Chia tay “Chút qùa cho quê hương”!
Nếu “chiều nay, có một người di tản buồn” làm sầu đọng không vơi, làm ray rứt tâm hồn hay làm chết lặng cả thể xác của người nghe với những lời ca da diết, mang cảnh u buồn, thê lương như lời chào vĩnh biệt nhau ngay khi còn sống. Hoặc giả, nó làm cho dòng lệ không ngưng, cho tiếng khóc uẩn ức chết nghẹn trong cổ, không thể bộc phát ra khỏi cửa miệng của hàng triệu triệu ngưòi Việt Nam, thì “ chút quà cho quê hương” như là tiếng dục sau cùng để cho hàng triệu triệu những tám lòng đang sầu vương khắc khoải kia vỡ òa trong tiếng khóc. Khóc một cách tự nhiên. Khóc một cách ngon lành, thành nghẹn ngào nức nở trong cơn đau Việt Nam.!
- Tại sao lại như thế?
- Đơn giản thôi, nỗi đau này không của riêng ai. Nhưng là của cả một dân tộc và được những người nghệ sỹ của quê hương cô đọng lại, rồi giải bày niềm đau ấy cho nhân loại cùng hay biết. Hay biết, không phải chỉ để chia sẽ nỗi đau nát ruột gan với ngưòi Việt Nam trong thảm cảnh, nhưng còn là học lấy bài học cho chính mình. Ngõ hầu tránh cho đất nước cuả họ khỏi rơi vào cảnh hoảng loạn tang thương như thế… Bỏi lẽ, khi nước vỡ bờ, nưóc mắt cũng không còn để mà khóc. Rồi lại:
“Em gởi về cho anh dăm bao thuốc lá
Anh đốt cuộc đời cháy mòn trên ngón tay
Gởi về cho mẹ dăm chiếc kim may
Mẹ may hộ con tim gan quá đoạ đầy.
Gởi về cho chị dăm ba xấp vải
Chị may áo cưới hay chị may áo tang
Gởi về cho em kẹo bánh thênh thang
Em ăn cho ngọt vì đời nhiều cay đắng.
Con gởi về cho cha một manh áo trắng
Cha mặc một lần khi ra pháp trường phơi thây
Gởi về Việt Nam nước mắt đong đầy
Mơ ước một ngày quê hương sẽ thanh bình.
Em gởi về cho anh một cây bút máy
Anh vẽ cuộc đời như ước vọng mong manh
Gởi về cho mẹ dăm gói chè xanh
Mẹ pha hộ con nước mắt đã khô cằn.
Gởi về cho chị hộp diêm nhóm lửa
Chị đốt cuộc đời trong hoang lạnh mù sương
Gởi về cho em chiếc nhẫn yêu thương
Em bán cho đời tìm đường vượt biên.
Con gởi về cho cha vài viên thuốc ngủ
Cha chôn cuộc đời trong trong xứ tù chung thân
Gởi về Việt Nam khúc hát ân cần
Mơ ước yên lành trong giấc ngủ da vàng.( Việt Zdũng)
Có lẽ, không còn một món qùa nào đau thương và uất nghẹn hơn một “ chút quà cho quê hương” của Việt Dzũng. Nó đã gói tất cả những nỗi đau thương, khốn cùng của con ngưòi vào chung với một số phận, một hoàn cảnh thực tế chua chát, bẽ bàng. Và có lẽ sẽ chẳng còn nỗi thống khổ nào tang thương hơn thế. Bởi vì, có gởi cho chị năm ba xấp vải. Dẫu có là xấp vải lụa là gấm vóc, chị cũng đem may áo tang. Áo tang cho mính và cho dân tôc mình! Có gởi cho em một chiếc nhẫn yêu thương. Em đã chẳng ôm ấp giữ gìn như bảo vật trân qúy trong đời. Nhưng lại phải bán đi để tìm đường vượt biên! Mà đường vượt biên có khi là con đường… chết! Và gởi cho cha già vài viên thúốc ngủ, có lẽ, ông sẽ dùng để được một giấc ngủ không còn tỉnh dậy nữa! Ôi qùa, sao không là niềm vui mà là nước mắt, là đắng cay!
