Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Một trăm ngàn tiếng nói cho Hoàng Sa

Một trăm ngàn tiếng nói cho Hoàng Sa 



Dương Danh Huy
Ngày 11/1/2014 Quỹ Nghiên Cứu Biển Đông và tổ chức Biển Đông Tại Pháp công bố lời kêu gọi ký tên vào một bức thư gửi Liên Hiệp Quốc về tranh chấp Hoàng Sa. Bức thư nhắc về việc Trung Quốc chiếm thêm nhóm đảo phía Tây, tức là nhóm Lưỡi Liềm, của quần đảo Hoàng Sa ngày 19/1 cách đây 40 năm.
Bức thư cũng nhắc về khía cạnh pháp lý của vấn đề: về lập luận của Việt Nam về chủ quyền, và về việc luật quốc tế không cho phép thụ đắc chủ quyền bằng bạo lực. Cuối cùng bức thư kêu gọi giải quyết tranh chấp tại Tòa án Công lý Quốc tế.
Chữ ký được thu tập trên mạng tại hoangsatruongsa.net và bức thư cùng danh sách chữ ký sẽ được gửi đến Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Pháp quyền Liên Hiệp Quốc, Uỷ ban 1 của Liên Hiệp Quốc (Giải trừ Quân bị và An ninh Quốc tế) và Tòa án Công lý Quốc tế.

Chỉ trong vòng bốn ngày, mặc dù chưa được đưa tin trên các phương tiện truyền thông lớn trong nước, đã có hơn mười ngàn người ký tên. Con số khổng lồ này, đạt được trong chỉ một thời gian ngắn và trong hoàn cảnh có hạn chế, cho thấy dù Trung Quốc đã chiếm nửa phía Đông của quần đảo Hoàng Sa 60 năm và nửa phía Tây 40 năm, nhiều người Việt vẫn cho rằng Hoàng Sa phải là một phần của lãnh thổ Việt Nam. Những người ký tên bao gồm người Việt khắp thế giới và một số người ngoại quốc, từ nông dân, người lao động, đến bác sĩ, kỹ, sư, doanh nhân và nhà văn, từ học sinh đến người ghi “già rồi, 78 tuổi” cho nghề nghiệp của mình. Có người để lại lời bình trên trang mạng về bức thư, “Tôi mong ngày này đã lâu rồi”.
Mặc dù bức thư này là để gửi đến Liên Hiệp Quốc, và trong thư có kêu gọi Trung Quốc ra tòa, mức ủng hộ cho bức thư này cũng cho các nhà hoạch định chính sách Việt Nam thấy có một dư luận mạnh mẽ trong người Việt là cần phải đưa vấn đề Hoàng Sa ra Liên Hiệp Quốc, và cần phải yêu cầu Trung  Quốc ra tòa.
Tuy nhiên, vì bốn ngày là quá ngắn ngủi và vì gần như chắc chắn là phần lớn người Việt chưa biết về bức thư này, con số mười ngàn chỉ là bề nổi của tảng băng, và con số một trăm ngàn là khả thi.
Một trăm ngàn chữ ký sẽ là một thông điệp hùng hồn về Hoàng Sa. Tương tự như Nelson Mandela đã từng kể về điều ông nói với những người cai ngục, “Các anh có thể giam hãm tôi, bất kể bao nhiêu năm, nhưng tôi vẫn là đúng, và các anh vẫn là sai”, mỗi chữ ký sẽ là một người nói với Trung Quốc và thế giới rằng mặc dù Trung Quốc đang chiếm đóng Hoàng Sa bằng cường bạo, người Việt vẫn bất khuất, và chính nghĩa vẫn thuộc về Việt Nam. Hàng chục ngàn hay hàng trăm ngàn chữ ký sẽ là một lời thách thức của người Việt và của những người yêu chuộng công lý, mượn lời Nguyễn Trãi, cho Trung Quốc, “Trung Quốc có dám dựa trên đại nghĩa thay vì hung tàn, có dám dùng trí nhân thay vì cường bạo?”.
Ít có khi mà trong vòng bốn ngày một bức thư nhận được mười ngàn chữ ký từ người Việt. Đó là một dấu hiệu sáng ngời về lòng dân đối với Hoàng Sa. Đây cũng là một cơ hội tốt để thể hiện lòng dân đó, và không có nghi ngờ gì là có hàng triệu người, hay hơn, ủng hộ những điều được nêu ra trong bức thư này. Nếu bức thư này được quảng bá đến tất cả những người quan tâm thì con số mười ngàn chắc chắn có thể trở thành một trăm ngàn, và sẽ có một trăm ngàn tiếng nói cho Hoàng Sa.

D. D. H.
Tác giả gửi trực tiếp cho BVN.

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 02:59
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2014/01/mot-tram-ngan-tieng-noi-cho-hoang-sa.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001