này, không phải thế. Tả cảnh
với không tả cảnh là hai trạng thái tâm hồn, là hai loại tâm hồn, hai loại
người. Người không tả cảnh không phải là người không trông thấy cảnh, người yếu
mắt, người cần đi bác sĩ nhãn khoa. Và theo tôi nghĩ, cũng không phải là người
kém khả năng quan sát, cần được huấn luyện nữa. Không tả chẳng qua vì không thấy
có gì đáng nói. Như vậy phải chứ. Như vậy là thường tình. Hễ thấy cảnh không có
gì đáng nói thì không tả cảnh, thấy người không có gì đáng nói thì không tả
người, thấy sự việc ở đời không có gì đáng kể thì không kể làm chi: ở đời biết
bao nhiêu người vẫn như thế. Đó là phần tối đại đa số của nhân loại, cái phần
không phải là văn nghệ sĩ.
Văn nghệ sĩ là phần tử không
thường. Đêm đêm trăng sáng vẫn thế, Hàn Mặc Tử tự dưng lại thấy bao nhiêu là
cái đáng nói, cần nói, rồi thì huyên thiên lên “Chơi giữa mùa trăng”. Bao người
xung quanh ngày ngày vẫn vậy, vẫn đi lại trước mắt bạn bè, chẳng ai thấy gì
khác lạ, bỗng dưng La Bruyère thấy ra bao nhiêu là điều cần nói, rồi huyên
thiên lên (Les caractères). Xã hội vẫn hoạt động trước mắt mọi người,
không ai thấy có vấn đề gì, Balzac lại nhìn thấy một tấn trò đời (La comédie
humaine) nói mãi không dứt, Nhất Linh lại trông thấy ra vấn đề cô Loan,
Hoàng Ngọc Phách lại thấy có câu chuyện Tố Tâm v.v... Những vị vừa kể tinh mắt
hơn người chăng? Không. Mù mắt như Nguyễn Đình Chiểu vẫn thấy ra chuyện. Những
cái ấy — cảnh, người, sự việc — không phải thấy bằng mắt, mà bằng tấm lòng.
— Khẩu khí bạn
lâm ly ra phết.
— Tạm gác khẩu khí qua một bên
đi. Tôi lấy một thí dụ. Nếu con đường này cũng như mọi đường khác thì việc gì
mà quan sát, mà vác bút ra hè hụi tả nó làm chi, phải không? Tả là khi nhận ra
nó có điểm đặc biệt nào đó, chẳng hạn nó... đìu hiu.
Khốn nỗi, trên mặt địa cầu chẳng
có con đường nào tự nó đìu hiu cả. Đường, tự nó chỉ có đường dài đường ngắn,
đường rộng đường hẹp, đường đất lở lói hay đường nhựa trơn tru... (Những cái ấy
chỉ có thể đưa vào tiểu thuyết objectal thôi, nhưng thời của nó đã qua
rồi.) Không những không có con đường đìu hiu mà cũng không có khu phố đìu hiu,
họa chăng chỉ có khu phố mươi lăm nhà, khu phố nghìn nhà vạn nhà, khu phố nhà
tranh, khu biệt thự lầu v.v...
Tóm lại không có con đường nào,
bụi cỏ nào, mùa thu hay mùa đông nào đìu hiu cả. Cảnh vật tự nó không có hồn.
Đìu hiu là cái mà hồn người trao cho cảnh vật: cho khóm lá, cho mùa thu... Một
khi ta chẳng có gì để trao cho cảnh vật thì nó chẳng còn có gì đáng tả nữa. Tả
làm chi cái cảnh: Trên trời lúc bấy giờ có đám mây to bằng sáu mươi tám lần
chiếc bánh đa, màu xám tro, bên phải đậm bên trái nhạt, trôi theo hướng nam
bắc, tốc độ ước chừng ba mươi lăm dặm một giờ v.v... Nếu cứ nhất định quan sát,
nhất định tả cho kỳ được như tôi vừa tả, thì đọc có thấy “hay” không?
Bạn nghĩ coi: sự sa sút về tả
cảnh tố cáo một cái gì lớn lao quá, thấy không? Một sa sút trong tâm hồn. Ta
không còn gì để trao cho ngoại cảnh, cho thiên nhiên. Tâm hồn ta dần dần trở
nên khô khấc. Tôi phàn nàn vì thế, bạn hiểu chứ?
— Tôi có hiểu.
Và những điều bạn nói làm tôi phát run. Bạn bảo tối đại đa số nhân loại không
có gì để trao cho cảnh vật, có phải ý bạn muốn nói họ không có... tâm hồn?
— Ấy chết! Ấy chết! Tôi không
biết tôi đã nói năng ra sao. Thực ra ý tôi chỉ muốn bảo là đa số thiếu cái
thiết tha đối với thiên nhiên thôi. Ở đời, gần như chẳng ai là không thiết tha.
