Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

'Bên độc tài bên lại thờ ơ' (Nguyễn Quí Đức)

"..Ở đây có một thể chế chứ còn con người, một cá nhân thì họ không có một người nào để trút giận, để xuống đường chống đối. Người Việt Nam nói chung cũng thờ ơ, và họ biết là có xuống đường nói năng gì, có viết một bài báo cũng không đi đến đâu..."

nguyenquiduc01
Ông Nguyễn Quí Đức cũng là một tác giả, dịch giả và là người dẫn
của nhiều chương trình phát thanh tại nước ngoài.
BBC : Theo quan sát của ông, sự kiện văn hóa xã hội nào nổi bật nhất năm 2013?
Trong năm 2013 chúng tôi thấy là các hội đoàn, các tổ chức, cá nhân cũng như các nhóm nghệ sỹ sinh hoạt khá nhiều với các sứ quán.
Họ tài trợ dịp đón thị trưởng Berlin làm chương trình âm nhạc, chiếu phim, cũng là sự kiện lớn ở đây.
Có một vài sự kiện khác như lần đầu tiên có liên hoan nhạc đương đại của nhóm Đom Đóm của nhạc sỹ Kim Ngọc, cũng là sự kiện rất vui.
Và đặc biệt là các sinh hoạt xung quanh Khu 9 hay còn gọi là Zone 9, các nhóm ở đây làm việc rất tích cực để tạo ra không gian văn hóa gần gũi với nhau.
BBC : Thưa ông sự kiện Zone 9 hiện nay đã phải đóng cửa và người ta đặt ra câu hỏi là sự hỗ trợ của nhà nước tới đâu trong việc phát triển văn hóa nghệ thuật ?
Đó là câu hỏi rất đáng đưa ra. Lúc đầu tiên khi ông thị trưởng Berlin tới đây cũng không phải là chuyện ngẫu nhiên mà ông ý chọn khu vực Zone 9.
Vì ở đây các nghệ sỹ, các kiến trúc sư, các nhà làm về giáo dục, nhạc sỹ dựng lên một nơi mới lạ, một phong trào dân sự của người dân, một xã hội dân sự có những người dân gom góp tiền của và chất xám để làm nên việc đó, nó rất đáng mừng.
Nhưng ngược lại, nhà nước chỉ để ý khi có quan hệ ngoại giao như với ông thị trưởng Berlin. Còn sau đấy thấy nó rầm rộ quá, không biết điều khiển nó như thế nào, không biết kiểm soát nó như thế nào thì có thể là họ rất e ngại và không ủng hộ những sinh hoạt đó.
zone9_01
Khu 9 Hà Nội nay đã chính thức đóng cửa vì lý do an toàn
BBC : Ông có nhắc tới phong trào dân sự nên nhà nước có phần e ngại vì họ sợ là sẽ không kiểm soát được. Như vậy các phong trào văn hóa nghệ thuật ở Việt Nam khó có thể phát triển được khi nhà nước còn lúng túng và còn muốn độc quyền kiểm soát ?
Chúng tôi nghĩ rất tiếc là ở đây có các lợi ích của các nhóm ngân hàng, các nhóm đầu tư. Họ e ngại sẽ mất cơ hội đầu tư xây dựng.
Trong lúc nền kinh tế chậm tiến thì họ không có tiền nhiều nhưng họ muốn giữ một khu vực như thế và ở Hà Nội vẫn có những khu vực như thế.
Bây giờ nhà nước cũng ngại là nếu các nhà làm văn hóa làm những công việc như thế thì nó không có lợi cho những người có tiền, cho những ngân hàng. Chúng tôi thấy rõ ràng là họ không thích vấn đề đấy.
Và những lý do như tai nạn lao động hoặc vấn đề phòng cháy chữa cháy trở thành lý do bề mặt thôi.
'Giật tít lung tung'
BBC : Liệu đây có phải là một trong những sự kiện quan trọng trong năm 2013 để người ta thấy được khi môi trường xã hội không thuận lợi, không bền vững để người ta có thể yên tâm sáng tác và yên tâm hoạt động nghệ thuật ?
Tôi nghĩ là xã hội Việt Nam đang qua thời gian biến đổi từ một thể chế có sự độc tài độc quyền của thể chế nhà nước. Sau đấy vẫn còn một số phương thức để nhà nước kiểm soát văn hóa.
