Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Hùng Tâm - Lào, bình điện của Ðông Nam Á

Hùng Tâm/Người Việt

Tranh chấp giữa Việt Nam và Trung Quốc trên thượng nguồn sông Mekong

Sau hai năm tránh né áp lực của dư luận, nước Lào dưới sự lãnh đạo của đảng Cộng sản Nhân dân Cách mạng Lào vẫn xúc tiến thực hiện dự án thủy điện Xayabury trên sông Mekong. Dự án này không chỉ gây vấn đề về kinh tế và môi sinh cho người dân ở dưới hạ nguồn Mekong mà còn cho thấy ảnh hưởng rất mạnh của Trung Quốc trong một xứ trước đây vẫn gắn bó với Việt Nam. Hồ Sơ Người Việt tìm hiểu câu chuyện đó.

Ngư dân Lào biểu tình phản đối dự án thủy điện Xayabury. 
(Hình: Pornchai ittiwongsakul/AFP/GettyImages) 

Lào, bình điện của Ðông Nam Á

Cộng Hòa Nhân Dân Lào là một nước nhỏ, chỉ có hơn sáu triệu dân vẫn còn nghèo với lợi tức trung bình một đầu người chưa đầy một ngàn đô la một năm và lãnh thổ bị khóa trong lục địa. Vì địa dư là núi rừng hiểm trở quanh con sông Mekong, Lào có một tài nguyên đáng kể là sức nước, có thể làm nhà máy thủy điện. Nghĩa là chặn nước sông thành những hồ lớn trên một đập nước, rồi điều tiết lưu lượng nước qua các lò turbin để làm ra điện. Tiềm năng về điện lực của Lào được ước lượng là 18 gigawatts (GW) tức là 18 tỷ watts hay 18 triệu megawatts (MG).

Lãnh đạo nước Lào là đảng Nhân dân Cách mạng, thoát thai từ phong trào Pathet Lào năm xưa, và đã từng có quan hệ gắn bó với đảng Cộng sản Việt Nam, thực tế là được Cộng sản Việt Nam huấn luyện và yểm trợ để rồi lên cầm quyền từ năm 1975, sau khi tiêu diệt chế độ quân chủ. Mỗi khi lên cầm quyền sau một đại hội đảng, các lãnh tụ cộng sản tại Hà Nội đều trước tiên qua thăm nước Lào và coi xứ này là một chư hầu. Ngoài xuất xứ chính trị và lịch sử, Việt Nam có thế mạnh với Lào vì khai thông việc buôn bán qua sông Hồng để đưa hàng hóa ra bên ngoài. Với thế mạnh đó, nhiều đảng viên cán bộ của Hà Nội hoạt động tại Lào cũng mạnh dạn khai  thác một nguồn tài nguyên khác của xứ này là lâm sản, cây rừng.

Nhưng từ năm 1988, tình hình đã có đổi khác và ngày nay không còn như xưa. Lào đang tìm phương hướng phát triển khác, đó là khai thác sức nước của dòng Mekong để trở thành một “bình điện cho Ðông Nam Á” như phát biểu của lãnh đạo tại Vientiane. Xây dựng đập thủy điện để bán điện cho các nước lân bang là một chiến lược “hiện đại hóa.”

Con đập đầu tiên mà họ trù tính là đập Xayabury, một dự án vĩ đại cho kích thước của nước Lào.

Tốn khoảng ba tỷ rưỡi (đô la) và cao 32 thước, đập nước có thể sản xuất ra một ngàn 285 megawatts (1,284 GW) một năm và đem lại tiền bạc cho xứ này vì sẽ bán số điện ấy cho các láng giềng, là Thái Lan, Cambodia và Việt Nam. Sau dự án Xayabury, Lào còn trù tính thực hiện thêm tám đập nước khác để trở thành một trung tâm sản xuất điện cho các nước Ðông Nam Á.

Ngoài nước Lào, xứ Cambodia cũng nghĩ đến hai dự án xây đập trên dòng Mekong và 11 dự án thủy điện này (9 của Lào) có tiềm năng cung cấp khoảng 14.7 GW (14,697 megawatts) tương đương với 8% nhu cầu điện lực cho bốn nước dưới hạ nguồn Mekong (Thái, Miên, Lào, Việt). Nhưng hiệu quả kinh tế của dự án cũng gây nhiều hậu quả tai hại về các mặt khác và Xayabury, con đập đầu tiên trong một chuỗi dự án thủy điện, đã gây tranh luận giữa các nước.

Tai ách Xayabury

Dự án Xayabury được trù tính từ Tháng Năm năm 2007, qua phần cố vấn kỹ thuật của công ty Phần Lan Poyry do công ty Compagnie Nationale du Rhône (CNR) của Pháp kiểm chứng lại về giá trị và sẽ được tổ hợp Ch. Karnchang Public Company của Thái Lan thực hiện với phần tài trợ của bốn hay sáu ngân hàng Thái Lan cho một kinh phí khoảng ba tỷ rưỡi. Thái Lan tích cực thúc đẩy dự án này vì tạo ra công việc làm và doanh lợi cho các công ty của mình và sau đó sẽ mua 95% sản lượng điện của con đập qua một đường dây cao thế dài 200 cây số.

