Thứ Ba, 11 tháng 9, 2012

Trần Đức Việt - Chủ nghĩa Mác - Lênin không đáp ứng yêu cầu thời đại 

Trần Đức Việt
Nhà báo tự do

Tôi nhận được thư điện tử của một số bạn sinh viên muốn trao đổi ý kiến. Theo các bạn hiện nay trong các trường đại học, sinh viên vẫn đang phải học môn chủ nghĩa Mác-Lênin, khi tốt nghiệp vẫn phải thi chính trị quốc gia. Nếu không học để kết quả kém thì cũng không được. Nhưng nếu học thật chăm chỉ, liệu có "ngấm" tư duy kiểu Mác-Lênin, sau này khi ra trường áp dụng tư duy này vào xử lý công việc, có gây hại cho xã hội một cách không tự giác hay không? Các bạn muốn trao đổi làm rõ giá trị của chủ nghĩa Mác-Lênin, đúng sai thế nào? Còn áp dụng được hay không? (Ít ra cũng để yên tâm trong học tập). Nếu cho chủ nghĩa Mác-Lênin là sai thỉ giải thích thế nào về những thành công của hệ thống xã hội chủ nghĩa suốt hơn 70 năm? Nếu cho rằng chủ nghĩa Mác-Lênin là đúng thì giải thích thế nào về sự sụp đổ của hệ thống XHCN?
Nhu cầu của các bạn là rất chính đáng, nhưng khó đáp ứng. Vì trình độ tôi có hạn, không đủ tầm để giải đáp việc này. Với lại nói với nhau về vấn đề như chủ nghĩa Mác-Lênin thì tốn rất nhiều thời gian, khó đi đến thống nhất chung. Dù sao các bạn cũng đã hỏi, tôi xin trao đổi lại bằng ý kiến cá nhân, ở mức đơn giản nhất. Xin nhắc lại, đây là ý kiến cá nhân, chỉ để tham khảo.
Chủ nghĩa Mác-Lênin là thuật ngữ được ông I.V. Stalin đưa ra sau khi V.I. Lênin mất, được coi là "khoa học về chiến tranh và cách mạng, xây dựng chủ nghĩa xã hội trong thời đại chuyển từ chủ nghĩa tư bản sang Chủ nghĩa Cộng Sản". Ngày nay, nhiều người không coi chủ nghĩa Mác-Lênin là một khoa học, vậy nó là gì? Về phần tôi, xin nói nhanh:

  1. Chủ nghĩa Mác-Lênin là môn giả khoa học, phản tôn giáo;
  2. Chủ nghĩa Mác-Lênin không đáp ứng nhu cầu đời sống hiện đại.

* * *

1. Chủ nghĩa Mác-Lênin là môn giả khoa học, phản tôn giáo

Vào thế kỷ XIX, thành công của cuộc cách mạng khoa học kỹ thuật đã tác động đến mọi mặt đời sống, trong đó có các môn nghiên cứu về xã hội. Thuật ngữ "khoa học" lúc đó để chỉ một môn nghiên cứu đúng đắn, tránh được các sai lầm. Vậy thế nào là "khoa học"? Từ điển Bách khoa Việt Nam xem khoa học là hệ thống tri thức về tự nhiên, xã hội và tư duy, thể hiện bằng khái niệm, phán đoán, học thuyết. Khoa học gồm có tri thức kinh nghiệm, tri thức lý luận, phương pháp, giả thuyết và kết luận. Định nghĩa như vậy, theo tôi, mới chỉ mô tả các bộ phận cấu thành khoa học, chưa nêu tiêu chí phân biệt khoa học với các môn không phải là khoa học nên không giúp người học phân biệt rõ khoa học với mê tín, với các môn giả danh khoa học. Các nhà khoa học tự nhiên định nghĩa khoa học chặt hơn nhiều, nói ngắn gọn và dễ hiểu như sau: Khoa học là hệ thống tri thức về một số đối tượng nghiên cứu; các đối tượng này có tính thống nhất trong toàn hệ thống, tuân theo luật bài trung; thể hiện qua các phán đoán có thể kiểm tra được. Khoa học chia ra làm khoa học tự nhiên và khoa học xã hội. Trong khoa học tự nhiên, người ta kiểm tra các phán đoán bằng cách đo lường. Chẳng hạn, để kiểm tra sức khoẻ người ta đo dung tích phổi, cân nặng, chiều cao, lực bóp ở tay...Từ đó người ta xác định được người khoẻ và yếu trong tập hợp người. Trong khoa học xã hội, người ta kiểm tra phán đoán bằng cách theo dõi xem các đối tượng nghiên cứu có phù hợp với thực tiễn không? Dù là khoa học tự nhiên hay xã hội, người nghiên cứu cũng phải xác định được phạm vi áp dụng của mỗi phán đoán.