Có người thiết tha với vợ con, có kẻ thiết tha của cải, có hạng thiết tha quyền
lực, có những vị thiết tha với tín ngưỡng, với lý tưởng v.v... Đối với bất cứ
cái gì liên hệ đến đối tượng thiết tha của họ thì họ nhạy cảm. Kẻ thiết tha với
tiền, hễ nghe phong phanh về chuyện có lợi là sáng cả mắt lên, người thiết tha
quyền lực thì...
— Văn nghệ sĩ là
cái thiểu số thiết tha với cảnh vật...
— Không hẳn thế. Văn nghệ không
phải chỉ có ngâm hoa vịnh nguyệt. Tôi nghĩ người văn nghệ sĩ yêu cả cuộc sống.
Họ thích thú ngắm nghía vần trăng, áng mây, mặt hồ, cành liễu; họ cũng say mê
theo dõi hoặc mối tình ngang trái của Anna Karénine, hoặc cái tình thương con
điên dại của cụ Goriot, hay những ngày đau đớn cuối cùng của Ivan Ilitch; họ
lại tò mò về các diễn biến trong xã hội Nga suốt thời chiến tranh chống lại
cuộc xâm lăng của Nã-phá-luân (Chiến tranh và hòa bình của Tolstoi),
trong xã hội Pháp hồi tiền bán thế kỷ XIX (Trò đời của Balzac) v.v... Họ
“mê” cuộc sống, mê dữ dội và bất vụ lợi; họ rình dò từng biểu hiện của cuộc
sống dưới mọi hình thức, từng hơi thở của cuộc sống.
Cái tiếp cận của những con người
như thế đối với cảnh vật là một tiếp cận nồng nàn, trong khi “thế nhân” tiếp
cận hững hờ. Một tiếp cận nồng nàn mới khiến ta trông thấy cái đìu hiu của một
con đường, trông thấy cái đáng nói đáng tả nơi cảnh vật. Ngày nay...
— Ngày nay, than
ôi! bao nhiêu thiết tha vụ lợi đã xô giạt mất cái thiết tha bất vụ lợi của con
người?
— Bạn không nghĩ vậy sao?
— Không.
— Thế bạn cho rằng bây giờ tình
yêu thiên nhiên vẫn còn như xưa?
— Không. Tôi
không dám bảo đảm thế.
— Ơ kìa! Thế bạn làm sao cắt
nghĩa sự trạng mà bạn đã từng đồng ý với tôi?
— Tôi cần gì
phải cắt nghĩa? Cổ nhân đã cắt nghĩa hộ tôi. “Xa mặt thì cách lòng”. Ngày nay
chúng ta xa rời thôn quê rừng núi, dồn về sống ở đô thị, làm văn nghệ ở đô thị;
xa thiên nhiên, chúng ta quên nó, vậy thôi.
— Ờ ờ, có thể.
— Có thể à? Sự
thực là thế, còn gì hồ nghi nữa? Ngay cùng một lúc, cùng một nước, cùng một dân
tộc, hễ sống trong môi trường nào thì viết lách theo môi trường nấy. Trong thơ
văn Miền Bắc sau 1945 vẫn còn hình ảnh thiên nhiên: thôn xóm, ruộng đồng, cánh
cò, núi rừng, hoa cỏ v.v... Những cái ấy dàn khắp các tác phẩm văn nghệ Miền
Bắc là vì trong suốt ba mươi năm chiến tranh ngoài ấy đâu còn đô thị, thậm chí
các tỉnh lỵ quận lỵ cũng xua dân tản cư về quê để sản xuất, để tránh địch.
Không những về đồng quê, nam nữ thanh niên ngoài Bắc còn bị lùa lên Trường sơn,
lên các mật khu, quanh năm mịt mù cây xanh. Trong thơ của Quang Dũng, trong văn
của Dương Thu Hương, Nguyễn Huy Thiệp, Hoàng Phủ Ngọc Tường v.v... làm sao
thiếu thiên nhiên được. Trong lúc ấy, ở Miền Nam, phần lớn văn nghệ sĩ dồn về
Sài Gòn, mấy ai chịu cam phận ở tỉnh lẻ, nói gì đến thôn lẻ, rừng lẻ. Thiên
nhiên nào lặn lội mằn mò về được Sài Gòn mà lọt nổi vào tác phẩm văn nghệ? À
này, tôi nhờ bạn giúp cho một việc, liệu bạn có vui lòng?
— Lại giở quẻ gì ra đấy?
— Có gì đâu. Tôi
hiểu biết nông cạn, nhưng nhờ bấm độn thấy rằng ở xứ Ba-tây thiên nhiên tràn
đầy nghệ phẩm; và xét tiền đồ văn hóa nước ấy, tính cho tới ngày tàn lụi của
rừng rậm Amazone, thì văn nghệ Ba-tây vẫn nhuốm màu lục. Tôi muốn nhờ bạn
nghiên cứu và kiểm điểm hộ cho, xem sai đúng thế nào. Ấy, tôi bảo tả cảnh trước
nhiều sau ít nói chung là đúng, “nói riêng” không đúng, là như thế.