Hôm nay, người nhạc sỹ trẻ làm rung động, làm thổn thức, làm hàng triệu triệu người Việt Nam rơi lệ, vỡ òa trong tiếng khóc nghẹn ấy đã về với giấc mơ lớn của anh là cầu cho Việt Nam có được một giấc ngủ an lành. Nhưng tôi không viết vì sự tiếc thương Dzũng, Cũng không viết vì sự quen biết riêng tư. Nhưng viết về một ngưòi có một tâm hồn sống động, quảng đại với quê hương Việt Nam. Viết về một người, một đời tận tụy, sắt son cho quê mẹ, cho đất nước, cho một ước mơ an bình cho Việt Nam mà không có một lời than thở, hối tiếc cho mình.
Trước hết, phần lý lịch của Dzũng, ai cũng biết. Việt Dzũng được sinh ra ở trong một gia đình Công Giáo. BS Nguyễn ngọc Bảy, ba của Dzũng là một thiếu tá Quân Y trong QLVNCH. Sau này ông ứng cử, trở thành Dân Biểu của đơn vị Tân Bình, Sài Gòn. Ông chưa từng uống rượu say và đánh chết người. Dzũng học chưa hết trung học thì “đàn bò kéo nhau vào thành phố” . Lời nhạc của Trịnh công Sơn đấy. “Bò” đã vào thành phố, hơn thế, lại chế ngự con người thì con ngưòi ra sao? Đoạn cuối này nhạc sỹ họ Trịnh chưa viết xong, nhưng sau đó, tất cả mọi người Việt Nam, không phân biệt già trẽ, gái trai, thuộc bên Quốc Gia hay Cộng sản, đều là chứng nhân cho những đặc cảnh sau đây:
1. Di tản.
Ngay từ trước ngày 30-4-1975, một số người, có thể có được điều kiện hay vì may mắn, họ đã lên được những chuyến bay, những chuyến tàu vớt cuối cùng rời Việt Nam. Hoặc giả, chất chồng nhau lên trên những con thuyền mong manh, nhắm biển khơi mà đi. Đi không dịnh hướng và may là được cứu vớt trên biển. Chuyện di cư, di tàn, bỏ nhà, bỏ cha mẹ, anh em họ hàng làng nước để ra đi, chẳng phải là một câu chuyện vui thú gì. Tuy thế, ai cũng muốn được di cư, di tản. Tiếc rằng câu chuyện này đã khép lại sau tháng 7-1975.
2. Đi cải tạo.
Cuộc di tản náo động vừa lặng xuống. Cai ngục Việt cộng đóng sập cánh cửa của Việt Nam nhìn ra bên ngoài lại. Hàng trăm ngàn ngưòi thuộc hàng ngũ trí thức của miền nam ở trong tất cả các ngành nghề, các công sở hay trong quân đội, thậm chì, cả trong tôn giáo, đều bị cộng sản lùa vào trong các trại tập trung khổ sai, mà chúng gọi là cải tạo! Với những hình người không nhân tình này thống trị, người mìền nam đã được một phen trắng mắt ra. Lệnh của họ là mang theo phần lương thực, áo quần cho 10 ngày tập trung. Ai cũng cho rằng đi mười ngày rồi về với vợ con, dân làng nên người thì mang theo vài bộ quần áo, khúc bánh mì, vài ký gạo khô, ít tiền dằn túi phòng khi cần. Có kẻ anh dũng đi tay không! Hỡi ơi! Ai biết đi là đi biệt tăm, biệt tích. Có đến 20 lần 10 ( 20×10), người nhà mỏi cổ ngóng trông cũng chẳng nhận được tin hơi gì. Để rồi, có ngưòi biền biệt không bao giờ còn trở lại mái nhà xưa. Có ngưòi thì sau 4, 5 năm bị tù đày, kéo lê tấm thân tàn về bến cũ. Khi họ về, nếu không nhìn kỹ, đố nhận ra nhau! Lại có người mười năm sau vẫn còn mang một số tù… Từ đây, “bên thua cuộc” hẳn là thấm cái giai điệu của đoàn người tự xưng là giải phóng, là cách mạng. Người người nhìn nhau. Câu nói của TT Thiệu hôm nào bỗng trở nên linh ứng ” đừng nghe những gì cộng sản nói, nhưng hãy nhìn kỹ những gì cộng sản làm” Hỡi ơi! Khi biết thì đã muộn!
