Phạm Phú Minh - Đi tìm câu trả lời
Phạm Phú Minh
Trong bài "Một cuộc triển lãm và hội thảo thành công" đăng trên DĐTK vào thứ bảy tuần trước (13 tháng 7, 2013) tôi đã đặt cho mình câu hỏi: Cái gì làm cho cuộc triển lãm và hội thảo trong hai ngày 6 và 7/7/2013 tại báo Người Việt thành công vượt ra ngoài mong đợi của người tổ chức? Và đã nghĩ rằng đề tài đã góp phần quan trọng.
Đề tài của cuộc triển lãm và hội thảo là: báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn. Nhưng tại sao đề tài này lại thu hút đông đảo đồng bào ta tham dự rất thủy chung từ đầu đến cuối như thế, so với các cuộc hội thảo trước đây? Câu trả lời có thể rất dài dòng, với một khảo sát lại hoàn cảnh xuất hiện và tính chất các tờ báo và văn đoàn này. Tôi nghĩ mình có thể thay đổi phương pháp, thay vì mất quá nhiều thì giờ để lặp lại các tài liệu văn học sử rất đầy đủ và phong phú của thập niên 1930, ta hãy tìm hiểu nơi người tham dự. Hẳn nhiên, như nhiều cuộc tập họp có liên quan đến quá khứ, người tham dự trong cuộc hội thảo này phần lớn là người lớn tuổi. Trẻ nhất có lẽ là lứa tuổi bốn mươi hiện diện một cách thưa thớt, lứa năm mươi đông hơn một chút, và cứ thế, lứa sáu, bảy mươi, và cả tám mươi nữa, là đông đảo nhất.
Hiện tượng này có thể giải thích khá dễ dàng: lớp người Việt Nam càng lớn tuổi thì càng hiểu biết về Tự Lực Văn Đoàn và chịu ảnh hưởng văn chương của văn đoàn này càng nhiều. Có thể nói lớp người bắt đầu đi học trong thập niên 1940, 50 ai cũng có dịp đọc tiểu thuyết TLVĐ, một tủ sách có giá trị hầu như tuyệt đối trong xã hội Việt Nam thời đó. Về báo Phong Hóa hay Ngày Nay thì lứa tuổi này ít biết, vì báo chỉ xuất bản có một lần, chủ yếu trong thập niên 1930 và không bao giờ được tái bản, trong khi sách thì được tái bản liên tục rất nhiều đợt tại các thành phố. Ngay trong giai đoạn đầu của cuộc chiến chống Pháp, từ khoảng 1946 đến 1950, tại các vùng Việt Minh kiểm soát, số lượng sách TLVĐ từ thời trước vẫn còn nhiều và học sinh lẫn người lớn vẫn chuyền tay nhau đọc thoải mái, cho đến khi bắt đầu bị cấm đoán khoảng 1950.
Cho đến lần hội thảo này chúng tôi mới có dịp thấy được ảnh hưởng của sách TLVĐ đối với người đọc sâu dày như thế nào. Hầu hết đọc chúng trong tuổi trẻ, nhưng những cảm nhận, rung động và nỗi say mê có vẻ như đã hằn sâu trong tâm trí, theo người đọc suốt đời. Chúng vẫn ở đó, qua nhiều biến thiên của cuộc đời người đọc vẫn mang nó mà không biết, đến một lúc hội đủ duyên -- như cuộc triển lãm và hội thảo này chẳng hạn -- thì cả một thời dĩ vãng với biết bao tình cảm tốt đẹp bỗng sống dậy. Người đọc năm xưa đến với hội thảo như đi tìm lại quá khứ của chính mình, và họ đã nhìn thấy lại những mẫu bìa sách xưa, những khuôn mặt cũ của những tác giả họ coi là thần tượng đã lấp đầy tâm hồn họ từ thời xa lắc. Nhiều người đã nhắc đến chữ "ghiền": "Ngày xưa tôi ghiền sách TLVĐ lắm". Tại sao lại ghiền, các nhà khảo cứu văn học đã có nhiều giải thích, nào là vì văn giản dị sáng sủa, nào là nội dung rất Việt Nam khác xa sách Tàu sách Tây, nào là người đọc thấy mình rất gần gũi với các nhân vật trong sách, từ cách sống, cách nghĩ v.v... Và, tất nhiên, sách TLVĐ có giá trị nghệ thuật cao, chính điểm này đã chinh phục người đọc, đã xây dựng nên tâm hồn người đọc mà họ không biết.
