Lợn cắp nách 6 món Lai Châu, bún cá rô đồng Nam bộ, chả mực Quảng Ninh, don Quảng Ngãi... sánh vai cùng phở Hà Nội, cơm tấm Sài Gòn.
Trong
danh sách món ăn đặc sản nổi tiếng do Trung tâm Sách kỷ lục Việt Nam
công nhận, có tên lợn cắp nách 6 món Lai Châu, bún cá rô đồng Nam bộ,
chả mực Quảng Ninh, don Quảng Ngãi... bên cạnh phở Hà Nội, cơm tấm Sài
Gòn.
"Hành trình tìm kiếm đặc sản Việt Nam lần
thứ nhất năm 2012" do Trung tâm Sách kỷ lục thực hiện, đã lập danh sách
50 món đặc sản nổi tiếng thuộc nhiều vùng miền trong cả nước.
1. Phở Hà Nội:
Phở
là một trong những niềm tự hào của người Hà Nội. Phở hấp dẫn người ăn
vì nước dùng (nước lèo) có hương vị ngọt thanh mát và bổ dưỡng, bánh phở
mềm, dai đi cùng với thịt bò hay gà cắt lát mỏng. Phở ăn kèm với các
gia vị như: tương, tiêu, chanh, nước mắm, ớt...
Phở trước đó cũng được hãng thông tấn CNN xếp thứ 28 trong 50 món ngon thế giới. Ảnh: VK.
Phở
ngon ngọt không chỉ khi thưởng thức mà còn hấp dẫn bởi giãi bày trên
những trang viết của nhiều nhà văn nổi tiếng như Thạch Lam, Nguyễn Tuân,
Vũ Bằng… Phở có thể dùng làm bữa điểm tâm, ăn trưa, chiều hoặc tối.
2. Chả cá Lã Vọng (Hà Nội):
Chả
cá Lã Vọng được làm từ cá lăng, cá nheo, cá quả. Thịt cá phi lê ướp với
bột nghệ, bột ngọt, gừng sợi, nước mắm, mắm tôm, hành tím băm, tỏi băm,
mẻ, ớt băm, nước củ riềng... sau đó kẹp vào cặp tre rồi nướng.
Tiếp
theo phi hành tím cho thơm, bỏ thêm ít, hành lá cắt khúc lớn, rau thì
là cắt khúc và nước ướp cá vào chảo dầu, xào lên. Cuối cùng cho thịt cá
đã nướng vào xào, đảo nhẹ tay để thịt cá không bị nát. Nêm nếm cho vừa
ăn. Chả cá ăn kèm với bún, bánh tráng nướng, mắm tôm, cơm dừa xắt mỏng,
đậu phộng chiên và dưa chua.
Chả cá Lã Vọng. Ảnh: VK.
Ngày
đông giá rét, ngồi bên chiếc lò nướng chả ấm áp, thưởng thức món chả cá
nóng hổi cùng bánh đa nướng, bún, các loại rau thơm… lúc này bạn có thể
thưởng thức món ăn này bằng cả vị giác và khứu giác của mình.
3. Bún chả (Hà Nội):
Bún chả là một món ăn không đòi hỏi sự cầu kỳ gồm: chả viên và chả miếng.
Bún chả Hà Nội. Ảnh: VK.
Chả
làm từ thịt ba chỉ (ba rọi) và loại thịt nạc vai mềm ướp cùng với nước
mắm, tiêu, hành khô. Nước chấm pha chế đơn giản với yêu cầu phải đạt
được sự kết hợp hài hòa giữa vị mặn của nước mắm, vị ngọt của đường,
chua của giấm, và cay của ớt, tỏi, thêm đu đủ, cà rốt giòn, chua. Rau ăn
bún chả là các loại rau sống mang đậm hương vị của xứ Bắc như: xà lách,
kinh giới, tía tô, húng lủi, húng láng, húng quế.
4. Bún thang (Hà Nội):
Bún thang là món cầu kỳ, công phu nên thường chỉ có mặt trong những tiệc thịnh soạn của người Hà Nội.
Bún thang. Ảnh: VK. |
Nước
dùng bún thang được nấu từ nước luộc gà, xương lợn, khi đun vớt bọt
liên tục để nước được trong, rồi thả vào một xâu tôm he khô. Trứng tráng
thật mỏng thái sợi, giò lụa trắng mềm cũng thái chỉ. Thịt gà nạc luộc
chín được xé nhỏ làm một hỗn hợp nhiều màu sắc. Sai đó cho thêm ruốc
(chà bông), củ cải khô, nấm hương, rau mùi, hành hoa, rau răm thái lẫn
với hành lá, ít mắm tôm để ngoài và chút hương cà cuống.
5. Bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội):
Bánh
cuốn Thanh Trì đặc biệt nhất ở chỗ tráng mỏng, hành mỡ thoa vào mướt
mặt mà nếm vào có vị thanh nhẹ, mát rượi. Bánh khi sắp trong thúng, được
xếp thành lớp kiểu như bậc thang, trên những lá chuối xanh trong màu
ngọc thạch, sắc trắng của bánh nổi bật.
Bánh cuốn Thanh Trì (Hà Nội). Ảnh: VK. |
Bánh
cuốn khi ăn có mùi thơm dìu dịu, êm êm của bột, của hành khô. Gắp miếng
bánh, chấm đẫm vào chén nước chấm rồi đưa lên miệng, người ăn sẽ cảm
nhận được sự hài hòa giữa mùi bánh thơm dịu, mềm dai hoà quyện với nước
chấm có vị mằn mặn, chua chua, cay cay.
6. Lợn “cắp nách” 6 món (Lai Châu):
Lợn “cắp nách” (một số nơi gọi là lợn lửng) là loại lợn đặc sản chỉ có ở vùng cao và nhiều nhất ở Lai Châu.
