Chủ Nhật, 19 tháng 1, 2014

Ngọn Cờ Lau - Điểm sách "Sh*t My Dad Says" của Justin Halpern

Ngọn Cờ Lau - Điểm sách "Sh*t My Dad Says" của Justin Halpern 



Những Câu Nói Sống Sượng Của Bố Tôi

Cuốn Sh*t My Dad Says của Justin Halpern là một trong những cuốn sách bán chạy nhất theo tờ New York Times. Sách dày 160 trang, khổ lớn hơn bàn tay một tí, bìa cứng, được xuất bản bởi nhà HarperCollins năm 2010.
Tựa đề của nó cho biết ngay đây là sách đọc để thư giãn. Tức là để cười. Cuốn sách này là một chuỗi hình ảnh về hai cha con, hay đúng hơn, hình ảnh của người cha qua lăng kính của người con. Qua những câu chuyện và lới nói của người Bố, tác giả lột tả cho ta thấy hình ảnh của một ông cha thẳng tính và tình cảm đậm đà giữa hai bố con, từ lúc tác giả còn là một đứa con nít tới khi anh trưởng thành, có công ăn việc làm. Tình cha con được miêu tả từ lúc tác giả còn học tiểu học, cho tới khi anh lên trung học, rồi vào đại học với tất cả những mẩu chuyện giữa một người cha bộc toạc cùng những lời la mắng, khuyên răn, khen chê trong tất cả những khía cạnh của cuộc đời người con. Cái hay và lạ ở đây là những lời, câu nói “trặc trẹo” của người cha mà tác giả kể lại đều là những lời - nếu không nói là thức giả - nhấm nhẳn, nghe như đấm vào tai, khiến người đọc không thể không cười thầm (hoặc cười phá lên) vì lối nói quá thẳng thừng, huỵch toẹt – có sao nói vậy, nghĩ sao nói thế. Nó khác hẳn với tất cả những cuốn sách tả tình cha thương con khác, nó hoàn toàn không có một lời nào nhỏ nhẹ, êm đềm, đằm thắm từ người cha, ngay cả những lúc vỗ về, an ủi, khen ngợi thằng con. Nhưng khi đọc xong ta mói thấy cái tình thương bao la của người cha mà người con đã nhận ra và rồi viết lại những lời chân tình đó cho mọi người thấy – không thể sai lầm được.
Độc giả có thể vừa đọc vừa chép miệng: “Gớm, người cha nào mà nói năng thô lỗ, cọc cằn đến thế!”, nhưng họ cũng không thể cho ông là một người vô học vì ông là một tiến sĩ về y học hạt nhân, làm nghiên cứu trong phòng thí nghiệm và tường trình trên bục giảng những tiến bộ khoa học cùng với các bác sĩ trong bệnh viện UCSD, vợ là một luật sư. Một tác giả khác đã phê bình: “Cha của Justin Halpern đứng ngang hàng với Aristotle và Winston Cái-mả-mẹ-gì-đó Churchill. Ông quả là xuất chúng, và con của ông cũng thật là nhốn nháo.” Một phê bình khác: “Nếu người ta tự hỏi có một người thật sự đứng đằng sau những lời nói này hay không, thì câu trả lời kèm với tiếng cười hô hố là chắc chắn có.” Và: “Cuốn Sh*t My Dad Says rất, rất là vui nhộn khiến người ta say mê đọc.
Ngay từ Lời Nói Đầu, tác giả đã viết:
"Càng gần Bố tôi trong vài tháng qua, tôi càng cảm nhận cái hỗn hợp giữa tính chân thật và tính hoang dã trong những lời nói và cá tính của ông.
Một hôm tôi và ông dắt chó đi chơi. Thấy con chó hít hà buị cây nhà hàng xóm, ông quay đầu nhìn tôi và nói, “Coi lỗ đ!t con chó kìa.”
“Cái gì? Sao vậy?”

“Con có thể thấy lỗ đ!t của nó dãn nở ra như thế nào là biết nó sẽ sắp sửa ỉa đấy. Thấy chưa. Một bãi rồi đó.”