Tôi lấy ví dụ: Trong triết học có quy luật "lượng đổi dẫn đến chất đổi". Khi tôi học đại học, các thầy dạy triết dẫn chứng, nếu tăng nhiệt độ của nước thì đến lúc nào đấy nước từ thể lỏng chuyển sang thể khí (nước sôi và bay hơi). Quy luật lượng đổi dẫn đến chất đổi đúng. Thế nhưng nếu bây giờ thay vì đun nóng nước, chúng ta đổ dần nước vào nồi chứa, rõ ràng "lượng" tăng dần nhưng "chất" thì không đổi. Quy luật sai chăng? Nếu nói quy luật sai thì tại sao trường hợp đun nóng nước lại đúng? Vấn đề ở chỗ các quy luật đều có "phạm vi áp dụng" nhất định. Quy luật "lượng đổi dẫn đến chất đổi" áp dụng được cho trường hợp trước nhưng không áp dụng được cho trường hợp sau. Bạn sẽ hỏi: Vậy làm thế nào để biết có áp dụng được hay không? Cái đó do các khoa học cụ thể giải quyết, chẳng hạn ví dụ trên thì môn hoá học, hoặc nhiệt động học sẽ giải đáp. Ví dụ trên cho chúng ta biết triết học nghiên cứu về các quy luật chung nhất của tự nhiên nhưng không thay thế được các khoa học cụ thể (Nhiều người cho rằng học xong môn triết học trong trường Đảng ra là biết hết mọi thứ, làm được mọi việc, thực ra là tư duy phản khoa học). Nếu có ai đó khăng khăng áp dụng "lượng đổi dẫn đến chất đổi" bằng cách đổ nước cho đầy lên thì ta gọi là anh chàng...giáo điều. (Bây giờ xin được mở rộng vấn đề chút ít. Khi học hoá học hữu cơ, các bạn làm quen với thuyết Bút-lê-rốp mà nội dung cơ bản là: Thay đổi thứ tự, cách sắp xếp của nguyên tử các-bon thì cũng tạo ra chất mới. À, thế thì chúng ta phát hiện ra một quy luật: cấu trúc thay đổi dẫn đến chất đổi. Vậy ra quy luật "lượng đổi dẫn đến chất đổi" không bao quát hết cách thay đổi về chất trong tự nhiên).