3. Vượt biên!
Khi câu chuyện “ Bò vào thành phố” đã hiện nguyên hình. Con người chỉ còn lại những đôi mắt trắng nhìn nhau. Ơ lại thì đời chết theo vòng nô lệ, xích xiềng của cộng sản. Ra đi có khi là chềt trên biển khơi. Có khi là chết vì viên đạn của lũ ngưòi được gọi là “đoàn quân giải phóng” của Hồ chí Minh bắn đuổi theo sau. Tuy nhiên, niềm tin vào cuộc sống vẫn vươn cao, ý thức mong được Tụ Do trổi vượt hơn sự chết, nên nhiều người đã tìm đường vượt biên. Vượt biên trở thành một cơn sốt lớn đối với tất cả mọi người Việt Nam trong hơn một thập kỷ, kể từ cuối năm 1976 cho đến khoảng 1990. Có thể nói, từ bắc đến nam. Từ đồng bằng lên miền thượng, không một ngưòi nào, không một nhà nào không nói đến chuyện vượt biên, kể cả những gia đình có cán nhớn!
Sau câu chuyện là đến hàng hàng lớp lớp người Việt Nam bỏ nước ra đi. Số người đi trên những chiếc thuyền mong manh giữa biển khơi đã làm rúng động lương tâm thế giới. Các nhà văn, nhà báo phương tây, gạt nước mắt, đặt cho họ một tên gọi mới là “Boat people”. Và tự điển Việt Nam từ đó cũng thêm một từ mới ” Thuyền nhân”. Thuyền nhân là từ để gọi những người tỵ nạn cộng sản, đi tìm Tự Do trên những chiếc thuyền mong manh vuợt đại dương. Nghe đến chữ thuyền nhân, ai cũng mềm lòng, rơi nước mắt. Trong khi đó, viên thủ tướng của một chế độ bạo tàn, vô lương, là nguyên nhân đẩy người dân phải vượt biển ra đi, lại vênh vênh, vao váo, vều mồm ra ăn nói như phường đá cá lăn dưa, không một chút văn hóa, gọi những người Thuyền Nhân kia là hạng ” đĩ điếm cao bồi, chạy theo chân đế quốc”! Hình như Trời Cao rất công bằng, nhiều người bảo thế. Ông ta có mắt, nhưng không dùng nên Trời đã lấy lại chăng?
Phần người Việt Nam, một lần nữa lại tràn ra biển. Tràn ra với một lời thề. Thả chết trên biển đông để có được hơi thở Tự Do. Thà bỏ xác nơi xứ người hơn là quay lại chốn mà mình đã bỏ đi, nơi chỉ có sự chết và gian trá ngự trị. Và thề sẽ chẳng bao giờ còn quay lại chốn xưa nếu như nơi ấy còn nguyên hình dạng những bộ mặt cùng hung cực ác như dã nhân của cộng sản. Đó là câu chuyện ra đi và đúng như lời nhà văn Duyên Anh đã viết ” nếu cái cột đèn biết đi, nó cũng không ở lại!”. Tuy nhiên, không phải tất cả mọi ngưòi đều có cơ hội đồng đều để chọn lấy giải pháp ra đi. Trái lại, chỉ một số nhỏ, rất nhỏ, có được sự may mắn ấy. Việt Dzũng, một thanh niên 17 tuổi đời, vốn mang thương tật về thể xác, cũng vội xuống thuyền ra khơi cầu may trong lời thề ấy…
Điểm lại câu chuyện xưa, mới đó mà đã ngoài 30 mươi năm rồi. Và người trẻ năm ấy nay đã là thiên cổ. Nhìn lại, những người trạc tuổi Dzũng khi bỏ nước ra đi, có lẽ, đến nay không còn mấy người chưa về, dù nơi ấy những hình dạng dã nhân của loài yêu tinh cộng sản vẫn còn nguyên trạng, không đổi thay. Khi bỏ đi, lý do không nhiều. Người về không thiếu cách để xếp hàng. Dĩ nhiên, cuộc đi về này, chẳng ai trách ai. Chỉ tiếc rằng người mình cũng mau quên! Tệ hơn, thành cái cớ, thành cánh tay nối dài, nuôi vỗ béo loài lang để chúng có thêm chỗ nương tựa mà cắn xé đồng bào của mình. Thí dụ, trong một chuyến về của tôi, với ít tiền dành dụm được, tuy nói là biếu thân nhân. Nhưng thực tế là lại vào trong cái túi không đáy của cán cộng. Theo đó, nếu không có hàng chục tỷ đô la của chúng ta đổ về chốn xưa mỗi năm, có lẽ Việt cộng đã chết ngỏm từ lâu rồi. Có đâu chúng còn hung hăng cho đến hôm nay! Hãy nhìn con sư tử trong cũi của gánh xiệc, nào nó có yếu đuối gì, nhưng năng lực không còn khi không có gì để ăn! Cũng thể, kẻ ác sẽ không có điều kiện làm ác khi chúng bị thiếu phương tiện.
