Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Hoàng Nga - Lề bên trái

Hoàng Nga - Lề bên trái 


Hoàng Nga

Nàng bước sang đường. Đã nửa tháng hai, đã sắp hết mùa hè ở đất miền nam, nhưng trời vẫn rất nắng. Cái nắng trong vắt như thể nơi đây không bao giờ gợn mây mù. Cái vùng trời của nàng, vùng trời vẫn thường được xem là lạ, khác hẳn với nhiều nơi trên địa cầu, hè vào Giáng Sinh, đông đầu tháng sáu. Và ra đường, lề bên trái xôn xao.


Cái vùng đất, cái vùng trời… Nàng cúi nhìn xuống hai bàn tay không đeo nhẫn của mình, trí nhớ chợt hiện lên hàng chữ trên trang sách, gửi em từ thành phố không còn mây. Từ một thành phố không còn mây. Ở nơi nào mà thành phố không còn mây. Ở nơi nào mà nơi đây không còn mây, nơi kia không còn mây.

Nàng bước lên bậc thềm. Nắng nhảy múa sau gót chân nàng. Nắng mất dấu sau bàn chân nàng bỏ lại. Nắng đậm màu. Nắng trong vắt. Nắng lung linh và nắng thủy tinh. Nàng ngước mắt lên nhìn tấm bảng kẻ chữ màu đỏ. Những hàng chữ và màu nắng có ý nghĩa gì với mình? Cuộc đời có ý nghĩa, có xôn xao nào dành cho mình hay chăng?

Nàng vu vơ tự hỏi, rồi nhìn lại những ngón tay không đeo nhẫn của nàng một lần nữa trước khi co lại, đặt lên cánh cửa màu xám. Can đảm lên! Nàng tự nhủ. Và nàng nhắm hai mắt lại thật chặt, cố hít vào những hơi thở thật sâu. Thở mạnh ra cũng rất sâu. Can đảm. Can đảm lên.

Nàng tự khuyến khích mình nhưng dễ thường đến cả đôi ba phút sau nàng mới tập trung được ý chí. Mới dám vung tay gõ vào cánh cửa gỗ. Chầm chậm. Nhè nhẹ. Khe khẽ. Rồi dần dà mới mạnh, và nhanh hơn.

Tim nàng đập gấp gáp. Những nhịp tim bối rối. Cuống quýt. Như nghe rõ cả tiếng thình thịch. Thình thịch. Một, hai. Một, hai. Nàng đếm thầm. Và dẫu không biết đếm như vậy để làm gì, nhưng nàng cứ đếm mãi cho đến khi có tiếng từ phía bên trong khung cửa ấy vọng ra. 

- Mời vào.

Nàng nuốt nước bọt, xoay nắm đấm, đẩy cửa, ngẩn ngơ một lúc rồi ấn gót chân xuống nền.

Căn phòng giữa trưa vắng tanh người. Cô thư ký ngồi bên sau quầy mỉm cười xã giao. Nàng cười lại. Bạn nàng chê bà bác sĩ chữa bịnh dở, nhưng nàng vẫn thường hay tới lui nơi đây. Nàng bảo nàng chỉ đau đầu sổ mũi, cảm mạo, đau lưng nhức mỏi thường thường, không cần chuyên khoa, không cần thần y nên đi đâu cũng giống nhau. Nàng nói thêm, sở dĩ nàng hay la cà tới nơi này vì tâm tư nàng buồn, bà bác sĩ cũng buồn, gặp nhau nói chuyện tào lao cho vui cửa vui nhà. Bạn nàng lắc đầu, đi bác sĩ mà dùng chữ la cà như đi ngồi lê đôi mách.