Lợn cắp nách (Lai Châu). Ảnh: VK. |
Giống
lợn này có sức chịu đựng rất giỏi, chúng tự tìm củ, rễ cây và lá rừng
để ăn. Lợn con mới đẻ đã có thể chạy nhảy, chỉ theo bố mẹ vài ngày rồi
tách ra. Do ăn cây cỏ tự nhiên và chậm lớn, mỗi con chừng 10 đến 15 kg
nhưng thịt lợn cắp nách rất thơm ngon, trở thành món đặc sản hấp dẫn
thực khách.
7. Thịt trâu khô (Điện Biên):
Thịt
trâu khô là món ăn được hình thành khi đồng bào các dân tộc mổ trâu,
nếu không ăn hết thì những tảng thịt trâu được tẩm gia vị rồi gác lên
bếp hong khô.
Thịt trâu khô Điện Biên. Ảnh: VK. |
Cách
làm thịt trâu, bò khô cũng khá đơn giản. Những miếng thịt lớn được tẩm
ướp muối, trộn với các gia vị điển hình đó là gừng, mắc khén, gấc, ớt…
Sau khi tẩm ướp xong những miếng thịt được hong khô cho se lại, rồi được
đồ cách thủy, và tiếp tục hong trên bếp cho đến khi khô hẳn.
8. Phở chua (Lạng Sơn):
Phở chua được xem là “khúc biến tấu” của người Lạng Sơn. Phở chua gồm hai phần: nguyên liệu khô và phần nước.
Phở chua. Ảnh: VK. |
Dĩa
phở chua sẽ được xếp lần lượt: bánh phở, xá xíu, dưa chuột rồi rưới
nước đủ vừa phải. Tiếp đó sẽ là lạc rang, khoai lang chiên, hành khô để
lên trên. Khi ăn, thực khách có thể trộn đều hoặc không. Món ăn này là
món theo kiểu “hàn thực” nên rất thích hợp ăn vào mùa nóng. Tuy nhiên,
nếu ăn vào mùa lạnh, thì bánh phở và nước đủ sẽ được hâm nóng trước khi
đem ra cho khách.
9. Chả mực Hạ Long (Quảng Ninh):
Chả mực của vùng biển Quảng Ninh là món chả được làm từ con cá mực (chỉ mực mai) mới làm được món ăn này.
Chả mực Hạ Long. Ảnh: VK. |
Chất
lượng chả mực Hạ Long (giòn và dai) còn do kỹ thuật chế biến đặc thù
của người dân thành phố Hạ Long: mực giã nhuyễn bằng tay, nêm chút hạt
tiêu vỡ và mắm, nắn thành những miếng nhỏ dẹt, tròn, đem chiên, khi chín
phồng lên như cái bánh rán, màu hơi vàng...
10. Gà Tiên Yên (Quảng Ninh):
Gà
Tiên Yên là giống gà đồi, suốt ngày leo dốc, tìm sâu nên da vàng, thịt
thơm, nước ngọt. Thịt gà Tiên Yên có thể chế biến đủ các món, vẫn không
làm mất vị đặc trưng. Nhưng món ngon nhất vẫn là chế biến theo cách đơn
giản nhất: luộc. Gà Tiên Yên sau khi luộc, da vàng ươm như thoa nghệ và
bóng nhẫy như vừa nhúng mỡ. Thoạt trông, bạn có thể ngấy vì chất béo,
nhưng khi cắn một miếng, bạn mới thấy nó thật giòn và ngọt.
Gà Tiên Yên. Ảnh: VK. |
Thịt
gà Tiên Yên ăn kèm là bánh gật gù. Bánh được tráng bằng bột gạo, cuộc
thành từng cuộn cỡ ngón chân cái, bánh trong, mềm, dẻo mà không dính.
11. Bún cá rô đồng:
Cá
rô được luộc lên, gỡ từng miếng thịt, ướp gia vị cho thật thấm rồi rán
vàng lên, hoặc viên lại từng viên cho vào tô bún. Sự hiện diện của miếng
cá rô dai mịn, thịt cá rô xào nghệ ngọt tươi, độ béo giòn của thịt cá
rô chiên tạo thành hương vị có sức quyến rũ lạ thường.
Bún cá rô đồng. Ảnh: VK. |
Nước
dùng của bát bún cá rô đồng thuần túy làm từ cá rô, không thêm xương
lợn. Cho vào cứ một phần cá tươi thì hai phần rưỡi nước nấu đến khi nào
thịt và xương cá rã ra thì lọc bỏ xác cá, lấy nước cốt rồi cho gia vị
vào.
Trên bát bún cá, ngoài hành hoa, rau thì là
tươi non, cũng có thể ăn kèm với rau cải xanh, cải cúc hay rau cần điểm
xuyết thêm lớp trứng cá mịn màng, vàng ruộm tạo cho bát bún thêm phần
hấp dẫn.
12. Bánh đa cua (Hải Phòng):
Bánh đa cua một món ăn mộc mạc mà thân thiết của người dân đất cảng Hải Phòng.
Bánh đa cua Hải Phòng. Ảnh: VK. |
Một
bát bánh đa cua ngon, hấp dẫn phải hội tụ đủ 5 màu: màu nâu hồng của
gạch cua, màu bánh đa nâu sậm, màu xanh mướt của rau nhút, rau muống,
hành lá, màu đỏ tươi nơi trái ớt và vàng rộm của hành khô.
13. Bánh cuốn thịt nướng Phủ Lý (Hà Nam):
Bánh cuốn Phủ Lý được tráng hơi dày, ít nhân và không thoa mỡ.
Bánh cuốn thịt nướng. Ảnh: VK. |
Thịt
ăn kèm với bánh cuốn được chế biến từ thịt lợn thái mỏng, ướp gia vị,
xiên vào que nướng trên than hoa. Nước chấm được pha chế khéo léo rồi
đun nóng. Bánh còn được ăn cùng với dưa góp đu đủ, rau thơm, rau sống
các loại.
