Lê Diễn Đức - Minh bạch thông tin là tự sát
at 7/03/2013 10:05:00 AM
Lê Diễn Đức
Doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là một sân chơi riêng của các nhóm thân
tộc, thân hữu, một khu vực được hưởng các đặc quyền, đặc lợi nên rất khó
minh bạch thông tin. Minh bạch, đối với nhóm này, là đồng nghĩa với tự
sát.
Khi lên làm thủ tướng từ năm 2006, ông Nguyễn Tấn Dũng đã gom gần 20 tập
đoàn và tổng công ty về dưới trướng và trực tiếp chỉ đạo. Cơ quan chủ
quản duy nhất là chính phủ nắm quyền quản lý, bổ sung vốn và theo dõi
tiến độ các dự án. Với cơ chế này, ông Dũng đã nắm toàn bộ nguồn tài
chính và các ưu đãi cao nhất cho doanh nghiệp nhà nước, phân chia, ban
phát ân huệ, lợi ích kinh tế và từ đó tạo được sân sau để chi phối chính
trị, củng cố vị trí quyền lực.
Về mặt nguyên tắc, doanh nghiệp nhà nước phải minh bạch thông tin để duy
trì sự ủng hộ của người dân cho sự phát triển. Tuy nhiên, với DNNN,
người dân không thể thực hiện được quyền này. Mọi quyết định hoàn toàn
nằm trong tay chính phủ.
“Việc che giấu hoặc không muốn minh bạch thông tin về hoạt động kinh
doanh trở thành lợi ích cấu kết thường trực của cả cơ quan chủ quản và
bộ máy quản lý DNNN để tránh những rắc rối từ công luận, tức từ ông chủ
đích thực của mình” - tờ Thời báo Sài Gòn ngày 20 tháng 6, 2013 viết.
Tóm lại, khu vực doanh nghiệp nhà nước là cái ổ để rót tiền bạc từ ngân
sách, vốn đầu tư phát triển ODA, cái bẫy của nợ công, cái nôi của các
loại tham nhũng, rút ruột công trình nhiều nhất và ăn chia hoa hồng,
cùng nhiều đặc lợi khác.
Nợ của ngày hôm nay là gánh nặng phải trả của nhiều thế hệ tương lai.
Thế nhưng, có đầu tư thì mới có ăn, chính phủ vẫn tiếp tục tìm các nguồn
tín dụng mới bằng phát hành trái phiếu, lấy các khoản vay mới trả nợ
cũ, vần vũ trong vòng xoáy của tiền.
Từ năm 2000 trở lại đây, tỉ lệ đầu tư vốn toàn xã hội/tổng thu nhập của
Việt Nam luôn cao, trung bình hơn 30%; có năm lên tới 43% như năm 2007.
Theo Bộ Kế Hoạch & Ðầu Tư, năm 2012, tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ
sở hữu của các tập đoàn, tổng công ty 100% vốn nhà nước chỉ đạt 14.84%,
giảm 4.16% so với năm 2011.
Tổng nợ phải trả của các tập đoàn, tổng công ty nhà nước năm 2012 trên
1.33 triệu tỷ đồng (tương đương 60 tỷ USD) là đáp số tệ hại của một nền
kinh tế đang phát triển và quy mô nhỏ, phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu sản
phẩm nông nghiệp thô và công nghiệp nhẹ như Việt Nam.
Trong giai đoạn 2001-2005, tổng vốn đầu tư công đạt khoảng 286 nghìn tỉ
đồng, chiếm trên 23% tổng vốn đầu tư toàn xã hội; trong giai đoạn
2006-2010 ước đạt trên 739 nghìn tỉ đồng, khoảng trên 24% tổng vốn đầu
tư toàn xã hội.
Theo The Economist Intelligence Unit, nợ công của Việt Nam năm 2001 mới
là 11.5 tỷ USD, tương đương 36% GDP, đến hết năm 2010, nợ công đã tăng
lên 55.2 tỷ USD, tương đương 54.3% GDP. Như vậy, trong vòng 10 năm, từ
2001 đến nay, nợ công đã tăng gấp gần 5 lần với tốc độ tăng trưởng nợ
trên 15% mỗi năm.
