Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Trần Mộng Tú - HOA và SÁCH

Trần Mộng Tú - HOA và SÁCH 



Trần Mộng Tú

Khi tôi về hoa trong vườn vừa nở. Những bông Tú Cầu tim tím như loang vào đến hiên nhà. Không như các cây hoa khác, cây Tú Cầu của nhà tôi lạ lắm, cứ một năm có hoa, một năm không nở. Như một người mẹ sanh đẻ cách năm. Tú Cầu tên Mỹ (gốc Hy Lạp) là Hydrangeas. Có nghĩa là water-vessel. Tên Anh và Pháp gọi là Hortensia. Tôi thích tên Việt nhất vì có chữ Tú ở trong đó. Tú Cầu theo tôi hiểu là một hình tròn đẹp như hình dáng của bông hoa mang tên nó.


Tú Cầu có nhiều loại khác nhau, nhiều mầu khác nhau: xanh tím, xanh da trời nhạt, hồng đậm hay trắng. Hoa có loại nhiều cánh nhỏ từng cọng chụm vào nhau thành một quả cầu, hay loại nhiều bông nhỏ, bốn cánh, xếp chung quanh một cái đài to, tròn với những bông hoa li ti ở giữa. 

Khóm Tú Cầu trong vườn nhà tôi thuộc loại hoa bốn cánh mầu tím nhạt, bao chung quanh một cái nhụy li ti sắc xanh, thuộc chi Lilacina. Tôi nghĩ tên đó là do mầu tím giống như hoa Tử Đinh Hương (Lilac)- Xem hình.

 Tôi cắt một bó to, mang vào cắm trong bình thủy tinh, ngắm nghía mãi, nhờ chồng chụp hộ bình hoa để khoe với bạn, ngắm thêm chút nữa, chạy lên gác lấy mấy cuốn tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn xếp cạnh bình hoa, vài cuốn tượng trưng, đủ rồi.

- Chụp hộ em hoa với sách nữa.

- Em không đứng cạnh à?

- Không cần thiết, lúc này hoa và chữ đang đầy trong em rồi.

Tôi vừa trở về từ buổi Hội Thảo Văn Học Tự Lực Văn Đoàn ở quận Cam, Cali. Trong bốn năm ngày bận bịu, tấp nập và phiêu phiêu với chữ nghĩa, bạn hữu ở đó, tôi đã có cái cảm giác của một người được thả xuống bơi dưới nước, bơi ngược dòng, tuy bơi chậm chậm, tuy nước êm xuôi vẫn biết mình bơi về, không phải bơi đi. 

Cuộc Hội Thảo Tự Lực Văn Đoàn do nhà văn Phạm Phú Minh chủ trương và những hậu duệ của các tác giả trong nhóm Tự Lực Văn Đoàn cùng góp sức đứng ra tổ chức, đã đưa được một số đông người Việt hải ngoại yêu văn chương trở về những ngày tháng cũ trên một đất nước xa xăm nào đó mà ta tưởng chừng không bao giờ còn thấy lại được nữa.

Tám mươi năm biết bao thay đổi. Từ quốc gia, nhà cửa, họ hàng thân tộc và ngay chính bản thân mình. Có nhiều người tóc đã pha sương, lưng cong, gối mỏi cũng đứng đó thay cho thế hệ cha anh của mình đã mất đi. Có rất nhiều người trung niên, họ chỉ nghe loáng thoáng, hiểu rất mơ hồ, hay họ đã tìm kiếm sưu tầm tới gốc về Tự Lực Văn Đoàn. Tất cả cùng tới tham dự, lắng nghe với cái tâm nhĩ rất Việt Nam. Hình như họ cùng tới đó để chứng minh với chính mình: “Ta là người Việt”.

Một người Việt thích đọc sách, chắc chắn không thể không đọc tiểu thuyết của Tự Lực Văn Đoàn.

Cuộc Hội ThảoTự Lực Văn Đoàn có thành công không? Đó không phải là một câu hỏi cần câu trả lời trực tiếp. Điều quan trọng là cuộc họp mặt ngày hôm đó đã nhắc nhở cho chúng ta nhớ là chúng ta đã từng có một nền văn học Việt Nam phong phú, giá trị và nền văn học đó không bị ảnh hưởng Pháp hay Trung Hoa, đã nuôi dưỡng cái tâm hồn Việt của chúng ta cho đến bây giờ. Dù chúng ta đã ra khỏi Việt Nam hay dù bao nhiêu biến đổi trên quê hương cái tinh chất ta thu thập được từ nền văn học đó, đã là phần dinh dưỡng cho tâm hồn Việt của ta tới ngày hôm nay. Tất cả đều do công sức của Nhất Linh và Tự Lực Văn Đoàn. 

Tôi cầm cuốn Bướm Trắng lên, nhặt mấy hạt phấn hoa li ti của bông Tú Cầu mầu tím xanh rơi trên sách. Có hai người yêu nhau trong cuốn sách này, tôi biết họ từ thời trung học. Tên họ là Trương và Thu. Tình yêu của họ lãng mạn, liều lĩnh và đầy đam mê. Cuối cùng người thanh niên đó bước được ra ngoài cái vòng tròn rối tung anh đang vướng mắc, về quê sống một cuộc đời êm ả bên một người con gái giản dị, chân phương. Tôi miết hạt phấn hoa nhòe trên mặt bìa sách, mầu tím của hoa nhuộm vào giấy như những dòng chữ của Tự Lực Văn Đoàn đã in vào tâm thức tôi.