Ngay giây phút đó, khi con chó của tôi thả bom trên sân cỏ nhà hàng xóm và bố tôi đứng nhìn, hãnh diện với lời tiên đoán của ông đã trở thành sự thật, tôi nhận ra rằng ông quả là một người uyên bác, ngay cả tiên tri, như thế nào."
Chuyện mở đầu khi tác giả bị người yêu bỏ sau ba năm chung chạ, không có chỗ ở, phải xin phép ông bố cho về nương nhờ. Anh đang luôn miệng giải bày đầy đủ lí lẽ thì ông bố gạt ngang:
"Không sao. Thiệt tình, mày đâu cần phải cần nói nhăng cuội vãi cả đái như thế. Con biết là con có thể ở đây mà. Bố chỉ cần có một điều là mày phải dọn dẹp những bãi cứt đái của mày, không để cái phòng của mày tán loạn như sau một trận làm tình tập thể. Rồi nữa, đừng buồn vì bị con bồ bỏ nghe."
Và khi tác giả hỏi ý kiến ông bố về việc anh sẽ gom tất cả những câu nói sống sượng của ông để viết thành một cuốn sách, ông bố nói:
"Tao có sợ cái đếch gì không hả? Bố không cần biết ai nghĩ gì về bố. Muốn viết cái gì cũng được. Bố chỉ có hai điều kiện: Bố sẽ không nói chuyện gì với ai hết, và tiền con viết được, giữ lấy. Tao có cái tiền khốn khiếp của riêng tao rồi. Bố không cần tiền của con, con ạ."
Bạn có nhận ra cái tình thương con của ông bố ẩn náu trong những lời nói thô hào như thế nào chưa?
Sau đó là một số (tất cà là 17) chuyện xẩy ra giữa ông bố và thằng con. Chuyện nào cũng đượm đầy cái sắc sảo của những câu nói chói tai từ miệng ông bố.
* Chuyện thằng con sáu tuổi không chịu ở chung phòng khách sạn với ông nội trong một chuyến đi chơi xa với cả gia đình. Thằng nhỏ giả bộ đau. Mọi người xúm xít quanh thằng nhỏ thì ông bố sấn tới: “Mọi người xê ra cái coi. Đi ra ngoài hết để tôi xem nó ra sao.” Sau khi khám đầu thằng nhỏ, ông nói: “Con bảo con bệnh hả con? Mà tao có thấy con mẹ gì đâu? Mày không có đau gì hết. Chuyện gì vậy? Tao đang mệt thấy bà sau khi lái xe cả ngàn cây số. Nói thiệt đi.” Thằng nhỏ sợ quá thú thật. “Cái đếch gì mà mày nghĩ ông Nội lại thích ngủ chung một phòng với mày?” “Con không biết.” “Vậy thì mình đi hỏi ổng.” Khi ông Nội nói ông ta cũng không thích thằng nhỏ ở chung phùng với mình thì ông bố quay lại giải thích cho thằng con biết: “Con thấy chưa. Mày cũng không phải là một đứa nhỏ dễ thương, ai cũng muốn nựng con mẹ gì đâu nhá.