Tời Thời Báo Ngân Hàng, ngày 24 tháng 6 viết:
Trước Quốc Hội, Phó Thủ Tướng Vũ Văn Ninh báo cáo: “Theo luật nợ công,
nợ công gồm có nợ chính phủ, nợ được chính phủ bảo lãnh và nợ chính
quyền địa phương. Trên tinh thần như vậy thì nợ công tính đến 31 tháng
12 năm 2012, tương đương 55.5% GDP” - vẫn trong ngưỡng an toàn. Nhưng
“tính đầy đủ, thì số nợ công thực tế của Việt Nam đã lên đến gần 129 tỷ
USD, gần gấp đôi con số được chính phủ công bố, lên đến 106% GDP, nghĩa
là đã ở mức tiền khủng hoảng”.
Từ năm 2006 đến nay, tức là từ khi Nguyễn Tấn Dũng nhậm chức thủ tướng,
tình hình trả nợ công của Việt Nam không ổn định, và hầu như không có sự
gia tăng đáng kể về giá trị. Trung bình hàng năm Việt Nam dành ra trên
3.5% GDP để chi trả nợ và viện trợ phát triển. Tỷ lệ trả nợ/tổng nợ công
giảm dần qua các năm, từ 9.09% năm 2006 xuống còn 6.53% năm 2010. Trong
khi đó, quy mô của các khoản nợ công ngày càng tăng lên với tốc độ
chóng mặt.
Ðáng lo ngại nhất là khu vực nhà nước được hưởng nhiều ưu đãi nhất thì hiệu quả đầu tư lại thấp nhất.
Xét ICOR là hệ số đo lường chất lượng của đồng vốn đầu tư đối với tăng
trưởng kinh tế, thì hệ số ICOR có xu hướng ngày mỗi tăng trong 3 năm gần
đây.
Hệ số ICOR đã tăng nhanh từ 1996 đạt mức cao nhất vào năm 1999, chứng tỏ
hiệu quả sử dụng vốn đầu tư đã bị giảm nhanh từ năm 1996 và đạt mức
thấp nhất vào năm 1999. Trong khi hệ số này của Hàn Quốc là 3.3, của
Thái Lan là 3.6, của Malaysia là 3.9, của Philippines là 4.3, của
Singapore là 4.4, của Indonesia là 4.4... Nếu giai đoạn 2000-2005 bỏ ra
gần 5 đồng có thể tạo ra 1 đồng tăng thêm của GDP, đến giai đoạn
2006-2010 phải bỏ ra 7.4 đồng mới tạo ra 1 đồng tăng thêm của GDP. Giai
đoạn 2000-2005 hệ số này đóng góp vào tăng trưởng khoảng trên 22%, thì
đến giai đoạn 2006-2010 con số này chỉ còn dưới 8.8%.
Sang năm 2012, sau 9 tháng tổng mức đầu tư toàn xã hội là 35.8% GDP
nhưng tăng trưởng GDP chỉ đạt 4.73%, ICOR tạm tính là 7.56 lần.
Tất cả là do đầu tư bừa bãi, không đúng ngành nghề, chức năng kinh
doanh, quản lý kém cỏi, lãng phí, nhưng nghiêm trọng nhất là rút ruột dự
án.
Những thí dụ điển hình gần đây cho thấy rõ.
Bỏ hàng ngàn tỷ đồng để mua những con tàu nát tại Vinashine, Vinaline,
cùng với sự thất thoát trong các khoản đầu tư vô tội vạ vào các ngành
không thuộc chức năng, đã dẫn đến món nợ tới khoảng 4.5 tỷ đô la.
Từ dự toán chưa tới 600 triệu USD để không vượt quá mức bị Quốc Hội phê
duyệt, tới nay đã rót hơn 18,000 tỷ đồng (tương đương 900 triệu USD) vào
2 dự án bauxite Tây Nguyên. Giá xuất khẩu alumin của Vinacomin ở ven
biển ước tính tối đa khoảng 345 USD/tấn. Tính chi phí tiêu thụ (vận
chuyển, bốc dỡ, hao hụt) khoảng 25 USD/tấn và thuế xuất khẩu 20%, mỗi
tấn alumin sẽ lỗ khoảng 124 USD, tổng số lỗ năm 2013 sẽ là 74.4 triệu
USD. Nếu Vinacomin được miễn cả thuế xuất khẩu thì mỗi tấn alumin sẽ lỗ
ít nhất 55 USD, mỗi năm tổng lỗ ít nhất 33 triệu USD và không biết bao
giờ có lãi.
