Thứ Năm, 11 tháng 4, 2013

Tháng Tư nhìn lại: Nội chiến hay không nội chiến? 

Kính Hòa, phóng viên RFA
2013-04-09
Chiều ngày 7 tháng 3 năm 2013, một phái đòan thuộc Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn do ông TLS Lê Thành Ân dẫn đầu đã đến thăm nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa
Chiều ngày 7 tháng 3 năm 2013, một phái đòan thuộc Tổng Lãnh Sự Hoa Kỳ tại Sài Gòn do ông TLS Lê Thành Ân dẫn đầu đã đến thăm nghĩa trang Quân Đội Biên Hòa
Courtesy blog hientinhvn
 Nghe bài này


 Tải xuống - download
Tháng tư lại đến, nó gợi lại một thời khắc lịch sử khi cuộc chiến Việt Nam kết thúc. Một cuộc chiến mà cách định danh nó không hề đơn giản. Chúng ta cùng lắng nghe những ý kiến từ nhiều góc cạnh khác nhau về cuộc chiến ấy.

Các nỗ lực hòa giải

Cách đây không lâu, ông thứ trưởng bộ ngọai giao Việt nam cùng ông tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại TP Hồ Chí Minh đã đến thăm và thắp hương tại nghĩa trang quân đội Việt nam Cộng Hòa hiện tọa lạc tại Bình Dương. Nghĩa trang này sau năm 1975 được giao cho Quân đội nhân dân Việt nam quản lý, thân nhân không đựơc vào thăm người đã khuất.
Nghĩa trang trở nên hoang tàn, vắng lặng. Ông Dan Southerland, một ký giả Mỹ thời chiến tranh Việt Nam viết về nghĩa trang này trong một bài hồi năm 2005 như sau:
“Qua bức tường thủng lổ chổ, chúng tôi thấy các nấm mồ mọc đầy cỏ dại. Trong một băng video được mang sang Mỹ thấy các bia mộ bị hư hỏng, và một phần của nghĩa trang bị xâm phạm”.
Câu chuyện về nghĩa trang này chính là biểu trưng của những khó khăn cho sự hòa giải sau chiến tranh, cuộc chiến dai dẵng nhất thế kỷ 20.
Qua bức tường thủng lổ chổ, chúng tôi thấy các nấm mồ mọc đầy cỏ dại. Trong một băng video được mang sang Mỹ thấy các bia mộ bị hư hỏng, và một phần của nghĩa trang bị xâm phạm.- Dan Southerland, ký giả Mỹ tại VN thời chiến tranh
Cộng đồng người Việt khắp năm châu vẫn chưa đồng ý nhau về cách gọi cuộc chiến ấy, người thì gọi là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, kẻ gọi cuộc phân tranh Quốc Cộng, người bùi ngùi kỷ niệm tháng tư đen, kẻ ăn mừng ngày giải phóng.
38 năm sau khi cuộc chiến kết thúc, việc tu bổ nghĩa trang nói chung được sự đồng thuận của nhiều phía,
Ông Dương Trung Quốc, nhà sử học, đại biểu quốc hội Việt Nam nói về việc này:
“Trong thời gian ông Nguyễn Cao Kỳ còn sống, ông cũng có trao đổi với tôi về chuyện này xem như đó là một bức xúc của cộng đồng người Việt ở hải ngọai. Cá nhân tôi coi việc này là việc nên làm để hàn gắn những đau thương mất mát trong chiến tranh, đòan tụ về mặt tinh thần với gia đình.”

dansouthland-250
Ông Dan Southerland, ký giả Mỹ tại Việt Nam thời chiến tranh, nay là Tổng biên tập Đài Á Châu Tự Do.
Giáo sư Tương Lai nguyên viện trưởng viện khoa học xã hội Việt Nam phát biểu:
“Đây là tín hiệu rất đáng mừng bởi vì trong việc biểu tỏ tinh thần hòa hợp dân tộc thì việc tu sửa nghĩa trang đó rồi quanh năm hương khói là một việc làm hết sức có ý nghĩa.”
Ông Nguyễn Gia Kiểng, một viên chức thời Việt Nam cộng hòa, nay định cư tại Pháp, người sáng lập Tập hợp dân chủ đa nguyên để đấu tranh cho nền dân chủ đa đảng tại Việt nam nói:
“Tôi cho đây là một bước tiến quan trọng  Bây giờ có một hành động theo chiều hướng hòa giải dân tộc thì chúng tôi nghĩ rằng sau 38 năm thì nó cũng muộn màng và đáng tiếc nhưng là một bước tiến theo chiều hướng chúng tôi mong đợi”.

Nội chiến hay chống ngoại xâm?

