Nguyễn Gia Kiểng - Bước vào một năm đầy thử thách
Nguyễn Gia Kiểng
“…Như vậy nhu cầu khẩn cấp của đất nước trên ngưỡng cửa của một năm đầy bất trắc là thúc đẩy sự hình thành nhanh chóng của một đội ngũ trí thức chính trị, đội ngũ của những người có kiến thức chính trị thực sự và quyết tâm tổ chức lại xã hội một cách hợp lý. Tình hình sau đó sẽ thay đổi hẳn… Điều quan trọng nhất là hiểu rằng tổ chức…”Chúng ta vừa bước vào một năm mới.
Năm 2014 sẽ là một năm đầy bất trắc.
Kinh tế nước ta sẽ khủng hoảng nặng. Sau nhiều năm che giấu sự thực bằng những con số thống kê giả tạo, chính quyền cộng sản, qua lời bộ trưởng kế hoạch và đầu tư Bùi Quang Vinh tại quốc hội ngày 24-10 vừa qua, đã phải thú nhận sự thực bi đát là đầu tư phát triển cho năm 2014 sẽ giảm một nửa so với năm trước. Đầu tư có đặc tính riêng của nó. Nó không cần phải giảm, chỉ cần không tăng với tỷ lệ cao hơn năm trước là kinh tế đã bắt đầu suy thoái rồi, vậy mà đầu tư của nước ta trong năm 2014 sẽ giảm và giảm một cách nghiêm trọng như chưa bao giờ thấy. Như vậy kinh tế sẽ suy thoái rất nặng, theo ông Bùi Quang Vinh thì Việt Nam có thể bị tụt hậu so với cả Lào và Campuchia. Hậu quả tức khắc là nhân dân ta sẽ phải trải qua một năm rất khó khăn và sự phẫn nộ sẽ lên tới tột độ.
Cùng với năm 2014, bản hiến pháp mới của chế độ cũng bắt đầu được áp dụng. Sau những thất bại liên tục và những vụ tham nhũng nghiêm trọng được phơi bày cũng như với tình trạng phân hóa trong nội bộ đảng, người ta chờ đợi ở đảng cộng sản một thái độ khiêm tốn. Nhưng điều ngược hẳn lại đã xảy ra. Bản hiến pháp này là một thách đố trắng trợn và xấc xược đối với dân tộc Việt Nam. Nó qui định các lực lượng vũ trang phải tuyệt đối trung thành với đảng cộng sản, trước cả nhà nước. Đây không phải là một bản hiến pháp - hiểu theo nghĩa phải có của một hiến pháp là qui ước sống chung và xây dựng một tương lai chung của một dân tộc - mà chỉ là qui định của một lực lượng chiếm đóng thống trị dân tộc. Trước một lực lượng chiếm đóng thái độ tự nhiên và bắt buộc là chống lại. Chống lại một cách ôn hòa bất bạo động nhưng chống lại một cách dứt khoát và quả quyết. Những người dân chủ ôn hòa nhất cũng đã hiểu như vậy. Nhóm "Kiến nghị 72" của các trí thức xuất phát từ guồng máy Đảng và nhà nước cộng sản - nhiều người còn là đảng viên cộng sản - đã ra tuyên bố, thay vì kiến nghị - bác bỏ bản hiến pháp này và coi quyền bất tuân dân sự từ nay là chính đáng. Đây là một bước tiến quả quyết và đáng hoan nghênh của trí thức trong nước, lần đầu tiên họ công khai tuyên bố bất phục tùng chế độ. Nó chứng tỏ rằng ngay cả những người cộng sản cũng phải chống lại bản hiến pháp thô bạo này nếu họ còn là người Việt Nam.