Ðập nước Xayabury nằm cách thị trấn cùng tên khoảng 30 cây số tại vùng Tây Bắc của Lào, cách thủ đô Vientiane 350 cây số và cách đập Cảnh Hồng của Trung Quốc 770 cây số và sẽ là một hồ nước có dung tích là 1.3 triệu thước khối, dài 820 thước, sâu 32 thước trên một lưu vực có diện tích khoảng 272 ngàn cây số vuông.

Các chi tiết kỹ thuật ấy hoàn toàn vô nghĩa nếu người ta không hiểu rằng đập Xayabury sẽ biến 55% lượng nước của dòng sông thành một hồ trữ nước ở trên cao và ảnh hưởng đến lưu lượng nước dưới hạ nguồn. Không chỉ giữ nước, dự án còn giữ lại tiềm năng về ngư nghiệp, nông sản và gây thất thâu chừng 500 triệu đô la một năm cho các quốc gia ở dưới. Nguy hại hơn vậy, dự án còn làm giảm mực nước sông tại hạ nguồn, hủy hoại môi sinh và khiến nước biển dễ xâm nhập vào vùng châu thổ, tại Việt Nam.

Trong một dự án, người ta cần nhìn ra hai mặt xuất và nhập của lợi ích và phí tổn. Lợi ích của Xayabury là năng lượng có thể bán ra tiền và nếu cao hơn với số tiền bỏ ra trong cả đời sống của dự án thì coi là có lời. Nhưng mọi chuyện đều chỉ là dự phóng vào tương lai và lợi ích thật có khi lại được phóng đại, thổi phồng, và còn tùy thuộc vào lưu lượng nước từ thượng nguồn đổ xuống.

Thượng nguồn của sông Mekong, xuất phát từ cao nguyên Tây Tạng, lại do Trung Quốc kiểm soát, nơi mà họ đã xây dựng rất nhiều đập và ảnh hưởng đến tình trạng hạn hán và lũ lụt lẫn cuộc sống của 60 triệu sân ở hạ nguồn. Phí tổn của dự án cũng không thu hẹp vào ngân khoản ba tỷ rưỡi mà còn bao gồm nhiều hậu quả khác về kinh tế và môi trường cho các xứ khác, ngoài Trung Quốc, Thái Lan và Lào. Khi tính ra và cộng lại thì người ta có một cơ sở quyết định khác về chuyện lợi và hại, được và mất.

Hai công ty tư vấn kỹ thuật Pháp (CNR) và Phần Lan (Poyry) tại Âu Châu được chính quyền Thái và Lào trả tiền để nghiên cứu dự án trên giấy tờ, về lý thuyết. Họ cùng nhau xác nhận rằng dự án không gây ảnh hưởng bất lợi về kinh tế hay môi sinh, thí dụ như cản lại lưu lượng, phù sa hay phôi sinh cần thiết cho tôm cá. Từ những dự phóng đó, chính quyền Vientiane đã quyết định xúc tiến dự án.

Nhưng Ủy Ban Mekong (Mekong River Commission) quy tụ bốn nước dưới hạ nguồn là Lào, Thái, Miên, Việt và nhiều tổ chức phi chính phủ NGO lên tiếng than phiền về yếu tố môi sinh tai hại của dự án. Chính quyền Hà Nội và nhiều xứ khác cũng nêu vấn đề trong khi người dân Lào và Thái biểu tình phản đối từ hai năm về trước. Chính quyền Lào bèn nhượng bộ, tuyên bố sẽ xét lại trong khi vẫn lặng lẽ cho phép doanh nghiệp Thái xúc tiến dự án. Vào đầu năm 2013, người ta mới được biết một phần sự thật.

Thái độ bất nhất của Vientiane

Nước Lào nhỏ và yếu đã rơi vào một hoàn cảnh khó xử.

Ðược các quốc gia hay thế lực kinh doanh mời chào và khuyến dụ về một dự án có vẻ hấp dẫn mà nguy hại, Lào muốn làm mọi người hài lòng mà cũng mong tìm ra một nguồn lợi cho mình. Lãnh đạo ở trên thì nghĩ đến quyền lợi còn thiển cận hơn nên bèn nói nước đôi.

Với Ủy Ban Mekong, họ đồng ý là nghe lời điều trần của các cộng đồng quốc tế và còn hứa hẹn là sẽ hủy bỏ dự án trong khi vẫn cho phép tổ hợp Thái Lan xúc tiến. Ngày 13 Tháng Bảy năm ngoái, Lào tái xác nhận là đã tạm ngưng việc xây cất hạ tầng của thủy điện Xayabury mà thật ra vẫn cho công ty Ch. Karchang đưa thiết bị và nhân lực vào công trường. Hai ngày sau, 15 Tháng Bảy, Lào mời đại diện của các nước trong tiểu khu vực Mekong là Việt, Miên, Thái và cả Miến Ðiện, cùng truyền thông và các tổ chức quốc tế đến thăm Xayabury. Tới nơi, người ta mới biết rằng dự án vẫn được xúc tiến từ trước và chính quyền Vientiane giải thích rằng các công ty tư vấn quốc tế như Poyry và CNR đã xác nhận giá trị của dự án và rằng không có lý do gì từ bỏ công trình này.

