Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Chết dưới tay Trung Quốc (Kỳ 9)

Chết dưới tay Trung Quốc (Kỳ 9) 


ĐỐI ĐẦU VỚI CON RỒNG TRUNG QUỐC – LỜI KÊU GỌI HÀNH ĐỘNG TOÀN CẦU

Peter Navarro & Greg Autry
Dịch giả: Nhóm dịch thuật cựu học sinh AIT 
PHẦN II. NHỮNG VŨ KHÍ HỦY DIỆT VIỆC LÀM
Chương 7- Chết dưới tay con Rồng thực dân: Thâu tóm nguồn tài nguyên – Thao túng thị trường thế giới
Muốn đánh bại kẻ thù, trước tiên hãy chìa tay giúp đỡ để hắn mất cảnh giác; muốn nhận,trước hết phải cho.
- Tôn Tử
Trong một chuyển động vĩ đại nhất của con người mà thế giới từng chứng kiến, Trung Quốc đang bí mật tích cực chuyển đổi toàn bộ lục địa đen thành thuộc địa mới của họ. Đây là sự lặp lại các chiến tích thuộc địa hóa của các đế chế phương Tây trong thế kỷ 18 và 19 nhưng với một qui mô to lớn và quyết liệt hơn rất nhiều. Các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc tin rằng châu Phi có thể trở thành một nước chư hầu của mình và giúp giải quyết luôn một lúc cả hai vấn đề nội tại của Trung Quốc như nạn “nhân mãn” và thiếu hụt tài nguyên thiên nhiên.
– Daily Mail Online

Trong khi bụi ngày càng phủ dày lên các nhà máy tại Hoa Kỳ, các nhà ngoại giao và các lãnh đạo quân đội Hoa Kỳ tiếp tục tập trung một cách thiển cận vào Trung Đông, còn các chính trị gia tại thủ đô Washington đang ngon giấc, thì Trung Quốc đang hành quân. Một đội quân hàng triệu người đang di chuyển không mệt mỏi xuyên qua châu Phi và Mỹ Latin nhằm thâu tóm các nguồn tài nguyên thiên nhiên chiến lược của các quốc gia, thao túng toàn bộ các thị trường mới nổi, và ngăn chặn các quốc gia như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, và các nền kinh tế khác của thế giới bên ngoài tiếp cận các nguồn lực cho sự thịnh vượng tương lai. Tất cả điều đó đóng thêm đinh vào cỗ quan tài chứa nền tảng sản xuất của Mỹ và thế giới; và đã đến lúc thế giới bắt đầu chú ý đến sự xuất hiện ngày càng gia tăng của một đế chế thực dân đang ở giữa chúng ta.
Con Rồng thực dân Trung Quốc chính là đứa con hoang của con Rồng sản xuất chế tạo đói khát nguyên liệu – riêng các nhà xưởng ở Trung Quốc đã tiêu thụ một nửa lượng xi măng của thế giới, gần một nửa lượng thép của thế giới, một phần ba lượng đồng, một phần tư lượng nhôm, và một lượng rất lớn của mọi thứ nguyên liệu từ antimoan, crom, coban tới liti, gỗ và kẽm. Đó là tất cả nguồn lực và còn hơn thế nữa đến từ khắp thế giới nhằm góp phần xây dựng nền kinh tế của mỗi quốc gia và chất lượng cuộc sống – và đó cũng là nguồn nguyên liệu thô để tạo ra tất cả công việc sản xuất và duy trì cộng đồng các công nhân dịch vụ.
Đó là bauxite và quặng sắt đến từ các nước như Guinea và Tanzania để chuyển hóa thành nhôm và thép mà chúng ta cần để sản xuất máy bay ở Seattle, Washington và đóng tàu ở Bath, Maine. Đồng đến từ Chile làm thành dây điện sử dụng trong nhà, coban từ Congo giúp vận hành các xưởng cơ khí ở Michigan, và chất niobi từ Brazil được sử dụng rộng rãi trong các động cơ đẩy tên lửa quốc phòng cho đến cả với các lò phản ứng hạt nhân tạo ra điện năng thắp sáng cho ngôi nhà của chúng ta.
Chất liti từ Bolivia và Namibia sẽ là nguyên liệu cho các bình ắc quy sử dụng cho các loại xe ô tô hybrid (động cơ vừa dùng nhiên liệu, vừa dùng điện), mangan từ Gabon giúp dập ra hàng tỷ lon có thể tái sử dụng mà chúng ta sử dụng để uống nước giải khát, và chất titan từ những nơi như Mozambique và Madagascar hay Paraguay thì giúp sản xuất bất cứ thứ gì mà yêu cầu sự chắc chắn cao nhưng  tỷ trọng nhẹ – từ những  kỳ quan thế kỷ 21 như máy bay Boeing  787 Dreamliner cực kỳ tiết kiệm nhiên liệu cho tới các khớp hông, khớp gối nhân tạo của công ty Johnson & Johnson.
Đó là các nguồn tài nguyên thiên nhiên từ các quốc gia khác nhau trên thế giới mà Trung Quốc hiện nay muốn có tất cả cho các nhà máy sản xuất cũng như tạo thêm công ăn việc làm cho riêng mình. Và nếu chúng ta lười biếng đứng yên nhìn, bàng quan với các sự việc xảy ra trên thế giới và cho phép điều đó diễn ra, chúng ta sẽ phải sử dụng cái xẻng nạm vàng sản xuất tại Thượng Hải để tự đào nấm mồ chôn chính nền kinh tế của mình. Nhưng dù điều gì xảy ra, tất cả chúng ta cần hiểu rõ chính sách “nhử mồi và sập bẫy” – của Bắc Kinh trong trò chơi thực dân kiểu Trung Quốc để chúng ta có thể đối đầu với đế chế đang trỗi dậy trên các vấn đề sống còn của kinh tế và quốc phòng.
Kế “nhử mồi và sập bẫy” của con Rồng thực dân
Nhng con người của lục địa đen huyền bí và xinh đẹp, nơi cái nôi của nhân loại được sản sinh ra từ thung lũng Great Rift, đang tuyệt vọng trông chờ sự tiến bộ. Người Trung Quốc đến đó không phải để giúp. Họ đến để cướp bóc và vơ vét.