* Chuyện ông bố ban đêm trần truồng vác súng đi bắt trộm trong nhà. Ông có tật ngủ trần truồng cho thoải mái và sợ trộm vào ban đêm vì “mình có nhiều thứ cứt đái trong nhà. Người ta lại thích thứ cứt đái đó. Bố không muốn họ lấy những cứt đái của mình. Hiểu chưa?” Một đêm khuya, ông nghe tiếng động dưới nhà. Ông bèn với lấy cây súng, không mặc quần áo mà bay ra khỏi phòng, chĩa súng xuống và hét lớn: “Đi ra đây ngay! Nếu không tao bắn nát cha người mày ra cho coi!” Kẻ trộm hoá ra là bà chị vợ mới tới chơi mấy ngày nay, tối đói bụng xuống nhà bếp lục đồ ăn. Bà sợ hãi trước cảnh trần truồng với súng ống dương lên khiếp đảm của ông bố, run rẩy chạy nhanh vào phòng. Cảnh sát đến vì bà vợ gọi cấp cứu. Bà nói lớn: “Sam! Cảnh sát đến rồi đó! Bỏ súng xuống và mặc quần áo vào!” Ông bố quát lên: “Cái khỉ mốc! Ông đếch làm gì cả! Tiên sư nó, nhà này là nhà của ông! Ông phải bảo vệ nhà của ông chứ!” Hôm sau, cả nhà ăn sáng trong yên lặng. Mấy đứa con thì thầm với nhau: “Bác đã thấy củ của bố rồi nên ổng muốn giết bác đó.” Ăn xong, ông bố nhìn mọi người và nói với một giọng nghiêm trọng: “Tôi nghĩ tôi cần phải nói cho mọi người biết chuyện gì đã xẩy ra tối hôm qua. Không có trộm nào vào trong nhà gì hết. NHƯNG, nên nhớ rằng, người đàn ông phải bảo vệ căn nhà của họ. Thôi, bây giờ tôi phải đi làm.
* Khi tác giả học lớp sáu, cần phải làm một công trình nghiên cứu khoa học nhỏ rồi báo cáo trước lớp. Ông bố nói: “Bây giờ con sẽ biết ra bố đã làm cái mốc xì gì mỗi ngày, con ạ.” “Bố giúp con chứ?” “ Hả? Dẹp đi. Tao đã phải luôn luôn tự mình làm cái công việc khốn khiếp đó rồi. Bố chỉ giúp ý kiến, còn con phải tự làm như bố vậy.” Hai bố con họp bàn với nhau. “Rồi, bây giờ như vầy. Thí nghiệm bắt đầu bởi một câu hỏi. Con muốn tìm hiểu cái gì?” “À, à... Con thích chó lắm.” “Cái gì? Mày nói trời thần gì vậy? Đó đâu phải là một câu hỏi?” “Thì như vầy: Tại sao người ta lại thích chó?” “Trời đất ơi! Phải nghĩ tới những câu hỏi như Có phải vật nặng sẽ rơi nhanh hơn vật nhẹ hay không? Hay những câu tương tự như vậy chứ?” “OK. Thế con có thể có câu hỏi gì liên quan đến chó hay không?” “Nó có thể là bất cứ cái chó gì mày muốn! Được rồi, tao thấy mày cứ khư khư theo đ!t con chó thì như thế này nhé: Chó có thể nhận ra hình thể hay không? Được chứ?” Thằng con vì yêu con mực nuôi trong nhà nên đồng ý liền. Một thí nghiệm đơn giản được đặt ra: ba cái hình vuông, tròn, tam giác được đua cho con chó thấy, hình tròn là con chó được thưởng bánh, hình vuông là con chó ngồi xuống, hình tam giác thì con chó đứng yên. Con chó được tập luyện trong 15 ngày. Hai ngày sau đó, con chó sẽ được thấy những hình thể đó mà không có thưởng. Mục đích là xem con chó có nhận ra và hành sử như thế nào trước các hình thể. Dữ liệu và kết quả phải được ghi lại trong suốt 17 ngày. Ông bố để cho thằng con làm thí nghiệm một mình. Thằng nhỏ vì lười, ham chơi, và nghe loáng thoáng tới chuyện phản xạ Pavlov của chó nên nó yên tâm, không màng tới. Ngày cuối cùng, khi thầy giáo nhắc nhở là thằng con hoảng quá, chạy ù về phòng, đóng cửa, “phịa’ ra một đống kết quả cho suốt 17 ngày, rồi kết luận là con chó quả thật biết phân biệt các hình thể. Lúc đó, ông bố đi làm về, hỏi han thì thằng nhỏ liền trình bày kết quả nghiên cứu của mình. Ông bố nhìn qua dữ kiện của thằng con rồi nói: “Thế là con chó nhận ra được hình thể hả?” “Đúng. Con thấy ngộ lắm.” “Ừ, ngộ thiệt. Bố có thể thử nghiệm với con chó bây giờ được không?” “Ờ, ờ... Nhiều khi con chó không làm như ý mình mong muốn đâu.” Ông bố