Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Margaret Thatcher, "người phụ nữ thép"

Việt-Long, RFA
2013-04-08
    iron-lady
    Thủ tướng Margaret Thatcher, "người phụ nữ thép"
    AFP photo
    Báo Mỹ “The New York Times” đăng hàng tít lớn “Margaret Thatcher, người tái tạo nước Anh, vừa tạ thế.”
    Tựa đề không mấy quá đáng, khi hầu hết mọi người đều công nhận rằng “Người phụ nữ Thép” Margaret Thatcher từng kéo nước Anh ra khỏi 35 năm ngập đến ngực trong một xã hội và nền kinh tế nghiêng theo chủ nghĩa xã hội. Bà còn lãnh đạo nước Anh chiến thắng ở tận châu Mỹ, và lèo lái cả Hoa Kỳ  lẫn Liên Xô vượt khỏi và kết thúc cuộc chiến tranh lạnh. Biểu tượng của nước Anh vừa từ trần hôm thứ hai ngày 8 tháng 4 năm 2013, thọ 87 tuổi.
    Bà Margaret Thatcher là nữ Thủ tướng đầu tiên của vương quốc Anh, và là người lãnh đạo tạo nền móng cho cựu đế quốc hùng mạnh nhất hoàn cầu hồi phục và vươn ra ánh sáng từ bóng đêm của chủ nghĩa xã hội và suy thoái kinh tế.
    Nữ Hoàng Elizabeth đệ nhị và Thủ tướng Cameron trong số những người đầu tiên ngỏ lời tôn kính và tiếc thương vị Thủ tướng được gọi là đã cứu nước Anh ra khỏi thời kỳ tối tăm sau thế chiến thứ hai.  Thủ tướng David Cameron ngưng chuyến công du châu Âu, trở về Anh để tham dự tang lễ “người phụ nữ thép”.  Thủ tướng Cameron gọi bà là “một nhà lãnh đạo vĩ đại, vị Thủ tướng vĩ đại, và một người Anh vĩ đại”. Tòa Bạch Ốc ra tuyên bố rằng: “thế giới đã mất một trong những quán quân vĩ đại của tự do, nước Mỹ mất đi một người bạn đích thực”
    Bước lên ngôi vị Thủ tướng nước Anh từ năm 1979, bà Margaret Thatcher thực hiện những chính sách kinh tế, xã hội, ngoại giao táo bạo và kiên quyết, chiếm được sự ủng hộ của nước Anh dành cho đảng Bảo Thủ trong ba nhiệm kỳ Thủ tướng liên tiếp kéo dài 12 năm tròn.
    Bà chiến thắng cả một khối lãnh đạo bảo thủ và kỳ thị phụ nữ của đảng Bảo Thủ, chiếm chức vụ lãnh đạo đảng, và bốn năm sau lên làm Thủ tướng. Đó là lúc mọi chính trị gia và các nhà nghiên cứu của nước Anh đều cho rằng vai trò duy nhất mà các chính phủ Anh Quốc có thể hoàn thành là quản lý đất nước và xã hội cách nào để cho nước Anh từ từ xuống dốc nhẹ nhàng và êm xuôi hơn hết.
    Tháng 10 năm 1980, 17 tháng sau ngày nhậm chức, Thủ tướng Thatcher đối diện với bờ vực kinh tế của nước Anh. Hằng loạt công nghiệp và doanh nghiệp thất bại, số người thất nghiệp tăng cao chưa từng thấy kể từ cuộc đại suy thoái. Xung đột sắc tộc và giai cấp bùng nổ. Cả những cố vấn thân cận nhất cũng lo ngại chính sách khống chế lạm phát, tư hữu hóa công nghiệp quốc doanh, giải tỏa ràng buộc cho nền kinh tế tiến ra kinh tế thị trường, sẽ gây kiệt quệ cho người nghèo, phá sản giới trung lưu, đưa đến khủng hoảng và hỗn loạn.
    Tuy nhiên, với một chính sách nhất quán và thái độ cứng rắn không thể lay chuyển tại nghị trường và chính trường, bà đã bẻ gãy cuộc nổi loạn trong nội bộ đảng Bảo Thủ, biến tính chất bảo thủ của đảng này thành đường lối cải tổ.
    with-reagan  
    Thủ tướng Margaret Thatcher với Tổng thống Ronald Reagan - AFP photo

