Bốn mươi năm – Hoàng Sa, nhớ và nghĩ - chuyện của một hạm phó
Đỗ Xuân Tê
Chẳng
phải bây giờ mà từ 1974 tôi đã đựơc nghe chuyện Biển Đông một thời sủi
bọt khi bạn tôi, Hạm phó của một tàu Hải quân VNCH, thuật lại trận tử
chiến Hoàng Sa khi anh trở về từ vùng biển chết.
Ấy
vậy mà đã bốn thập niên tính đến 19-1 năm nay. Bạn tôi hiện đang sống ở
Úc, người hạm trưởng của anh đang ở San Jose (Mỹ). Cả hai vẫn kín
tiếng, chưa một lần phát biểu hay tham gia bất cứ cuộc hội thảo nào liên
quan đến trận đánh.
Không
phải các anh bàng quan với thời cuộc, cũng chẳng phải thiếu lòng tự hào
khi tham dự một trận đánh để đời đã đi vào quân sử, mà hình như hai
người đầu đàn của một khu trục hạm năm xưa vẫn mang niềm u uẩn của những
con sói biển khi cảm thấy uất ức vì để mất Hoàng Sa cho bá quyền Trung
quốc và cảm thương sâu sắc cho người đồng đội, Hạm trưởng Ngụy văn Thà
(hộ tống hạm Nhật Tảo HQ10) cùng 123 thủy thủ của lực lượng hải chiến
VNCH đã ở lại với biển.
Cách
đây mấy năm, anh có sang Mỹ chơi, trùng hợp với những ngày có hiện
tượng ‘lưỡi bò’, trong tình bạn bè vừa là người ưa viết lách, tôi có gợi
ý anh cho tôi một số chi tiết hoặc cảm nghĩ về cái ngày tháng giêng 19
khi bốn con tàu của Hải quân Việt nam rẽ sóng ra khơi từ bờ biển Đà nẵng
theo lệnh của Tư lệnh tối cao Nguyễn Văn Thiệu bằng mọi giá tiến chiếm
lại Hoàng Sa, khi bản thân anh vẫn còn là nhân chứng sống của một thiên
bi hùng sử mà một thời ngưòi ta chưa đánh giá đúng mức hay lường trước
được hậu quả chiến lược về chủ quyền biển đảo di hại đến nhiều thế hệ
con cháu sau này.
Như biết được suy nghĩ của
tôi, anh vẫn khiêm tốn góp ý là những gì về Hoàng Sa ngày ấy thì sách,
báo, chứng cứ lịch sử, cá nhân, tập thể cả trong lẫn ngoài nước đã nói
nhiều, nói chung đều trung thực và khả tín. Rồi như sợ tôi mất lòng, anh
từ chối khéo khi lấy một tập quán chỉ huy dù không thành văn của hải
quân là khi hạm trưởng còn sống mà chưa ‘lên tiếng’ sẽ là một sự bất
kính khi hạm phó hoặc những người theo tàu được phép phát ngôn.
Anh
nghiêm túc thổ lộ điều anh trăn trở là cần làm nổi bật cho các thế hệ
sau tinh thần bất khuất của Ngụy Văn Thà và những người con yêu của biển
đã hi sinh trong trận hải chiến tuy thiếu cân bằng về tương quan lực
lượng nhưng không hề khiếp nhược về mặt quyết chiến quyết tử khi đối mặt
với kẻ thù cướp đảo mà âm mưu xâm lược và ý đồ thôn tính đã có một lịch
sử lâu đời từ thuở Bạch Đằng giang.
Thật sự
ngôn từ của anh vốn bộc trực như tính cách của người lính, không hẳn
bóng bảy như tôi viết lại, nhưng trong câu chuyện trao đổi anh vẫn tỏ ý
buồn là cái chết của những người đồng đội của anh chưa được đánh giá và
tri ân đúng mức. Tất nhiên huy chương nào cũng có mặt trái, chiến công
nào đôi khi cũng có sự thổi phồng, nhưng một trận đánh nếu không
thắng thì tất yếu nó vẫn bị đánh giá thấp và những tác nhân xoay quanh
cuộc chiến rất dễ bị lãng quên, nếu không muốn nói đôi khi còn bị phẩm
bình soi mói.
