Thứ Bảy, 18 tháng 1, 2014

Hiệu Minh - VietinBank và em Huyền Như

Hiệu Minh - VietinBank và em Huyền Như 



Em Huyền Như lừa 4000 tỷ. Ảnh: VNN
Chẳng hiểu em Huyền Như xinh đẹp thế nào mà móc túi được 4000 tỷ của khách hàng thì quả là siêu lừa. Chuyện lừa thế nào có lẽ nên viết thành sách, hay hơn cuốn dự định của Đại tá Ca, Giám đốc CA Hải Phòng, vừa lên tướng, khi tấn công đầm Vươn.
Qua chuyện này, có thể nói, hệ thống ngân hàng Việt Nam yếu kém, cán bộ không chuyên nghiệp, Ngân hàng Nhà nước với chức năng quản lý hệ thống ngân hàng chắc là ngủ ở văn phòng. Còn người gửi tiền VN cực dễ tin người, thấy đâu lãi xuất cao là xô nhau đi, gửi tiết kiệm theo tin đồn.
Kinh nhất là VietinBank thông báo, 4000 tỷ không đi qua ngân hàng, mà chỉ qua túi em Huyền Như, nên VietinBank không chịu trách nhiệm. Nhiều khách hàng đã chứng minh là có giao dịch qua Ngân hàng hẳn hoi, nghĩa là có chuyện gửi tiền vào tài khoản của VietinBank.
Một ví dụ trên VNN. ”Từ ngày 18/5/2011 đến 31/8/2011, Huỳnh Thị Huyền Như đã làm giả 14 hợp đồng ủy thác đầu tư giữa Công ty CP Chứng khoán Saigonbank-Berjaya (SBBS) với Vietinbank chi nhánh Nhà Bè. Sau khi SBBS chuyển tiền vào tài khoản mở tại Vietinbank – chi nhánh TP.HCM, Như đã giả lệnh chi để chuyển tiền từ tài khoản này đi trả tiền cho các tổ chức, cá nhân đã vay trước đó, chiếm đoạt của SBBS 210 tỷ đồng.
Tài khoản của SBBS mở tại Vietinbank – chi nhánh TP.HCM là hoàn toàn hợp pháp, giấy đề nghị mở tài khoản do đích thân Tổng giám đốc SBBS ký, được ông Trương Minh Hoàng – đại diện Vietinbank chi nhánh TP.HCM duyệt. Như vậy, tài khoản được mở hợp pháp thì đương nhiên phát sinh giá trị thực hiện giao dịch giữa chủ tài khoản là SBBS và Vietinbank.
Từ đó, Huyền Như làm giả lệnh chi để chiếm đoạt tiền là chiếm đoạt tài sản của Vietinbank chứ không phải của khách hàng. Việc Viện kiểm sát cho rằng hành vi phạm tội của Như đã hoàn thành ngay sau khi các đơn vị chuyển tiền vào tài khoản Vietinbank là không đúng. Nếu đã hoàn thành, đã chiếm đoạt được tiền thì tại sao bị cáo Như lại phải làm giả lệnh chi và gian dối trong các công đoạn tiếp theo?”
Đó là luật sư bảo vệ nói thế. VietinBank cãi, tiền không giao dịch qua tài khoản của ngân hàng nên họ không chịu trách nhiệm.
Kiểm tra việc này quá đơn giản. Tòa án ra lệnh cho Vietinbank xuất trình các giao dịch vào khoảng thời gian SBBS có gửi tiền là biết ngay. Nhưng chả hiểu tòa án nước mình có đủ thầm quyền lệnh cho một nhà băng hay không.
Nếu là giao dịch online, VietinBank có thể xóa dấu vết các giao dịch trên máy nhà mình, nhưng không thể xóa dấu vết trên máy chủ của SBBS. Máy chủ chứa dữ liệu, các băng từ chứa dữ liệu hàng ngày, các thư từ trao đổi giữa hai bên trong thời gian giao dịch là bằng chứng, tiền đã đi qua Vietinbank. Thích làm tới chốn thì cãi đằng trời.