Nhưng chính quyền cộng sản có đủ khả năng để thách thức nhân dân Việt Nam không? Chắc chắn là không và đàng nào thì cũng là một thái độ liều lĩnh. Theo những tin tức dần dần được tiết lộ vụ sửa đổi hiến pháp vừa rồi chỉ là một buớc hụt hẫng. Nó đã được manh nha từ trước đại hội đảng lần thứ 11, tháng 01/2011. Mục đích của nó là để rập khuôn theo chế độ Trung Quốc và ông Nguyễn Tấn Dũng đã rất nhiệt tình với việc tập trung mọi quyền lực trong tay một tổng bí thư kiêm chủ tịch nước vì lúc đó ông hoàn toàn tin tưởng sẽ nắm được vai trò này. Nhưng rồi đại hội đã không diễn ra như ông mong muốn vì nhiều vụ tai tiếng - Vinashin, cho Trung Quốc thuê rừng đầu nguồn, bôxit Tây Nguyên, Đường Sắt Cao Tốc Bắc Nam, Vinalines - liên tục được đem ra ánh sáng khiến ông Dũng trở thành người bị chê trách nhất nước và đã không giành được chức tổng bí thư. Tuy vậy dự định sửa đổi hiến pháp vẫn được tiến hành, lần này bởi những người muốn hạ bệ ông trong khi ông Dũng không thể phản đối vi chính ông đã từng bảo vệ nhiệt tình. Kết quả là hiến pháp mới được thông qua và tạo ra một tình trạng hoàn toàn mâu thuẫn với thực tại. Kể từ ngày 01/01/2014, theo bản hiến pháp mới này, mọi quyền lực sẽ được tập trung vào tay chủ tịch nước Trương Tấn Sang, một người không có thế lực đáng kể nào làm hậu thuẫn, trong khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, người nắm được cả quân đội, công an và tài phiệt gần như bị tước hết quyền lực. Mâu thuẫn này có thể làm nổ tung chế độ vì hai ông Trương Tấn Sang và Nguyễn Tấn Dũng không chỉ tranh giành quyền lực mà còn thù ghét nhau thậm tệ. Phản ứng của ông Dũng ra sao? Nhượng bộ và chấp nhận cơ cấu mới tương đương với chấp nhận bị đào thải và sau đó rất nhiều người thân cận của ông, thậm chí cá nhân ông, sẽ phải chịu số phận của Dương Chí Dũng, nhất là vào lúc chính quyền đang cần những con dê tế thần. Hay đảo chính để nắm quyền? Với thế lực hiện có ông Dũng có thể đảo chính và cũng không sợ bị buộc tội đã không tôn trọng một chế độ tự nó đã mất hết tính chính đáng hay một bản hiến pháp tự nó đã là một sự xúc phạm đối với dân tộc; nhưng ông sẽ chỉ tạo ra một tình trạng không kiểm soát được. Có nhiều triển vọng là ông Dũng không làm gì cả và vẫn cứ tiếp tục cầm quyền như trước, coi như không có gì thay đổi. Trong trường hợp này ông sẽ lố bịch hóa chế độ và tự đặt vào thế vừa không chính đáng vừa không chính danh.
Cũng không thể loại trừ trường hợp là tất cả đã được Trung Quốc dàn xếp rồi và sẽ không có đấu đá ở cấp cao nhất. Nhưng nếu như thế thì nước ta đã mất chủ quyền. Tình hình còn bi đát hơn, nhưng cuộc vận động dân chủ sẽ được thêm chính nghĩa và sức mạnh của một cuộc đấu tranh chống lại ách thống trị ngoại bang.
Một điểm đáng chú ý là một triệt thoái quan trọng của bản hiến pháp mới so với dự thảo sửa đổi được công bố hồi đầu năm 2013. Trong dự thảo ban đầu không có câu "kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo". Như thế có nghĩa là bản hiến pháp mới đã rút lại một thay đổi quan trọng và giữ nguyên chính sách "kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa" của hiến pháp cũ. Nhưng tại sao định thay đổi rồi lại thôi dù không gặp chống đối nào? Có thể giải thích việc bỏ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước là một bắt buộc để có thể tham gia khối Hợp Tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP) và chế độ đã trở lại đường lối cũ sau khi hy vọng tham gia TPP tan biến. Các cuộc thảo luận để tham gia TPP đã không đưa tới kết quả trong năm 2013 như Hà Nội mong muốn, nhưng việc giữ nguyên vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước sẽ khiến hy vọng được tham gia TPP của Việt Nam trở thành rất mong manh trong tương lai. Đây là một thiệt hại lớn, và sẽ càng làm cho tình hình kinh tế xấu thêm, bởi vì TPP là một khối hợp tác không biên giới quan thuế với trọng lượng kinh tế gần bằng một nửa kinh tế thế giới. Không tham gia TPP cũng có nghĩa là chúng ta sẽ gặp khó khăn trên hai thị trường lớn và thuận lợi nhất cho Việt Nam hiện nay, Mỹ và Nhật.
Đàng nào thì năm 2014 cũng sẽ là một năm đầy ẩn số, đầy thử thách nhưng cũng đầy hy vọng. Đàng nào thì chế độ cộng sản cũng sẽ rất chao đảo vì kinh tế khủng hoảng, nội bộ chia rẽ và quần chúng phẫn nộ. Tình huống này đòi hỏi ở những người dân chủ Việt Nam rất nhiều cố gắng, quyết tâm và sáng suốt.
