Thứ Ba, 9 tháng 4, 2013

Võ Hồng và những dòng chữ kỷ niệm Tuy Hòa 
Trung tâm Thành phố Tuy Hòa (Wikipedia)Trung tâm Thành phố Tuy Hòa (Wikipedia)

Trần Củng Sơn
Nhà văn Võ Hồng 1921-2013

Nhà văn Võ Hồng vừa từ trần tại tư gia ở TP Nha Trang, Khánh Hòa, vào lúc 14 giờ chiều 31/3/2013, nhằm ngày 20 tháng 2 năm Quý Tỵ, hưởng thọ 92 tuổi.

Từ nhỏ Võ Hồng đã mê đọc, nhờ thân phụ của ông tuy là một nông dân nhưng ưa đọc sách báo, nhất là báo Tiếng Dân của cụ Huỳnh Thúc Kháng.

Thời gian học tú tài ở Hà Nội, Võ Hồng làm quen với văn chương và được gặp những nhà văn thời danh bấy giờ như Khái Hưng, Nhất Linh, Hoàng Đạo... Tuy nhiên, phải tới 20 năm sau kể từ khi truyện ngắn đầu tiên Mùa gặt được đăng, Võ Hồng mới trình làng tập truyện đầu tay Hoài cố nhân vào năm 1959 do Nhà xuất bản Ban Mai ấn hành.

Từ năm 2006, do tuổi cao, ông đã có lần bệnh rất nặng, phải nhập viện cấp cứu và điều trị.

Sau 1975 trong một hoàn cảnh xã hội phân cực trầm trọng (trong và ngoài nước), muốn tiếp tục giữ vững ngòi bút độc lập của mình và tránh mọi thị phi hiểu lầm, Võ Hồng đã giới hạn sinh hoạt văn nghệ của mình nơi địa phương Nha Trang, Khánh Hòa, giới hạn ngòi bút của mình trong đề tài giáo dục và tuổi thơ, giữ cuộc sống trầm lặng ẩn dật. Cũng trong thời gian này ông đã phải ẩn mình dưới 2 bút hiệu khác là Võ An Thạch (2) và Võ Tri Thủy (3).

Cho đến nay Võ Hồng đã cho ra đời 8 tiểu thuyết và truyện dài, trên 70 truyện ngắn, và nhiều tập tùy bút, bút ký, các tập truyện viết cho thiếu nhi… Vän nghiệp của ông luôn gắn chặt với quê hương, với người dân quê mộc mạc Phú Yên của ông.

Gia đình cho biết ông ra đi đột ngột và nhẹ nhàng trong giấc ngủ trưa. Lễ khâm liệm diễn ra lúc 8 giờ ngày 1/4, di quan lúc 15 giờ chiều ngày 4/4, an táng tại nghĩa trang Suối Đá (xã Suối Cát, huyện Cam Lâm, Khánh Hòa).

Chú thích

(1) Đây là ngày ghi trong giấy khai sinh, Võ Hồng sinh vào ngày 5 tháng Chạp năm Nhâm tuất tức vào ngày Chủ nhật 21/01/1923.
(2) Sau 1975 trong những sinh hoạt với Hội Văn Nghệ địa phương Võ Hồng dùng bút hiệu này "để đề phòng ngòi bút biên tập thường tự ý sửa" - như lời giải thích của ông. Sau năm 1990 khi tờ Tuổi trẻ Chủ Nhật "bật mí" bút hiệu này ông đành lấy lại bút hiệu Võ Hồng.
(3) Vào những năm đầu sau 1975 việc ấn bản tác phẩm của một nhà văn Miền Nam là một việc không tưởng. Vì thế năm 1984. tác phẩm Ông Cháu của nhà văn Võ Hồng đã được in tại nước ngoài với bút hiệu Võ Tri Thủy, lấy tên người con gái út của ông. Mãi đến năm 1988 Thiên đường ở trên cao mới được phép xuất bản trong nước như tác phẩm đầu tiên của ông sau 1975. -Nguồn: Trang Võ Hồng
Đất Tuy Hòa Phú Yên vẫn được coi là cằn cỗi về văn học so với các tỉnh miền Trung lân cận. Đây là một nhận xét dựa vào mấy chục năm trước, còn tương lai sau này thì chưa thể kết luận được. Và trên mảnh đất cằn cỗi văn học đó đã nảy lên một đóa hoa đẹp mang tên Võ Hồng. Ông sinh năm 1921 - lứa tuổi ba má tôi - tại làng Ngân Sơn, quận Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách Tuy Hòa ba chục cây số về hướng bắc.

Trong giờ Việt Văn thời trung học, tôi được dạy về những bài mẫu trích từ tác phẩm của nhiều nhà văn miền Bắc, miền Trung và miền Nam, cũng may trong số đó có tên Võ Hồng, cho nên mình cũng có thể ngẩng mặt mà trao đổi chuyện văn nghệ với bạn bè các tỉnh khác.

Tôi vẫn nhớ những đoạn văn tả cảnh miền quê ở tỉnh Phú Yên, đặc biệt là nơi chôn nhau cắt rốn của nhà văn, thấy nó gần gũi và thơ mộng. Trời trưa hè Tuy Hòa dễ làm buồn ngủ; thời niên thiếu, trước khi ngủ trưa, tôi hay cầm cuốn truyện dài Hoa Bươm Bướm của Võ Hồng, đọc vài trang cho cảm giác nhẹ nhàng lây lan từ văn phong của ông và mơ màng. Đó là kỷ niệm đặc biệt mỗi khi nhắc tới ông.

