Thứ Sáu, 10 tháng 1, 2014

Hoàng Nhất Phương: Lan Cao - Cầu Khỉ

Hoàng Nhất Phương: Lan Cao - Cầu Khỉ 



Hoàng Nhất Phương

Lan Cao
Nói đến những văn sĩ người Mỹ gốc Việt, người ta không thể quên Lan Cao. Sinh năm 1961, Lan Cao cùng gia đình di tản đến Hoa Kỳ năm cô mới 13 tuổi. Năm 1983 Lan Cao tốt nghiệp cử nhân ngành Khoa Học Chính Trị tại Đại Học Mount Holyoken, và Tiến Sĩ Luật tại Đại Học Yale. Tác phẩm đầu tay "Monkey Bridge" của Lan Cao là tiểu thuyết viết theo thể loại tự truyện, kể lại cuộc đời của hai mẹ con người Việt di tản cư ngụ tại Little Sài Gòn từ sau ngày 30 tháng 4 năm 1975. "Cầu Khỉ" đưa người đọc cùng với Mai trở về xã hội Miền Nam Việt Nam thời Đệ Nhị Cộng Hòa, để tìm thân nhân và nếm trải nỗi buồn niềm vui với họ.
Hai nhân vật nữ chính Mai và Thanh là hai loại người khác biệt. Trong khi Mai vừa hòa nhập với xã hội mới vừa muốn đi tìm lại gốc gác của mình khi nhìn về quá khứ, thì mẹ của cô là bà Thanh lúc nào cũng bị ám ảnh bởi một phần đời sống đã qua. Bà Thanh bị máu đông trong não, đau đầu triền miên. Bà luôn tự hỏi: Không hiểu tại sao ngày di tản, cha của bà không đến điểm hẹn đã ước định với con gái. Những điều chưa thể nói, những điều không dễ nói, cả những điều không biết diễn giải như thế nào được bà Thanh ghi lại trong thư viết cho con gái. Nếu không lén đọc những lá thư bí mật của mẹ, chắc chắn Mai không thể biết ẩn tình của gia tộc, càng không thể biết thân thế u buồn của mẹ. Ông Quân không phải là cha ruột của bà Thanh. Vì hoàn cảnh ngặt nghèo của gia đình, ông Quân để vợ làm "gái bao" của chú Khan - một chủ đất rất giàu sang nhưng không có con. Sau đó vợ của ông Quân có thai với chú Khan, sinh ra một bé gái, đó là bà Thanh. Đây chính là lý do ông Quân trở thành Việt Cộng, đem lòng thù hận chú Khan, và đã không đi di tản như đã hứa với Thanh.
Từ câu chuyện của gia đình bà Thanh trong "Cầu Khỉ," người đọc nhận ra hình ảnh đáng thương của những người vợ, những người mẹ Việt Nam. Đối với họ, người đàn ông là chủ gia đình có quyền "sinh sát," có quyền quyết định tất cả cho dẫu đó là những điều bất công vô lý, như việc Quân buộc vợ làm gái mại dâm ăn ở với người chủ đất. Người phụ nữ chỉ biết vâng phục, và sẵn sàng hy sinh. "Cầu Khỉ" còn cho thấy: Sự khác biệt văn hóa và rào cản ngôn ngữ, khiến thế hệ thanh thiếu niên lớn lên tại Hoa Kỳ đa số sống tách biệt với gia đình. Giữa cha mẹ và các con khó có sự hòa hợp, tổn thương tình cảm là điều hiển nhiên. Chiến tranh như chiếc cầu khỉ bằng tre lắt lẻo đưa đẩy mỗi người đến những bến bờ họ không mong muốn, cũng không hề chọn lựa. Chuyện cũ mười điều chín chẳng như là những điều khiến người ta nhìn chẳng được nhau, càng khó cưỡng cầu một tình thân không rõ cội nguồn. Người bà Thanh gọi là baba Quân lại là người giết chú Khan, cha ruột của bà. Cô Mai liều lĩnh muốn tìm mọi cách đưa ông Quân sang địnhcư tại Hoa Kỳ, để rồi ngỡ ngàng khi biết người đàn ông mà cô gọi là ông ngoại chẳng có quan hệ huyết thống với cô. Cầu khỉ bắc ngang những giòng sông thật nguy hiểm, nhưng có lẽ cũng không đáng sợ cho bằng những cây cầu khỉ lắt léo có trong đời sống riêng của mỗi một phận người.
"Cầu Khỉ" của Lan Cao viết về chiến tranh, và những hệ lụy còn rơi rớt lại trong đời của nhiều người Việt lưu vong. Tâm sự và cuộc đời của họ ở chừng mực nào đó cũng chơi vơi, cũng chênh vênh như những nhịp cầu tre bắc ngang giòng sông chảy xiết. Độc giả đọc "Cầu Khỉ" rồi cảm nhận: Một mai cố quận tìm về, qua sông cầu khỉ vọng hề tiếng xưa. Con đường đi vội quá trưa, bến ni bờ nọ cũng vừa thiên thu.
Hoàng Nhất Phương
6:02pm Chủ Nhật ngày 22 tháng 12 năm 2013
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Sáu, 10/01/2014          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20140110/hoang-nhat-phuong-lan-cao-cau-khi
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001