14. Bún đũa (Nam Định):
Mặc
dù món bún ở đâu cũng có nhưng món bún đũa ở Nam Định có nét khác biệt.
Sợi bún to cỡ đầu đũa, mềm nhưng săn chắc chứ không nhũn.
Bún đũa Nam Định. Ảnh: VK. |
Bún
đũa Nam Định kết hợp với riêu cua có vị ngọt đậm, nước dùng hơi chua,
thơm dậy mùi của cua đồng. Món bún đũa riêu cua luôn được ăn kèm với
rau, mùa nào rau đấy… tăng thêm hương vị cho bát bún.
15. Dê núi Trường Yên 6 món (Ninh Bình):
Dê
núi Ninh Bình sống hoang dã được ăn nhiều loại cây cỏ tự nhiên, chính
vì vậy nên thịt chắc, thơm mùi thảo dược và đậm đà hơn những loại dê
nuôi khác.
Dê núi. Ảnh: VK. |
Từ
thực phẩm dê được chế biến thành rất nhiều món độc đáo: tiết canh dê,
áp chảo, hấp sả gừng, xào sả ớt, xào lăn, tái dê, dê nướng, lẩu dê, cà
ri dê, dê hầm thuốc bắc, cháo dê… Bên cạnh đó, rất nhiều bộ phận của dê
làm thành món đặc biệt: đùi dê, sườn dê, chân dê, nậm dê, ngọc dương dê…
ăn với lá đinh lăng, lá mơ, lá sung, quả sung, ngò gai, húng, quế… .
16. Cơm cháy (Ninh Bình):
Món
cơm cháy hấp dẫn thực khách gồm:cơm cháy, thịt bò hay tim, cật heo xào
với rau như hành tây, nấm rơm, cà rốt, cà chua và các loại nước chấm ăn
kèm. Để cơm được ngon thì người ta dùng gạo nếp hơng, hạt gạo tròn và
trong. Khi nấu tốt nhất là cho vào nồi gang và dùng than củi. Cơm cháy
lấy ra xong phải phơi nắng tự nhiên hai, ba nắng thì mới đạt lúc ăn mới
chiên giòn.
Cơm cháy. Ảnh: VK. |
Miếng cơm cháy được chấm với nước sốt sóng sánh vị của nước mắm mỡ hành, ruốc (chà bông) hoặc tương nếp.
17. Súp lươn:
Thịt
lươn sau khi làm sạch sẽ được xào chung với nghệ, ớt, tiêu xay. Nước
dùng được ninh từ xương lợn, bò, xương cá và đặc biệt phải là xương
lươn. Đặc biệt là không thể thiếu hành tăm - thứ hành chỉ có ở Nghệ An,
Hà Tĩnh.
Súp lươn có thể dùng kèm với bánh mỳ. Ảnh: VK. |
Súp
lươn thường ăn kèm với bánh mì hoặc bánh mướt (giống bánh cuốn nhưng
người ta không cuốn lại và không có nhân). Bánh mướt được tráng mỏng,
không nhân. Sau đó cắt thành những miếng nhỏ vừa ăn.
18. Chắt chắt (Quảng Bình):
Chắt
chắt giống như con hến nhưng nhỏ hơn. Để lấy thịt chăt chắt, trước tiên
xát rửa thật sạch, bắc nước thật sôi rồi đổ chắt chắt vào, dùng đũa
đánh đều để ruột tách ra khỏi vỏ, rồi đem đãi (như đãi gạo vậy) lấy
ruột. Riêng nước luộc để thật lắng, lọc đem nấu canh hoặc nấu cháo.
Món chắt chắt xúc bánh tráng. Ảnh: VK. |
Thường
thì chắt chắt nấu canh với mít non, rau lốt. Ngoài nấu canh, nấu cháo
có thể chế biến chắt chắt thành món xào cũng rất tuyệt.
19. Bún bò Huế (Thừa Thiên Huế):
Với
nguyên liệu là những sợi bún trắng nõn mềm mại cùng nước dùng vừa đậm
đà vừa ngọt ngào, tô bún bò Huế như mang cả vị tinh túy của đất cố đô.
Lát thịt bò thái mỏng, lớp váng nhìn rõ cả sả băm, ớt sa tế, hạt điều
phủ lên bề mặt vàng óng, màu xanh của hành lá, màu trắng của hành
tây…với màu sắc bắt mắt.
Bún bò Huế. Ảnh: VK. |
Bún bò Huế ăn kèm với các loại rau như: rau má, rau muống, rau nhút, cần nước, rau đắng, cải xanh, giá sống…
20. Bánh bèo (Thừa Thiên - Huế):
Bột
đổ làm bánh bèo sao cho khéo để cho bánh thật mỏng và hình dáng giống
như một cánh bèo rồi xếp vào mê (20 chén mỗi mê) đem hấp hơi (hấp cách
thủy). Đến lúc bánh chín, cho thêm gia vị lên trên.
Bánh bèo Huế. Ảnh: VK. |
Bánh
bèo ngon là nhờ ở nhân tôm chấy và nhất là nước chấm đặc biệt. Nước mắm
hòa với mỡ, đường, tỏi, ớt và nấu từ tôm tươi nên vừa có vị ngọt và
béo. Khi ăn bánh bèo không sử dụng đũa mà bằng que tre vót mỏng như một
mái chèo nhỏ.