Ðường cao tốc 50 km Cầu Giẽ-Ninh Bình được đầu tư xây dựng với số tiền
8,974 tỷ đồng, tương đương 420-430 triệu đôla, được báo chí nói là thiết
kế đạt chuẩn loại A1, có 6 làn xe, tốc độ thiết kế 100-120km/h, “hiện
đại nhất Việt Nam”, sau 5 tháng đi vào khai thác, mặt đường trông như
mặt ruộng mới cày, dư luận gọi là “đường cao tróc”.
Vừa được cắt băng khánh thành và đưa vào sử dụng được hơn 6 tháng, nhưng
mặt bê tông nhựa trên cầu Bến Thủy 2 (Nghệ An- Hà Tĩnh) đã bị lún nhiều
chỗ. Chiếc cầu được đầu tư gần 1,300 tỉ đồng chưa qua 1 năm tuổi đã bị
hư hỏng.
Dự án đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng, sau hơn 3 năm triển khai với tổng
mức đầu tư gần 25,500 tỷ đồng, dự kiến thông xe vào năm 2014, nhưng cho
tới nay mới thực hiện được hơn 20% khối lượng.
Cầu bị lún, sập, đường bị nứt nẻ, ổ gà là bi kịch phổ biến của gần như
mọi công trình cầu đường trên lãnh thổ Việt Nam, trên nhiều tuyến quốc
lộ như 1, 3, 5, 7, đại lộ Ðông Tây, không chỉ ở các dự án đã khai thác,
sử dụng 6-8 năm mà còn ở cả các dự án mới đưa vào khai thác... Nhưng tệ
hơn, quan tham thời nay còn ăn bẩn và ăn tạp. Công trình Tượng Ðài Chiến
Thắng Ðiện Biên Phủ bị rút ruột đến 150 tấn đồng, hay cả toilet cũng bị
liếm láp.
Theo Tuổi Trẻ, một chiếc toilet hiện đại, biến chất thải thành năng
lượng sạch của dự án “Tái sáng tạo toilet” của tỷ phú Bill Gates giá
khoảng 2,200 USD. Trong khi đó, một nhà vệ sinh trường học diện tích
29m2 ở Quảng Ngãi lên đến 30,000 USD! Nhà vệ sinh này của trường phổ
thông cơ sở Long Hiệp (Minh Long, tỉnh Quảng Ngãi) có tổng vốn đầu tư là
600 triệu đồng, diện tích 29 m2, chia làm hai bên dành cho nam và nữ,
phòng nữ có 3 bệ tiểu nhưng không có cửa, phòng nam có bốn bệ tiểu, một
hố xí và bồn rửa tay, vật dụng đều thuộc loại bình thường. Ngoài ra,
cũng trường Long Hiệp, còn có những nhà vệ sinh tương tự giá 710 triệu,
721 triệu đồng!
Cha chung không ai khóc, sống chết mặc bay, tiền thầy bỏ túi! Trong khi
“dân kiếm không nổi 50 ngàn, quan xin dự án nghìn tỷ” (Ðất Việt
19/06/2013). Cục đường thủy nội địa xin 1,800 tỉ nắn dòng chảy Sông
Hồng, Sở Phòng Cháy Chữa Cháy Hà Nội xin 6,000 tỉ đồng mua quần áo chống
cháy, Bộ Tài Nguyên và Môi Trường xin 1,100 tỉ đồng mua tàu điều tra
tài nguyên môi trường biển, Bộ Văn Hóa-Thể Thao xin 6,000 tỷ để xây dựng
đề án tăng chiều cao dân số...
Nước Việt thật buồn về một gia tài ngày càng cạn kiệt và lâm vào nợ nần chồng chất mà các băng nhóm lợi ích, mafia đỏ để lại.
Việt kiều và những người nhẹ dạ trong nước đừng hoang tưởng về sự tài
giỏi nào của đảng Cộng Sản Việt Nam trong sự đổi thay của đất nước sau
gần 40 năm hòa bình. Nếu tiền đầu tư, xây dựng không tự dưng biến mất
30-40% thì sự thay đổi sẽ còn ra sao?
Ðầu tư công là bức tranh thể hiện rõ nhất trong cơ chế “ngậm miệng ăn tiền”. Không thể nào minh bạch thông tin trong cơ chế ấy.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/07/le-dien-uc-minh-bach-thong-tin-la-tu-sat.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001