Chính quyền Hà Nội thì phản đối dự án và còn tỏ ý e ngại rằng Xayabury sẽ mở đầu cho 10 dự án thủy điện trên sông Mekong với hậu quả cực kỳ bất lợi cho Việt Nam tại vùng châu thổ ở dưới. Với tư thế là đàn anh và đã yểm trợ công cuộc “cách mạng” cho nước Lào, Hà Nội tưởng rằng sẽ khuyên bảo được Vientiane.
Nền tảng pháp lý là Hiệp định Hữu nghị và Hợp tác Lào-Việt ký kết năm 1977 để khẳng định mối quan hệ đặc biệt giữa hai đảng và hai nước.

Nhưng sự tình đã thay đổi...

Vai trò của Trung Quốc

Sau khi thành hình từ 1975, Cộng Hòa Nhân Dân Lào có hai chục năm tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên con đường xây dựng xã hội chủ nghĩa với màu sắc Xô Viết, dưới sự dìu dắt của Hà Nội. Từ 1979 đến 1988, Lào ngoan ngoãn đi theo đàn anh Hà Nội, kể cả ủng hộ việc Hà Nội tung quân vào Cambodia, cho đến khi đàn anh Hà Nội bế tắc và đổi mới. Hà Nội đổi mới bằng cách xoay ra ngoài và đành đổi mới thật sau khi Liên Xô tan rã năm 1991. Lào cũng đổi mới từ năm 1986 với chính sách “kinh tế mới” và mở ra quan hệ với các nước khác, trước tiên là Thái Lan đồng văn, sau đó là Trung Quốc có tiền.

Sau đó, khi thấy Hà Nội mà còn phải quỵ lụy Bắc Kinh từ năm 1991, Vientiane cũng biết nghĩ lại.

Lào tham gia tích cực hơn vào cơ chế “Tiểu vùng Mekong,” xin gia nhập Hiệp Hội Các Quốc Gia Ðông Nam Á ASEAN, nối lại đối thoại với Hoa Kỳ và bắt đầu nghe lời đường mật của đàn anh Bắc Kinh của đàn anh Hà Nội. Lào đón nhận viện trợ dồi dào hơn của Trung Quốc, tỏ vẻ bất bình về thái độ trịch thượng của cán bộ và bộ đội do Hà Nội cài đặt lại và bước dần vào quỹ đạo Bắc Kinh.

Trung Quốc trở thành nguồn đầu tư hải ngoại lớn nhất vào nước Lào, hơn 300 triệu Mỹ kim cho các dự án hầm mỏ, canh nông và thủy lợi vào năm 2010. Lượng buôn bán của Lào với Trung Quốc từ 64 triệu vào năm 2002 đã vượt hai tỷ vào năm 2010. Và mô thức cải cách kinh tế kiểu Trung Quốc trở thành mẫu mực cho Lào Quốc sau khi Hà Nội cũng học theo lề thói này.

Trong khi đảng viên, cán bộ và bộ đội của Hà Nội đi vào nước Lào để trục lợi và kiếm tiền bỏ túi, Bắc Kinh tung tiền vào xứ này mà chẳng nói gì đến doanh lợi. Họ nhìn xa hơn và cần tranh thủ một thành viên của ASEAN, một chư hầu của Hà Nội và nhắm vào tài nguyên thiên nhiên lẫn vị trí chiến lược của Lào trong trường kỳ.

Với nước Lào, Trung Quốc lại có rất nhiều kinh nghiệm về thủy lợi và thủy điện và vẫn hỗ trợ giấc mơ trở thành một bình điện của Ðông Nam Á. Trong chín dự án thủy điện mà Vientiane dự tính, có bốn dự án đã được doanh nghiệp và ngân hàng của Trung Quốc chuẩn bị sẵn. Vì vậy, trong khi quốc tế than phiền về đập Xayrabury, Bắc Kinh vẫn nín thinh. Sau Xayabury sẽ là nhiều đập nước khác do Trung Quốc thực hiện, với phương tiện áp đảo của Trung Quốc, kể cả nhân lực và nhất là nhân lực.

Kết luận ở đây là gì?

Ðập thủy điện Xayabury là mặt nổi của nhiều sự kiện còn chiến lược hơn.

Việt Nam không chỉ bị Trung Quốc ức hiếp ngoài Ðông Hải và khống chế từ thượng nguồn sông Mekong. Vòng đai Bắc Kinh đã siết lại khiến Cambodia hết là một chư hầu của Hà Nội. Nay đến lượt nước Lào.

Nhưng chưa chắc là dân Lào đã thoải mái với biển người Trung Quốc từ Vân Nam đổ xuống.

Dân Việt Nam cũng vậy, với sự e ngại về các dự án của Trung Quốc. Nhưng họ không có quyền lên tiếng.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/04/hung-tam-lao-binh-ien-cua-ong-nam-a.html?utm_source=BP_recent
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001