    Không những thay đổi triết lý chính trị của đảng Bảo Thủ, bà còn thúc ép các đảng chính trị cốt yếu của Anh Quốc thay đổi quan niệm làm chính trị. Và kể từ “thời đại Thatcher” với “chủ nghĩa Thatcher”, các đảng phái chính trị của nước Anh đều quay lại đặt lại lòng tin vào học thuyết và chính sách kinh tế thị trường, dứt khoát hẳn những mơ hồ, phân vân giữa kinh tế thị trường và kinh tế theo chủ nghĩa xã hội.
    Bà khuất phục được thế lực tưởng không ai thắng nổi của các công đoàn lao động nước Anh, những thế lực từng buộc các chính phủ Anh quốc phải tuân lời trong suốt thập niên 1970. “Người phụ nữ thép” đã đưa các công đoàn lao động bất trị vào vòng kiểm soát, và mãi mãi nằm trong vòng kiểm soát của chính quyền. Bà còn buộc đảng Lao Động cánh tả phải từ bỏ chính sách căn bản là quốc hữu hóa công nghiệp, xác định lại vai trò mị dân và làm an sinh xã hội thay vì làm kinh tế của chính phủ Luân đôn, và nhìn nhận vai trò quan trọng của thị trường tự do.
    Bà đã tạo nền móng cho “nền tư bản đại chúng” của nước Anh khi bán nhà giá rẻ cho những gia đình ở thuê, đồng thời tư hữu hóa những ngành kỹ nghệ quốc doanh.  Với nghị lực thép, bà đã phục hồi niềm tự hào cho vương quốc Anh, phục hồi những mục tiêu cao xa của quốc gia, làm cho nước Anh trở lại vũ đài quốc tế, tranh đấu ngang sức cùng những đấu thủ nặng cân.
    Đối ngoại, tất cả các cố vấn và các nước bạn đều khuyên không nên chiến đấu để giành lại quần đảo Falkland quá xa xôi, một thuộc địa thưa thớt dân cư ở ngoài khơi Argentina, bị nước này chiếm giữ. Bà Thatcher cương quyết tuyên chiến, và chiến thắng.
    Trên vũ đài tư bản–cộng sản tranh hùng, bà nổi bật trong vai trò người trung gian nhưng dẫn lối cho cả Mỹ lẫn Liên Xô, giữa lúc khối cộng sản đã kiệt sức nhưng vẫn giằng co quyết liệt trong cuộc chiến tranh lạnh sắp suy tàn.
    Đầu tiên bà không ngại phô bày lòng thù nghịch đối với Liên Bang Xô Viết. Bà liên tục kêu gọi hiện đại hóa lực lượng hạt nhân của Anh, làm tăng mối lo sợ chiến tranh hạt nhân toàn cầu, cả đảng Bảo Thủ của bà cũng lo âu. Danh hiệu “người phụ nữ thép” là do chính hãng thông tấn Tass của Nhà nước Xô Viết đặt cho bà trước tiên vào năm 1976.

    with-gorbachev  
    Thủ tướng Thatcher và Tổng Bí Thư Gorbachev, 1984- AFP photo
    Tuy nhiên khi thấy cánh cửa hé mở để tiếp cận và thuyết phục Liên  Xô, bà sẵn sàng linh động. Bà là một trong những nhà lãnh đạo phương Tây đầu tiên nhìn nhận rằng Liên Xô sẽ sớm được lãnh đạo do một lãnh tụ thế hệ thứ hai, thế hệ TBT Mikhail Gorbachev. Bà mời ông Gorbachev sang thăm Anh quốc vào tháng 12 năm 1984. Bà tuyên bố: “Tôi mến thích ông Gorebachev, chúng ta có thể làm việc chung”
    Bà là đồng minh tương đắc của Tổng thống Mỹ Ronald  Regan về tư tưởng và chính trị, đồng thời cũng là người ca ngợi và nâng cao uy tín cho Tổng Bí Thư Mikhail Gorbachev, nhờ đó chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh đe dọa tiêu diệt nhân loại.
    Sau cùng, nhiệm kỳ thứ ba của “người phụ nữ thép” vướng phải những khó khăn và vấp ngã, một phần cũng do cá tính của bà cùng chính sách thuế khóa tiền tệ cứng nhắc, đường lối quá cứng rắn đòi nước Anh tách biệt hẳn khỏi Cộng đồng châu Âu.
    Nền kinh tế nước Anh rơi vào lạm phát và thất nghiệp, suy thoái, khiến danh tiếng và uy tín của bà sứt mẻ nặng nề. Đảng Lao Động chiếm lại sân khấu chính trị trong khi cánh bảo thủ Tories trong đảng Bảo Thủ mở lại tấn công và lần này lật đổ “người phụ nữ thép” từng giữ được cho đảng 12 năm cầm quyền liên tiếp.
    Nước Anh và thế giới ghi nhớ “Nữ Nam tước Magaret Thatcher”, danh hiệu do Hoàng gia Anh quốc phong tặng, như một vị nữ Thủ tướng đầu tiên đã vực dậy vương quốc Anh suy thoái nặng nề, đã dẫn lối cho cả thế giới tự do với thế giới Cộng Sản bắt tay hòa giải, chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh đồng thời cũng chấm dứt sự hiện hữu của Liên Bang Xô Viết, và đặt dấu chấm hết cho thời kỳ các chế độ Cộng Sản và chủ nghĩa Mác- Lê Nin hoành hành trên toàn thế giới.

    nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/margaret-thatcher-04082013183619.html
    ======================================================================
    Bà Margaret Thatcher với thuyền nhân Việt Nam


    Thanh Quang, phóng viên RFA
    2013-04-09
    000_DV730492-305.jpg
    Cựu Thủ tướng Anh Magaret Thatcher, ảnh chụp năm 2010.
    AFP


    Cựu Thủ tướng Anh Margaret Thatcher vừa qua đời, hưởng thọ 87 tuổi. Có lẽ câu hỏi cần được nêu lên là có bao nhiêu người Việt định cư tại Anh biết được công của bà từng giúp đỡ thuyền nhân Việt Nam, mở đường cho cộng đồng Việt Nam tại Anh phát triển như ngày nay?

    Ký nhận hơn 10.000 thuyền nhân

    Theo một viên chức người Việt từng làm khoảng 2 thập niên ở cơ quan Refugee Action tại Luân Đôn lo về người tỵ nạn và từng biên soạn tài liệu về lịch sử thuyền nhân Việt Nam tại Vương Quốc Anh vốn đang được lưu trữ tại Thư Viện Quốc Gia Anh Quốc và Bảo Tàng Viện Luân Đôn, thì vào năm 1979, khi hội nghị quốc tế diễn ra tại Trụ sở LHQ ở Genève để giải quyết vấn đề thuyền nhân, bà Margaret Thatcher, với tư cách thủ tướng Anh, đã ký nhận hơn 10.000 thuyền nhân Việt Nam, để từ năm 1980 trở đi, số thuyền nhân Việt Nam bắt đầu tới Anh ngày càng nhiều. Nhưng, theo viên chức này, thật ra không có nhiều thuyền nhân Việt Nam biết việc Thủ tướng Thatcher ký nhận hàng ngàn thuyền nhân như vừa nói.
    Một viên chức khác từng là Giám đốc của Refugee Action, ông Jack Shieh, xác nhận điều này:
    “Sự thật là hồi năm 1979, có hội nghị LHQ ở Genève để bàn về vấn đề thuyền nhân Việt Nam với lại người Cambodia và người Lào. Đa số người tỵ nạn ra đi, thì ở Đông Nam Á cũng như ở Hồng Kông, rất nhiều người tới đó rồi vì không có nước nào nhận họ định cư, thành ra vào năm 1979 có một hội nghị ở LHQ. Lúc đó, bà Thatcher vừa mới lên làm Thủ tướng Anh, bà có hứa nhận 11.500 người từ Việt Nam được định cư tại Anh Quốc. Sự thật có như vậy.”
    Vào năm 1979 có một hội nghị ở LHQ. Lúc đó, bà Thatcher vừa mới lên làm Thủ tướng Anh, bà có hứa nhận 11.500 người từ Việt Nam. 
    Jack Shieh
    Theo viên chức Refugee Action vừa nói thì ngoài việc không có bao nhiêu người Việt định cư tại Anh biết về chuyện Thủ tướng Thatcher ký nhận hàng ngàn thuyền nhân Việt Nam, người Việt định cư tại Anh, đa số đến từ Miền Bắc Việt Nam, nhất là người gốc Hoa, cũng không quan tâm nhiều đến chính trị, nên không biết rõ “cái ơn” đó của Thủ tướng Thatcher, ngoại trừ một số người mà ông gọi là “kỳ cựu” ở Miền Nam Việt Nam mới để ý tới vấn đề chính trị và biết rõ việc làm của bà Thatcher dành cho thuyền nhân Việt Nam.
    Vẫn theo cựu viên chức Refugee Action, thì quan niệm của người Việt ở Vương Quốc Anh thường hay nghĩ rằng đảng Bảo Thủ Anh, nói chung, không có cảm tình với người tỵ nạn, còn đảng Lao Động thì ủng hộ người tỵ nạn nhiều hơn. Nhưng, theo ông, nếu không phải là người trong cuộc thì khó mà biết được sự thật. Nhưng viên chức này được xác nhận rằng người đã ký văn bản để nhận thuyền nhân Việt Nam như vừa nêu chính là Thủ tướng Margaret Thatcher.
    Trong khi đó, một cựu thuyền nhân Việt Nam từng được tàu Anh vớt, ông Ngô Hữu Thạc cư ngụ tại Luân Đôn, hồi tưởng lại công ơn của cố Thủ tướng Margaret Thatcher :


    boat-people-250.jpg
    Thuyền nhân được vớt từ những ghe thuyền nhỏ bé lên tàu lớn (UNHCR photo)