– Daily Mail Online
Chiến lược “nhử mồi và sập bẫy” của Trung Quốc luôn bắt đầu với cùng kịch bản: Chủ tịch, Thủ tướng hay Ngoại trưởng Trung Quốc viếng thăm các quốc gia xa xôi của châu Phi như Djibouti, Niger, hay Somalia, v.v. Những nơi mà đa số người Mỹ không biết cách chỉ ra trên bản đồ. Họ đến và trên tay vẫy những cuốn séc dày cộm, với những hứa hẹn và những khoản vay lãi suất ưu đãi hấp dẫn cho các dự án hạ tầng cả dân sự lẫn quân sự, từ những thứ có ích như cầu cống, đường cao tốc, bến cảng đến những thứ vô ích như cung điện nguy nga cho các nhà cầm quyền quân phiệt; hoặc những khẩu súng AK47 dùng để bắt người dân phải chịu khuất phục dưới gót giày tàn bạo.
Nhằm đổi lại sự hào phóng của Trung Quốc, các thuộc địa thân hữu của Trung Quốc chỉ cần làm hai thứ. Đầu tiên phải chấp thuận từ bỏ quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên của quốc gia để đổi lấy các khoản vay nợ Trung Quốc, vì vậy, điều này giúp Trung Quốc thâu tóm nguồn tài nguyên của quốc gia thuộc địa cho mục tiêu sử dụng của riêng mình. Thứ hai, kế đến họ sẽ gây áp lực phải mở cửa thị trường của các quốc gia thuộc địa mới này cho các sản phẩm Trung Quốc làm từ nguồn tài nguyên cưỡng đoạn của chính các thuộc địa được tự do tung hoành, và như vậy Trung Quốc đã nắm được và thao túng các thị trường mới nổi.
Thực tế, việc thâu tóm tài nguyên bằng vũ lực của Trung Quốc hoàn toàn khác với phần còn lại của thế giới nơi người ta chủ yếu dựa vào các thị trường toàn cầu để phân phối năng lượng và nguyên liệu thô thông qua hệ thống giá. Như vậy, phương pháp dựa vào thị trường cung-cầu để phân bổ tài nguyên thiên nhiên là cần thiết đối với nền kinh tế toàn cầu vì dựa trên lợi ích của toàn thể cộng đồng. Tuy nhiên, thay cho dựa vào chủ nghĩa tư bản có tính hợp tác, các nhà tư bản thực dân ở Bắc Kinh đặt một dấu chấm than mỉa mai sau chữ “thuộc địa” trên bàn cân lợi ích.
Các cuộc thương lượng của con Rồng thực dân khắp nơi từ châu Phi tới châu Mỹ Latin và hầu hết vùng Trung Á, chính là định nghĩa của chủ nghĩa thực dân:  giành lấy quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên thiên nhiên vốn là sự giàu có thực sự của nước sở tại, xuất khẩu các tài nguyên này về Trung Quốc mà không cho các thuộc địa được sử dụng tài nguyên của chính mình cho việc phát triển kinh tế bản địa. Kế đến Trung Quốc sẽ bán các nguyên liệu chế biến dưới dạng các sản phẩm hàng hóa hoàn chỉnh và được sản xuất ở Trung Quốc ngược lại cho các thuộc địa. Điều này dễ dàng tạo ra thêm công ăn việc làm và lợi nhuận lớn cho các xí nghiệp, công ty bên trong Trung Quốc, và dĩ nhiên sẽ làm kéo dài thêm chuỗi người thất nghiệp tại các thuộc địa. Cái còn lại ở thuộc địa là các công việc nguy hiểm, lương thấp trong ngành công nghiệp khai thác, trong khi các công việc sản xuất có hàm lượng giá trị cao được chuyển đến các nhà máy ở Quảng Châu, Thành Đô hay Thượng Hải. Mọi  thứ tốt sẽ được dành cho Trung Quốc, tất cả các thứ tệ hại được giành cho các thuộc địa.

Nền ngoại giao “vung tiền mua chuộc” của Trung Quốc
Khi chúng ta trở về với thực tại, chúng ta thấy cái gì đó giống như Trung Quốc đang xâm lược lục địa châu Phi. -  Ngoại trưởng Libya – Musa Kusa
Hiện tại, chính sách thuộc địa hóa nhử mồi và sập bẫy của Trung Quốc đang áp dụng đối với mọi nơi trên toàn cầu. Thế chấp của Trung Quốc cho dầu mỏ của Angola đã hơn 10 tỷ đô la và vẫn đang tăng lên. Cộng hòa dân chủ Congo vướng vào một trao đổi hạ tầng với Trung Quốc lấy mỏ đồng trị giá hàng tỷ đô la. Ghana thì trao đổi hạt ca cao trong khi Nigeria thì bán khí đốt tự nhiên cho Trung Quốc và Sudan gia tăng trang bị quân sự qua việc gán nợ bằng dầu mỏ cho Trung Quốc. Không quốc gia nào trong số các quốc gia kể trên nhận được phần hơn trong bất cứ thương vụ nào.
Trong khi đó, tại Peru, Trung Quốc hiện đang sở hữu toàn bộ một quả núi có chứa quặng đồng; và trong thương vụ mua núi Toromacho của Peru, các tên thực dân Bắc Kinh đã sử dụng một triết lý phổ biến của nhà văn, nghệ sĩ hài W.C. Fields “Đừng bao giờ cho kẻ khờ một phút lơi lỏng”. Thực tế cho thấy, bàn tay rắn của Trung Quốc đã chiếm mỏ đồng quý giá này chỉ với giá 3 tỷ USD cho các khoản chi phí để có lãi hơn 2000% (20 lần) riêng cho việc đầu tư này. Trong khi đó nạn nghèo đói, thất học cộng với các tai nạn hầm mỏ khủng khiếp và tàn phá môi trường là thực tế hàng ngày của người dân trong vùng núi Peru này.
Tệ hại cũng không kém vụ mua bán ở Peru là việc Bắc Kinh dễ dàng lừa đảo tên độc tài sát nhân Robert Mugabe của Zimbabwe. Tên bạo chúa già nua và run rẩy này, người đang vận hành đất nước giàu tài nguyên và thiếu trầm trọng việc làm, đã gán hơn 40 tỷ đô la trữ lượng kim loại quý platin của Zimbabwe chỉ để nhận 5 tỷ USD. Sau đó, ông ta dùng tiền này xây các cung điện mới, mua trực thăng chiến đấu, các chiến đấu cơ, súng tiểu liên để duy trì ách thống trị của Trung Quốc trên cổ người dân Zimbabwe. Chỉ duy nhất có Trung Quốc mới có thể làm cho chủ nghĩa phân biệt chủng tộc Apartheid trị vì Zimbabwe thời xưa trở nên dễ chịu hơn khi so với thời nay!