Chúng ta sẽ gặp những thuận lợi và bất lợi nào?
Một bất lợi cho phong trào dân chủ cần được cảnh báo là hậu thuẫn tại hải ngoại sẽ tiếp tục sút giảm. Cộng đồng người Việt hải ngoại đang ở cao điểm của điều mà các nhà nghiên cứu về các cộng đồng người di dân gọi là "hiệu ứng của thế hệ thứ hai". Theo họ mỗi cộng đồng di dân đều chỉ ổn vững sau ba thế hệ: thế hệ đầu thương nhớ quê hương nhưng tập trung cố gắng để làm lại cuộc đời và thích nghi với quê hương mới, thế hệ thứ hai hội nhập hoàn toàn vào quê hương mới và không còn quan tâm tới quê hương cũ, thế hệ thứ ba cố tìm lại nguồn gốc của mình. Cộng đồng người Việt hải ngoại đã được hơn 38 năm. Hiệu ứng thế hệ thứ hai đã bắt đầu từ hơn mười năm qua và đã đạt tới cao điểm của nó từ vài năm qua. Ở những mức độ khác nhau tất cả các tổ chức chính trị hải ngoại đều bị tổn hại nặng vì phần lớn thành viên đã già, nhiều người không còn nữa. Thật là đáng tiếc vì lúc này phong trào dân chủ trong nước đang khởi sắc, sự hỗ trợ của hải ngoại đang lẽ phải mạnh lên thay vì yếu đi. Nhưng đây không phải là lỗi của cộng đồng người Việt hải ngoại. Không ai cấm được thời gian trôi qua. Điều thực sự đáng tiếc là phong trào dân chủ trong nước đã ra đời quá chậm. Vào lúc bức tường Berlin sụp đổ, cuối năm 1989, tinh thần tranh đấu ở hải ngoại rất sôi sục nhưng Việt Nam chưa có đối lập dân chủ trong nước. Và chúng ta đã lỡ hẹn.
Hy vọng rằng sự lớn mạnh của phong trào dân chủ trong nước sẽ đem lại sự phấn khởi cho hải ngoại và làm giảm bớt những thiệt hại của hiệu ứng thế hệ thứ hai. Hy vọng này không hão huyền. Một sự kiện rất mới, và thuận lợi, là lần đầu tiên trong lịch sử Việt Nam đã có một lớp trí thức chính trị. Đây là một thay đổi lớn và sẽ có ảnh hưởng quyết định sau một thời gian dọ dẫm. Một thế hệ trí thức dân chủ mới đang nhập cuộc, thế hệ của những người ở lứa tuổi 25 -35, đã học xong đại học hay cao đẳng nhưng phần lớn không tìm được việc làm phù hợp; họ được thông tin đầy đủ về tình hình Việt Nam và thế giới và ngày càng phẫn nộ trước một chính quyền vừa bạo ngược vừa tồi dở và tham nhũng. Trái với thế hệ đàn anh lớp trí thức trẻ này có kiến thức và ưu tư chính trị. Họ đang gặp gỡ trao đổi với nhau trên mạng, họ gần như đã làm chủ được không gian ảo và có thể từ không gian ảo dắt tay nhau bước ra đời thực như một lực lượng dân chủ.
Nhưng làm thế nào để tạo ra lực lượng dân chủ này?
Phan Châu Trinh là nhà tư tưởng chính trị lỗi lạc nhất của Việt Nam trong thế kỷ 20. Tuy vậy trên một điểm ông đã sai lầm và lôi kéo trí thức Việt Nam vào sai lầm. Đó là việc ông đề cao nhu cầu nâng cao dân trí một cách vừa quá đáng vừa hạn hẹp. Khi ông viết "cũng bởi thằng dân ngu quá lợn, cho nên quân đó mới làm quan" ai cũng phải hiểu rằng "thằng dân" có nghĩa là quần chúng Việt Nam. Nhưng hiểu như vậy là rất sai. Châu Âu và Hoa Kỳ đã bắt đầu xây dựng dân chủ vào lúc mà tuyệt đại đa số dân chúng của họ chưa biết đọc biết viết, không hơn gì trình độ học vấn của quần chúng Việt Nam vào thời đại Phan Châu Trinh. Điều khác biệt là họ đã có một lớp trí thức chính trị, nghĩa là những người có học hỏi về chính trị và quyết tâm tổ chức lại xã hội họ một cách hớp lý hơn để vươn lên. Thảm kịch của Việt Nam là chúng ta đã không có lớp trí thức chính trị này chứ không phải vì dân trí thấp. Việc Phan Châu Trinh đặt nặng "khai dân trí" không sai lắm vì lúc đó quả thật trình độ hiểu biết của đa số người Việt còn thấp, nhưng ông đã lôi kéo trí thức Việt Nam vào một sai lầm lố lăng hơn nhiều. Nhiều người khoa bảng cho tới lúc này vẫn còn nghĩ một cách rất tự mãn là Việt Nam chưa có dân chủ bởi vì dân trí Việt Nam - nghĩa là trình độ hiểu biết của quần chúng - còn quá thấp, trong khi sự thực ngược hẳn. Việt Nam chưa có dân chủ bởi vì chính họ quá thấp.