21. Cơm hến (Thừa Thiên - Huế):
Cơm hến. Ảnh: VK. |
Cơm
hến là sự pha trộn của rất nhiều món ăn dân dã, như hoa chuối thái rối,
khế, rau răm, giá, môn thái lát, đậu phộng rang chiên qua dầu, da heo
đã qua chế biến thổi phồng lên như tóp mỡ. Tất cả trộn lẫn với gia vị
tạo thành một tô cơm hến đặc trưng của xứ Huế, vừa cay, vừa bùi, vừa
ngọt…
22. Bánh bột lọc nhân tôm (Thừa Thiên Huế):
Bánh
bột lọc làm từ bột năng, có nhân tôm thịt, dùng với nước chấm chua
ngọt, trước đây được trang CNNGo giới thiệu là một trong 30 món bánh hấp
ngon trên thế giới.
Đây là món bánh đặc sản của
miền Trung, phổ biến ở Huế và Đà Nẵng. Bánh bột lọc có hai loại: bánh
gói lá chuối (hấp) và bánh trần (luộc). Ở các hàng quán Việt Nam người
ta thường bán bánh này chung với một số loại khác như bánh bèo, bánh
nậm, bánh canh... giá khoảng 10.000 đến 15.000 đồng một dĩa.
Bánh bột lọc Huế. Ảnh: VK. |
Cách
làm bánh bột lọc trần (không gói bằng lá chuối) khá đơn giản: chuẩn bị
khoảng 200 gr tôm tươi và 200 gr thịt ba chỉ đem rửa sạch, cắt miếng,
ướp với nước mắm, muối tiêu, hành, đường, ớt. Sau đó cho tất cả vào
chảo, phi hành tỏi thơm rồi rim chín.
Nhào bột:
Chuẩn bị 400 gr bột năng chia làm 2 phần: 100 gr cho vào chén, 300 gr
cho vào tô lớn. Đầu tiên lấy 250 ml nước đun sôi đổ từ từ vào chén bột
cho đến khi bột chín chuyển sang màu trong. Chén bột chín để nguội rồi
đổ vào tô bột lớn, cứ thế nhào đều. Lúc này hỗn hợp bột đã mềm mà không
dính tay, ngắt tảng bột thành từng viên nhỏ đều bằng ngón tay, vo tròn
và đựng vào bọc nilon để không bị khô.
Phi hành lá: Cho dầu ăn hoặc nước mỡ lợn vào chảo đun nóng rồi cho lành lá vào đảo sơ rồi nhắc xuống.
Dồn
nhân bánh: Lấy từng viên bột đã vo tròn đặt xuống dĩa dẹt, dùng ngón
tay cái cán đều để miếng bột dẹt ra. Sau đó cho vào giữa tấm bột một
miếng tôm, một miếng thịt rim. Cuối cùng dùng tay gấp hai mí bánh lại và
ấn vào nhau cho khít.
Luộc bánh: Cho nước vào nồi
đun sôi rồi thả bánh vào luộc khoảng 10 phút, đến khi bánh có màu trong
là được. Sau đó vớt bánh ra ngâm vào một thau nước lạnh rồi đổ ra rổ,
cho mỡ hành vào phết đều để bánh khỏi dính vào nhau.
Pha
nước chấm chua ngọt: Giã nhỏ một ít tỏi, ớt. Lấy một chiếc chén nhỏ cho
vào 2 muỗng cà phê đường, 2 muỗng nước mắm, 10 muỗng nước (theo tỷ lệ
1:1:5). Sau đó cho tỏi ót đã giã nhỏ vào chén, vắt thêm một muỗng nước
chanh
23. Bánh khoái Huế:
Bánh
là sự hòa trộn màu sắc: màu vàng ươm của lớp vỏ bánh có pha chút bột
nghệ, màu trắng nõn nà của những cọng giá căng tròn, màu đỏ au của mấy
con tôm, màu nâu xám của những tai nấm tươi, màu ngà của mấy lát thịt
heo ba chỉ hoặc thịt băm, màu vàng tươi của trứng gà, màu xanh của những
lá hành hương, tất cả gói gọn trong một chiếc bánh hình tròn vừa bằng
cái đĩa nhỏ, khi ăn thì kèm thêm rau sống.
Bánh khoái. Ảnh: VK. |
Nước
lèo chấm bánh khoái được làm từ nguyện liệu chính là tương đậu nành.
Mùi vị của bát nước lèo trong món bánh khoái có người cho là chiếm hết
50% cái ngon của món ăn. Đó là sự kết hợp vị mặn của tương, vị béo của
gan neo băm nhuyễn, vị ngọt của đường, vị bùi của đậu phụng rang giã
nhỏ...
24. Bánh tráng cuốn thịt lợn 2 đầu da (Đà Nẵng):
Bí
quyết chính của món là nằm ở nguyên liệu thịt lợn là loại thịt hai đầu
da được chọn từ phần ngon nhất của con lợn. Thịt lợn được hấp để giữ vị
thơm ngon, ngọt sắc đậm của thịt, khi miếng thịt cắt ra có mỡ trong là
đạt tiêu chuẩn.
Bánh tráng cuốn thịt lợn 2 đầu da. Ảnh: VK. |
Ăn
kèm với món này không thể thiếu rau sống. Từng cuốn bánh, thực khách có
thể cảm nhận được sự tươi mát của xà lách, vị thơm nồng của rau quế,
rau thơm, diếp cá, vị chát nhẹ của chuối trái xắt lát mỏng cùng với vị
là lạ của tía tô… Mắm nêm là thức chấm duy nhất của món bánh tráng cuốn
thịt heo, nếu thay bằng thức chấm khác sẽ làm mất đi hương vị và nét đặc
trưng của món ăn này.
25. Mì Quảng (Quảng Nam):
Mì
Quảng không phải là thứ mì nước, hay mì xào mà là thứ mì trộn. Nhân mì
thường được chế biến từ nhiều loại nguyên liệu khác nhau: tôm, gà, thịt
heo, cá lóc, cua… Có cả mì chay cho người ăn chay. Tùy theo người thích
ăn nhân nào sẽ có một bát mì như ý.