lờ đi, làm thí nghiệm với con chó thì nó cứ ù lì, dương mắt, le lưỡi, thở phì phì, rõ ràng là chẳng biết cái con mẹ gì cả. Ông lừ lừ nhìn thằng con: “Bố cho con một cơ hội ngay bây giờ đề nói cho bố biết những gì con muốn nói.” Thằng nhỏ bèn mếu máo thú thật. Ông bố nổi sùng, cầm cuốn sổ xé toạc đi rồi gầm lên: “Đồ bỏ! Mày viết toàn là những thứ thối tha, thừa thải, rác rưởi!” Bà mẹ phải lôi ông chồng đi, làm dịu cơn nóng. Mười phút sau, ông bố trở lại, giọng vẫn còn tức tối. “Mày đã làm nhục cho tất cả cộng đồng khoa học. Làm nhục tất cả mọi người, ngay cả thằng ôn dịch Einstein!” Thằng nhỏ lí nhí xin lỗi. “Con bà nó, đây là công việc tao làm mỗi ngày, và tao cho nó rất, rất ư là chó chết quan trọng.” “Con biết.” “Không. Mày đếch biết gì cả. Bây giờ đây là những cái mày cần phải làm.” Ông bố bắt thằng nhỏ thú hết tội lỗi với thầy giáo, rồi xin phép thầy cho nó thú nhận tội gian lận trước cả lớp. “Và nếu thầy mày nói mày không cần phải làm như vậy thì kệ mẹ nó, mày cứ phải làm cho tao!” Thằng nhỏ nghe theo bố, làm y như lời dặn trước những cặp mắt lơ láo của các bạn học lớp sáu. Tối đó ông bố nói: “Bố xin lỗi con là bố đã làm khó cho con, nhưng bố không muốn người ta nhìn con như nhìn một bãi cứt trâu khốn khiếp. Con đâu phải như vậy. Con là một người tốt. Thôi, lên phòng đi. Mày bị cấm đi ra khỏi nhà kể từ bây giờ.
* Khi tác giả 14 tuổi, một thằng bạn hớn hở chạy tới khoe mới nhặt được một cuốn băng làm tình bom tấn nóng bỏng. Hai thằng bèn phân chia thì giờ cho nhau coi. Nhà thằng nhỏ chỉ có một đầu máy trong phòng ngủ bố mẹ nên nó phải đặt ra một kế hoạch coi phim cặn kẽ. Chờ nhà vắng không có ai là nó chạy lên phòng bố mẹ nó, đút cuốn băng vào đầu máy, tụt quần đứng coi. Khi nghe có động tĩnh là nó mau kéo quần lên, nhấn nút lấy băng ra rồi chạy biến về phòng. Lớp lang, trật tự như vậy, không sao bị bắt được. Vậy mà thằng ôn bị bắt. Một buổi sáng, nó thức giậy thì thấy ông bố đứng ve vẩy cuốn băng cởi truồng làm tình trước mặt nó. Nó đã quên lấy cuốn băng ra khỏi đầu máy tối hôm qua rồi. Ông bố nói: “Tao đếch thèm để ý mày có coi phim con heo hay không, cứ coi cho đã đi con, không sao hết. Nhưng, thứ nhất, đừng làm chuyện đó trong phòng của tao (tao tởm lợm khi nghĩ tới cảnh đi làm về mà phải ngồi trên những đám nhầy nhụa của mày), thứ hai, không thể để cho mẹ mày thấy phim khiêu dâm trong phòng tao rồi bả sẽ nghĩ đó là của tao. Như thế tao sẽ có vấn đề, và tao không thể chịu lãnh cái tội mang phim hình tục tĩu của người khác.” Thằng con hốt hoảng: “Bố có nói cho mẹ biết không?” Ông bố nheo mắt nói: “Không, bố sẽ giữ im lặng miễn là mày đừng làm chuyện đú đởn đó trên giường của tao.” Thằng con cười, vướn mình lên lấy lại cuốn băng. Nhưng ông bố quay người đi, kẹp cuốn băng vào nách: “Còn lâu nha con.” Sự ngượng nghịu còn tăng gấp mấy lần lên khi sáng hôm sau thằng con thấy bà mẹ cầm cuốn băng nhìn mình. Ông bố đã mách bà mẹ! Sau khi nghe bà mẹ la lối, rao giảng về cái bệnh hoạn của kĩ nghệ phim dâm cùng cái tính cách bất bình thường của việc làm tình trong cuốn phim, thằng con bước xuống phòng ăn để gặp người cha. “Bố!” Ông bố nhăn mặt nhìn thằng con: “Cẩn thận với những lời nói sắp tới đó nghe.” “Sao bố hứa bố sẽ không nói gì với mẹ hết mà?” Ông bố chậm rãi nói: “Ừ, bố đã nghĩ về lời hứa đó. Có quá nhiều rủi ro để mà không nói cho bả biết. Mày không nên để quên cuốn băng đó trong phòng tao. Con cu của mày đã phản bội mày, con ạ. Nó làm trí óc mày ngu độn đi. Đây không phải là lần cuối cùng nó xẩy đến với mày đâu.