Khi đã có khái niệm về khoa học rồi thì tự nhiên người ta sẽ hỏi: Khoa học hình thành như thế nào? Trong các bài giảng triết học, các thầy hay tổng kết: Tri thức đi từ thực tiễn lên "biểu tượng" và lại trở về thực tiễn. Nói như vậy không rõ vấn đề. Tôi tóm tắt theo cách khác, trước hết bạn cần phân biệt "khoa học" với những "suy luận có lý". Định nghĩa khoa học như Từ điển Bách khoa theo tôi chỉ nên gọi là "suy luận có lý". Tri thức tổng kết từ thực tiễn thành các khái niệm, suy lý, phán đoán là các "suy luận có lý". Khi các "suy luận có lý" kiểm nghiệm được thì trở thành "khoa học". Những suy luận có lý không kiểm nghiệm được thì "đứng im" ở tầm mức "sau luận có lý", hoặc phát triển thành tôn giáo, hoặc thành môn "giả khoa học". Ví dụ: trong Kinh Thánh có lời dạy như thế này: Kẻ nào vừa cày ruộng vừa khóc trên cánh đồng của mình thì khi thu hoạch sẽ được cười. Nhiều trăm triệu người, thông qua kinh nghiệm của mình đã tin vào phán đoán này (cơ sở của tôn giáo là niềm tin). Đó chính là một suy luận có lý, tổng kết từ thực tiễn hoạt động trong nghề nông, tuy nhiên, không phải là khoa học. Vì sao vậy? Vì nếu bây giờ thay đổi điều kiện chút ít, nếu người cầy ruộng vừa làm vừa khóc nhưng không đúng kỹ thuật nghề nông thì sẽ không được cười lúc thu hoạch. Cái cốt yếu ở đây là làm việc đúng kỹ thuật đã không được nêu ra trong phán đoán trên. Bây giờ sửa lại câu nói trên: Người nào làm việc chăm chỉ, đúng kỹ thuật trên cánh đồng của mình thì khi thu hoạch sẽ được cười. Đây là một phán đoán khoa học, kiểm tra được, có thể yên tâm đưa vào "khoa học trồng trọt" mà không sợ sai. Tôi lấy thêm ví dụ khác. Truyện Khổng tử kể: Một hôm Khổng tử đi đường gặp hai đứa trẻ 7 tuổi tranh luận với nhau, chúng nhờ ông phân xử xem ai đúng, ai sai? Một đứa nói: Mặt trời buổi trưa xa mặt đất hơn buổi sớm vì trông nhỏ hơn. Đứa kia nói: Mặt trời buổi trưa gần mặt đất hơn buổi sớm vì buổi trưa nóng hơn. Khổng tử nghĩ một hồi rồi chịu, không phân giải được. Bây giờ chúng ta sẽ xét ví dụ này với tư duy "khoa học". Đứa trẻ thứ nhất đưa ra "suy luận có lý" sau: Vật ở càng xa trông càng nhỏ. Đây là suy luận rút từ rất nhiều lần quan sát sự vật về độ xa gần, nó là "tri thức kinh nghiệm". Áp dụng "suy luận có lý" này vào trường hợp mặt trời, đứa bé đưa ra phán đoán: Mặt trời buổi trưa xa mặt đất hơn buổi sớm. Đứa bé thứ hai lại xuất phát từ một "tri thức kinh nghiệm" khác là càng gần bếp thì càng nóng để có "suy luận có lý" rằng: Càng gần nguồn nhiệt thì càng nóng. Áp dụng "suy luận có lý" này vào trường hợp mặt trời, đứa bé đưa ra phán đoán: Mặt trời buổi trưa gần mặt đất hơn buổi sớm. Cả hai đứa bé đều áp dụng "suy luận có lý", khái quát hoá từ trường hợp cụ thể để đưa ra phán đoán. Các suy luận có lý này đều đúng, nhưng khi áp dụng trong trường hợp xét độ xa của mặt trời thì lại sai. Vì sao vậy? Vì đó chỉ là những suy luận có lý, chưa kiểm tra được, tức là chưa thành "khoa học". Để trở thành khoa học, cần phải có cách kiểm tra, định lượng được. Đối với đứa bé thứ nhất, phải chỉ ra được phạm vi áp dụng của "suy luận có lý" là