Mì Quảng. Ảnh: VK. |
Khi
ăn mì không thể thiếu bánh tráng nướng, trái ớt xanh, lát chanh, đậu
phộng rang và dĩa rau sống (rau muống, búp chuối, thân cây chuối non xắt
mỏng, rau húng, diếp cá, xà lách…) đi kèm.
Theo Thi Trân
Vnexpress
nguồn:http://biz.cafef.vn/20120910013228532CA50/50-mon-an-dac-san-noi-tieng-viet-nam-i.chn
=====================================================================
50 món ăn đặc sản nổi tiếng Việt Nam (II)
Bê thui Cầu Mống, cá bống sông Trà, don, bún chả Quy Nhơn, yến sào, lẩu
thả, Gà nướng KonPlông... đều có tên trong danh sách này.
26. Bê thui Cầu Mống:
Người
thui bê phải điêu luyện biết điều chỉnh lửa to nhỏ đúng lúc. Ăn thịt bê
thui Cầu Mống cùng rau sống đủ loại của vùng quê bên sông nước (tía tô,
ngò thơm, xà lách, khế chua, chuối chát xát mỏng, rau húng, rau quế,
giá...) cuốn với bánh tráng mỏng chấm mắm cá cơm.
Bê thui Cầu Mống. Ảnh: VK. |
Khi
đến quán bán thịt bê thui, khách có thể gọi thịt bắp, thịt ba chỉ, thịt
mông, da chế biến thành các món như xáo, gân, xương, bún tái...
27. Cá bống sông Trà (Quảng Ngãi):
Cá bống sông Trà. Ảnh: VK. |
Cá
bống cát ở sông Trà có nhiều loại, cá bống cát nhỏ con, màu vàng nhạt,
cỡ bằng ngón tay út cho đến loại cá bống vồ, to con, và loại cá bống mú
có thân hình tím sẫm như loại cá mú biển (còn gọi là cá bống than) thịt
nhão. Cá bống làm sạch, ướp nước mắm ngon, tiêu, nước màu… để độ mươi
phút. Sau đó đổ thêm nước mắm ngon vào trách (nồi nấu) sao cho vừa xăm
xắp và đun lửa riu riu cho đến lúc chín.
28. Món don (Quảng Ngãi):
Don
là một trong những món ăn rất độc đáo của Quảng Ngãi, nhẹ, mát, bổ, rẻ
tiền và hấp dẫn. Don thuộc họ nhà hến, thân bọc bằng hai nửa vỏ úp nhau
nhưng don nhỏ hơn hến.
Món ăn chế biến từ don. Ảnh: VK. |
Những
món ăn ngon được chế biến từ don như canh don, cháo don, gỏi don. Cách
ăn ngon và tốn kém hơn là làm món “ruột don xào” với miến, bún, bánh
tráng… Đây cũng là món ăn đãi khách, bạn bè rất đặc biệt, đậm đà hương
vị quê hương.
29. Bún chả cá Quy Nhơn:
Chả
cá gồm chả hấp và chả chiên (chả chiên có 2 loại: bánh lớn và viên vo
nhỏ cho vào nồi nước lèo) hấp dẫn thực khách bởi tính "hiền", ăn dễ
tiêu, ngon miệng của nó. Chả cá ngon là phải được làm từ cá mối, cá
thuẫn tươi, cá chai, cá rựa…lóc lấy thịt đem xay nhuyễn và quết cho thật
kỹ để chả dai, mịn.
Bún chả cá Quy Nhơn. Ảnh: VK. |
Chả
cá ngon còn là chả không tanh mùi cá, thơm gia vị và ngọt vị ngọt của
cá… Nước dùng của bát bún là nước nấu từ phần xương và đầu cá sau khi đã
lạng thịt xay chả. Nước cá này ngọt thơm đúng vị cá và ăn nhẹ bụng. Nồi
nước chế thêm lớp dầu thắng với hạt điều để có màu đẹp.
30. Yến sào (Khánh Hòa):
Yến
sào có tác dụng bổ dưỡng cao, làm cường tráng, dai sức, kích thích tiêu
hóa, giúp an thần, gây ngủ, cầm máu, chữa được bệnh ho, thổ huyết, kiết
lỵ. Yến sào (tổ chim yến) có hình nôi tròn hoặc bầu dục, cong bán
nguyệt, màu trắng xám, có khi màu hồng hoặc đỏ…
Yến sào. Ảnh: VK. |
Cách
chế biến tổ yến: Ngâm tổ trong nước lã 3-4 giờ hoặc nước nóng 1/2-1
giờ, khi thấy các sợi dãi đã tã ra thì vớt lên (có thể xoa ít dầu lạc),
nhặt hết lông chim, rác rưởi, rêu núi và các chất bẩn khác còn bám vào.
Yến sào có thể chế biến thành nhiều món ngon như: chè yến, súp yến…
31. Bánh căn (Ninh Thuận):
Nguyên
liệu để làm bánh căn là gạo tẻ ngâm khoảng từ 6 đến 8 tiếng đồng hồ rồi
đem xay thành bột loãng. Đổ bánh căn dùng một lò đất nung tròn to, bên
trên là khuôn bánh được khoét lỗ tròn đều, khuôn đổ bột khoảng 8-16 lỗ;
phần thân lò để chứa than hồng. Thoa vào mỗi khuôn một lớp mỡ rồi đậy
khuôn, chờ thật nóng mới đổ bột vào. Mẻ đầu được dùng để thử lò và tráng
khuôn.
Người ta dùng chiếc cạy bằng kim loại để
đưa bánh ra khỏi khuôn. Khi mặt trên của bánh căn xốp và khô lại, viền
bánh co lại, tróc ra thì bánh đã chín và có thể ăn được.
Bánh căn. Ảnh: Thi Trân. |
Bánh căn dùng nóng với nước mắm pha chua ngọt, ăn kèm với rau sống, bánh mì chiên giòn.
