Thứ Sáu, 3 tháng 1, 2014

Hoàng Nhất Phương: Lê Tất Điều – Những Giọt Mực

Hoàng Nhất Phương: Lê Tất Điều – Những Giọt Mực 



Hoàng Nhất Phương


Nhà văn Lê Tất Điều

Năm 1968, khi tác phẩm “Những Giọt Mực” viết cho thiếu nhi của nhà văn Lê Tất Điều phát hành, các thầy cô giáo, các bậc phụ huynh, toàn thể học sinh - sinh viên Miền Nam thuở đó nồng nhiệt đón tiếp, và đã không tiếc lời khen ngợi bút pháp độc đáo của tác giả. Tuyển tập gồm 11 truyện ngắn, lời văn dễ thương, dí dỏm, tinh nghịch, sâu sắc, kể về cuộc đời của từng đồ vật được nhân cách hóa trong “Tình Bạn Của Đôi Guốc, Trung Thu Của Bác Đèn Xếp, Diều Giấy Mắc Nạn, Tờ Lịch Đầu Tháng, Những Giọt Mực, Tâm Sự Bác Đinh Già, Những Mũi Tên Trưởng Thành, Một Chút Anh Hùng, Ô Đen Đi Du Lịch, Cơn Giận Của Bác Đồng Hồ, Lão Dao Sắc.” Dưới cái nhìn sâu thẳm đầy tình mến của Lê Tất Điều, mỗi đồ vật đều có đời sống và tâm sự khác nhau. Ông Bàn kêu rên vì “cái bệnh mọt ăn trong xương, trong mình ông ngày càng nặng thêm.” Bác Đèn Xếp vì muốn cứu cụ Sách đã đốt cháy bản thân, trước khi “ngã xuống cùng với ngọn lửa còn cố thều thào…trung thu sang năm các bồ hãy nhớ đến tôi nhé!” Bác Búa Đinh bị mọi người coi là lỗ mãng, nhưng bác ấy bảo mình còn lịch sự chán, phải tay thằng Dùi Dục coi, nó chửi liền. Cõi người ta có bao nhiêu loại nhân cách sang trọng, đớn hèn, đàng hoàng, tệ bạc, tử tế, vô ơn…, hay có bao nhiêu cảm nhận ngon dở, tốt xấu, lành dữ, trọng khinh…, đều hiện hữu đầy đủ trong căn phòng của chú bé học trò.
Độc giả dù ở lứa tuổi nào cũng đều tư lự và xúc động khi đọc “Những Giọt Mực.” Người cảm thương tình bạn của chàng Guốc Gỗ. Người tưởng nhớ bác Đèn Xếp tốt bụng, hy sinh thân mình. Người nể trọng cụ Sách đầy kiến thức, luôn nói ra những lời khôn ngoan đầy chân lý. Người trân quý tính nết ngay thẳng của ông Bàn. Người kính phục bác Cung Tên can đảm, nhiều kinh nghiệm. Người than vãn giùm anh Diều Giấy không may gặp nạn. Người thích thú trước những lời dõng dạc oai nghiêm như một ông tướng của cây Roi, khi hắn bảo “…Thưa quý vị đồ vật trong phòng. Tôi trả thù cho qúi vị rồi đó…” Người ngẩn ngơ trước lời của tờ lịch ngày ba mươi mốt nói với tờ lịch ngày mùng một…“Chú có riêng một buổi bình minh, một buổi trưa, một hoàng hôn và có cả đêm tối. Nhưng chú phải nhớ, phải nhớ kỹ một điều: chú em chỉ được sống đúng có một ngày thôi đấy nhé. Dòng họ chúng ta mang truyền thống ấy. Đời sống chúng ta rất ngắn ngủi và chính xác. Vậy hãy sống cho ra sống và đừng bỏ phí một giây nào…” Người khóc vì sự nghiệp vinh quang của ba giọt mực còn đọng lại trong bình, khi ông Bàn sang sảng nói “Ba giọt mực cuối cùng đã làm một việc có ý nghĩa nhất: họ đội những đứa khác trên đầu, suốt ngày này sang ngày khác. Nhờ vậy, những giọt đứng trên đầu họ mới bám vào ngòi bút, ra ngoài, biến thành chữ…Vậy ba giọt mực bé tí teo, các cháu có quyền kiêu hãnh. Các cháu đóng góp vào rất nhiều sách vở. Và hàng tỉ chữ, hằng hà sa số hình vẽ trên cõi thế gian này đều mang ơn những giọt mực nằm dưới đáy bình.” Có thể nói dưới ngòi bút miêu tả sống động của nhà văn Lê Tất Điều, mỗi đồ vật đều thể hiện một “nhân cách khác thường.”
Lê Tất Điều sinh ngày 02 tháng 08 năm 1942 tại Hà Đông. Ngoài “Những Giọt Mực,” ông còn có các tác phẩm nổi tiếng, như “Khởi Hành (1961), Kẻ Tình Nguyện, Quay Trong Cơn Lốc (1965), Đêm Dài Một Đời (1966), Phá Núi (1968), Người Đá (1968), Anh Em (1970).” Tác giả không chỉ viết văn mà còn làm thơ, ký bằng những bút danh Cao Tần, Kiều Phong. Người Việt di tản ở Mỹ nói riêng, người Việt ở khắp nơi trên thế giới nói chung, không ai là không biết những câu chân thực trong “Tập Thơ Cao Tần” “…Mai mốt anh về có thằng túm hỏi. Mầy qua bên Mỹ học được củ gì. Muốn biết tài nhau đưa ông cây chổi. Nói mầy hay ông thượng đẳng cu li…”
Mới đây nhà xuất bản Phương Nam ở Việt Nam cho tái bản “Những Giọt Mực.” Tác phẩm được trao tặng giải thưởng Sách Hay Năm 2012. Điều này cho thấy những câu thay lời tựa của Cạc Sĩ đã “thần cơ diệu toán” về vận mệnh phi thường của những giọt mực: “…Bàn chân trẻ nhỏ không biết nó chỉ là bàn chân và nó muốn trở thành một cánh bướm hay một trái táo….Nhưng rồi sau, đá cứng khô đường phố, cầu thang…Những con đường trên trái đất tiếp tục xây, bàn chân biết rằng nó chẳng thể bay chẳng thể làm trái táo trên cây. Rồi bàn chân trẻ nhỏ chịu thua. Ngã trên chiến địa, thành tù binh. Bị giam giữ trong một chiếc giầy! Không rõ trong 7000 bài thơ sáng tác của Neveda, có bao nhiêu bài thuộc loại ngộ nghĩnh đáng yêu tương tự? Có điều chắc chắn trong “Những Giọt Mực” của Kiều Phong Lê Tất Điều ngây thơ ngộ nghĩnh như vậy mà còn dài hơn nhiều, nhuộm màu sắc vừa bi hùng, vừa trữ tình đặc biệt phương Đông.” [*] Lê Tất Điều đã đem đời thường viết thành huyền thoại khi nhân cách hóa đồ vật. Người lớn hay trẻ em mỗi khi đọc “Những Giọt Mực” đều có thể nhìn rõ khuôn mặt đích thực của cuộc đời, tự tìm kiếm một phương cách riêng để sống và vui sống.
Hoàng Nhất Phương
8:59am Chủ Nhật ngày 10 tháng 11 năm 2013
_______________________________________
[*]. Những chữ in nghiêng trích từ “Những Giọt Mực” và thơ của Lê Tất Điều.
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Sáu, 03/01/2014          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20140103/hoang-nhat-phuong-le-tat-dieu-nhung-giot-muc
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001