Tôi ngồi hẳn xuống sàn nhà, ngắm nghía những: Lạnh Lùng, Đôi Bạn, Giòng SôngThanh Thủy, Hồn Bướm Mơ Tiên, xếp bên dưới chân bình hoa, nhớ lại nội dung và nhân vật của từng cốt truyện. Thấy họ sao mà gần gũi với mình thế. Hình như tôi đã đứng với Lan trong ngôi vườn đầy hoa mộc ở chùa Long Giáng hay ở một bến đò nào đó tôi đã đứng với Thanh, vẫy tay khi bóng con đò chở Ngọc, mất hút.

Những cành hoa Tú Cầu đang nở tung trước hiên nhà tôi, chúng đang khoe tất cả những vẻ đẹp mỹ miều, phấn hoa rắc đầy mặt đất mùa hạ. Mai kia mốt nọ hoa tàn, nhưng dưới chân nó phấn hoa rơi xuống, nhụy hoa tìm nhau, chúng sẽ lại hồi sinh và nảy ra những cành mới, mang đầy sức sống của những cánh hoa mới, lại nhuộm tím cả một góc hiên nhà với mầu tím mới.

Không, tôi chẳng hề tới những nơi tôi tưởng tượng trong tiểu thuyết, tôi chỉ mang nó theo bên mình trong mấy chục năm đằng đẵng xa quê. Mà lạ thật, trước đây khi còn trẻ, ở Việt Nam, mình đọc hết cuốn này, sang cuốn khác rồi mình bỏ lên kệ,  mình bận rộn với những thú giải trí khác mình quên biến mất. Khi mình bỏ đi xa thì nó lại hiện về bất cứ lúc nào có người nhắc tới, hiện đến rõ rệt như hoa Tú Cầu nở rộ trong nắng gió mùa hạ. Bông hoa ở đó làm sao ta quên được nó. Vì nó đi và nó sẽ trở lại. Sách của Tự Lực Văn Đoàn cũng như một loài hoa nở rộ và bền chặt với thời gian. Nhờ những áng văn chương đã được in ra dàn trải trong đời sống, ảnh hưởng tới bao nhiêu người cầm bút khác của những thế hệ kế tiếp.

Trước ngày hội thảo, tôi được tham dự buổi lễ cầu siêu 50 năm cho nhà văn Nhất Linh. Lời kinh, tiếng mõ của hai nhà sư trước Phật đài được vọng lên và bay ra đến cả sân chùa. Tôi nghĩ đây chỉ là lòng thành của con cháu, một dịp để tưởng nhớ đến cha ông. Vong linh của nhà văn chắc đã siêu thoát lâu lắm rồi.

Trong buổi họp mặt văn học này, tôi gặp lại những người bạn văn ở xa đến. Phần đông chúng tôi hầu như có đến vài ba năm rồi mới gặp lại, nhưng có hai người bạn, một từ thời Tiểu Học, một từ thời Trung Học, tưởng như đã mất hút vào quá khứ bỗng tình cờ đối mặt. Chúng tôi nhìn nhau, những vầng trán đã ngả vàng như những tờ sách cũ, đường nhăn như hàng chữ nằm ngang, trong mắt nhìn thấy dòng sông cuộc đời đã trôi qua nhiều khúc. Chúng tôi nói cười, chia xẻ chuyện văn chương, hỏi thăm nhau về con cháu. Ngồi với nhau một lúc, chụp với nhau vài tấm hình. Hẹn hò, cho địa chỉ, nhưng chúng tôi có gặp nhau lại nữa hay không? Làm sao biết được. Mặt trời đang ngả dần về phía tây!


Sau cuộc hội thảo văn học cũng như hầu hết sau các sinh hoạt khác của cộng đồng người Việt khắp nơi, bao giờ chúng ta cũng nhận được những lời nói, những bài viết về những sinh hoạt đó. Tôi đã đọc những bài viết đó với cung cách như tôi ra vườn cắt hoa Tú Cầu cắm vào bình. Tôi chọn những bông hoa đẹp, lớn nhỏ khác nhau, tỉa những chiếc lá dư hay úa, xem có con sâu nào núp trong đó không, nếu có, tôi khẽ khàng nhặt ra, để thật xa ở góc vườn cho nó bò đi.

Thanh thản, tôi mang những bông hoa cắm vào trong bình, chưng ở phòng gia đình. Bây giờ chỉ cần cầm lên một cuốn sách, với một bình trà xanh trước mặt tôi sẽ có một buổi trưa hè êm ả, một hạnh phúc vừa đủ trong đáy tách. 

Xin cám ơn Tự Lực Văn Đoàn, cám ơn văn chương, tình bạn và những bông hoa Tú Cầu.

Trần Mộng Tú
Ngày 14/7/2013
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/07/tran-mong-tu-hoa-va-sach.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001