32. Lẩu thả (Bình Thuận):
Nước
dùng của lẩu thả được chế biến đơn giản, không cầu kỳ như nguyên liệu
dùng để ăn lẩu. Chỉ cần cho một ít cà chua và thịt gà cắt hạt lựu khử
với dầu ăn, nêm nếm gia vị và sau đó cho nước hầm xương vào đun sôi.
Lẩu thả đặc sản ở Bình Thuận. Ảnh: VK. |
Thưởng
thức lẩu thả có 2 cách: Nếu thích sự đơn giản, bạn có thể chọn cách
thưởng thức lẩu thả khô, chỉ cần bỏ một ít rau, bún; gắp một ít cá,
thịt, trứng, bánh đa trộn với nước sốt; lẩu thả nước tương tự như cách
ăn khô, chỉ khác ở chỗ là cá mai được thả vào trụng qua với nước dùng.
Vì vậy cái tên “ lẩu thả” cũng xuất phát từ công đoạn này.
33. Gà nướng KonPlông (Kon Tum):
Đây
là loại gà được nuôi ở trong bản. Để làm món nướng, gà được làm sạch
sau đó mổ moi (ở phao câu) rồi dùng cây xiên từ hậu môn lên đầu, cho sả
(đập dập), lá chanh vào trong bụng, khâu lại. Sau đó quết hành phi, xì
dầu bên ngoài con gà rồi nướng trên bếp than. Vừa nướng vừa tiếp tục
quết hành phi, xì dầu lên.
Gà nướng. Ảnh: VK. |
Khi ăn, xé gà ra từng miếng và chấm với muối ớt. Món gà nướng đẫm vị hơn khi được nhấm nháp bên ché rượu cần nồng đượm.
34. Phở khô (Gia Lai):
Sợi
phở khô được làm từ bột gạo, không mềm và dẹp như sợi phở mà mảnh và
dai như sợi hủ tiếu. Sợi phở khô trụng sơ rồi trộn với thịt bằm, bên
trên rắc lớp hành phi vàng ươm, thơm phức. Nước lèo có thịt bò tái, gân,
bắp, hoặc bò viên, cũng có thể là thịt gà, rắc thêm chút hành ngò xắt
nhỏ, tiêu đen.
Phở khô. Ảnh: VK. |
Rau
ăn kèm với phở khô chỉ cần xà lách, húng quế và giá trụng, trộn thêm
chút tương nâu, món phở khiến du khách thưởng thức được hương vị món ăn
mới lạ.
35. Canh atiso hầm giò lợn:
Món
ăn không cầu kỳ, nhưng người nấu phải kiên nhẫn. Giò lợn sau khi ướp
ngấm gia vị, cho vào nồi nước đã đun sôi, giữ lửa nhỏ và thường xuyên
vớt bọt để nồi canh được trong, đồng thời giò lợn cũng được chín đều
hơn.
Hoa atiso hầm giò lợn. Ảnh: VK. |
Khi
đun nước giò lợn, người nấu khéo léo cho thêm củ hành tím để tạo mùi
thơm, giúp cho giò thấm vị. Sau khi giò đã chín, cho hoa atiso vào, đun
tiếp 10 phút cho hoa chín vừa, là món canh atiso hầm giò lợn đã hoàn
thành. Đây là món ăn thơm mát là sự hòa quyện vị ngòn ngọt của cánh hoa
atiso, thịt giò lợn mềm thấm vị, thêm chút nước canh đậm đà.
36. Bánh canh Trảng Bàng (Tây Ninh):
Để
có món bánh canh Trảng Bàng thơm ngon, yêu cầu trước tiên là phải có
những sợi bánh canh thật ngon. Bột bánh được làm từ loại gạo ngon, ngâm
kỹ qua một đêm để gạo đủ độ mềm, sau đó đem xay nhuyễn, lọc, hấp chín để
tạo thành những sợi bánh canh mềm, dẻo, trắng muốt.
Bánh canh Trảng Bàng. Ảnh: VK. |
Nước
dùng bánh canh được hầm từ xương lợn, ngon nhất là loại xương ống. Khi
đun, hớt bọt và canh lửa thật khéo để nước trong và thơm cùng với gia vị
vừa ăn.
Món ăn này là sự hòa quyện đầy đủ vị béo
ngọt của thịt, bánh canh thơm, dai cộng thêm với vị chua chua, mằn mặn,
cay cay của nước mắm...
37. Bánh bèo bì (Bình Dương):
Bánh
bèo bì được làm từ gạo đỏ đặc sản, bánh bèo bì mang hương đậm đà đặc
biệt. Bột gạo được đổ vào những cái chén nhỏ, đem hấp cho chín, trên mặt
được phết lớp đậu xanh làm nhân. Bì được làm từ thịt heo nạc khìa nước
dừa, thái đều thành sợi nhỏ cỡ cọng bún, trộn với thính vào cho thơm và
thấm đều.
Bánh bèo chả bì. Ảnh: VK. |
Khi
ăn, sắp bánh bèo vào đĩa kèm thêm dưa chua, rau thơm, giá, rắc đậu
phộng giã nhuyễn, không thể thiếu chén nước mắm pha chua ngọt cùng với
tỏi, ớt, chanh.
38. Bánh khọt (Bà Rịa - Vũng Tàu):
Nguyên
liệu làm bánh khọt là bột gạo, nhưng cách pha chế phải khéo léo. Bột
nhiều hơn nước bánh sẽ khô và không có độ dai, còn nước nhiều hơn bột
bánh lại bị nhão, không giòn. Trên nền màu trắn của bánh nổi bật màu đỏ
của mấy con tôm lột sạch vỏ, màu xanh của hành lá xắt nhuyễn, đôi khi
lại có bột tôm xay rải lên mặt bánh.
