Thứ Tư, 1 tháng 1, 2014

Thông tin “Thủ tướng ủng hộ đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK” đã bị chỉ đạo gỡ bỏ

Thông tin “Thủ tướng ủng hộ đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK” đã bị chỉ đạo gỡ bỏ 



Đôi lời: Thông tin về buổi làm việc của TT Nguyễn Tấn Dũng với Hội Khoa học Lịch sử VN, trong đó ông chỉ đạo các cơ quan ngoại giao, giáo dục … chuẩn bị nội dung đưa vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa vào Sách giáo khoa các cấp học phổ thông. 
Thế nhưng, sau khi bài được VNN đăng, một số báo như Dân trí, Pháp luật TPHCM, An ninh Hải Phòng … đã đăng lại, thì đột nhiên đồng loạt bị gỡ bỏ (*).
Chúng tôi tìm hiểu thì được một vị lãnh đạo một tờ báo cho biết việc gỡ bỏ bài đó là do có chỉ thị miệng từ cấp cao. Lý do cho quyết định này là vì phía Trung Quốc đang tỏ ra hòa hoãn với ta, thì ta cũng cần tránh có động thái có thể gây căng thẳng.
Khó biết được sự thực đằng sau hiện tượng này, như lời vị lãnh đạo báo kia nói, hay do nguyên nhân nào khác, ví như bị “Thiên triều” nạt nộ, qua “đường dây nóng” chẳng hạn, thậm chí có thể chỉ một cú điện thoại từ tòa đại sứ TQ tới thôi … Thậm chí biết đâu, đó là do TT … “lỡ miệng”, còn việc hệ trọng này phải được BCT thông qua?
Bổ sung, 13h: sau khi đăng bài thì phát hiện hai bản tin ngắn: - Thủ tướng ủng hộ đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK (PLTP, trích từ VNN). - Hoan nghênh đưa kiến thức biển Đông vào sách giáo khoa (TT).
Thật khó hiểu!
BT
Baomoi.com/VietnamNet
VietnamNet  - 30/12/2013 18:39 3 tin đăng lại

Thủ tướng ủng hộ đưa Hoàng Sa, Trường Sa vào SGK

Việc đưa Hoàng Sa – Trường Sa vào sách giáo khoa cần cân nhắc, tính toán về mức độ, nhưng chắc chắn là không được chập chờn, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với Hội Khoa học lịch sử Việt Nam.
Chiều nay (30/12), gặp mặt Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Chủ tịch Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, GS Phan Huy Lê kiến nghị đưa việc phổ biến kiến thức về Biển Đông và chủ quyền biển đảo, Hoàng Sa – Trường Sa vào sách giáo khoa phổ thông.
1
Từ phải sang: Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại diện Hội Khoa học lịch sử VN là GS Phan Huy Lê, GS.TSKH Vũ Minh Giang, nhà sử học Dương Trung Quốc. Ảnh: Chung Hoàng
Đồng tình với đề nghị này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhận định: “Hiện trong chương trình giảng dạy ở các cấp học đã có nội dung này, nhưng chưa đủ, chưa nhất quán, chưa cụ thể”.
Ông ủng hộ việc đưa những nghiên cứu đã rõ, đã được khẳng định về Hoàng Sa – Trường Sa vào sách giáo khoa.
“Đấu tranh bảo vệ chủ quyền là vấn đề khác, bằng các giải pháp hòa bình, còn lịch sử là lịch sử, sự thật là sự thật”, Thủ tướng khẳng định.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Giáo dục chủ trì, phối hợp với Bộ Ngoại giao, thống nhất về cấp học, mức độ để đưa rõ vấn đề Hoàng Sa – Trường Sa khi tiến hành chương trình đổi mới xây dựng sách giáo khoa phổ thông sau năm 2015.
Hội Khoa học lịch sử Việt Nam cũng kiến nghị Chính phủ về một trung tâm tư liệu Biển Đông trực thuộc Cục Văn thư lưu trữ nhà nước để thống nhất đầu mối lưu giữ các tài liệu gốc, phục vụ đấu tranh bảo vệ chủ quyền cũng như khai thác nguồn lợi biển đảo về lâu dài.
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đồng ý về chủ trương và giao các Bộ Nội vụ, Ngoại giao, Quốc phòng nghiên cứu triển khai.
Thủ tướng cũng ủng hộ dự định của Hội là biên soạn một bộ sử chính thống, một cuốn đại sử như cách nói của GS Phan Huy Lê, để làm tiêu chuẩn đối chiếu trong hoạt động nghiên cứu lịch sử nói chung.
Chung Hoàng
* Kết quả tìm kiếm
nguồn:https://diendanxahoidansu.wordpress.com/2014/01/01/thong-tin-thu-tuong-ung-ho-dua-hoang-sa-truong-sa-vao-sgk-da-bi-chi-dao-go-bo/
=======================================================================
Thông tin “Sẽ kỷ niệm sự kiện 40 năm Hoàng Sa và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc” cũng đã bị gỡ bỏ