    “Đầu tiên có chiếc tàu Anh tên Sibonga vớt 2 chiếc tàu thuyền nhân Việt Nam ở Biển Đông. Một trong 2 chiếc tàu được vớt này, có tôi đi trong đó. Sibonga, chiếc tàu Anh đầu tiên vớt gần cả ngàn thuyền nhân trên Biển Đông và đưa thẳng tới Hồng Kông, là lúc mà bà Thatcher vừa lên làm Thủ tướng. Chiếc tàu này đánh điện về chính phủ Anh yêu cầu cho biết có nhận người hay không để họ vớt. Thủ tướng Thatcher đã chấp nhận, lúc đó hình như là vào tháng 5 năm 1979. Bà đã nhận người tỵ nạn, như vậy mình là những người được vớt lên chiếc tàu đó thì luôn luôn phải nhớ ơn chính phủ đầu tiên của bà Thatcher đã vớt người tỵ nạn Việt Nam từ Biển Đông, với số thuyền nhân đông nhất. Có thể trước đó chính phủ Anh nhận một vài chục người tỵ nạn Việt Nam gì không thì tôi không biết. Tôi nằm trong một trong hai chiếc tàu được chiếc Sibonga vớt, đưa tới Hồng Kông, ở lại Hồng Kong khoảng một tháng làm thủ tục rồi cho bay qua bên Anh luôn. Sibonga cũng mới gọi cho tôi để hỏi xem mình có thể làm được cái gì; tôi đang tham khảo ý kiến với các anh em. Bây giờ có rất nhiều người ở đây rất quan tâm tới ơn của bà Thatcher đã cho cứu người tỵ nạn Việt Nam trên biển.”

    Đón nhận miễn cưỡng?

    Hiện có ý kiến cho rằng Thủ tướng Thatcher là người kỳ thị, đón nhận thuyền nhân Việt Nam một cách miễn cưỡng. Ông Jack Shieh, cựu Giám đốc Refugee Action vừa nói, lên tiếng:
    Mình là những người được vớt lên chiếc tàu đó thì luôn luôn phải nhớ ơn chính phủ đầu tiên của bà Thatcher đã vớt người tỵ nạn Việt Nam. 
    Ngô Hữu Thạc
    “Điều đó sự thật tôi cũng không rõ là bởi vì khi diễn ra hội nghị ở LHQ vào năm 1979, những gì xảy ra, chi tiết như thế nào, thì tôi nghĩ không có nhiều người biết rõ. Tôi không hiểu tin từ đâu mà họ nói như vậy. Nhưng vấn đề Thủ tướng Thatcher nhận 11.500 người Việt đến định cư tại Anh Quốc, thì đó là sự thật.”
    Cho dù những nhận xét về cố Thủ tướng Thatcher có như thế nào đi nữa, thực tế cho thấy chính phủ Anh, kể cả chính phủ dưới quyền lãnh đạo của bà, đã từng có những biện pháp thiết thực giúp ổn định cuộc sống của thuyền nhân Việt Nam, tạo điều kiện thuận lợi cho tương lai của họ cùng người thân, con cháu. Theo các cựu viên chức Refugee Action cùng nhiều người Viêt ở Anh, thì bây giờ cuộc sống người Việt tỵ nạn tại Anh tương đối ổn định. Số người thành công - đa số thuộc thế hệ trẻ - cũng khá nhiều. Họ được ca ngợi là học hành rất giỏi. Thế hệ thuyền nhân trước đây, đa số sống nhờ phúc lợi, hiện nhiều người quay sang kinh doanh, mở tiệm, biến Luân Đôn hiện thành nơi có rất nhiều cơ sở kinh doanh của người Việt. Tại những con đường như Hackney, Mare street, Kingsland…có thể coi như là các “khu phố Việt Nam”, chuyên về nhà hàng, tiệm nail, xưởng may.v.v… Nói chung cộng đồng Việt Nam tại Anh đang trên đà phát triển đáng kể về mặt doanh thương, đóng góp rất nhiều cho kinh tế Vương Quốc Anh.
    Nhưng, bên cạnh sự thành công đó của người Việt, thì báo chí Anh, nhất là những tờ báo không thích người di cư, cũng nêu lên mặt tiêu cực của người Việt tại Anh, đó là việc trồng thuốc phiện. Đây là vấn đề “nhức nhối” nhất là đối với số người Việt tỵ nạn vì lý do chính trị. Vấn đề này đang ảnh hưởng đến uy tín của cộng đồng người Việt tại Vương Quốc Anh.
    nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/thatcher-and-the-boat-people-tq-04092013165913.html
    ======================================================================
    Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
              Sẽ xóa những comment nói tục
              Thinhoi001

    Không có nhận xét nào:

    Đăng nhận xét

    Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
    Sẽ xóa những comment không phù hợp
    Thinhoi001