đúng với khoảng cách nào? Từ khoảng cách nào thì không áp dụng được do hiện tượng "thị sai" của con mắt? Tương tự, ảnh hưởng quyết định của nguồn nhiệt chỉ có giá trị với khoảng cách gần, chứ không có ý nghĩa lớn với khoảng cách xa. Bằng kiến thức vật lý hiện đại (trước đây môn vật lý được gọi là triết học tự nhiên), chúng ta đánh giá được câu chuyện của Khổng tử với hai đứa bé. Khoảng cách mặt trời với trái đất khoảng 150 triệu km, trong khi từ buổi sớm đến trưa chúng ta "gần" thêm với mặt trời được 6300 km (bán kính trái đất), do đó mắt không phát hiện được sai lệch về kích thước của mặt trời. Việc chúng ta thấy mặt trời buổi trưa bé hơn buổi sáng là do lỗi "thị sai" của con mắt, không thể dùng nó để đánh giá độ xa của mặt trời. Với đứa bé thứ hai thì nhầm lẫn ở chỗ lượng nhiệt đến mặt đất. Lượng nhiệt này quyết định bởi "góc nghiêng" cùa tia mặt trời với mặt đất, độ xa gần có ảnh hưởng nhưng không phải là quyết định (lượng nhiệt tỉ lệ nghịch với bình phương khoảng cách). Việc buổi trưa thấy nóng hơn là vì ảnh hưởng của lượng nhiệt do mặt đất hấp thu được và toả ra. Đánh giá tất cả các yếu tố kể trên, định lượng bằng công thức để kiểm tra được thì "suy luận có lý" của hai cậu bé sẽ trở thành khoa học, có thể dùng để khảo sát các trường hợp thực tiễn. Các suy luận có lý không được nghiên cứu đến cùng thì sẽ tạo ra tôn giáo hoặc các môn giả khoa học. Ví dụ trước đây ở châu Âu có môn giả kim thuật, với mục tiêu tìm ra "hòn đá triết lý" có thể biến mọi chất thành vàng. Môn giả kim thuật hoàn toàn thất bại, không ai có thể tìm được "hòn đá triết lý" nhưng các suy luận có lý của môn này thì lại tạo ra môn hoá học, là một khoa học chính xác.

Chúng ta trở lại với đề tài đang bàn: Chủ nghĩa Mác-Lênin có phải là khoa học không?
Chủ nghĩa Mác-Lênin gồm 3 bộ phận cấu thành: triết học, kinh tế chính trị và chủ nghĩa xã hội khoa học. Phần triết học, chủ nghĩa Mác-Lênin kế thừa triết học Mác, còn Mác thì lấy phép biện chứng của triết học Hê-ghen và chủ nghĩa duy vật Phơ-bách tạo ra triết học của mình với tên gọi triết học duy vật biện chứng. Triết học Mác kế thừa Hê-ghen, nhưng "đảo ngược" Hê-ghen bằng cách thừa nhận vật chất có trước và quyết định ý thức. Như vậy, Mác chỉ "khác biệt" ở chỗ công nhận vai trò quyết định của vật chất, toàn bộ phần còn lại của triết học Mác chính là Hê-ghen, là Phơ-bách. Các bạn không có điều kiện học tập trực tiếp từ Hê-ghen, Phơ-bách thì cứ học gián tiếp qua Mác cũng không hại gì. Lênin thừa nhận triết học Mác và làm rõ thêm nhiều điểm trong lý luận của Mác nên các bạn vẫn học tập được, sử dụng được. Bất kỳ môn học nào cũng chỉ trao cho bạn phương pháp nghiên cứu, kết luận cụ thể là do bạn quyết định. Tôi trở lại với quy luật "lượng đổi dẫn đến chất đổi", chẳng hạn bạn biết là tăng nhiệt độ thì đến lúc nào đó chất rắn chuyển thành chất lỏng. Nhưng nếu cứ lấy chất rắn đun nóng và khăng khăng sẽ thành chất lỏng thì lại nhầm. Chất i-ốt ở nhiệt độ cao trực tiếp bay hơi không qua thể lỏng. Khoa học chỉ giúp bạn con đường tìm chân lý chứ không trao thẳng chân lý cho bạn.