Cần ý thức rằng cho tới nay sự hiểu biết về chính trị của trí thức Việt Nam thấp hơn quần chúng. Điều này thoạt nghe có vẻ vô lý nhưng quả thực là như thế. Tại sao? Trí thức Việt Nam là hậu duệ của giai cấp sĩ ngày xưa và vẫn còn là những kẻ sĩ. Nhưng giai cấp sĩ là gì? Đó là những người mà nghề nghiệp và ước mơ là làm tay sai cho các vua chúa để đàn áp và bóc lột quần chúng. Các vua chúa quyết định chính sách, nghĩa là làm chính trị. Người dân chịu đựng chính sách nên cũng cảm nhận được chính trị. Nhưng kẻ sĩ chỉ là dụng cụ của các vua chúa. Và những dụng cụ không suy nghĩ. Một cách tương tự cho tới một ngày gần đây những người "trí thức xã hội chủ nghĩa", đôi khi cũng được gọi là những người "lao động trí óc" chỉ là công cụ thống trị của Đảng Cộng Sản. Họ không quyết định chính sách như những người lãnh đạo Đảng mà cũng không phải là nạn nhân của chính sách như quần chúng. Về mặt chính trị họ là những người ngoài cuộc. Họ đứng ngoài chính trị và không hiểu chính trị, ngay cả nếu chính vì không hiểu họ tưởng là mình hiểu.
Như vậy nhu cầu khẩn cấp của đất nước trên ngưỡng cửa của một năm đầy bất trắc là thúc đẩy sự hình thành nhanh chóng của một đội ngũ trí thức chính trị, đội ngũ của những người có kiến thức chính trị thực sự và quyết tâm tổ chức lại xã hội một cách hợp lý. Tình hình sau đó sẽ thay đổi hẳn. Bởi vì chỉ cần học hỏi một cách nghiêm túc người ta sẽ hiểu ngay rằng chỉ có thể giành thắng lợi cho dân chủ nếu có được một tổ chức dân chủ mạnh. Sẽ không còn những trí thức nói một cách hãnh diện rằng mình không thuộc một tổ chức nào cả. Và chúng ta sẽ có đủ kiên trì và nhẫn nại để xây dựng tổ chức thay vì phí uổng thời giờ và sinh lực để tìm kiếm những tiếng vang nhất thời. Điều quan trọng nhất là hiểu rằng tổ chức là điều quan trọng nhất.
Xây dựng một tổ chức lớn mạnh đòi hỏi rất nhiều thời giờ trong khi những biến chuyển của năm 2014 và giai đoạn sắp tới có thể sẽ rất dồn dập và không cho chúng ta thời gian cần thiết. Chúng ta có thể nghĩ đến một Mặt Trận Dân Chủ qui tụ nhiều tổ chức trên một kế hoạch chung trong giai đoạn chuyển tiếp. Tập Hợp Dân Chủ Đa Nguyên sẽ tham gia một cách quả quyết và với tất cả sự khiêm tốn. Giành thắng lợi cho dân chủ là mục tiêu duy nhất.
Vậy thì cùng với lời chúc một năm 2014 an khang hạnh phúc chúng ta cũng chúc nhau nghị lực, sáng suốt và may mắn để làm cố gắng lịch sử đưa đất nước ra khỏi bóng đêm của độc tài và vào vùng ánh sáng của tự do và dân chủ.
Nguyễn Gia Kiểng
(01/01/2014)
Admin gửi hôm Thứ Năm, 02/01/2014
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20140102/nguyen-gia-kieng-buoc-vao-mot-nam-day-thu-thach
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001