“Thế thì sao?”, bạn sẽ hỏi. Trung Quốc cũng có quyền nhắm vào các nguồn tài nguyên này như Mỹ, châu Âu và Nhật Bản chứ? Và tại sao công dân Mỹ phải quan tâm nếu Trung Quốc chỉ bóc lột vài quốc gia với các nhà độc tài tham nhũng ở châu Phi hoặc vài nước đói nghèo bế tắc ở Nam Mỹ? Nếu như lãnh đạo ở các địa ngục trần gian trong thế giới thứ ba quá tham lam hoặc ngu dốt để cưỡng lại sự cám dỗ của Trung Quốc thì cứ việc để họ phải chịu như vậy. Điều gì khả dĩ có thể ảnh hưởng đến đời sống của nhân viên tại các công ty và nhà máy sản xuất các chi tiết máy bằng graphit tại Bensenville, Illinois, hay thủy tinh nhuộm màu cho nhà thờ tại Kokomo, Indiana, hoặc đồ nội thất gỗ tại Asheboro, North Carolina? Và làm thế nào vài chính sách thực dân kiểu Trung Quốc lại có thể ảnh hưởng đến triển vọng công ăn việc làm của một chàng trai trẻ vừa tốt nghiệp đại học ngành hóa trường Cal-Berkeley hay một phụ nữ trẻ có bằng kỹ sư vừa rời trường George Tech? Vậy đây ít ra có một câu trả lời.
Bằng cách thiết lập mối quan hệ thực dân khắp châu Phi, châu Á, và cả sân sau của nước Mỹ là châu Mỹ Latin, Trung Quốc đang ngày càng lấy nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên của thế giới ra khỏi thị trường toàn cầu và giữ làm của riêng. Chiến lược thực dân chiếm hữu và khóa chặt khiến cho các nhà sản xuất Trung Quốc có thể sử dụng các tài nguyên này khi cần với chi phí rẻ nhất và do vậy họ dễ dàng có lợi thế cạnh tranh với Hoa Kỳ và phần còn lại của thế giới.
Trong thực tế, để thấy rõ điều Trung Quốc đang làm thì cần hiểu là chính sách thâu tóm và thôn tính nguồn tài nguyên không có gì khác hơn là sự ngụy trang cẩu thả cho hành động cấm vận tài nguyên thiên nhiên đối với phần còn lại của thế giới. Nếu các nhà sản xuất Trung Quốc có thể khóa chặt việc sử dụng bauxite từ Brazil, Guinea Xích đạo, và Malawi; đồng từ Congo, Kazakhstan, và Namibia; quặng sắt từ Liberia và Somalia; mangan từ Burkina Faso, Campuchia, và Gabon; nickel từ Cuba và Tanzania; và kẽm từ Algeria, Kenya, Nigeria, và  Zambia, sẽ chẳng còn nhiều nguyên liệu cho hoạt động của các nhà máy tại Cincinnati,  Memphis,  Pittsburgh, Munich, Yokohama và Seoul.
Chính sách cấm vận thuộc địa trên thực tế của Trung Quốc đã tạo điều kiện thuận lợi cho họ có hàng tỷ tấn tài nguyên thiên nhiên và là lý do giải thích tại sao các nhà máy sản xuất xe ô tô trong tương lai sẽ tập trung ở Lan Châu, Vũ Hán thay thế cho Detroit và Huntsville; đó là lý do tại sao các loại máy bay của tương lai sẽ được chế tạo tại Binzhou và Shenyang chứ không phải ở Seattle và Wichita; các thế hệ vi mạch máy tính, vi xử lý mới sẽ được chế tạo tại Đại Liên và Thiên Tân thay thế cho Silicon Valley; phần lớn thép của thế kỷ 21 sẽ ra lò tại Tangshan và Vũ Hán thay cho Birmingham, Alabama và Granite City, Illinois.
Đây không phải là cách thức thị trường tự do vận hành, cũng không phải cách các quan hệ hợp tác quốc tế thường có. Hoàn toàn không chính đáng. Tất cả chúng ta nên cảm thấy bị xúc phạm  trước  viễn  cảnh  này.  Tuy  nhiên,  trong  các  xa  lông  chính  trị  ở  Berlin,  Tokyo,  và Washington, một thái độ dường như không hơn nhân vật Rhett Butler trong tác phẩm Cuốn theo chiều gió: “Ồ bạn thân mến, tôi thực sự không quan tâm chút nào”.
Con Rồng “quá tải dân số” tràn ngập Lục địa Đen
Dù họ nói gì đi nữa, có một sự thật là người Trung Quốc đến châu Phi không chỉ với các kỹ sư và nhà khoa học. Họ đang đến với cả các nông dân. Đó là chủ nghĩa thực dân mới. Không đạo đức, không giá trị.
- Nghị sĩ Ai Cập – Mustafa al-Gindi
Thậm chí là khi Trung Quốc phát triển một cách bùng nổ còn các quốc gia sản xuất khác sẽ phá sản, thì các thuộc địa mới mọc lên của Trung Quốc, từ Angola tới Zimbabwe vẫn đắm chìm trong đói nghèo và các cuộc nội chiến đẫm máu triền miên. Dù rằng có một thực tế là các quốc gia này đang ngồi trên đống tài nguyên thiên nhiên đáng giá nhất của Trái Đất.
Đói nghèo đang diễn ra và các cuộc nội chiến là một hệ quả trực tiếp nhất của phần “sập bẫy” trong chính sách ngoại giao “dùng tiền mua chuộc” với “nhử mồi và sập bẫy”. Chính sách “sập bẫy” diễn ra như thế nào: Vào giai đoạn đầu của chính sách quan hệ thuộc địa mới, “mồi” của Trung Quốc được đưa ra với nhiều hứa hẹn rằng nguồn tiền vay của Trung Quốc sẽ giúp xây dựng hạ tầng cơ sở cho quốc gia bản địa và sẽ có lợi cho số đông dân chúng địa phương bằng cách tạo ra hàng ngàn việc làm mới và tăng thu nhập cho người dân. Tuy nhiên, “bẫy” được sập xuống khi Trung Quốc xuất khẩu theo nghĩa đen một đội quân triệu người để giành lấy việc xây dựng hạ tầng này.