* Tác giả ra trường, đi làm, ra ở riêng. Buồn quá, và vì có tính thương chó, nên muốn nuôi một con trong nhà cho vui. Anh liền đi mua một con chó nhỏ. Nhưng nó hư quá, đái ỉa tùm lum, chịu không nổi. Khi nhìn thấy đồ đạc trong phòng lúc nào cũng bao phủ bởi cứt chó thì anh phải tìm cách đem nó đi nơi khác mà thôi. Bạn bè không ai chịu nhận thì cuối cùng chỉ cầu cứu bố mẹ. Chứ còn ai? Con chó lớn mau như thổi, và ổng bả có một sân cỏ to rộng sau nhà. Hợp quá rồi còn gì? Bà mẹ thì không sao, vài lời năn nỉ ỉ ôi là xong ngay. Nhưng ông bố thì là một chuyện khác. Chủ nhật hôm đó anh xuống thăm bố mẹ với con chó. Hai ông bà xúm lại nựng nịu con chó nhỏ nhắn, dễ thương. Bỗng nhiên bà mẹ nghi ngờ hỏi: “Con chó ở đâu ra thế? Của ai vậy?” “Ờ, để con nói cho bố mẹ nghe.” Rồi tác giả kể lể hết sự tình, thêm một tí mắm muối cho hai người nghĩ rằng con chó này dễ nuôi nhất trần đời. Bà mẹ dãy nẩy: “Bố mẹ đâu có thể nuôi con chó này được! Đây là trách nhiệm của con - bố mẹ không thể cưu mang nó vì con đã suy tính một cách nông cạn.” Tác giả cảm thấy lo lắng và bất ngờ cho sự cứng rắn của bà mẹ. Lời nói này lẽ ra phải phát ra từ người cha. Bất ngờ ông bố ôm lấy con chó rồi nói: “Chúng ta sẽ nuôi con chó này.” Bà vợ trợn mắt lên: “Ông nói thật chứ?” “Đây chỉ là một con chó. Không phải là thằng Justin chơi bời bậy bạ, tương cho con gái người ta một bụng bầu, rồi đem về đây một thằng nhỏ đâu.” Tác giả cười: “Đúng rồi, con đâu có bậy bạ như vậy.” Ông bố nghiêm mặt, nói với giọng không có một chút gì cười cợt: “Tao chắc là mày chẳng bao giờ làm cái chuyện chó đẻ đó đâu.” Ông bố ôm con chó ra ngoài, xoa bụng nó rồi đặt nó xuống. Ông nói với nó: “Đây là nhà của mày. Mày cứ tha hồ iả đái.” Con chó ở nhà ông bà già, cao lớn vùn vụt. Một hôm đến thăm bố mẹ, tác giả thấy ông bố bận bịu nấu nướng trong bếp. Ông bố nói: “Mỗi sáng bố nấu cho nó nửa kí thịt bò bằm, nửa kí khoai tây, hai trái trứng. Trộn chung rồi cho thêm muối tỏi.” “Muối tỏi? Bộ nó không chịu ăn nếu không có muối tỏi hay sao?” “Nghe đây nè. Con chó thích muối tỏi thì tao cho thêm muối tỏi, chứ có con mẹ gì đâu mà phải ngạc nhiên?” Ông bố giải thích cho thằng con là ông đã thử tất cả các loại đồ ăn chó, và nó chỉ thích món mà ông nấu cho nó nhất. Thằng con nói: “Thảo nào nó béo mập như con bò mọng.” Ông bố nói thêm: “Đó là ăn sáng thôi nhé, đền tối bố còn cho nó ăn thêm một bữa