Nhưng ngược lại thì vẫn có lực của thị trường. Lần đầu tiên các nghệ sỹ tìm ra được sân chơi không quá đắt đỏ, chứ ở Hà Nội để thuê được một chỗ to như thế thì khó mà kiếm được.
Các nghệ sỹ đầu tư không những tiền nong, mà còn chất xám, rồi hợp tác với nhau, làm việc với nhau thì lúc đấy nhà nước không biết phải làm gì và không có chế độ nào rõ rệt đối với các sinh hoạt như thế.
Cái đó ở nước ngoài nó đã xảy ra và khi xảy ra nó được sự ủng hộ của nhà nước, và ở Việt Nam chúng tôi không thấy có những ủng hộ đó.
BBC : Trong năm nay chính quyền có đưa ra Nghị định 72 cấm các hành vi lưu truyền thông tin trên mạng xã hội, trên các trang cá nhân. Ông có cho là do bị cấm đoán, kiểm duyệt và định hướng nên báo chí Việt Nam phải tránh không đề cập đến các chuyện chính sự ?
Tôi cũng không rõ nhưng tôi nghĩ là thế này. Qua một thời gian rất lâu để các nhà báo biết mình đi được đến đâu, mình làm được cái gì, mình mệt mỏi thì như thế nào, mình không mệt mỏi thì như thế nào.
Nếu mình muốn cố gắng để làm được cái gì hay hơn tốt hơn có được hay không. Nó thành một thói quen mà chính những người làm báo phải trả lời câu hỏi đấy.
Những người làm việc trong ngành đó họ cũng thuộc một hệ thống, một chế độ trong ngành báo chí. Nó không thay đổi được và tự nó như thế rồi.
Còn vấn đề nó trở thành lá cải hơn thì ở nước nào cũng thế. Tuy nó có nhưng nó vẫn có những sinh hoạt chuyên môn hơn, chuyên nghiệp hơn, còn phần lá cải vẫn có.
Nhưng ngược lại, Việt Nam đúng là từ khi có báo mạng nhiều, có mạng xã hội, chuyện giật tít, chuyện loan tin lung tung lên hết. Nó xảy ra quá nhiều.
Và nhu cầu của người đọc thích xem về người nổi tiếng, về vấn đề tính dục thu hút người đọc.
Bây giờ bên này cuộc sống người ta chạy chật vật, không có thời gian đọc những gì nghiêm trọng, mệt nhọc hơn thì người ta cứ cho là báo chí chỉ là lá cải thôi mà không nói lên được tiếng nói nào để thúc giục tinh thần chuyên nghiệp hơn.
loaphuongkhom01
Truyền thông độc lập
BBC : Ông cũng từng làm việc ở các nước ngoài, ông thấy cách họ quản lý báo chí ra sao ?
Điều làm tôi buồn cười là mọi người bảo là cách quản lý. Thật ra khi tôi làm việc ở nước ngoài thì không có vấn đề quản lý.
Nhà nước không muốn đụng đến báo chí. Chỉ khi nào ông mạ lị người ta, ông nói láo này nọ, thì họ có quyền kiện tụng nhau đưa nhau ra trước tòa, trước công pháp chứ không có ngành quản lý.
Trong một xã hội tự do hơn, người ta có quyền xin đăng ký mở kinh doanh về mặt báo chí thì nó thuộc kinh doanh. Còn quản lý nằm ở người đọc.
Ông làm báo giỏi, ông viết bài hay, ông viết bài nghiêm túc thì tôi đọc, tôi theo tờ báo của ông thì sau đấy ông có thể bán được quảng cáo hay ông có một số lượng người đọc để chứng minh là ông làm việc giỏi, tốt hay có chất lượng, chứ không phải là quản lý từ nhà nước.
Nó có quản lý là từ người đọc, từ số lượng người xem chứ không phải là của nhà nước hay của một tổ chức văn hóa.
BBC :Như vậy thì truyền thông nên là một mảng hoàn toàn độc lập, không nên là một cơ quan, một khối tuyên truyền cho một chính thể ?
Đúng. Có rất nhiều nước cho rằng báo chí phải là một thể chế thứ tư.
"Khi nhà nước và lợi ích của nhà nước, lợi ích của quan chức và lợi ích của nhà đầu tư lớn gặp nhau ở điểm chung nó sẽ trợ giúp cho nhau và con người trong xã hội có tiếng nói kém hơn tiếng nói của lợi ích chung đó".