Từ sau năm 1975, nhà văn Võ Hồng vẫn viết đều. Mặc dù sống trong hoàn cảnh chính trị tế nhị của đất nước thời chiến tranh cũng như hòa bình, ông vẫn đóng vai một nhà văn sống với chữ nghĩa văn chương.

Mười mấy năm trước có dịp về Tuy Hòa, tôi được một ông chú họ bảo nên ghé Nha Trang thăm nhà văn Võ Hồng, nhưng không hiểu sao tôi lại quên mang theo địa chỉ. Ở San Jose cũng có một cô bạn ái mộ ông, bảo là thỉnh thoảng nói chuyện qua điện thoại với ông. Và tới khi nghe tin ông mất vào tuần trước thì tôi đã không còn cơ hội để diện kiến một nhà văn gốc Phú Yên tài hoa.

Thời gian theo năm tháng đổi thay, dân số Việt Nam tăng lên gấp đôi gần trăm triệu người, các thị xã lớn lên thành thành phố, Tuy Hòa cũng có bộ mặt khác.

Xin trích một đoạn văn trong cuốn Trầm Mặc Cây Rừng - Chuyến Về Tuy Hòa của ông tả về phố cũ mấy chục năm trước để nhớ và tặng cho những đồng hương của miền đất Núi Nhạn Sông Đà Rằng:

“Chúng tôi cùng tới ‘Cafe Thảo’. Nghe nói khung cảnh nơi đây mộc mạc đơn sơ và những người trầm lặng suy tư hay tìm tới đây. Chúng tôi không hẳn là những người có đặc điểm quí báu đó, riêng tôi thì chỉ vì tò mò mà thôi. Đến thành phố nào, những người ít tiền cũng hay tìm một chỗ ngồi nơi một quán cafe. Ít tốn kém. Một lối trang sức tinh thần. Ở đây có cà phê Mây Hồng, cà phê Tùng, cà phê Hoài Bắc, cà phê ‘Chỗ chúng ta’. Một cô thâu ngân có khuôn mặt học trò hay có mái tóc Liêu trai thường thay thế cho hương vị của cà phê bởi rất nhiều khi người ta tới để ‘nhìn’ hơn là để ‘uống’. Đến một thành phố, người ta cũng hay tìm để bước vào những hiệu sách. Có cái gì thân mật nơi đó, người ta bắt gặp những khuôn mặt quen của tờ nhật báo quen đọc, những tập nguyệt san, tuần san quen được lật trên tay. Nhạn Đà, Vạn Kim, Đà Giang, Hùng Cường. Sinh hoạt tinh thần được chuyển về trọn vẹn từ thủ đô, được bày trên các ngăn tủ, được kẹp trên các sợi dây thép chăng ngang dọc.

“Mười giờ hơn khi chúng tôi về nhà. Lúc nãy đi ngang cô nhi viện Mằng Lăng tôi cảm thấy bùi ngùi. Mằng Lăng là một địa điểm của xã hội, nổi danh vì ngôi nhà lớn, họ đạo đông và giàu. Họ đạo di cư vào Tuy Hòa, nhà mồ côi di chuyển theo, được xây cất cao rộng kiên cố và mang tên cũ. Như là một hoài niệm không nguôi, như tấm lòng người Do Thái lang thang lúc nào cũng nghĩ về Đất Thánh của mình. Ngót một nửa số ruộng phì nhiêu của cánh đồng quận Tuy An thuộc quyền sở hữu của nhà thờ Mằng Lăng. Ngày Chúa nhật các họ đạo ở Gò Chung, ở Đồng Đất, ở Lò Giấy, ở Long Hòa, ở Diêm Điền… đều tụ hội về nhà thờ lớn Mằng Lăng xem lễ. Người ta đi thành từng đoàn dài trên những con đường nhỏ quanh co. Những đoàn người mặc áo dài đen nghiêm chỉnh đi thành hàng một hướng về ngôi nhà thờ lớn như những chân dài ngoẵng của một loài nhện khổng lồ.

“Khi nghe tôi về Tuy Hòa, một người bạn dặn: - Đi Tuy Hòa thì đừng quên con đường xuống Tòa Hành chánh, một con đường đẹp lý tưởng. Đường rộng trồng toàn cây dương mát. Hai bên đường có một đoạn có ruộng lúa. Lâu ngày sống xa ruộng lúa nay được ngửi mùi bùn, mùi nước, mùi lá lúa thật không gì êm mát bằng.

“Khi tôi chợt nhớ đến lời người bạn thì đã trễ. Buổi tối đoạn đường đó cấm đi lại.

“Ngày mai tôi sẽ trở lại Nha Trang bằng chuyến xe sớm. Cầu mong cho đêm nay yên tĩnh đừng có những cuộc pháo kích, những trận tấn công. Tôi muốn ở lại dài ngày giờ hơn để đi thăm những bạn quen, những người mà tôi xa cách đã mười lăm năm nay. Mười lăm năm, đó không phải là một thời gian ngắn. Cứ chồng nó lên ba lần là đủ để thành một đời người. Tôi cũng muốn đi thăm lại những cơ sở quen thuộc: trường Trung học Nguyễn Huệ, chùa Bảo Tịnh, nhà thờ Thiên Chúa giáo, trường Nữ Tiểu học, nhà thờ Tin Lành, cô nhi viện Phật giáo…”

Xin phép nhà văn Võ Hồng cho tôi nhắc tên quán cà phê Nhớ gần trường Đặng Đức Tuấn và nhà ga Tuy Hòa, có cô chủ quán mái tóc dài giống Juliette trong phim Romeo & Juliette thập niên 70.

Trần Củng Sơn
California, ba tháng tư năm hai ngàn mười ba
nguồn:http://www.voatiengviet.com/content/vo-hong-va-nhung-dong-chu-ky-niem-tuy-hoa/1638120.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001