Thay cho việc thuê các kiến trúc sư, kỹ sư, công nhân xây dựng, và các công ty vận tải bản địa, khi “sập bẫy” Trung Quốc sử dụng tối đa các lao động Trung Quốc bằng cách lạm dụng các điều khoản đã ký trong các hợp đồng. Đây là tình huống bị thuộc địa hóa đáng buồn và đáng tiếc nhất của mảnh đất Sudan mà các tác giả cuốn sách “China Safari” viết:
Nơi đây người Trung Quốc khoan dầu và bơm nó vào các đường ống của Trung Quốc, được bảo vệ bởi vệ sĩ Trung Quốc, đưa tới một bến cảng cũng được xây dựng bởi người Trung Quốc, nơi mà dầu sẽ được bơm lên những tàu chở dầu Trung Quốc để chở về Trung Quốc. Những người lao động Trung Quốc xây dựng đường xá, cầu cống và một đập nước khổng lồ, giải tỏa các mảnh đất nhỏ của hàng chục ngàn tiểu nông địa phương; người Trung Quốc trồng trọt lương thực Trung Quốc để cho người Trung Quốc, chỉ ăn rau cũng của Trung Quốc với ngũ cốc nhập khẩu cũng từ Trung Quốc; người Trung Quốc vũ trang cho một chính phủ phạm tội ác chống lại loài người; và người Trung Quốc bảo vệ chính phủ đó và bênh vực nó trong Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.
Và đây là bí mật nhỏ với một vết nhơ lớn nhất về tham vọng thực dân mới của Trung Quốc. Trong khi đang thâu tóm các nguồn tài nguyên thiên nhiên và thao túng các thị trường mới là các mục tiêu chiến lược chủ yếu, các nhà hoạch định trung ương Bắc Kinh cũng muốn xuất khẩu có hệ thống hàng triệu công dân Trung Quốc sang các “nước chư hầu” tại châu Phi và Mỹ Latin để giảm áp lực tăng dân số quá mức ở đại lục. Trong cuốn “China Safari”, một nhà khoa học Trung Quốc mô tả chiến lược đổ bộ dân số này như sau:
Chúng ta có 600 con sông ở Trung Quốc, 400 trong số này đã bị chết bởi ô nhiễm… chúng ta sẽ phải gửi ít nhất 300 triệu người tới châu Phi trước khi chúng ta bắt đầu chứng kiến kết cục các vấn đề nghiêm trọng của chúng ta.
Và đây chỉ là một trường hợp nhỏ có thể giải thích đúng hiện tượng nhập cư mà Trung Quốc đang áp đặt lên lục địa Đen:  khi Namibia bị phá sản với hàng tỷ USD nợ vay của Trung Quốc, các con cá mập chủ nợ ở Bắc Kinh đã đòi nợ bằng cách thương lượng một sự chấp thuận cho hàng ngàn gia đình Trung Quốc tới Namibia. Thực tế, thương vụ bí mật này chỉ được phơi bày qua Wikileaks; và có lẽ không cần nói gì thêm, khi các tin tức được tiết lộ, nó đã gây phẫn nộ dữ dội của người dân nước này.
Bạn có thể cũng đã rất phẫn uất rồi, nếu các đôi giày nhập cư đang bước trên đất Mỹ. Hãy thử nghĩ xem: nếu vài tỷ đô la tiền nợ của Trung Quốc cho phép họ được định cư hàng ngàn người tới Namibia, bao nhiêu trăm ngàn người nhập cư bạn có thể hình dung Bắc Kinh muốn chính phủ Hoa Kỳ phải chấp nhận để đổi lấy một khoản nợ hai ngàn tỷ đô la Mỹ nợ Trung Quốc? Nhưng mà nè, cũng vẫn còn có rất nhiều đất trống ở Montana và Wyoming đó!
Đối với quy mô đáng giật mình của chiến lược đồng hóa chủng tộc hay Trung Quốc hóa châu Phi Đen, nhà báo nổi tiếng với nhiều giải thưởng Andrew Malone mô tả sự phát triển nham hiểm này:
Không phô trương, con số gây ngạc nhiên là 750 ngàn người Trung Quốc đã định cư tại châu Phi trong một thập kỷ qua. Những người khác đang trên đường tới. Chiến lược thôn tính này đã được hoạch định cẩn thận bởi các quan chức tại Bắc Kinh, nơi một chuyên gia đã ước lượng rằng Trung quốc sẽ cần gửi 300 triệu người tới châu Phi để giải quyết các vấn đề quá tải dân số và ô nhiễm môi trường.
Các kế hoạch đang vào guồng. Khắp nơi trên châu Phi, cờ đỏ Trung Quốc đang tung bay phấp phới. Các thương vụ sinh lời hấp dẫn đang được ký kết để mua hàng hóa châu Phi  – dầu mỏ, bạch kim, vàng, và khoáng sản. Các đại sứ quán và các đường bay mới đang khai trương. Các tầng lớp ưu tú mới người Trung Quốc có thể được nhìn thấy khắp mọi nơi trên lục địa, đang  mua sắm tại các cửa hàng sang trọng đắt tiền của chính họ, lái những chiếc xe sang trọng Mercedes và BMW, gửi những đứa trẻ con họ tới các trường tư dành riêng cho người Hoa…
Trên toàn bộ lục địa vĩ đại này, sự hiện diện của người Trung Quốc đang phình to như một cơn lũ … các khu phức hợp dành riêng kín cổng cao tường, chỉ phục vụ riêng thức ăn Tàu, và là nơi người da đen không được phép đến, đang được xây dựng trên khắp châu lục. “Quần áo kiểu châu Phi” được bán tại các chợ khắp châu lục hiện nay chủ yếu được nhập khẩu với hàng chữ “Made in China”.
Từ câu chuyện đau thương của Malone, bạn có thể tự suy xét và hiểu thêm rằng, đó không chỉ là các nhóm công nhân xây dựng được Trung Quốc xuất khẩu sang châu Phi, châu Á, Mỹ Latin. Trung Quốc còn mang sang cả nông dân, thương gia, và thậm chí cả gái điếm của họ!
Để hình dung sự phát triển của chính sách chiếm đoạt đất kiểu Trung Quốc, hãy giả sử chính quyền Mỹ đến hai bang Iowa và Nebraska tịch thu hàng triệu hécta đất trồng trọt màu mỡ nhất, dâng nó cho Trung Quốc, và bảo với người nông dân địa phương đi chỗ khác chơi, và chia tách những khu dân cư và các nhà hàng theo chủng tộc. Hãy thử hình dung mức độ giận dữ của người Mỹ xem?
Vâng, đó chính là điều thực sự đang diễn ra tại châu Phi, nơi mà hàng triệu người nông dân Trung Quốc đã có mặt. Những người nhập cư Trung Quốc này đang canh tác đất của người châu Phi để sản xuất thực phẩm và xuất khẩu ngược về Trung Quốc đại lục dành riêng cho các nhà hàng của người Trung Quốc – thậm chí cả khi nạn đói nghèo của người dân châu Phi đang tồn tại xung quanh họ.