Mà nào có phải chỉ có lớp tuổi trẻ hay những người vô tư lự về đâu. Trái lại, hàng quan cao, cấp nhớn, mũ lọng nhiều. Có khi lại là người đã từng ăn cơm … chay trong chốn ngục tù cộng sản 5, 7 hay 10 năm… Lúc ra đi thì nghiến răng nghe ken két, nhíu mắt cau mày như thầm bảo kẻ vênh váo kia rằng: Chờ đấy! Kình ngư đã vượt biển thì xá chi loài tôm tép các người! Mà chờ đấy thật. Hơn mười năm sau, mười ngưòi đi có lẽ đã đến… tám, chín người đứng chờ đấy! Xếp hàng chờ để chúng đóng cho cái mộc búa liềm mà về vui vẻ…. thăm nhà ( làm gì còn nhà), thăm quê, hay là bốc mả! Họ về nhiều đến nỗi, những người trẻ được sinh ra vào thời hậu chiến ở trong nước phải lên tiếng. Họ lên tiếng vì nhìn thấy những cảnh nhà tan, dân oan lan tràn khắp nơi. Nhìn thấy đất nườc tang thương mất chủ quyền đang rơi dần vào vòng nô lệ cho Tàu cộng. Nhìn thấy dân tình sống trong cảnh khố đáy điêu linh. Nhìn thấy nền văn hóa nhân bản của dân tộc, nền luân lý, đạo đức của xã hội bị công sản phá nát, làm cho băng hoại, suy đồi. Để từ đó, những loại tội ác theo gương Hồ chí Minh, không nơi nào không có.
Khi nhìn lên, đàn anh, bậc trưởng thượng thì không ai gánh vác việc chung. Nhìn quanh, chỉ thấy bầy đàn yêu tinh múa rối, chuốc khổ cho dân. Nhìn xuống, chỉ thấy lớp đàn em ngao ngán, ngày một thêm thất vọng, mất niềm tin. Lúc nhìn lại mình, họ tự biết sức không, lực không, thế cũng không, nhưng không vì thế mà nản chí, buông xuôi. Trái lại, họ hiên ngang bước theo tiếng gọi của con tim vì Tổ Quốc, bước theo trí đạo nhân bản, đạo đức, luân lý của dân tộc mà gánh lấy trách nhiệm trước lịch sử, đi tranh đấu cho Nhân Quyền, cho Tự Do, cho Công Lý cho dân và giữ lấy nên Độc Lập cho đất nước. Khi đi, họ bất chấp lao tù để dấn thân. Bất chấp sự sống của riêng mình vì sự sống của đồng loại. Họ cũng chưa xin anh, xin tôi hỗ trợ cho họ tài chánh, bạc vàng. Nhưng đã tàn hơi khan giọng, van lạy chúng ta giúp họ giải thể chế độ bạo quyền bằng cách gián tiếp cắt nguồn viện trợ cho CS tại Việt Nam. Đây là một điều rất khó nói, nhưng phải nói. Bởi vì, khi nói đến thực tiễn, ý nghĩa của một cuộc đấu tranh, LS Lê thị Công Nhân, người đã hy sinh phần tuổi trẻ, dấn thân vào đường tranh đấu. Lao tù đã là một trong những địa chỉ của cô. Cô vẫn kiên tâm và chỉ ra một điều kiện cần thiết của cuộc đấu tranh là sự hy sinh. Từ đò, cô đã khóc, đã van nài đồng bào Việt Nam ở hải ngoại rằng: “ Hỡi đồng bào hải ngoại, xin ngưng về Việt Nam, nếu thấy không cần thiết. Xin ngưng gởi tiền về Việt Nam, nếu thấy không thật cần thiết” ( LTCN). Họ chỉ xin vậy thôi, mà lạ quá, người đi như chúng ta vẫn thoải mái như áo gấm về làng để uống cốc rượu…. mừng! Hỏi xem có lạ lắm không?