— Hầy! Hóa ra tả cảnh kém không
hẳn là con người sút kém nhỉ.
— Hơn kém gì đâu.
“Thế thành thị thế thôn quê, gặp thời thế thế thời phải thế”, vậy thôi. Ngày
xưa trong thơ các cụ R. Burns, Wordsworth, E. Poe... có chuột, có bướm, có chim
cu, chim sẻ, quà quạ, có hoa có cỏ... lung tung đủ thứ; bây giờ toàn một món
trí tuệ. Mới đây, trong East of Eden nào rắn mối, nhện nước, ễnh ương v.v...
đầy dẫy. Trong The grapes of wrath cũng của J. Steinbeck, một con rùa bò khệnh
khà khệnh khạng suốt cả trang sách, và cũng mới đây thôi, trong Bác sĩ Jivago
của B. Pasternak thiên nhiên còn tràn ngập; nhưng rồi đến John Updike, trong cả
bộ truyện về gã Rabbit có trăng nào mọc có hoa nào tàn đâu. Một chiều hướng văn
minh, một xu thế đổi thay trong lối sống thôi. Hơn kém gì.
— Hầy! Theo chiều hướng này, e ta
còn lâu mới bắt kịp Âu Mỹ đa. Cũng lại là chuyện hơn kém nữa! Trong văn phẩm
Miền Nam độ sau này đã nặng hơi hướng nếp sống đô thị, nhưng so với văn phẩm ra
đời trong khung cảnh New York, Los Angeles, Paris, thì...
— Ta thua, vâng,
ta thua. Xét theo lối ấy, có thế. Trong quá khứ, Á với Âu cùng nồng thắm tình
yêu thiên nhiên: Huề. Chuyển sang văn minh kỹ nghệ, họ đi trước ta, họ yêu và
họ ghét những kiểu xe cộ, những giọng hát tiếng kèn hộp đêm... trước ta. Chúng
ta chẳng qua mới tập tành tí chút. Bây giờ bạn có còn tha thiết phục hưng tả
cảnh nữa không?
— Tha thiết hay không tha thiết,
chẳng có ai phục hưng được cái gì, cũng chẳng ai nhảy vọt gấp rút tới một cái
gì. Dù là cảnh thiên nhiên hay cảnh đô thị, không phải ta muốn lôi chúng vô đâu
thì lôi, muốn lôi lúc nào thì lôi. Không phải kể chuyện riết một hồi, sực nhớ
chưa có cảnh bèn chạy đi “quan sát” núi đồi cẩn thận rồi tống vô sách, lại sực
nhớ chưa có phòng trà ca sĩ bèn đẩy ngay vào mấy em ca-ve vài cậu da đen thổi
kèn inh ỏi là xong việc. Có tiếp cận lâu dài với cảnh vật, có chung sống với nó
trường kỳ mới đưa nó vào văn nghệ phẩm được. Đâu phải cứ lâu lâu đi Yellowstone
hít khí hạo nhiên một phát rồi về nhà tha hồ tả cảnh.
Đối với người lớn lên ở đồng quê,
tiếng sấm rền trong đêm mưa dông và kỷ niệm tang tóc nào đó là một; đối với kẻ
sinh trưởng nơi thành phố tiếng còi tàu giữa khuya, tiếng xe cứu thương, tiếng
xe thắng rít trên đường nhựa có thể gắn liền với một đau thương lớn trong đời,
như hòa làm một. Cảnh nọ tình kia có tương quan xương thịt.
Nguyễn Du bảo: “Nửa tình nửa cảnh
như chia tấm lòng”. Tôi sửa sai cụ Nguyễn một chút cho vui, nhé. Giữa tình với
cảnh không có tuyệt nhiên định phận tại nhân tâm, không chia đôi ranh giới minh
bạch như thế. Tình cảm thành hình trong khung cảnh nào, câu chuyện xảy ra trong
khung cảnh nào thì nó cuốn luôn cảnh ấy vào văn nghệ phẩm thôi.
— Nhưng dù sống
ở đâu, thành thị hay thôn quê, cũng chỉ có những người nghệ sĩ, yêu cuộc sống
say mê và bất vụ lợi, mới thấy có điều để nói để tả chứ...
— Danh ngôn của ai đấy nhỉ? Của
tôi à? Thế thì chính thị chân lý rồi, còn hỏi gì nữa!
6 – 1991
1 Nhân vật Cửu Cân
lão thái trong truyện ‘Phong ba’ hễ mở miệng ra là kêu: “Giá chân thị nhất đại
bất như nhất đại.” Ông Giản Chi (trong Lỗ Tấn tuyển tập) dịch: “Rõ thật mỗi
đời một thêm kém sút.”
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/12/vo-phien-ta-canh.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001