Tức là có thể chế về hành pháp, lập pháp và tư pháp. Còn báo chí là để xem xét những người nhà nước, kinh doanh có làm việc đúng không hoặc để xem được những ông văn hóa làm được những gì, nhà khoa học nói những gì, làm gì có đúng không.
Khi một nhà khoa học bảo tôi phát minh ra một cái này rất hay thì công việc của báo chí là phải đi tìm xem nhà khoa học đó nói có đúng không.
Báo chí đóng vai trò rất tốt để người ta mở mang được những con đường cho người ta suy nghĩ chứ nó không tuyên truyền là ông phải nghe theo lời này, nghe theo lời kia.
Tôi cho ông những chọn lựa đây, ông tự chọn lựa, tự suy nghĩ, tự quyết định. Trong một nền dân chủ đây luôn luôn là điều rất quan trọng, con người có quyền tự quyết, chỉ cần có thông tin để cho họ tự chọn.
BBC : Như vậy chừng nào còn sự kiểm soát của một đảng, một chính quyền, chừng nào còn sự độc tài, độc quyền thì sẽ khó có được xã hội ổn định và tự do phát triển ?
Tôi cho là phải định nghĩa được ổn định là gì. Với nhiều người làm kinh doanh chẳng hạn, họ cho là một thể chế kiểm soát rất chặt chẽ với xã hội, thì xã hội đó ổn định không có sự nổi loạn, đòi đủ thứ chuyện, nay như thế này, mai như thế khác.
Trong trường hợp Zone 9 này chúng tôi thấy là nó đang ở trong giai đoạn chuyển biến, chuyển tiếp giữa một xã hội, một thể chế độc tài qua một thể chế tư bản hơn, tự do hơn, thì nó có sự kết hợp của nhà nước với các thế lực tài chính.
Thì người bị thua thiệt là người dân, người làm văn hóa, những người kinh doanh nhỏ.
Còn khi nhà nước và lợi ích của nhà nước, lợi ích của quan chức và lợi ích của nhà đầu tư lớn gặp nhau ở một điểm chung nó sẽ trợ giúp cho nhau và con người trong xã hội có tiếng nói kém hơn tiếng nói của lợi ích chung đó của hai phía kia.
bieutinhchongtrungquoc01
Biểu tình phản đối Trung Quốc ở Hà Nội hôm 02/06/2013
BBC: Trong năm 2013 cũng xảy ra một số vụ bắt bớ, đàn áp người dân, người đi biểu tình hay một số nhà báo, blogger. Những sự kiện như vậy có được dư luận bên trong Việt Nam chú ý không hay chỉ có một bộ phận nhỏ và ông có cảm thấy là người dân Việt Nam thấy mình cần có quyền được biểu tình, được bày tỏ chính kiến một cách hòa bình không ?
Cái đó đã xảy ra từ năm 2012, 2013, nhất là trước tình huống với Trung Quốc, người ta có thái độ rõ rệt với những hành động của Trung Quốc ở biển Đông, thì nó lộ ra tinh thần đấy.
Nhưng cô nói đúng là tinh thần của người Việt Nam ở đây rất mệt nhọc, họ không lưu ý nhiều.
Có một bộ phận họ lưu ý đến quyền làm người, quyền biểu dương lực lượng hay biểu tình để nói lên ý chí của mình, ý tưởng của mình.
Nhưng ngoài ra thì mọi người khác cứ sống như thế. Tại sao không có những cuộc nổi loạn như ở Trung Đông, như ở các xứ Ả Rập ?
Tôi cho là ở đây, cuộc sống của họ dầu sao so với cách đây 20 năm, 25 năm vẫn có sự tiến triển, vẫn nhẹ nhàng hơn một chút thành ra họ không nổi loạn, không tức bực quá độ như ở những chỗ khác.
Ở những nơi khác có một vài người lãnh tụ độc tài. Ở đây có một thể chế chứ còn con người, một cá nhân thì họ không có một người nào để trút giận, để xuống đường chống đối.
Người Việt Nam nói chung cũng thờ ơ, và họ biết là có xuống đường nói năng gì, có viết một bài báo cũng không đi đến đâu.
'Độc tài và độc quyền'
Theo đánh giá của nhà báo Nguyễn Quí Đức, một trong những sự kiện văn hóa xã hội nổi bật của năm 2013 là Khu 9 bị đóng cửa, nó có thể cho thấy việc nhà nước lo ngại và không biết phải kiểm soát thế nào.