y như vậy.” Ông đem đồ ăn ông mới nấu ra cho con chó. “Đây, đây, ăn từ từ thôi, đồ chó đẻ.” Ông quay đầu lại, nói: “Ừ thì bố bận rộn với nó lắm, nhưng bố coi nó như một ngưòi bạn.” Thật không thể tưởng tượng được khi nghe những lời nói đó. Chắc vì tuổi già nên ông bố trở nên đa cảm chăng? “Bỏ cái bộ mặt ngớ ngẩn thối đ!t của mày đi. Tao đâu có điên. Trời đất ơi, chúng là ‘người bạn thân thiện nhất với loài người’ mà. Tao đâu có dựng lên câu nói đó đâu?” Thằng con bèn nói nó vui vì ông đã có một người bạn tốt. “Con biết không, bố chưa bao giờ sống gần gũi với một con chó nào cả. Từ khi tụi con đi hết, mẹ nó lại bận bịu vì công việc, thật là may nếu có một ai chung quanh để nương tựa. Và để phá hoại vườn hoa của tao – đồ chó má.” Ông bố nhìn thằng con, cười nói: “Nó giống như con vậy đó: một nỗi bực giọc như cọc ngoáy vào lỗ đ!t, nhưng bố thương nó. Và nó iả đái tùm lum. Đó là cái mà nó giống mày nhất.
Và còn nhiều chuyện nữa. Chuyện bố con cãi nhau vì bà mẹ bắt cả gia đình phải tập sống kham khổ trong một tuần. Chuyện ông luyện tập baseball với thằng con. Chuyện ông muốn tìm bồ gái cho thằng con. Chuyện ông bênh con vào lớp cãi nhau với thầy giáo. Chuyện ông giải thích sự sống và cái chết trong cõi vô hình cho thằng con. Chuyện ông lo lắng cho sức khoẻ (khi nó bị bệnh) và sự an toàn (khi nó chi qua Mexico chơi) của thằng con. Chuyện... Sau mỗi câu chuyện là một số câu nói hí lộng của ông bố. Thí dụ:
- Về tập con nít đi cầu: “Mày bốn tuổi rồi. Mày phải iả trong cầu tiêu. Đây là một chuyện không thể cằng cưa, đưa đòi gì hết. Mày phải ngồi tập cho đến khi nào tao thấy có cứt trong bồn.
- Về hư hại nhà cửa: “Tao đếch cần biết cái kính cửa sổ bị bể như thế nào... Khoan đã, tại sao lại có nước đường văng tung toé vậy nè? Rồi, biết sao không? Bây giờ thì tao lại muốn biết cái mả mẹ gì đã xẩy ra. Nói cho tao nghe đi.
- Về người lạ: “Nghe đây, nếu có người nào đó nói năng dịu ngọt với con mà con không biết họ, bỏ chạy ngay. Chẳng ai tốt lành với con vì họ muốn tốt lành với con cả, nhưng nếu mà ai đó quả thật tốt lành với con thì con nên biết là người đó cứ xéo mẹ nó đi nơi khác.
- Về bị đùa chọc: “Thế nó nói con là đồng giới hả. Có gì quan trọng đâu? Chẳng có gì sai cho ai có tính đồng giới gì sất... Không, chúa ơi, bố có nói con là đồng giới đâu. Bây giờ tao mới hiểu tại sao thằng đó lại bắn những lời chó đểu đó với mày.