Từ trước đến nay chúng ta chỉ đọc những đánh giá như thế trong các nghiên cứu về TLVĐ: trong trường trung học thì nghe thầy giảng, hoặc các sách luận đề về từng tác giả, tác phẩm; lớn lên ra đời nếu không theo nghề văn thì cũng chẳng mấy khi tiếp cận với các nghiên cứu cao hơn ở cấp đại học. Nhưng tất cả các nguồn đó đều từ góc độ của người nghiên cứu, chuyên đọc kỹ các tác phẩm, tìm hiểu tính chất của thời đại, và đưa ra những nhận xét về ảnh hưởng của chúng trong xã hội. Chỉ có lần này là lần hi hữu chúng tôi đối diện với đông đảo những người đã "nghiện" sách TLVĐ, và từ đó hiểu vấn đề dưới một góc cạnh khác. Người Việt Nam chúng ta chưa quen với những survey, đi tìm hiểu những khuynh hướng của quần chúng, nhưng tình cờ trong dịp này một khuynh hướng tiềm ẩn của một số đông đồng bào đã tự bộc lộ. Từ đó, chúng ta thấy được kết quả của nền giáo dục một thời của miền Nam, sức mạnh của một văn đoàn đã đem lại sự đổi mới thực sự cho nền văn học nước nhà đã tác động vào tâm hồn của nhiều thế hệ người đọc như thế nào.
Nếu có một cuộc điều tra xã hội trên khắp nước Việt Nam vào nửa sau thập niên 1980 về ảnh hưởng của TLVĐ trong quần chúng tuổi từ 50 đến 80 chẳng hạn, thì kết quả của phía bắc sông Bến Hải sẽ khác hẳn phía nam. Từ 1950 trong các vùng kháng chiến do Việt Minh kiểm soát sách TLVĐ bắt đầu bị cấm, ngặt nghèo nhất là phía bắc. Sau 1954 chính quyền miền Bắc càng cấm ngặt, không những không dạy trong trường học mà dân chúng cũng bị cấm đọc, chỉ có những cán bộ nghiên cứu có giấy phép mới được vào đọc sách TLVĐ tại các thư viện. Không những cấm, bộ máy tuyên truyền của đảng cộng sản còn ra sức bôi đen, kết tội nhóm TLVĐ và tác phẩm của họ như những thứ xấu xa, phản động. Kết quả chính sách này là tạo ra một lỗ hổng trong ký ức của một nửa dân tộc phía bắc sông Bến Hải về những thành tựu văn học của dân tộc mình. Cả mấy thế hệ lớn lên ở miền Bắc hầu như không biết gì về sách TLVĐ. Chế độ cộng sản có tiêu chuẩn riêng của họ về mọi mặt của đời sống, trong đó có văn học và nghệ thuật, bất chấp những giá trị của dân tộc. Mặt khác, chấp nhận cái này, cấm đoán cái kia nhiều khi còn tùy thuộc vào nhu cầu trong từng giai đoạn chính trị của chính sách toàn trị ấy. Khi cần thì cả Phạm Quỳnh với báo Nam Phong, Tự Lực Văn Đoàn lẫn thủ lãnh Nguyễn Tường Tam, hoặc phong trào Nhân Văn Giai Phẩm với những Phan Khôi, Nguyễn Hữu Đang... bị miệt thị, mạt sát xuống tận đất đen; rồi đến khi chính họ cần rửa ráy bộ mặt của họ để nom cho đỡ gớm ghiếc hơn trong một thế giới đã đổi khác thì họ lại ra lệnh "khôi phục". Dù sao đi mãi trên con đường "quốc tế", đến lúc biết quay về với những giá trị đích thực của dân tộc thì là một sự hồi tâm đáng mừng, nếu đó là sự quay về thành thực.