Nhìn lại quá trình hình thành và phát triển của chủ nghĩa Mác-Lênin có thể thấy ở giai đoạn đầu (trước Cách mạng tháng Mười Nga) môn này được nhiều người xem là một khoa học (vì vậy mới tạo ra được một trào lưu xã hội lớn mạnh). Trong quá trình phát triển, Lênin và đồng sự đưa ra nhiều phán đoán không kiểm tra được, phải mất nhiều thời gian mới thấy rằng các phán đoán đó không phù hợp với thực tiễn, tức là sai. Chẳng hạn, các nhà nghiên cứu của Quốc tế II nói đại ý: Cách mạng vô sản chỉ xẩy ra khi giai cấp vô sản chiếm đa số trong dân cư, xã hội đã ở một trình độ phát triển cao về kinh tế, vì vậy, cần tập trung đấu tranh phát triển kinh tế rồi mới làm cách mạng cướp chính quyền. Lênin bác lại, cho rằng: Cứ cướp chính quyền đi, rồi "đi hia bẩy dặm" vào phát triển kinh tế. Thuật ngữ "đi hia bẩy dặm" mượn từ chuyện cổ tích Con mèo đi hia, trong đó nhân vật chính là con mèo có cặp hia mỗi bước đi được bẩy dặm đường. "Suy luận có lý" này của Lênin một thời được xem là chân lý, nhưng sau Cách mạng tháng Mười thì chẳng có cái "hia bẩy dặm" nào trong thực tế. Suốt 70 năm tồn tại của chính quyền xô-viết vấn đề phát triển kinh tế luôn luôn là chỗ khó nói của lý luận Mác-Lênin. Vào thời kỳ Stalin nắm chính quyền, ông nêu ra quy luật kinh tế cơ bản của chủ nghĩa xã hội với nội dung: Trong chế độ xã hội chủ nghĩa, sản xuất tăng không ngừng, tạo ra sản phẩm dồi dào đáp ứng mọi nhu cầu xã hội. Quy luật này hiện vẫn được dạy trong các bài học ở trường đại học, nhưng thời gian chỉ ra nó không phù hợp với thực tiễn, tức là sai. Lý luận chủ nghĩa Mác-Lênin phát triển đến năm 1960 thì... không phát triển nữa. Xem lại các vấn đề lý luận chúng ta thấy từ sau 1960, các sách báo, tài liệu về chủ nghĩa Mác-Lênin gần như không có gì mới so với giai đoạn trước. Nhiều kết luận cũ rích từ thế kỷ trước như: giai đoạn giẫy chết của chủ nghĩa tư bản, đêm trước của cách mạng vô sản, mâu thuẫn không thể điều hoà giữa tư bản và vô sản... được bê nguyên xi vào bài giảng, không chứng minh. Trong khi đó thực tiễn sinh động đang chứng minh điều ngược lại. Chẳng hạn suy luận có lí "mâu thuẫn không thể điều hoà giữa tư bản và vô sản" đang bị phủ định khi các nhà tư bản sáng tạo ra chế độ "góp cổ phần". Công nhân cũng có thể mua cổ phần và trở thành cổ đông đối với công ty. Nếu chủ nghĩa Mác-Lênin là một khoa học thì phải xoá tín điều "mâu thuẫn không thể điều hoà..." kia đi. Nhưng các nhà lý luận mác-xít khư khư giữ lấy tín điều nói trên. Có thể lấy nhiều ví dụ khác tương tự trong các "suy luận có lý" đã cấu thành chủ nghĩa Mác-Lênin. Điều đó có nghĩa là chủ nghĩa Mác-Lênin từ vị trí một khoa học đã trở thành giả khoa học. Cũng giống như môn giả kim thuật, dù chứa đựng một số "suy luận có lý" có giá trị, đến nay chủ nghĩa Mác-Lênin đã hết vai trò "lý luận tiên phong". (Có thể nói vui chủ nghĩa cộng sản cũng là một "hòn đá triết lý" của các nhà lý luận mác-xít).