Bên cạnh đó là sự thiếu hỗ trợ cho văn hóa nghệ thuật từ phía chính quyền, và "Nhà nước cũng ngại là nếu các nghệ sỹ, các nhà làm văn hóa làm những công việc như thế này thì nó sẽ không tiến hành được những công việc có lợi cho những người có tiền, cho những ngân hàng", ông Quí Đức nói.
"Khi mà lợi ích của nhà nước, lợi ích của quan chức, của các nhà đầu tư lớn gặp nhau ở một điểm chung, trợ giúp cho nhau thì con người trong xã hội có tiếng nói kém hơn tiếng nói của lợi ích chung của hai phía kia".
Nhà báo Quí Đức cũng cho rằng vấn đề độc quyền và độc tài trong kiểm soát văn hóa, thông tin, và với nghị định 72 có hiệu lực cách đây chưa lâu làm ảnh hưởng tới sự tự do phát triển trong báo chí cũng như sáng tác nghệ thuật.
Theo nhà báo đã có nhiều năm làm việc ở nước ngoài, truyền thông nên là một mảng hoàn toàn độc lập và không nên đặt ra câu hỏi sẽ quản lý nó như thế nào.
"Báo chí phải là một thể chế thứ tư... Báo chí đóng vai trò mở mang những con đường để người ta suy nghĩ chứ không tuyên truyền phải nghe theo lời này, lời kia".
"Tự suy nghĩ, tự quyết định là điều rất quan trọng trong một nền dân chủ, con người luôn luôn có quyền tự quyết".
Bình luận về các vụ bắt giữ, xử phạt các blogger hay đàn áp người biểu tình trong năm qua, ông nói Việt Nam không có các sự kiện người dân nổi dậy như ở Ả Rập có lẽ vì đã có sự tiến triển trong cuộc sống của người dân trong vài chục năm qua.
"Ở một vài nơi khác có lãnh tụ độc tài, ở đây có một thể chế còn con người thì không có một người nào để họ trút tức giận hay xuống đường chống đối".
Ông Nguyễn Quí Đức là một nhà báo, nhà văn, dịch giả người Mỹ gốc Việt hiện đang sống ở Hà Nội. Ông đã đạt một số giải thưởng quốc tế về văn học và báo chí.
Nêu dân chủ 'đúng lúc và kịp thời' (BBC, 02/01/2014)
Trả lời câu hỏi của BBC ngày 2/1 về việc liệu có nên đặt dân chủ chung với Chủ nghĩa xã hội như trong thông điệp đầu năm của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hay không, Giáo sư Tương Lai nói :
"Bây giờ đòi hỏi thông điệp của ông ấy phải bỏ luôn xã hội chủ nghĩa thì tôi chắc rằng ông ấy không thể tồn tại trên ghế thủ tướng được".
"Nhưng khi ông ấy nói rằng xã hội chủ nghĩa mà chúng ta xây dựng phải là xã hội gắn với dân chủ và Đảng phải nắm lấy ngọn cờ dân chủ thì tôi thấy nói như vậy, trong bối cảnh hiện nay, thì có thể chấp nhận được".
"... Đó là nội dung mà chúng ta mong muốn, còn đặt tên cho nó là gì thì có thể tính sau. Cái tôi cần, là nội dung cốt lõi của nó, chứ đừng mượn ngôn từ bịp bợm để lừa dối nhân dân".
Bình luận về lý do vì sao ông Dũng lại chọn thời điểm này để nhấn mạnh về vấn đề dân chủ, giáo sư Tương Lai cho rằng "muốn được lòng dân, muốn nhân dân tán thành với mình, không có gì hơn là bây giờ phải nói lên sự thật".
"Tôi thấy đã đến lúc đem vấn đề dân chủ gắn liền với chủ nghĩa yêu nước. Đó là nội dung bức xúc nhất mà người dân Việt nam mong muốn. Ai nói được điều này, là đáp ứng được lòng mong mỏi của dân", ông nói.
"Cho nên việc nêu vấn đề dân chủ lúc này là rất đúng lúc và kịp thời".
"Người nào làm được điều đó, sẽ nhận được sự ủng hộ của dân, dù là x,y,z hay a,b,c cũng không quan trọng".
nguồn:http://ethongluan.org/index.php?option=com_content&view=article&id=5579:ben-do-c-ta-i-ben-la-i-tho-o-nguy-n-qui-d-c&catid=65&Itemid=301
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001