Nhưng cuộc điều tra xã hội nói trên, nếu thực hiện phía nam sông Bến Hải thì kết quả sẽ khác hẳn. Vào thời điểm giả định là vào nửa cuối thập niên 1980, ký ức của dân chúng miền Nam đối với lịch sử dân tộc chưa bị đứt đoạn. Họ vẫn kính trọng cụ Phan Thanh Giản như một nhà ái quốc, họ vẫn biết ơn nhà Nguyễn đã khai phá miền Nam để thành nước Việt ngày nay, và về mặt văn học họ được tự do thưởng thức các thành tựu của những lớp người đi trước. Một xã hội tự do khai phóng là vậy. Giới sáng tác của miền Nam vẫn tiếp nối bước đường của phong trào thơ mới từ thập niên 1930, của tiểu thuyết thời tiền chiến, họ liên tục sưu tầm học hỏi quá khứ trên con đường tiến về phía trước của họ. Riêng sách Tự Lực Văn Đoàn vẫn được tái bản không ngưng nghỉ, vẫn được đọc rộng rãi trong xã hội và vẫn được dạy trong trường học, có lẽ từ cuối thập niên 1940. Nói chung con người miền Nam thời trước 1975 được sống trọn vẹn là một người Việt Nam, theo cái nghĩa được tự do hấp thụ những điều tốt đẹp được truyền lại từ lớp người đi trước, họ không bị tật nguyền ngay trong tinh thần của mình vì bị bắt buộc phải theo một chủ thuyết xa lạ với con người, sẵn sàng đạp xuống đất đen ngay những thành tựu sáng chói nhất của dân tộc.
Cuộc Triển lãm và Hội thảo về báo Phong Hóa Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn vào hai ngày 6 và 7 tháng 7 năm 2013 vừa rồi tại báo Người Việt, Nam California, chính là cuộc hội ngộ của đúng những người miền Nam ấy. Đúng phẩm chất ấy. Đúng tình cảm ấy. Đúng nét đẹp tinh thần ấy. Trong cuộc sống lưu vong họ say sưa gặp lại chính mình của một thời nào, họ quyến luyến cái bầu không khí chân tình đẹp đẽ tràn đầy nét văn hóa thanh cao vang bóng từ nhiều thập niên trước. Họ gặp những con người trong mối đồng cảm sâu xa rằng chính chúng ta đã là thành viên của một xã hội như thế.
Và họ đã thành kính đứng lên để tưởng niệm nhà văn Nhất Linh Nguyễn Tường Tam, người đã khai sáng ra hai tờ báo Phong Hóa và Ngày Nay và Tự Lực Văn Đoàn, vào sáng ngày 7 tháng 7, đúng 50 năm sau ngày ông tự kết liễu đời mình. Giáo sư Nguyễn Hưng Quốc trong bài thuyết trình của ông, đã khẳng định rằng Tự Lực Văn Đoàn là văn đoàn quan trọng nhất, có công lớn nhất trong suốt một ngàn năm lịch sử văn học Việt Nam.
Câu nói đơn sơ ấy bỗng bừng sáng lên trong hội trường, trong một giây phút phảng phất linh thiêng, mọi người mới ngộ ra đó là một sự hiển nhiên.
Cho nên trong khi đi tìm câu trả lời cái gì làm cho cuộc hội thảo thành công như thế, tôi thấy các cố gắng sưu tầm tài liệu triển lãm, tiếp xúc mời các vị diễn giả trong và ngoài nước Mỹ, lựa chọn các đề tài, những lần nói chuyện trên truyền hình hay trả lời phỏng vấn báo chí, tất cả tuy quan trọng cho một công cuộc tổ chức như thế này, nhưng không phải là cái quan trọng nhất. Yếu tố mang lại thành công vượt lên khỏi mọi dự tính, chính là tấm lòng yêu thương Tự Lực Văn Đoàn trong lòng đồng bào của cộng đồng và sự thăng hoa tột đỉnh khi cả khối tình yêu thương ấy hòa nhập vào hình ảnh triển lãm, lời lẽ thuyết trình làm thành một khối tinh thần lạ lùng, bất diệt, cái mà nhiều người đã nói "từ 38 năm bây giờ mới thấy". Tất cả mọi người cảm nhận sự hòa nhập thiêng thiêng ấy qua rất nhiều thời khắc của buổi hội thảo. Đó là tình yêu ngôn ngữ mẹ đẻ, tình thương quý nước non, lòng kính trọng truyền thống dân tộc bỗng bừng lên từ những tâm hồn đã được gieo cấy hạt giống tốt từ những tác phẩm được đọc ngày mái tóc còn xanh.
Xin cảm ơn người xưa. Và cảm ơn người nay. Khi hiện tại đã kết nối hòa quyện cùng những tinh hoa của quá khứ như thế thì chúng ta có quyền lạc quan về sức mạnh tinh thần đang tồn tại trong cộng đồng của chúng ta ở đây, cũng như người Việt Nam ở bất cứ nơi nào khác.
Phạm Phú Minh
19 tháng 7 năm 2013
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/07/pham-phu-minh-i-tim-cau-tra-loi.html
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001