Trong tư duy lý luận của loài người có một phần quan trọng là tôn giáo. Tôn giáo thực ra cũng là tập hợp của một hệ thống "suy luận có lý", người theo tôn giáo bằng kinh nghiệm của mình tin vào các giáo lý. Chân lý luôn thuộc về các vị thánh, những người có đạo phải tuyệt đối tin theo, không bàn cãi. Đây là đặc điểm để nhận diện tôn giáo và khoa học. Trong khoa học thì không có các vị thánh, chỉ có nhà khoa học có uy tín và nhà khoa học ít uy tín. Khi thực tiễn đủ căn cứ để chứng minh một suy luận có lý nào đó là phù hợp với thực tiễn, tức là đúng, thì nhà khoa học đề ra suy luận có lý đó được công nhận, cho dù trước đó ông ta rất ít uy tín. Ví dụ như Anh-xtanh với thuyết tương đối, Huy-ghen với thuyết sóng ánh sáng.... Đặc điểm lớn nhất của các tôn giáo là luôn đề cao cái thiện, đề cao tình thương giữa con người với nhau, không phân biệt chính kiến, mầu da... Chủ nghĩa Mác-Lênin kể từ sau khi cách mạng tháng Mười thành công thực chất đã trở thành một môn phản tôn giáo. Nó giống tôn giáo ở chỗ xem các "thánh" như Mác, Lênin, Stalin... là luôn luôn đúng, không bàn cãi. Nó khác tôn giáo ở chỗ không đề cao cái thiện mà đề cao bạo lực (đề cao chuyên chính vô sản). Vì vậy, tôi không gọi chủ nghĩa Mác-Lênin là tôn giáo, mà gọi là môn "phản tôn giáo".

2. Chủ nghĩa Mác-Lênin không đáp ứng nhu cầu đời sống hiện đại

Trước hết chúng ta thử giải thích xem vì sao chủ nghĩa Mác-Lênin đã giành được thắng lợi lớn trong hơn 70 năm.
Chủ nghĩa Mác ra đời vào cuối thế kỷ XIX, khi loài người tiến hành cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ I. Đó là thời kỳ của máy hơi nước, lao động thủ công vẫn chiếm vai trò chính trong sản xuất. Mác viết bộ Tư bản, phân tích quá trình sản xuất bằng cách phân tích loại hàng hóa đặc biệt, đó là sức lao động. Theo dõi phân tích của Mác, có thể nhận ra rằng ngoài yếu tố sức người, Mác không phân tích, nghiên cứu gì thêm nữa. Cũng nên thông cảm với Mác, lúc đó loài người còn chưa đưa những yếu tố khác vào sản xuất. Nói cách khác, phân tích của Mác không bao quát hết các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất. Điều này cũng giống như khi hai cậu bé tranh luận về mặt trời gần xa, ai cũng chỉ phân tích theo một phán đoán của mình, không bao quát hết các yếu tố ảnh hưởng khác. Từ phân tích về sức người, Mác đi đến phán đoán cực đoan là "xóa bỏ quyền tư hữu". Phán đoán "xóa bỏ quyền tư hữu" sẽ dẫn đến việc "làm chung, ăn chung" mà thực tiễn thời Lênin là chính sách "tập thể hóa nông nghiệp""quốc hữu hóa sản xuất công nghiệp". Trong bài báo "Bàn về kinh tế thị trường", Lênin phân tích thêm theo hướng này, đưa ra một phán đoán mới: "Ưu tiên phát triển công nghiệp nặng là quy luật của tái sản xuất mở rộng". Kết luận này của Lênin được các nước XHCN áp dụng trong xây dựng, phát triển kinh tế, trong thực tiễn đã là gánh nặng cho nền kinh tế trong rất nhiều năm. Các nhà lý luận Mác-Lênin cho rằng quyền tư hữu đang cản trở sự phát triển kinh tế của xã hội, vậy thì khi xóa bỏ quyền tư hữu nền kinh tế sẽ phát triển mạnh. Như trên đã nói, ông Stalin đưa ra quy luật kinh tế cơ bản của chế độ XHCN là kinh thế phát triển không ngừng. Ở những năm đầu của chính quyền Xô-Viết, khi lao động thủ công còn chiếm tỉ trọng lớn, quá trình chuyển từ lao động thủ công sang lao động cơ khí làm thay đổi mạnh mẽ chất lượng lao động thì việc tập trung chú ý vào quản lý sức lao động vẫn có tác dụng tăng trưởng sản xuất. Điều đó che lấp bản chất thực sự của quá trình phát triển kinh tế. Đến những năm 70 thế kỷ XX kinh tế XHCN hầu như đã đi hết đà của nó. Mô hình quản lý "sức lao động" thuần túy trở nên ít hiệu quả. Liên Xô lúc ấy bắt đầu chỉ trông vào khai thác tài nguyên như dầu mỏ, các ngành khai khoáng... Các nước XHCN lâm vào cuộc khủng hoảng về kinh tế mà thời đó có những "nhà lý luận" ở Việt Nam gọi là "khủng hoảng sản xuất thiếu". Lý luận kinh tế Mác-Lênin đi vào ngõ cụt.