Mình không hiểu lắm về nghiệp vụ ngân hàng, nhưng biết chắc là, nếu đã gửi tiền vào đó, ngân hàng đánh mất thì phải đền. Còn việc ai đánh mất, ai lừa đảo, tôi không quan tâm. Trả tiền cho chúng tôi về quê.
Giới ngân hàng còn nhớ, tỷ phú Blavatnik đâm đơn kiện JP Morgan Chase sau khi bị thiệt hại nặng nề do cuộc khủng hoảng trên thị trường tín dụng thứ cấp của Mỹ vào năm 2009. Leonid Blavatnik đã chuyển cho JP Morgan gần 1 tỷ USD dưới dạng các khoản đầu tư. Theo các điều khoản của hợp đồng được ký kết năm 2006 giữa hai bên, ngân hàng này phải đầu tư tiền vào các tài sản có độ rủi ro thấp.
Tuy nhiên, phần lớn khoản đầu tư đó lại được ngân hàng đặt mua trái phiếu chính phủ Mỹ mà sau đó đã bị mất giá nghiêm trọng sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính năm 2008. Leonid Blavatnik cho biết, ông ta đã bị mất ít nhất 10% trong tổng số tiền đầu tư gần 1 tỷ USD của mình, do những tính toán sai lầm không đúng với điều khoản hợp đồng đã ký từ phía JPMorgan Chase.
Do vậy, Leonid Blavatnik đã đâm đơn kiện đòi ngân hàng này phải bồi thường cho mình 100 triệu USD. Thẩm phán Melvina Shvaittsera cho rằng, những lỗi của JPMorgan Chase không nghiêm trọng như cáo buộc của nguyên đơn. Tuy nhiên, tòa án cuối cùng đã thừa nhận rằng tập đoàn tài chính hàng đầu của Mỹ này đã vi phạm hợp đồng. JP Morgan phải đền gần 50 triệu đô la cho tỷ phú gốc Nga.
Dân Mỹ gốc Việt kiện Chase Manhattan New York và 4 nhà băng của Mỹ. Năm 2003, một nhóm người Mỹ gốc Việt ở Californi nộp đơn kiện một số nhà băng quốc tế đã đóng cửa chi nhánh ở Sài Gòn vài ngày trước khi xe tăng miền Bắc tiến vào thành phố, làm họ lúc đó không thể nào rút tiền kịp. Đơn kiện nói rằng các nhà băng đã đóng cửa mà không cảnh báo trước.
Năm 1981, một nhóm người Việt khác cũng kiện Chase Manhattan NY cùng lý do tương tự. Năm 1989, một vụ kiện Citibank cũng vậy.
Dù đã sang Mỹ, nhưng người Việt vẫn bắt nhà băng “trả lại tiền cho chúng tôi về quê”.
Một anh bạn còn kể, năm 1918, khi cách mạng tháng 10 Nga thành công, nhiều người đã bỏ của chạy lấy người, ngân hàng bị chính quyền Xô Viết quốc hữu hóa, nên mất hết. Nhưng khách hàng chạy sang phương Tây đã kiện các các ngân hàng và đòi lại tiền. Đó là vụ Tòa án New York phán quyết National Citibank phải trả tiền cho khách ở Nga từ trước cuộc CM Tháng 10 (Sokoloff vs National Citibank).
Trên đây là vài ví dụ về trách nhiệm của ngân hàng đối với người gửi tiền. Bạn đọc nào biết thêm các vụ kiện tương tự, xin chia sẻ lên đây.
Vài thông tin vỉa hè cho các bạn tìm hiểu. Biết đâu khách hàng VietinBank dựa vào Cua Times mà tìm ra thêm chứng cứ và lấy lại được 4000 tỷ. Lúc đó hang Cua chỉ xin 1 tỷ làm từ thiện.
Diên Vỹ gửi hôm Thứ Bảy, 18/01/2014
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20140118/hieu-minh-vietinbank-va-em-huyen-nhu
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001