Đây chỉ là một vị đắng nhỏ trong thương vụ thôn tính đất đai Hoa – Phi: theo tờ báo The Economist, Trung Quốc đã thâu tóm hơn 2,8 triệu hécta các cánh đồng dầu cọ tốt nhất của Congo để trồng nhiên liệu sinh học. Tại Zambia, các trang trại của Trung Quốc đã cung ứng một phần tư số trứng được bán tại thủ đô Lusaka. Còn tại Zimabwe, theo tờ Weekly Standard, chế độ Mugabe đã đi xa hơn khi cho phép các công ty nhà nước Trung Quốc được sở hữu miễn phí các trang trại của người da trắng trước đây. Trớ trêu thay, con ngựa thành Troy mang tên “Những nông trại hữu nghị” đang được sử dụng tại các quốc gia từ Gabon, Ghana, và Guinea tới Mali, Mauritania,và Tanzania để khóa chặt các vùng đất nhỏ hơn và do đó nằm ngoài tầm quét của ra đa chính trị.
Lái buôn chiếm lĩnh châu Phi và Mỹ Latin
Bên cạnh cơn lũ nông dân Trung Quốc là lớp lớp các làn sóng thương nhân Trung Quốc tràn qua khắp châu Phi và Mỹ Latin. Một số người đến cùng với cơn lũ hàng hóa Trung Quốc tràn ngập các thành phố lớn như Kinshasha,  Kampala, Lagos, Lima, và Santiago. Số khác là các thương nhân thuộc loại mạo hiểm hơn, họ đổ bộ từ những chuyến tàu và máy bay và phục vụ cho các thành phố mới phát triển bùng nổ xa xôi hơn quanh các dự án xây dựng của Trung Quốc đang mọc tán loạn ở châu Phi và Nam Mỹ.
Chúng tôi không nói đùa về gái mại dâm nhập cư Trung Quốc. Và cũng giống như các đồng bào của họ đang sản xuất những sản phẩm hàng hóa có giá cả thấp nhằm thôn tính khu vực này, các quý cô Trung Quốc của màn đêm, vào làm cho các quán bar và nhà thổ mọc lên đầy xung quanh các khu thương mại thuộc địa và họ cũng áp dụng chiêu ma mãnh là phá giá để loại các đối thủ địa phương ra. Các tác giả cuốn China Safari mô tả nền kinh tế mại dâm ở quốc gia giàu tài nguyên gỗ rừng Cameroon: “Gái mại dâm Trung Quốc dùng chiêu giảm giá chỉ còn 2000 CFA (khoảng 4,25 USD) tại những nơi mà gái mại dâm người địa phương có giá không thấp hơn 5000 CFA”.
Và đây là một câu chuyện cười ra nước mắt mà chúng tôi có được để hiểu vì sao nền kinh tế chịu nhiều áp lực đã dẫn đến vấn đề nhập cư của Trung Quốc: khi cảnh sát nỗ lực giải cứu một nhóm phụ nữ Trung Quốc được mang đến bởi bọn buôn người để làm mại dâm tại Congo- Brazzaville, những phụ nữ cương quyết đòi được ở lại nước này. Đó là vì tiền và cách xử lý họ có được ở đây hơn hẳn bất cứ điều gì họ nhận được từ quê nhà vùng Tứ Xuyên. Hiển nhiên, họ chấp nhận thân phận mại dâm tại các nhà thổ Congo hơn là quay về quê nhà với nông trại gần gũi thiên nhiên trên vùng đất Trung Quốc. 
Trung Quốc xuất khẩu các xưởng máy nguy hiểm chết người và các chất thải độc hạ
Các công ty Trung Quốc đang trả lương cho người lao động Trung Quốc rẻ mạt và bắt họ làm việc nhiều giờ hơn; làm sao có thể kỳ vọng họ làm khác hơn khi ở nước ngoài?  Với hơn 6.700 thợ mỏ Trung Quốc chết vì tai nạn mỗi năm (khoảng 17 người/ngày)… làm thế nào có thể kỳ vọng các công ty Trung Quốc làm tốt hơn ở phần còn lại của thế giới? … Trung Quốc đã phá hỏng hệ sinh thái và môi trường sống của chính họ trong quá trình hiện đại hóa nhanh chóng; làm sao có thể kỳ vọng họ có đủ lương tri để thực hiện các biện pháp thân thiện với môi trường kiểu phương Tây tại những nơi khác?
-  Wenran Jiang, University of Alberta

Dù là dưới dạng các công nhân xây dựng, thương nhân, gái mại dâm, nông dân hoặc qua làn sóng hàng hóa giá rẻ của Trung Quốc làm đóng cửa các doanh nghiệp địa phương, Trung quốc đang xuất khẩu một cách có hiệu quả các vấn nạn kinh tế và thất nghiệp của chính họ sang các thuộc địa, trong khi đẩy dân bản địa phải nhận trợ cấp an sinh xã hội hoặc phải ăn xin trên đường phố. Nhưng đây không phải là các món hàng xuất khẩu độc hại duy nhất.
Trung Quốc còn xuất khẩu cả sự bất cẩn đầy tai tiếng về an toàn lao động cho công nhân và bảo vệ môi trường mà họ thể hiện ngay tại đất mẹ. Như giáo sư Wenran Jiang đã nhấn mạnh, không có gì đáng ngạc nhiên về điều này. Vì nếu các nhà hoạch định chính sách trung ương ở Bắc Kinh thậm chí không bảo vệ các công nhân cùng máu mủ ruột thịt với họ hay kho báu môi trường của họ, tại sao ai đó lại kỳ vọng Trung Quốc sẽ làm điều đó tốt hơn hay khác biệt hơn tại mỏ than ở Congo, hay các khu rừng ở Gabon, mỏ bạc ở Peru, hoặc mỏ đồng ở Zambia?
Thực tế, sự vô liêm sỉ của Trung Quốc khi tàn phá đất đai của các thuộc địa dường như không có giới hạn, không có biên giới. Chỉ cần xem qua điều đã xảy ra khi tập đoàn nhà nước lớn nhất Trung quốc là Sinopec vào Gabon thăm dò dầu mỏ. Câu chuyện xảy ra vào năm 2002, chính phủ Gabon khi đó với tầm nhìn xa đã qui hoạch hơn một phần tư diện tích quốc gia – hầu hết là rừng nguyên sinh – làm khu bảo tồn thiên nhiên. Tuy nhiên, khi đến Gabon, Sinopec đã nhanh chóng tìm kiếm quyền thăm dò dầu mỏ ở chính giữa khu bảo tồn này. Họ đào và đắp các con đường dang dở xuyên qua các khu rừng trong khi bừa bãi dùng thuốc nổ tàn phá các vùng đất trong khu bảo tồn – và chỉ nhận sự phản đối yếu ớt của chính quyền địa phương.