Đôi lời: Chuẩn bị đón Năm mới nên có lẽ cần vài màn “ảo thuật” tạo không khí hào hứng?
Không nghĩ vậy sao được khi cũng một cuộc đến thăm Hội Khoa học lịch sử VN của Thủ tướng, mà như thể hai báo VietnamNet (*) và Thanh niên được “phân công” đưa hai tin “giật gân” hoàn toàn khác nhau, được khởi xướng, mà có lẽ cũng từ sự “phân công”, bởi hai lão trượng ngành sử là Dương Trung Quốc và Phan Huy Lê.
Không thấy lạ sao được khi hai bản tin từ cả hai trang báo đều cứ … thụt thò trên mạng.
Ở bản tin trước, chúng tôi đã phải thốt lên “Thật khó hiểu!” Thêm bản tin này nữa bị rút xuống … chợt giật mình hiểu ra chút ít khi nhớ đến màn trình diễn ngoạn mục của Thủ tướng hơn 2 năm trước trên diễn đàn Quốc hội làm náo động dư luận. Có lẽ nhờ màn đó mà ông đã thoát hiểm trong gang tấc, không phải đối mặt với hàng loạt câu chất vấn báo hiệu sẽ rất khó trả lời.
Giờ thì những vụ án tham nhũng lớn đang tới hồi gay cấn. Liệu kiểu nhí nhá thông tin về những dự tính “táo bạo” quanh vấn đề chủ quyền có phải cũng lại tái diễn một chiêu tương tự, vừa lấy lại chút lòng dân, vừa hướng dư luận chú ý, và đặt các đối thủ chính trị vào thế khó xử?
BT
Thanh niên/Yahoo!Tin tức
Thanh Niên Online – Thứ hai, ngày 30 tháng mười hai năm 2013

Sẽ kỷ niệm sự kiện 40 năm Hoàng Sa và chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc


(TNO) Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng cho biết, hiện Bộ Ngoại giao đang lên kế hoạch kỷ niệm 40 năm sự kiện (1974) Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979 – chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc.
4
Thủ tướng khẳng định: “Chính phủ luôn ủng hộ các hoạt động của Hội Khoa học lịch sử Việt Nam” – Ảnh: Chinhphu.vn
Tại cuộc gặp mặt giữa Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và Hội Khoa học Lịch sử chiều 30.12, ông Dương Trung Quốc, Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử đã nêu băn khoăn của mình về chuỗi các sự kiện lịch sử chẵn năm trong năm 2014. Trong đó, có các sự kiện được ông cho là “tế nhị”, như: 35 năm sự kiện tháng 2 năm 1979 – chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, 40 năm sự kiện (1974) Trung Quốc đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam.
“Nhiều cơ quan đặt rất nhiều câu hỏi với Hội Khoa học Lịch sử chúng tôi, năm nay sẽ kỷ niệm ra sao… Đề nghị Thủ tướng cho ý kiến để chúng tôi có thể điều hòa được tác động xã hội”, ông Dương Trung Quốc nói.
Về điều này, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, ông cũng đã nhận được câu hỏi chất vấn của ông Quốc.
Trả lời trực tiếp tại Hội Khoa học Lịch sử, Thủ tướng cho biết: “Phải kỷ niệm. Nhưng kỷ niệm thế nào để ổn định. Rồi còn biên giới Tây Nam thế nào. Chứ không phải Bộ Chính trị không quan tâm”.
Thủ tướng cũng cho biết hiện Bộ Ngoại giao đang soạn thảo đề án kỷ niệm sự kiện: biên giới phía Bắc, Hoàng Sa. “Kỷ niệm thế nào cho vừa đạt yêu cầu đối nội, vừa đạt yêu cầu đối ngoại. Đó cũng là lợi ích của nhân dân. Bộ Chính trị rất quan tâm đến việc kỷ niệm này”.
Kiều Trinh
nguồn:http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2014/01/01/thong-tin-se-ky-niem-su-kien-40-nam-hoang-sa-va-chien-tranh-bao-ve-bien-gioi-phia-bac-cung-da-bi-go-bo/
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001