Cứ theo ý của anh, thì sự
kiện Hoàng Sa năm 1974 không thể hiểu như vậy và cũng không thể xếp vào
trường hợp này, mà ta phải kể đến bối cảnh của miền Nam thời ấy, một
thời điểm cuộc chiến sắp tàn, một hiệp định đình chiến bó tay khi phải
đối phó với người anh em nội thù miền bắc, lại hết thời hậu thuẫn của
nguời bạn đồng minh bên kia đại dương, lực bất tòng tâm vẫn phải đơn
phương chống chỏi với kẻ thù xâm lược khi mà người trong nhà gà cùng một
mẹ không đồng tình chia sẻ, trong cách hiểu nào đó lại án binh bất động
tỏ tình quốc tế vô sản với người ‘vừa là đồng chí vừa là anh em’.
Qua
câu chuyện tôi cũng thấy anh phàn nàn khi cỗ máy tuyên truyền, cùng
những người lãnh đạo của chúng tôi, ngày ấy đã không mở một chiến dịch
quảng bá sâu rộng ý nghĩa cuộc chiến tranh cướp đảo và ý đồ của bọn
Trung Quốc, và sự hi sinh cao cả, kiên cường của những người lính biển,
mà phần nào đặt nặng những chiến công trên rừng trên đất, mải lo cho
chiến dịch lấn đất dành dân sau hiệp định Paris, nên thiếu ngợi ca những
người con yêu đã ở lại với biển, ghi công chiếu lệ với những người sống
sót trở về mà nay nhìn lại, dù một chế độ đã bị bức tử thì sự hi sinh
của họ vẫn là ‘những người yêu nước, chết vì nước’ không thể nào là ‘ngụy’ như lời ngợi ca của nhà thơ Trần Mạnh Hảo, một người lính bên kia chiến tuyến đã công bằng đánh giá. Bài thơ mang tên, ‘Người anh hùng họ Ngụy’
(lần đầu tôi được đọc trên QC) về sau được phổ biến khá rộng rãi trên
báo in, báo mạng khi sự kiện Biển Đông tháng giêng năm đó không còn là
chuyện của một thời đất nước phân đôi.
Ngẫm lại,
cái gì cũng có luật bù trừ, thời gian sẽ là nhân chứng đứng về phía
chính nghĩa. Giờ đây từ Bắc chí Nam, từ trong nước ra hải ngoại, đều
biết đến tên tuổi Ngụy Văn Thà, người anh hùng đã phát lệnh xung kích,
bắn phát hỏa đạn đầu tiên, sau lần cảnh cáo tàu địch không chịu rút khỏi
lãnh hải chủ nhà; hết đạn, bị thương nặng, không chịu tải thương, ở lại
tàu cùng chết với đồng đội, chết theo tàu khi trúng hỏa tiễn của địch,
vĩnh viễn ở lại với biển.
Nay nhìn lại Hoàng Sa
từ một thời điểm 40 năm sau phát súng lệnh đầu tiên của con tàu Nhật
Tảo, tác giả có ít dòng hoài niệm vinh danh những anh hùng của trận đánh
Hoàng Sa, và tin rằng lịch sử sẽ đánh giá công bằng về họ như những
người con yêu đã ‘ngã xuống vì Hoàng Sa thiêng liêng’ (cụm từ nhà báo
Huy Đức đã dùng trên facebook khi kêu gọi tiếp tay hoàn chỉnh danh sách
74 tử sĩ mà cơ bản ông mới sưu tra được).
Nhân
đây cũng có lời trân trọng việc làm khách quan mang tính nghiệp vụ cao
khi được xem một tư liệu về cuộc hải chiến Hoàng Sa do Đài truyền hình
tỉnh Đồng Nai công chiếu nhân dịp 39 năm sự kiện Hoàng Sa. Tư
liệu này thực hiện bởi phía VNCH như một ‘nhân chứng vật thể’ mà trớ
trêu thay giờ này người viết mới có dịp được xem và lượng giá.
Đ. X. T.
Nguồn: Blog Quê Choa
Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 06:17
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2014/01/bon-muoi-nam-hoang-sa-nho-va-nghi.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001