Bánh khọt. Ảnh: VK. |
Nước
chấm dùng cho bánh khọt là nước mắm pha chua ngọt, vừa miệng thực
khách. Bánh ăn kèm với đu đủ, cà rốt xắt sợi ngâm giấm đường, cùng các
loại rau xà lách, húng quế, ngò gai, tía tô... làm cho món ăn thêm đậm
đà hương vị.
39. Gỏi cuốn (Sài Gòn):
Món
gỏi cuốn dù xuất hiện ở nơi cao sang hay bình dị đều không mất đi nét
đặc trưng vốn có: cuốn bánh tráng mỏng, bên trong là rau thơm, bún, tôm,
thịt. Món gỏi này đòi hỏi khéo tay khi cuốn, cuốn chắc tay, gọn ghẽ; có
vài cọng hẹ sống xanh ló ra ngoài...
Gỏi cuốn. Ảnh: VK. |
Gỏi
cuốn ngon, trước hết phải có nguyên liệu tươi, nhưng phần nước chấm lại
là yếu tố quyết định. Khó có thể thống kê được ở Việt Nam có bao nhiêu
món cuốn và mỗi món dùng loại nước chấm nào. Nhưng món gỏi cuốn tôm thịt
có xuất xứ từ miền Nam được vinh dự có mặt trong bảng xếp hạng thường
được chấm với mắm nêm.
40. Chả giò (Sài Gòn):
Tùy
theo từng miền, chả giò có tên gọi khác nhau. Nem rán là cách gọi ở
miền Bắc. Ở miền Trung, món ăn này thường gọi là chả cuốn, còn ở miền
Nam thì có tên chả giò. Nem miền Bắc thường có thêm trứng, nem Sài Gòn
thường có thêm củ sắn cho mát ruột, không thì thay bằng khoai môn hoặc
khoai lang. Riêng phần nhân chả giò thì cũng tùy nơi, tùy người mà được
thay đổi một cách tinh tế, như nhân tôm, nhân hải sản…
Chả giò. Ảnh: VK. |
Chả
giò Sài Gòn có nhiều loại: chả giò trái cây, chả giò chay, chả giò hải
sản, chả giò gói bằng hoành thánh, chả giò rế, chả ram, nhưng dù sao
cũng phải tùy theo nguyên liệu chính mà chọn các phụ gia và rau làm cho
món ăn đậm đà và hợp khẩu vị.
41. Cơm tấm (Sài Gòn):
Cơm
tấm thường được ăn với 4 món chính: sườn lợn nướng, bì lợn, chả, trứng
ốp la. Trên nền cơm tấm trắng đang bốc khói là màu vàng của miếng sườn
nướng, màu trắng đục của những sợi bì dai mềm, miếng chả được đặt vuông
vắn bên cạnh hình tròn của trứng ốp la vừa chín tới.
Cơm tấm được bày bán phổ biến ở Sài Gòn. Ảnh: VK. |
Món
này ăn kèm với cà chua, dưa leo xắt lát mỏng, cà rốt hoặc củ cải trắng
ngâm giấm, đồng thời không thể thiếu được chén nước mắm được pha theo bí
quyết riêng của từng quán, làm cho món ăn thêm thơm ngon, hấp dẫn.
42. Hủ tiếu Mỹ Tho (Tiền Giang):
Hủ
tiếu Mỹ Tho khác hủ tiếu Tàu, hủ tiếu Nam Vang, phở Bắc, bún bò Huế... ở
chỗ không ăn với giấm, rau ghém, mà dùng giá, hẹ, chanh, ớt, nước
tương.
Hủ tiếu Mỹ Tho. Ảnh: VK. |
Hủ
tiếu ngon nhất phải là loại làm bằng gạo Gò Cát (đặc sản như tàu hương,
nàng thơm). Về cơ bản, chất ngọt của nước lèo từ xương ống hầm kỹ, thịt
và khô mực nướng, cùng một số nguyên liệu, gia vị đặc trưng. Hủ tiếu Mỹ
Tho không có tôm và trứng cút như hủ tiếu Nam Vang mà chỉ là hủ tiếu
lòng, hủ tiếu sườn hoặc thịt nạc sắp lên trên.
43. Bún cá Long Xuyên (An Giang):
Tô
bún dọn ra trông rất bắt mắt với màu vàng ươm của miếng cá lóc đồng và
màu xanh của rau muống, rau nhút. Nồi nước lèo được nấu ngọt bằng chính
cá lóc. Khi cá chín vớt ra, đầu cá để riêng còn thịt cá được tách ra
từng miếng, lọc hết xương, xào sơ qua với nghệ để khử mùi tanh. Bún được
bày trí ra tô, rau nhút bẻ cọng, rau muống bào thêm ít bắp chuối thái
trông rất bắt mắt.
Bún cá Long Xuyên. Ảnh: VK. |
Bên cạnh tô bún là một đầu cá lóc nóng hổi và chén nước mắm me giúp cho món bún thêm phần hấp dẫn.
44. Vịt nấu chao (Cần Thơ):
Vịt nấu chao là món ăn phổ biến với người dân Nam bộ, nhưng món này ngon nhất là ở Cần Thơ.
Vịt nấu chao. Ảnh: VK. |
Để
có một nồi lẩu vịt nấu chao ngon, người ta chọn vịt hoặc vịt xiêm
(ngan) khoảng 1,5kg. Vịt sau khi thịt và làm sạch, dùng rượu gừng bôi
đều trên da, sau đó chặt miếng vừa ăn và ướp với gia vị gồm: tỏi, gừng,
tiêu, ớt, nước cốt dừa và không thể thiếu là chao. Thịt vịt ướp khoảng
30 phút rồi mang đi chiên vàng. Khoai môn (sọ) xắt miếng vừa ăn cũng
chiên sơ. Bỏ vịt vào nồi hầm với nước dừa tươi, đến khi thịt mềm thì bỏ
khoai môn, hành tây, nấm rơm vào.