Có thể lấy một ví dụ thực tế để minh họa. Có những năm Liên Xô bị thiếu lúa mì nên đề ra chủ trương khai hoang. Câu chuyện trên được cố Tổng bí thư L.I. Brê-giơ-nhép kể lại trong tác phẩm Đất nhỏ. Cuộc khai hoang vĩ đại này đem lại cho Liên Xô một tỉ pút lúa mì mỗi năm. Công bằng mà nói thì đấy là thắng lợi của Đảng và nhà nước xô-viết. Nhưng nếu nói đến hiệu quả kinh tế thì lại không mấy sáng sủa, vì công sức bỏ ra nhiều mà hiệu quả thấp. Hãy so sánh để biết: Đất nước Ix-ra-en nhỏ bé (diện tích cỡ tỉnh Thanh Hóa của Việt Nam) xuất khẩu gạo hàng thứ ba thế giới. Điều đó cho thấy còn nhiều yếu tố tác động đến quá trình sản xuất, nhưng lý luận Mác-Lênin đã bỏ qua không xét nên không thể đạt hiệu quả kinh tế cao.
Khi ra đời, chủ nghĩa Mác-Lênin hứa hẹn sẽ đáp ứng ước mơ lớn nhất của loài người bằng một phán đoán nổi tiếng: Làm theo năng lực, hưởng theo nhu cầu. Các bạn nghĩ mà xem, mỗi người đều có năng lực khác nhau, kẻ ít người nhiều, nhưng lòng tham của con người thì nhất loạt nhự nhau, đều "không đáy". Chủ nghĩa Mác-Lênin đã lấp đầy cái "không đáy" bằng lời hứa "hưởng theo nhu cầu". Lời hứa này dựa trên hệ thống "suy luận có lý" mang dáng dấp một khoa học xã hội, đủ sức hấp dẫn với nhiều trí thức có khả năng thu hút quần chúng nghèo khổ theo mình. Vậy thì có gì lạ khi chủ nghĩa Mác-Lênin đã giành thắng lợi vĩ đại trong hơn 70 năm. Cũng không có gì lạ khi chủ nghĩa Mác-Lênin sụp đổ về lý luận. Đơn giản là vì chủ nghĩa Mác-Lênin không bao quát hết khả năng phát triển của các hiện tượng tự nhiên và xã hội. Khi thực tiễn xã hội vượt qua thời kỳ chỉ biết có sức người thì hệ thống Mác-Lênin trở nên lỗi thời, các chính quyền khư khư bám vào lý luận này trở thành lạc điệu so với thế giới.
Có bạn hỏi: Vậy cái gì của chủ nghĩa Mác-Lênin đến nay còn dùng được? Trả lời: Về kinh tế thì phải xóa bỏ hoàn toàn lý luận Mác-Lênin, vì lý luận này dựa trên một tiền đề đến nay thấy rõ là sai lầm: Xóa bỏ chế độ tư hữu. Không thể bỏ chế độ tư hữu được, chỉ có thể quản lý nó. Về chủ nghĩa xã hội khoa học thì toàn bộ lý luận về 2 phe, 4 mâu thuẫn đã bị thực tiễn bác bỏ. Tuy nhiên, phần lý luận về mâu thuẫn giữa lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất thì còn có giá trị. Ở Việt Nam hiện nay đang tồn tại mâu thuẫn giữa quan hệ sản xuất XHCN với lực lượng sản xuất tư bản chủ nghĩa đang hình thành. Giải quyết mâu thuẫn này có nhiều phương hướng khác nhau, trong đó có cách giải quyết bằng con đường cách mạng xã hội. Và nếu nói đến cách mạng xã hội thì lý luận về tình thế cách mạng và thời cơ cách mạng của chủ nghĩa Mác-Lênin vẫn đáng để tham khảo.