- Về chuyện lộn xộn trong trường: “Tại sao con lại ném trái banh vào mặt nó như thế?... À, à, Lí do này đúng quá rồi còn gì nữa. Thôi, bố không thể làm gì hơn được trước sự tức giận của thầy con, nhưng giữa chúng ta thì không sao hết.
- Về tuột ống nước: “Mày đi thử đi. Tao không thích bị bắn ra khỏi ống rơi vào hồ nước chứa đầy nước đái của một nhóm con nít chín tuổi.
- Về chuyện nuôi chó: “Ai chăm sóc cho con chó? Mày hả?... Con ơi, hôm qua con đến nhà này với bàn tay dính đầy cứt. Cứt của người ta đấy. Bố không biết chuyện gì xẩy ra, nhưng nếu một người nào đó dính cứt đầy tay thì đó là dấu hiệu cho thấy có thể người đó không hề biết gì đến trách nhiệm cả.
- Về tắm mỗi ngày: “Mày mười tuổi rồi, mày phải tắm mỗi ngày... Tao đếch cần biết mày có thích hay không. Người ta ghét những tên bù bựa hôi hám. Tao không muốn có một người con là một tên bù bựa hôi hám.
- Về nói chuyện với thầy giáo: “Bố không nghĩ cô giáo thích con, nên bố cũng không thích cô ta. Mày làm nhiều điều bắng nhắng, nhưng trời cao đất dày ạ, mày là một đứa trẻ ngoan. Còn cô ta thì cô ta cứ tếch đi chỗ khác mà móc tay tìm sướng.
- Về sợ hãi không thể đi cầu trong trường học: “Tao không phải là người để mày than phiền, con ạ. Tao có thể iả bất cứ chỗ nào, bất cứ lúc nào. Đó là một trong những đặc tính toàn hảo của tao. Nhiều người còn cho rằng đó là đặc tính toàn hảo nhất của tao.
- Về san sẻ với nhau: “Xin lỗi nha, nếu anh mày không muốn mày chơi với những thứ cứt đái của nó thì mày không thể nghịch với chúng. Đó là cứt đái của nó. Nếu nó muốn là một thằng bư bướng và không muốn san sẻ với mày, đó là quyền của nó. Mày cũng luôn luôn có quyền là một thằng bư bướng – mày chỉ không nên dùng cái quyền đó thường xuyên mà thôi.
- Về những đứa hay gây sự: “Con sẽ gặp nhiều tên khốn nạn như vậy – nhưng nhớ cho kĩ này: con không phải sợ lỗ đ!t của chúng rộng lớn bao nhiêu mà là có bao nhiêu cứt sẽ phun ra từ cái lỗ đó.
- Về tuổi dậy thì: “Tuổi dậy thì xẩy ra như thế nào hả?... Làm sao tao biết mày đang trải ra tuồi dậy thì hả? À, tao không biết, có thể tao sẽ biết khi đột nhiên thấy ba trăm sợi lông cu của mày rơi vương vãi trên nắp cầu tiêu.
- Về tình bạn: “Mày có nhiều bạn tốt. Tao thích chúng lắm. Tao không nghĩ chúng sẽ tìm cách phịch bạn gái của mày, nếu mày có bạn gái.
- Về tình bạn 2: “Bố không cần thêm nhiều bạn. Có thêm bạn thì chúng chỉ nhờ di chuyển đồ đạc khi chúng đổi nhà. Dẹp đi. Bố già rồi. Bố không còn có thể khuân vác cái thứ khốn khiếp đó nữa.
- Về bao cao su: “Tao sẽ để một mớ bao cao su trong hộp xe đây... Tao đếch cần biết nếu mày không muốn nói chuyện này với tao, Tao cũng đâu có muốn nói chuyện này với mày. Mày nghĩ tao muốn mày phịch trong xe tao hả? Không đâu. Nhưng tao không muốn bỏ tiền nuôi vài đứa con rơi của mày bởi vì trong xe không có bao cao su.