Có nhìn từ những cảnh lạ này, mới thấy được cái hùng tâm dũng chí của Việt Dzũng. Mới thấy được lòng quảng đại của Dzũng vì đất nước. Mới thấy được việc tự thắng chính mình không phải là dễ. Trong lúc người ngưòi chờ, kiếm lý do để xếp hàng, chờ đóng mộc búa liềm để được về quê mà mua vui thì Việt Dzũng vươn lên theo lá cờ Chính Nghĩa của Tổ Quốc, bỏ mặc cả cái thân xác tàn tật của mình để bảo vệ lấy màu cờ Tự Do, Độc Lập cho quê hương. Rồi Dzũng tập quên đi những đau đớn của thể xác mình để viết nên một trang sử đấu tranh chống bạo tàn cộng sản với ước mong cho người dân Việt có được giấc ngủ yên bình trong tình người. Để ở đó, quê hương Việt Nam, dẫu người dân cơm chưa no, áo chưa đẹp, nhưng có được niềm vui hạnh phúc. Không còn phải lo sợ những tiếng gõ cữa lạnh lùng giữa đêm khua của Việt cộng . Phần Dzũng, nuốt lệ mà viết nên dòng ca trong niềm đau thổn thức với quê hương bằng “ Chút quà cho quê hương” mà thay người về thăm lại quê cha!
Đáng khâm phục thay. Tuy thế, tôi vẫn cho rằng, niềm ước mơ sâu thẳm nằm ở trong lòng Việt Dzũng không phải chỉ có bấy nhiêu. Nhưng còn là muốn được góp phần của mình vào việc bảo vệ và phát triển nền văn hóa nhân bản, trong sáng của dân tộc Việt Nam, mà Dzũng đã từng được hấp thụ trước lúc xuống thuyền vượt biển. Hơn thế, sẽ đem vể để xây dựng lại, tô bồi cho nền văn hóa nhân bản, đạo đức duy linh của dân tộc đã bị làm cho băng hoại từ mấy chục năm qua vì nạn cở đỏ. Để từ đó, đào thải cái nền văn hóa không có sự sống của chủ nghĩa tam vô ra khỏi xã hội. Rồi trừ diệt tận căn nền văn hóa của sự chết, là nền văn hóa không có Công Lý, không có Sự Thật, nhưng dẫy đầy sự gian trá, tàn bạo và bóng tối để giái thoát con người. Dĩ nhiên, đây không phải là ươc mơ riêng của Việt Dzũng, nhưng là niềm ước mơ chung của mọi con dân Việt, của những ngưòi có một tâm tình quảng đại vì quê hương, vì dân tộc! Tiếc thay, giấc mơ chưa đạt, Dzũng đã đi! Như thế, chuyến đi không trở lại của Việt Dzũng không hẳn là một tiếc thương nhưng là một mất mát không gì có thể bù đắp lại được. Sự mất mát này không phải chỉ cho riêng gia đình Dzũng, nhưng còn là cho dòng văn hóa và cho cộng đồng Việt Nam nữa.