Tương tự như những viên “kim cương máu” giúp mua vũ khí Trung Quốc ở những nơi như Congo để tàn sát những người dân vô tội và vũ trang cho cả trẻ em, tiền bán gỗ của Liberia cho Trung Quốc cũng dùng để tài trợ và mua vũ khí cho cuộc nội chiến đẫm máu kinh hoàng trên đất nước này. 
Kỵ sĩ cưỡi ngựa xám ở đâu khi bạn cần anh ta?
Tại Namibia, khi phàn nàn về bị đối xử quá tệ, các công nhân được bảo rằng “ráng chịu cực khổ bây giờ để sau này các thế hệ tương lai sẽ được sung sướng”. Tại Kenya, cộng đồng dân cư đã ngăn chặn các công trình xây dựng đường và yêu cầu cung cấp nước sạch sinh hoạt và cho súc vật uống. Đó là lúc đỉnh điểm của cơn hạn hán nghiêm trọng và nhà thầu Trung Quốc không cho người dân được đến giếng khoan duy nhất có nước trong phạm vi công trường làm đường.
- African Review
Liên quan đến sức khỏe và an toàn của công nhân, không có gì hơn ngoài nỗi sợ hãi và lời oán thán trong các nhà máy và hầm mỏ mà các ông chủ người Trung Quốc đang vận hành ở châu Phi và Mỹ Latin. Bởi vì giống như tại Trung Quốc, đây cũng là chuyện làm thêm giờ, đồng lương rẻ mạt, điều kiện lao động không an toàn, và những gã chủ ngược đãi đến mức không thể tin được – cùng với tất cả các kiểu đổ chất thải khai khoáng ra môi trường xung quanh.
Bạn cần một chi tiết đẫm máu hơn? Vâng, hãy xem chi tiết tàn ác đáng khóc này:  khi các công nhân tại mỏ than Collum, miền nam Zambia, trình bày khiếu nại về đồng lương thấp và điều kiện làm việc không an toàn, hai trong số những ông chủ người Trung Quốc đang ngứa tay kéo cò đã đáp lại bằng cách dùng súng bắn hạ 11 thợ mỏ. “Kỵ sĩ cưỡi ngựa xám”12 của diễn viên điện ảnh gạo cội Clint Eastwood ở đâu khi bạn cần anh ta?
Và dùng đến súng không phải là một việc quá xa lạ. Chỉ một ít tháng trước tại hầm mỏ khác ở Zambia, vụ đình công biến thành cuộc bạo loạn khi một quản đốc người Trung Quốc bắn vào đám đông. Dĩ nhiên, viên chức Bộ ngoại giao ở Bắc Kinh lập tức gọi vụ tàn sát này là “một sự cố nhỏ”.  Ui chà, bạn nghĩ sao?
Chuẩn mực phi đạo đức của Trung Quốc chơi xỏ Phương Tây
Trong số 640 triệu vũ khí loại nhỏ lưu hành trên thế giới, ước lượng có khoảng 100 triệu được tìm thấy ở châu Phi.
- Baffour Dokyi Amoa, Pambuzaka News
Dựa trên các hệ quả thảm khốc liên quan đến chủ nghĩa thực dân của Trung Quốc, một câu hỏi mở là tại sao có quá nhiều các quốc gia châu Phi, châu Á, Mỹ Latin lại mở rộng vòng tay đón chào Trung Quốc. Thực tiễn có nhiều câu trả lời cho câu hỏi này, nhưng mỗi câu trả lời cụ thể phụ vào loại quốc gia mà chúng ta đang nói tới.
Một loại quốc gia là chuỗi những nước chuyên chế đau khổ ở châu Phi, dưới ách chính quyền quân sự, những tên sát nhân hàng loạt vô nhân tính, hoặc các nhà lãnh đạo được coi là “dân chủ” nhờ những hòm phiếu bị đánh tráo hoặc bỏ phiếu dưới họng súng. Các chế độ dân chủ giả mạo tại Angola, Sudan, Zimbabwe luôn đứng đầu danh sách các quốc gia này.
Tại các nước này và các nước châu Phi và Mỹ Latin khác có đặc điểm là nền dân chủ yếu hoặc các nhà độc tài quân đội nắm quyền lực, nguyên tắc của thực dân Trung Quốc đưa ra dựa trên câu khẩu hiệu lạnh lùng được nói đầu tiên bởi chủ tịch Trung Quốc Hồ Cẩm Đào trước quốc hội Gabon: “ Chỉ kinh doanh, không cần bất cứ điều kiện chính trị nào”.
Tuân thủ chuẩn mực phi đạo đức này, Trung Quốc làm ăn với bất kỳ chính phủ nước ngoài nào, bất chấp nó có tàn nhẫn, đàn áp, hay tham nhũng ra sao. Để làm điều đó, họ không nói một lời phê bình nào và không đưa một điều kiện nào cho thương mại mà có động chạm tới những chi tiết “vặt vãnh” như nhân quyền hay minh bạch tài chính.
Bây giờ, ngay lập tức bạn sẽ thấy cách tiếp cận phi đạo đức của Bắc Kinh với chính sách ngoại giao đã mang lại ưu thế mạnh mẽ, vượt qua các quốc gia văn minh thật sự của thế giới như Mỹ, Anh, Pháp và Nhật Bản, một cách không thể tin được. Các quốc gia này, hoặc với tư cách cá nhân hoặc thông qua các thể chế như Liên Hợp Quốc cố gắng sử dụng các phương tiện ngoại giao như cấm vận thương mại và phong tỏa tài khoản ngân hàng và viện trợ để kiềm chế các tên bạo chúa. Tuy nhiên, khi các quốc gia dân chủ văn minh cố gắng gây áp lực như vậy, thì Trung Quốc tiếp cận các bạo chúa một cách bí mật qua cửa sau.