Trong những năm đầu thế kỷ XX, chủ nghĩa Mác-Lênin đã đóng vai trò dẫn đường cho một trào lưu xã hội ở cấp độ toàn cầu. Đến ngày nay, vai trò đó đã hết. Quá trình sản xuất hiện đại có những bước tiến vượt bậc, đòi hỏi các nhà khoa học phải "nghiên cứu" lại chủ nghĩa Mác-Lênin từ vấn đề cơ bản nhất. Để chứng minh giai cấp tư sản bóc lột, Mác lý luận như sau: Giả sử có nhà tư sản luôn mua rẻ, thế thì anh ta có lợi khi là người mua và sẽ bị thiệt khi là người bán, tóm lại không lợi gì. Nếu có nhà tư sản luôn bán đắt, thì anh ta có lợi khi bán và sẽ bị thiệt khi là người mua, tóm lại cũng không lợi gì. Giả sử có nhà tư sản luôn mua rẻ, bán đắt, thế thì chỉ anh ta có lợi, còn giai cấp tư sản thì không làm giầu trên lưng mình được. Từ đó suy ra giai cấp tư sản phải chiếm lợi nhuận của người làm thuê (Tôi chỉ tóm tắt, bạn nào cần đọc xin tìm hiểu trong các giáo trình chủ nghĩa Mác-Lênin có rất nhiều trong các hiệu sách). Vào thời đại của Mác, khi lao động chân tay của người làm thuê còn chiếm ưu thế thì lý luận như vậy "có vẻ đúng". Khoa học kỹ thuật phát triển đã đem lại một cách nhìn khác. Ở Nhật, có công ty thí nghiệm sử dụng rô-bốt trong một phân xưởng sản xuất. Phân xưởng này không có người, chỉ có rô-bốt làm việc từ A đến Z. Vậy thì theo lý luận của Mác, ở phân xưởng này nhà tư sản có phải là đang "bóc lột" các rô-bốt không? Có cần vận động các rô-bốt đứng lên "lật đổ" tư sản không? Có người sẽ phản bác: Đó chỉ là trường hợp riêng lẻ, ở một phân xưởng nào đó! Nhưng đó lại chính là tương lai của cả loài người, khi khoa học kỹ thuật đạt đến đỉnh cao. Ví dụ này cho thấy lý luận của Mác về bóc lột lao động làm thuê là sai. Điều quan trọng hơn, như cách nói của các nhà lý luận mác-xít, khoa học đã trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp thì phải có cách nhìn khác. Cần phải đánh giá lại các yếu tố ảnh hưởng đến sản xuất, như yếu tố khoa học kỹ thuật, yếu tố khoa học quản lý, yếu tố tác động của nguồn vốn, yếu tố thương hiệu, yếu tố tâm lý người mua hàng... mỗi yếu tố chiếm bao nhiêu phần trăm trong giá thành. Chủ nghĩa Mác-Lênin không đánh giá đầy đủ các yếu tố này, tất nhiên không đáp ứng được yêu cầu của thời đại ngày nay.
Các bạn sinh viên, hoàn cảnh lịch sử đang đặt ra nhiệm vụ cho các bạn giải quyết cả về lý luận và thực tiễn con đường phát triển sắp tới của Việt Nam. Đất nước này có vượt qua cơn nguy biến cận kề để vươn lên sánh vai với các cường quốc năm châu hay không hoàn toàn phụ thuộc vào quyết tâm của các bạn. Đất nước đang trông chờ các bạn.
Khách gửi hôm Thứ Hai, 10/09/2012 
nguồn:http://danluan.org/node/13908
===================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001