Nàng đã cười, nghĩ đến những đề tài nàng và bác sĩ thường trao đổi. Những câu chuyện “cao cấp” hơn chuyện ngồi lê. Nàng thường hay đùa như vậy vì bác sĩ và nàng không nói chuyện thiên hạ. Mà nói chuyện lòng. Chuyện lòng bác sĩ. Chuyện lòng chung chung. Chuyện ly dị. Chuyện đàn ông. Chuyện sắt son chung thủy. Chuyện bạc lòng. Chuyện biển rộng sông dài…

Ký vào hồ sơ xong, nàng trả cây bút lại cho cô thư ký. Mỉm cười lần nữa trước khi chuẩn bị vào gặp bác sĩ. Tự dưng nàng chợt nhận ra chiều nay nàng cười hơi nhiều. Chợt nhận ra mình hơi lạ. Bởi vì chiều nay nàng đến nơi này, không phải tại cảm mạo thương hàn, cũng không với mục đích muốn nghe chuyện lòng của bác sĩ, mà đem đến một cái kết quả khám nghiệm -cái khám nghiệm tuy không sét đánh vì nàng đã chuẩn bị tinh thần từ lâu, nhưng là một cái kết quả không thể gọi, tín hỷ. Vậy mà nàng lại cười.

Cười nhiều. Cười như không có duyên cớ. Như sai trật, như không theo lệ thường.

Cười. Không mấy tự nhiên. Chẳng hạn khi vào đến văn phòng bác sĩ, nói:
- Em thử ra thấy hai vạch đỏ.

Rõ ràng trên gương mặt bác sĩ lúc ấy đã hiện ra vẻ khá ngỡ ngàng mà nàng thì vẫn nở nụ thật tươi. Cả lúc bác sĩ cau mày. 

- Thật à. 

- Dạ thật. 

- Chắc không?

- Dạ chắc. 

- Thử mấy lần?

- Dạ hai. 

Rồi bác sĩ im re không nói nữa, còn nàng thì cũng vẫn cười.

Cái nụ cười. Có thể ngây ngô, có thể kỳ quái, có thể vô duyên. Nhưng như thể không cười, thì nàng sẽ thê thảm lắm. Như thể không cười, thì nàng sẽ không còn là nàng nữa.

Và nàng vẫn giữ nguyên nụ mím chi trong khi kiên nhẫn chờ bác sĩ nói thêm điều gì. Nhưng bác sĩ im rất lâu. Sau, bác sĩ gõ gõ cây viết trên xấp hồ sơ. Hỏi. 

- Bao lâu rồi?

- Dạ mười tuần. 

Bác sĩ chậc lưỡi thêm một cái.

- Chà, vậy sao!

Vậy sao! Hai chữ vậy sao nghe hồ như một hòn sỏi rơi xuống đáy giếng làm vang vọng lên một thanh âm thật buồn. Thật não nề. Nàng ngước nhìn bác sĩ. Vậy sao! Bác sĩ nói như vậy. Là thế nào? Là trễ tràng? Là không cứu vãn? Là oan trái? Là nghiệt ngã? Hay là gì?

Nàng chớp mắt. Tuy nhiên chờ hơi lâu, khi không nàng buột miệng, thốt ra chữ vâng.  Bác sĩ ngẩn ngơ nhìn lại nàng. Đôi mắt ánh lên nét ngạc nhiên như không hiểu vì sao nàng lại vâng.

Vâng. Dạ. Từ lúc bước vào đến đây, chừng như bác sĩ nói gì nàng cũng đáp bằng hai chữ dạ vâng rất lễ phép ấy. Bác sĩ trầm ngâm một hồi. Sau đó bác sĩ cẩn thận hỏi. 

- Nếu thử lại mà chắc chắn thì cô tính sao. 

Tính sao? Nàng vò vò bàn tay này trong lòng bàn tay kia. Nghĩ bụng, biết ngay là bác sĩ sẽ nói câu này. Có lần bác sĩ từng khen nàng thông minh. Thông minh… 

Nàng nghĩ đến những đêm dậy sóng của mình, nhớ nàng cũng đã tự hỏi đi hỏi lại cái câu như thế hằng nghìn lần. Tính sao?

Tính sao? Nàng biết tính làm sao. Bởi vì sẽ có một tính toán nào đó thích hợp với hoàn cảnh nàng một cách thỏa đáng hay chăng?

Nàng cố không thôi cười nữa. Bình tĩnh hạ giọng xuống ở mực thấp nhất. 