Thực vậy, khi Hoa Kỳ cắt đứt thương mại với Sudan vì chính quyền quân đội Ả Rập tại đây đang giết chết nhiều người da đen châu Phi tại Darfur, hoặc khi Liên Hợp Quốc áp lệnh cấm vận vũ khí đối với Bờ Biển Ngà hoặc Siera Leone, hoặc khi châu Âu gây áp lực lên Eritrea hoặc Somalia, hay khi toàn thế giới cố ép nhà độc tài Robert Mugabe của Zimbabwe phải chấp nhận kết quả bầu cử và chia sẻ quyền lực, những kẻ cơ hội phi đạo đức ở Bắc Kinh đều tranh thủ nhảy vào. Họ mời chào các thể chế độc đoán bất cứ điều gì chúng muốn – từ các vũ khí hạng nhẹ và máy bay chiến đấu tiên tiến đến các máy tính và hệ thống viễn thông hiện đại.
Đây là lời kể của người trực tiếp chứng kiến chiến dịch tàn sát mang tên “đổi máu lấy dầu” diễn ra gần như hoàn toàn với vũ khí Trung Quốc tại Darfur, theo phóng sự của BBC “The New Killing Fields”:
Hàng ngàn phụ nữ và trẻ em đã bị cưỡng bức có hệ thống tại Darfur trong khi những người chồng, anh em, các con trai của họ bị tàn sát không ghê tay …. Máy bay chính phủ ném bom những ngôi làng châu Phi và sau đó gửi lực lượng vũ trang đến trên những con lạc đà, ngựa và xe tải … các ngôi làng bị tấn công hơn năm lần. Một phụ nữ tên là Kalima … đã cố gắng gọi chồng mình khi ngôi làng bị tấn công. Nhưng những kẻ vũ trang đã giết chết ông ta và cướp đứa con đang bám vào người cô ta trong sự sợ hãi tột cùng, và họ đã thiêu sống đứa bé trai chỉ mới 3 tuổi. Kalima sau đó bị hãm hiếp bởi chính những tên đồ tể này.
Theo những cách này, trong khi chúng ta sống trong những quốc gia dân chủ và tự do của thế giới, mang những nền tảng đạo đức cao nhất của con người, một nước Trung Quốc cơ hội đang cày xới các cánh đồng thương mại. Thông qua quá trình đào bới này, con Rồng Trung Quốc đã giúp vũ trang cho hàng ngàn tay súng trẻ em châu Phi với những khẩu AK-47 tại những nơi như Liberia, Nigeria, và Sierra Leone – trong khi đó các thiết bị máy móc xây dựng đang giúp cày lấp hàng trăm ngàn xác chết dưới những cánh đồng chết xa xôi như Darfur.
Kế đến là Australia?  Và sau đó là sự sụp đổ của thế giới
Công ty Điện hạt nhân Quảng Đông Trung Quốc ra giá 83,6 triệu đô la Úc … cho việc kiểm soát công ty Energy Metals, bổ sung thêm cho làn sóng đầu tư của Trung Quốc vào tài nguyên thiên nhiên của Australia.   Doanh nghiệp nhà nước CGNPH đề nghị mua 70% cổ phần của dự án Bigrlyi khai thác uranium vùng lãnh thổ bắc Australia là những dấu hiệu của bước đi đáng kể đầu tiên của doanh nghiệp Trung Quốc tiến vào một trong những quốc gia sản xuất uranium lớn nhất thế giới.
Đề nghị tham gia khai thác này xảy đến giữa lúc quan hệ hai nước Trung – Úc không được mặn mà lắm theo sau vụ bắt giữ tháng trước đối với bốn quan chức của tập đoàn khoáng sản Anh – Úc Rio Tinto, bao gồm một công dân Úc, ông Stern Hu, với cáo buộc tội đưa hối lộ và làm lộ bí mật quốc gia. Điều này cũng gây ra sự lo lắng trong các chính khách và các nhà bình luận về số lượng các dự án đầu tư Trung Quốc vào lĩnh vực khai khoáng của Úc.
 —The Wall Street Journal
Có lẽ, điều đang gây quan ngại sâu sắc nhất về chủ nghĩa thực dân Trung Quốc là làm thế nào các quốc gia, thậm chí là các quốc gia phát triển kinh tế và có nền dân chủ vững mạnh như Australia, Brazil, và Nam Phi vẫn có thể bị quyến rũ bởi chính sách “dùng tiền mua chuộc” của Trung Quốc.
Khảo sát tình huống của Australia như một ví dụ. Đây là quốc gia có dân số được hưởng nền giáo dục tốt, lực lượng lao động có kỹ năng cao, và hầu như có tất cả các nguồn tài nguyên thiên nhiên cần thiết để trở thành một đất nước công nghiệp mạnh. Tuy nhiên, thay cho việc phát triển các ngành công nghiệp để xử lý các nguồn tài nguyên thiên nhiên và dùng nó để sản xuất hàng hóa, các nhà lãnh đạo suy nghĩ ngắn hạn cho rằng cứ đơn giản hơn là để Trung Quốc đến và mua các tài nguyên, đào bới các tài nguyên vô cùng quý giá đó và chở về các nhà máy Trung Quốc với giá rẻ.
Chỉ trong ít năm vừa qua, các công ty như Yangzhou Coal Mining, China Minmetals, Hunan Valin Steel & Iron, China Metallurgical, và Shanghai Baosteel đã thâu tóm được các hợp đồng khổng lồ mua nguyên liệu thô. Trong khi đây là mối lợi của hàng trăm gia đình quyền quý ở Úc, nó là công thức dẫn tới đói nghèo dài hạn một khi Trung Quốc đã khoét rỗng các mỏ tại Úc.
Thậm chí, trong ngắn hạn hơn, nước Úc đang nắm phần lưỡi của con dao thuộc địa. Đó là bởi vì Trung Quốc đang bán các hàng hóa thành phẩm với các nguyên liệu đầu vào từ Úc trên chính thị trường này, nước Úc phải đối mặt với thâm hụt thương mại lớn chưa từng có với Trung Quốc – dù rằng nó sở hữu nguồn tài nguyên thiên nhiên vĩ đại.
Cả hai quốc gia Brazil và Nam Phi cũng đang ở trên con tàu thực dân tương tự – thậm chí kém hơn. Hai quốc gia ngồi trên một chuỗi những tài sản đa dạng phong phú không thể tưởng tượng nổi. Cả hai nước này đều có tầng lớp trung lưu đang tăng tiến và có cơ hội rất lớn để gia nhập đội ngũ các quốc gia công nghiệp hóa. Tuy nhiên, cả hai quốc gia này đang từ bỏ quá nhiều nguồn tài nguyên thiên nhiên về tay Trung Quốc – và do đó đang thâm thủng mậu dịch nghiêm trọng.