Nhưng việc định danh cuộc chiến lại không dễ dàng,
Giáo sư tương lai nói: “Cuộc chiến tranh nổ ra nếu đi ngược lại lịch sử diễn biến thì rõ ràng là cuộc chiến tranh thống nhất đất nước chống lại lực lượng ngọai bang.”
Ông Dương Trung Quốc thì có một cái nhìn ít khẳng định hơn, ông nói: “Quan điểm chính thống của nhà nước Việt nam thì vẫn coi đó là cuộc chiến chống ngọai xâm.  Cái yếu tố người Mỹ trong cuộc chiến vừa qua nó quá lớn nên khó lòng gọi đó là cuộc nội chiến”.
Còn quan điểm của của ông Nguyễn gia Kiểng thì như sau:
“Tôi có quan hệ với nhiều anh em trong nước kể cả các anh em từng giữ chức vụ cao cấp trong bộ máy đảng và chính quyền cộng sản thì tôi thấy suy nghĩ bây giờ rất đổi mới, nói chung anh em đều nhìn nhận đó là một cuộc nội chiến mà còn là một cuộc nội chiến đáng tiếc nữa.”
Đối với chính phủ Việt nam hiện nay, từ Nội Chiến nó nhạy cảm tới mức người ta ngại không dùng nó để chỉ những cuộc chiến xa xưa.
Tác giả Tạ chí Đại Trường, người có nhiều nghiên cứu lịch sử Việt Nam trước và sau 1975, có viết một quyển sách vào năm 1964 tên gọi là “Lịch sử Nội Chiến Việt Nam 1771 đến 1802”, cuốn sách này sau 1975  được in ở Việt Nam với tên gọi, “Nước Việt nam thời tây Sơn”.
Sự bất dung là một điều đáng buồn trong lịch sử Việt Nam.-  Ô. Nguyễn Gia Kiểng
Qua email trao đổi với chúng tôi, ông Tạ Chí Đại Trường cho biết về số phận cuốn sách này:
“Long đong sau 1975, đến 2007 mới được tái bản ở Việt Nam. Như vậy là “xưa” quá rồi. Tai nạn đến với quyển sách đó, một phần vì chữ “nội chiến” mang tính cấm kị sau 1975 vì người ta muốn né tránh cuộc chiến 1965-75 mà nhiều người trong Nam trước 1975 đã cho là “nội chiến” như trong bài hát của Trịnh Công Sơn “Hai mươi năm nội chiến từng ngày”. Tất nhiên với  nhà nước đương quyền thì điều này nay vẫn còn là điều cấm kỵ.”

Trang sử buồn của dân tộc

Trở lại câu chuyện Nghĩa trang quân đội Việt nam Cộng Hòa, ông Dan Southerland khi quan sát thấy nghĩa trang được đặt dưới sự canh gác cẩn mật vào năm 2005  đã đặt câu hỏi:


nghia-trang-bien-hoa-305.jpg
Thứ trưởng Nguyễn Thanh Sơn và ông Nguyễn Đạc Thành, người khởi xướng Sáng Hội Việt Mỹ VAF đã viếng thăm Nghĩa trang Quân đội Biên Hoà vào ngày 1 tháng 3 năm 2013.
“Phải chăng đây là nhà tù cho các hồn ma?”
Câu nói làm liên tưởng đến việc trả thù trong lịch sử Việt Nam như việc nhà Nguyễn của Vua Gia Long “cầm tù” xương cốt của các đối thủ cũ là anh em Tây Sơn trong ngục tối để trả thù. Thêm một hành động cho cái mà ông Nguyễn Gia Kiểng gọi là:
“Tôi nghĩ sự bất dung là một điều đáng buồn trong lịch sử Việt Nam”
Sự bất dung  ấy qua thời gian mấy mươi năm qua có được phai nhạt đi hay không?
Ông Dương Trung quốc phát biểu về việc định danh cuộc chiến như sau:
“Câu chuyện (Tu bổ nghĩa trang) này cũng có thể coi là sớm cũng có thể là muộn.  Thay đổi nhận thức của quá khứ là không đơn giản.
Cá nhân tôi cũng đã suy nghĩ là nên gọi cuộc chiến này như thế nào và tôi phải nói là chuyện đó không dễ. Mà đúng là nếu khác quan điểm như vậy thì cũng khó lòng . Nó cần có thời gian”.
Nhà sử học Tạ Chí Đại Trường đã đặt tựa cho hai chương về lịch sử  Việt Nam hiện đại của mình, viết trong thời gian gần đây như sau:
“Cuộc chiến giành độc lập: Cơn Mộng du ba mươi năm”.
Liệu 38 năm có đủ độ lùi thời gian chưa? Và cơn mộng du mà ông Tạ Chí Đại Trường gọi tên có còn không? Đó là một câu hỏi lớn mà dường như vẫn chưa có câu trả lời.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-civil-war-or-not-kh-04092013144931.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001