45. Cá thát lát 7 món Hậu Giang:
Hậu
Giang là một vùng nguyên liệu cá thát lát dồi dào. Thát lát ở đây có
thịt ngon hơn so với những địa phương lân cận. Chính vì thế có nhiều sản
phẩm được chế biến từ loại đặc sản này và giữ được vị ngon, ngọt khác
thường.
Cá thát lát tẩm gia vị đặc sản ở Hậu Giang. Ảnh: VK. |
Cá
thát tát là thương hiệu đặc sản Hậu Giang, khi chế biến trở thành những
món ăn đặc trưng ở vùng sông nước Cửu Long này. Cá thác lác có thể làm
các món: cá chiên sả ớt, lẩu cá thát lát với me chua, chả tơ hồng, chả
ngũ sắc, chả dẹp, tộ Thiên Nga, lẩu chua.
46. Bánh cóng (Sóc Trăng):
Gạo
làm bánh là gạo tẻ ngon, ngâm qua 2 đêm rồi mới đem xay để lấy bột.
Khâu pha bột là quan trọng vì nó quyết định hương vị độc đáo giữa bánh
vùng này với vùng khác. Nhân bánh được tạo thành từ tép đất tươi hấp
cách thủy, đậu xanh đồ chín còn nguyên hạt, thịt nạc xay mịn.
Bánh cóng. Ảnh: VK. |
Nước
mắm là nước mắm cá cơm nguyên chất, thêm chút chanh, đường, ớt, tỏi tạo
thành một hỗn hợp màu hổ phách, ăn kèm với xà lách, rau thơm, rau muống
bào, khế, chuối chát, dưa leo tạo thành hương vị độc đáo, khó lẫn với
món ăn nào khác.
47. Bún nước lèo (Sóc Trăng):
Vị
mằn mặn thơm phức của mắm bồ hóc, ngọt dai của tôm tươi, thêm vài miếng
cá lóc phi lê mềm tan, mùi thơm đặc trưng của ngải bún hòa quyện trong
bát nước lèo trong veo, làm nên chất quê của bún nước lèo Sóc Trăng.
Bún nước lèo. Ảnh: Thi Trân. |
Nét
đặc biệt của nước lèo Sóc Trăng là không lợn cợn mà trong veo. Vì khi
nấu nước lèo, người Sóc Trăng không cho trực tiếp các nguyên liệu vào
nồi như thông thường mà chứa tất cả vào một chiếc túi lọc rồi nấu đến
khi cái cốt tan ra. ?n bún nước lèo không thể thiếu củ ngải bún, thơm
(dứa), sả (sả nguyên cây và sả bằm) và một số loại rau ăn kèm…
48. Bánh tằm bì (Bạc Liêu):
Bánh tằm bì đặc sản ở Bạc Liêu. Ảnh: VK. |
Bột
để làm bánh tằm phải là bột được làm từ gạo ngon, ngâm qua đêm rồi đem
xoay với nước muối pha loãng, sau đó được ngâm tiếp 2 đêm nữa. Giai đoạn
quan trọng nhất là khuấy hồ bột. Bởi nếu khuấy quá cứng bánh tằm sẽ dễ
gãy, nếu khuấy quá mềm thì bánh sẽ bị dính, không tách rời. Kế đến chọn
loại thịt heo mềm, đem luộc rồi mang cắt nhỏ, trộn với bì và nêm gia vị.
Đặc biệt món bánh tằm bì lạ miệng là nhờ nước cốt dừa. Bánh ăn kèm với
rau sống, thêm một ít đậu phộng, dưa cải chua ngọt.
49. Lẩu mắm U Minh (Cà Mau):
Để
có một lẩu mắm ngon (mắm kho cho vào lẩu), mùi thơm đặc trưng, thì cá
cá sặc bướm được làm sạch, đem phơi cho ráo, rắc muối giã nhỏ, cho vào
một cái khạp, bên trên dùng mo cau và sống dừa cài chặt muối một thời
gian.
Lẩu mắm U Minh. Ảnh: VK. |
Lẩu
mắm ăn kèm với rất nhiều rau, như bông súng, đọt nhãn lồng, cải xanh,
rau đắng, càng cua, bông so đũa, bắp chuối, ớt hiểm, tỏi, đọt choại
(loại rau chỉ có ở rừng tràm U Minh)... Rồi đậu bắp, nấm rơm bỏ vào khi
lẩu vừa sôi, với các loài cá đồng tươi vừa chín như lươn, cá rô, các sặc
rằn, cá dầy, cá lóc... cùng "lên lửa" với nước cốt mắm sặc thơm lừng.
50. Chả trứng mực (Cà Mau):
Chả trứng mực. Ảnh: VK. |
Việc
chế biến món ăn này cũng là một kỳ công. Mực được bắt trong đêm sẽ được
xẻ ra lấy trứng. Khoảng 10-12 kg mực tươi thì sẽ được một kg trứng.
Trứng mực sẽ được quết chung với trứng vịt, thịt và gan heo mà ngư dân
mang theo ngay trên thuyền. Sau đó, hỗn hợp này sẽ được bóc từng cục vo
tròn, ép dẹp và phơi khô trước khi đem về đất liền. Trứng mực khi chiên
lên có màu vàng rộm, béo ngậy và thơm lừng, là một món quà quý mà người
Cà Mau dành đãi khách quý và gửi tặng bà con nơi phương xa.
Theo Thi Trân
Vnexpress
nguồn:http://biz.cafef.vn/20120910014126103CA50/50-mon-an-dac-san-noi-tieng-viet-nam-ii.chn
====================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để
xả stress
Sẽ xóa những comment nói tục
Thinhoi001
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001