Ví dụ như Brazil, Trung Quốc rót hơn 7 tỷ USD vào riêng công nghiệp dầu khí, trong khi công ty Sinopec hầu như có mặt khắp mọi nơi và đã tìm cách mua được một phần lớn trữ lượng dầu khổng lồ của Brazil tại mỏ Santos Basin. Đó không phải là thương vụ đầu tiên của Sinopec ở Rio: Họ đã cho công ty dầu khí quốc gia Brazil là Petrobras vay 10 tỷ đô la, để đổi lại quyền mua 10 ngàn thùng dầu thô /ngày trong một thập kỷ tới – với giá gốc khá hời.
John Pomfret của tờ  The Washington Post đã phác họa bức tranh “Chinamax” lớn hơn theo nghĩa đen:
Dọc theo bãi cát vàng tô điểm vẻ đẹp kiều diễm của 175 dặm bờ biển phía bắc thủ đô Rio de Janneiro, Trung Quốc đang tạo ra một thực tại kinh tế mới.  Chỉ cần đi qua một hải cảng nơi các công nhân đang xây một cầu tầu dài hai dặm để tiếp đón những con tàu khổng lồ được gọi là Chinamax vận chuyển quặng sắt về cho ngành công nghiệp thép đang đói khát của Trung Quốc, băng qua các bến neo cho những chiếc tàu dầu hướng về Bắc Kinh, một thành phố của những nhà máy đang mọc lên trên một hòn đảo diện tích gấp đôi Manhattan.  Nhiều công trình sẽ được xây dựng bởi đầu tư của Trung Quốc: nhà máy thép, nhà máy đóng tàu, nhà máy chế tạo ô tô, một nhà máy sản xuất thiết bị dầu và khí… Các đầu tư vào Brazil phản ánh chiến lược “vươn ra ngoài” của Trung Quốc, và tìm kiếm sự đảm bảo nguồn tài nguyên thiên nhiên cho các mục tiêu phát triển và bảo vệ các doanh nghiệp nhà nước khỏi sự tăng trưởng chậm hơn ở Đại Lục.
Tổng thống Nam Phi, ông Thabo Mbeki khá lo lắng về những nước cờ thực dân tương tự đang diễn ra trên đất nước mình, “nếu châu Phi chỉ xuất khẩu nguyên liệu thô tới Trung Quốc trong khi nhập khẩu các mặt hàng sản xuất bởi Trung Quốc, Lục địa Đen có thể muôn đời nằm trong sự lạc hậu”.
Dù cho một xã hội dân sự văn minh như nước Úc, một quốc gia bị chiến tranh tàn phá như Congo, một quốc gia đang chuyển đổi như Nam Phi, hoặc trường hợp một loạt các nhà nước độc tài kiểu như Zimbabwe, điều mà các quốc gia này cùng chung số phận là:  Trung Quốc đang bóc lột một cách có hệ thống các nguồn tài nguyên của họ. Và một khi các tài nguyên này cạn kiệt, bị xúc mang đi hết hay sử dụng hết, các thuộc địa này sẽ biến thành các những chiếc thùng rỗng ruột, mất năng lực công nghiệp và khả năng tạo ra việc làm, những thứ mà đáng ra họ được hưởng nếu không đi theo tương lai thuộc địa!
Đại bàng Mỹ đã biến thành con bồ câu to lớn nhất thế giới
Con rồng sản xuất Trung Quốc rất phàm ăn. Con rồng thực dân đang tiến đánh không ngừng. Con đại bàng Mỹ đang ngủ quên trên tay lái.
– Ron Vara
Kết luận của tất cả những thứ trên là Trung Quốc đang có một chiến lược thâu tóm tài nguyên để giữ cho các nhà máy của họ hoạt động hết công suất, phần còn lại của thế giới thì không có gì. Trong khi đội quân hàng triệu người của Trung Quốc hành quân khắp các châu lục từ châu Phi, châu Á, tới châu Mỹ Latin và đang thực hiện chính sách thâu tóm mọi nguồn tài nguyên thiên nhiên đồng thời thao túng toàn bộ thị trường, và khóa chặt khỏi phần còn lại của thế giới, thì con Đại bàng Mỹ vẫn đậu trên mặt đất, các nước châu Âu đang mắc kẹt trong sự chối bỏ cố hữu, còn Nhật Bản đơn giản là tê liệt trong nỗi sợ hãi. Điều này không phải luôn luôn như vậy – ít nhất là đối với Hoa Kỳ.
Thực ra, nước Mỹ đã từng là bậc thầy tiên phong mở lối với “quyền lực mềm” trên toàn cầu thông qua các nhiệm vụ viện trợ, chính sách ngoại giao, và hỗ trợ quân sự. Hiện tại, tuy nhiên, con Đại bàng Mỹ ngày nào đã trở thành con Bồ câu to lớn nhất thế giới; và chúng ta hạ mình tài trợ cho các phái đoàn tình nguyện viên hòa bình ở các nước có nợ quốc gia nhỏ hơn nợ của Mỹ và cúi mình ẩn trong các đồn bốt quân sự tại các nước mà chúng ta không cần phải có mặt. Đã đến lúc chúng ta phải cùng phần còn lại của thế giới thức dậy – và đứng lên chống lại – đế chế thuộc địa đang nảy sinh giữa thế giới của chúng ta. Một lần nữa, như Peter Finn hùng hồn đề nghị, thế giới văn minh cần mở toang cánh cửa hướng về phương Đông và dõng dạc hét lên: “Ta điên lắm rồi và ta không thể chịu đựng thêm nữa”.
Nếu chúng ta không làm như thế, sự cấm vận tài nguyên mà Trung Quốc trong thực tế đang áp đặt đối với thế giới thông qua chiến lược thực dân sẽ như sợi dây thòng lọng đang siết chặt dần quanh cổ của tất cả các nền kinh tế trên thế giới. Theo thời gian, khi đế chế thực dân Trung Quốc gia tăng quyền kiểm soát các nguồn tài nguyên quý giá nhất trái Đất trong khi cơn đói nguyên liệu của Trung Quốc vẫn tiếp tục gia tăng, sợi dây thòng lọng sẽ dần siết chặt quanh những cái cổ mềm của Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác. 
––––––––––
12 Pale Rider: Bộ phim năm 1985 của Clint Eastwood có nhân vật chính là kỵ sĩ cưỡi ngựa xám đứng ra bảo vệ thợ mỏ chống lại bọn cướp – ND.

P.N. & G.A.
Nhóm dịch giả gửi trực tiếp cho BVN
Chết dưới tay Trung Quốc (Kỳ 9)
nguồn:http://www.boxitvn.net/bai/17795
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001