- Về hệ thống video game: “Không, mày sẽ không có nó... Tốt, tới nhà bạn mày mà chơi đi. Khi ở đó, nhớ là tìm cách để ăn uống và đi iả trong nhà nó luôn nghe.”
- Về dạy lái xe: “Đầu tiên, điều thứ nhất là xe có 5 số tay. Ủa, có mùi gì vậy kìa?... Hừm, trước hết, trước cả điều thứ nhất, là đánh rắm trong xe khi nó không di chuyển sẽ làm cho mày thành một thằng cả đẫn.
- Về lựa trường đại học: “Đừng lựa trường nào mà con nghĩ con có thể dễ dàng làm thịt những con nữ sinh viên... Không, không, đó là lí do tốt cho những lựa chọn khác, nhưng không phải là cho trường học.
- Về biết ra đứa con dùng cần sa: “Hết xẩy, phải không?... Thật hả? Thế thì bố nghĩ khác với con rồi. Đừng nói lại với mẹ con lời nói của bố nha. Nói vời bả là bố la mắng con, nói con là ngu dốt. Thật ra, đừng nói gì với bả sất. Thấy chưa, đầu óc bố lộn xộn, mà bố có hút cần sa đâu nào?
- Về đứa con đưa bồ gái đi chơi Las Vegas: “Vegas? Tao không hiểu tụi bay nữa, cả hai đều dưới tuổi để đánh bài. Tụi bay đều quá trẻ để được uống rượu. Chỉ có mọt thứ mà tụi bay đủ tuổi để làm là mướn một căn phòng và – ô, tao biết rồi. Khôn lắm.
- Về bầu cho Bush hay Gore: “Gore trông như một tên hách dịch, mặt mũi câng câng, nhưng mỗi lần nhìn thấy Bush là hình như nó mới iả ra quần, lúc nào cũng lo lắng về chuyện đó.
- Về sinh nhật: “Nghe cho rõ đây, tao đếch cần biết nếu mày quên sinh nhật của tao. Tao không cần người ta nhắc nhở ngày chết đã cận kề. Nhưng mẹ mày, bả vẫn còn thích đếm từng năm một, đo đó, hãy bỏ tất cả cái mả mẹ gì mày đang làm và lái xe xuống đây để dự lễ sinh nhật của bả... Tốt, tao sẽ cho mày biết nếu bả đổi ý kiến và không coi những sự việc vô nghĩa này là quan trọng nữa.
- Về mốt để tóc hiện đại: “Cái tụi cùng tuổi với mày có biết chải tóc không vậy? Nó giống như hai con sóc nhẩy lên đầu rồi hì hục phịch nhau trên đó.
- Về khi nào có con: “Chẳng bao giờ có lúc nào đúng nhất để có con, nhưng luôn luôn lúc nào cũng đúng để làm tình. Ông trời đâu có ngu. Ổng biết hết mà.
- Về tại sao đứa bé chậm nói: “Yên tâm đi, thằng nhỏ sẽ nói khi nó muốn nói. Đâu có phải là nó biết cách chữa bệnh ung thư nhưng nó không thể nói ra được?
Tớ mua cuốn sách này tặng Bố của tớ nhân dịp Father’s Day năm ngoái. Để có một cái gì thay đổi vì ông chỉ tuyền đọc sách vở, báo chí, tường trình gửi tới từ nhiều nơi, kể cả trong nước – toàn là chuyện nước non, thế giới, nặng nề quá. Tớ muốn ông cười, một chuyện ít ỏi từ khi ông sang Mĩ, nhưng vẫn còn nặng lòng với đất nước. Hi vọng ông hiểu tình người con. Hôm sau tớ hỏi ý kiến của ông về cuốn sách. Ông chỉ gật đầu mỉm cười. Rồi ôm tớ vào người. Vài giây sau, thả tớ ra, ông lắc đầu nói: “Mĩ quá.
Diên Vỹ gửi hôm Chủ Nhật, 19/01/2014          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20140118/ngon-co-lau-diem-sach-sht-my-dad-says-cua-justin-halpern
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001