Tại sao đây lại là một mất mát lớn trong niềm mơ ước lớn nhất của người Việt Nam?
Trước hết, như tôi đã có dịp trình bày trong ” Tôn Giáo và nền văn hóa Dân Tộc” là: “Một dân tộc được gọi là sống phải là một dân tộc được nuôi dưỡng bằng một nền văn hóa của sư sống. Không một tổ chức, một dân tộc nào có thể tiến bộ, đứng vững trong một nền văn hóa của sự chết .Nền văn hóa có sự sống là một nền văn hóa có luân lý, có đạo nghĩa, có công bằng, có chân lý, có sự thật, có niềm tin, có bao dung và nhân ái. Đối nghịch lại, nền văn hóa của sự chết luôn đặt nên tảng trên gian trá, bạo hành, vô đạo, bóng tối và không có niềm tin.”
Theo định nghịa này, ai cũng thấy, dưói chế độ chủ nghĩa cộng sản, không hề có nền văn hóa của sự sống, của lẽ thật. Trái lại, nó chỉ có một nền văn hóa của sự chết, bạo tàn, nô lệ và bóng tối mà thôi. Nói cách khác, nền văn hóa nhân bản, nhân luân đạo lý của con người không có nhiều cơ hội để tồn tại và phát triển trong lòng chế độ cộng sản, Tệ hơn, ngày qua ngày, nền văn hóa sự chết của cộng sản sẽ tiếp cận, làm cho nền văn hóa nhân bản của nhân loại bị băng hoại, bị tàn phá, không còn chỗ đứng. Điều này, xem ra ngày nay đã được chứng minh trên phần đất của Việt Nam. Hầu như không còn niềm tin giữa con người với con ngưòi.
Kế đến, nếu đây là ước mơ lớn nhất của ngưòi Việt Nam yêu tổ Quốc và dân tộc mình thì sự ra đi của Việt Dzũng không chỉ là sự đơn thuần tiếc thương một người nghệ sỹ tài hoa của đất nước. Nhưng là một mất mát lớn, một tổn thất lớn cho nền văn học nhân bản và cuôc chiến đấu phục hưng cho Tự Do, Công Lý và Nhân Quyền của người Việt Nam. Đơn giản hơn, đây là một tổn thất mà khối ngưòi Quốc Gia thật khó có thể lấp cho đầy chỗ trống trong một khoảng thời gian nào đó. Cách riêng với cộng đồng ngưòi Việt tại hải ngoại. Hình như chúng ta đã mất một cách tay. Cánh tay đã góp phần tạo dựng niềm tin và sức sống cho cộng đồng vững mạnh như hôm nay. Phía cộng sản, thì hẳn nhiên là vỗ tay reo hò mừng rỡ. Chuyện cộng sản ăn mừng không có gì lạ. Bởi ví, chúng có đem sức mạnh của một vạn đại quân với tất cả tàn bạo, công phá của nó, cũng không thể thắng nổi Việt Dzũng. Việt Dzũng mãi mãi đứng trên đỉnh cao, mãi mãi còn với quê hương. Nhưng đội quân tàn bạo kia đang đi vào cõi chết với cái chủ nghĩa tam vô của nó. Nó được sinh ra từ gian dối thì cũng sẽ chết trong gian dối. Sự sống của nó chẳng qua chỉ là cuộc bạo hành vô trật tự. Tuyệt đối, nó không thể tồn tại lâu dài.
Mà thôi, Việt Dzũng ạ, có nói thêm thì Dzũng cũng đi xa rồi. Chúc bạn đi bình an và ngủ yên trong tình thương của Đâng Cao Cả. Và cám ơn bạn đã luôn cầu chúc, mong cho đồng bào Việt Nam thân yêu có một giấc ngủ yên bình, sống vui, sống hạnh phúc trong một đất nước Độc Lập, Tự Do, Công Lý và Nhân Quyền. Ước mong người Việt Nam mình có được nhiều tấm lòng quảng đại như bạn…
Chiều cuối năm 2013
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/82717/chia-tay-chut-qua-cho-que-huong/2014/01
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001