- Dạ em không tính sao hết. 

Bác sĩ ngó nàng chằm chằm. 

- Không tính sao là sao? 

- Dạ, là để vậy. 

- Để vậy? 

Bác sĩ tròn mắt như muốn kêu lên một tiếng. Nàng gật đầu. 

- Dạ, em quyết định để vậy. Giữ lại. 

Bác sĩ hơi chồm về phía trước. 

- Quyết định? 

- Dạ. Không có gì cản trở? 

- Dạ không.

Bác sĩ chững đi một đôi giây. 

- Suy nghĩ kỹ chưa? 

- Dạ rồi. 

- Chắc không?

- Dạ chắc.

Chắc. Chữ chắc thốt ra như cái máy khiến bác sĩ bật lên cười. 

- Can đảm quá. 

Nàng cười theo. 

- Dạ em cố gắng, bác sĩ.

Bác sĩ nhận xét.

- Cô bình tĩnh như thế tốt lắm. 

Nàng liếm môi. Biết trả lời sao với bác sĩ đây nhỉ. Bác sĩ gật gù. 

- Nhưng cô có hiểu tôi muốn nói khó khăn cô sắp gặp không chỉ là những khó khăn thường tình không? 

- Dạ có. 

- Tôi không nói đến chuyện tài chánh hay điều gì khác. Mà cô có hiểu sức khỏe và tuổi tác của cô hiện nay sẽ có một ảnh hưởng lớn lắm không?

Đến lúc ấy thì rõ ràng nàng đã quyết định thôi không cười nữa, và biết rõ ràng “vâng” thêm nữa là điều không phải, nhưng loay hoay chẳng biết phản ứng sao cho tự nhiên, nên cuối cùng nàng lại nhoẻn miệng. Bác sĩ ngó nàng.

- Có nhiều điều cần phải thận trọng suy nghĩ. 

Nàng dạ. Bác sĩ nói thêm. 

- Lẽ ra cô phải đến đây từ vài tuần trước. 

Nàng lại dạ. Dạ! Bác sĩ nghiêng tai như rất chú ý lắng tai nghe nàng nói. Tuy nhiên nàng có cảm giác  bác sĩ đang cố tìm lời lẽ thích hợp để trao đổi với nàng thì đúng hơn. Nàng nhìn theo gương mặt gầy gầy với cặp kính cận khá lớn ngó lên ngó xuống xấp hồ sơ bịnh lý của nàng. Lâu sau, bác sĩ nói. 

- Lẽ ra có dấu hiệu lạ phải cho tôi hay từ trước. 

Nàng lắc đầu. 

- Em không thấy có dấu hiệu gì lạ. 
- Không thấy gì sao? 

- Dạ không. 

- Lạ nhỉ. 

- Dạ. 

Nàng chậc lưỡi. 

- Thật ra em có thấy không được khỏe trong người, nhưng em tưởng sắp bị cảm cúm gì đó.

Bác sĩ im lặng. Cái im lặng ở bên ngoài. Nàng nói. 

- Em “on, off” không đều đặn. 

Bác sĩ gật đầu. Cái bão nổi ở bên trong. Nàng ngó bác sĩ. Bác sĩ băn khoăn. 

- Ở tuổi này, chuyện như vậy khó xảy ra. 

Nàng định nói em nhớ bác sĩ có nói hy hữu lắm, thường chỉ là một phần trăm. Nhưng kịp làm thinh. Hy hữu! Thường. Một phần trăm. Nàng lại mỉm cười. Nghĩ thầm. Hy hữu đâu có nghĩa là không bao giờ. Một phần trăm đâu có nghĩa là không có thể.

Nàng ngó lên nóc tủ nơi bác sĩ để một mớ thùng cạc tông đựng thuốc thang gì đó. Nghĩ đến những câu chuyện phiếm, chuyện đời, chuyện ta bà thế giới, có lần bác sĩ ca thán, điều không ngờ nhất lại là điều thường xảy ra. Rồi nàng cũng nhớ bác sĩ kể người đàn ông của bác sĩ bỏ đi vào một thời khắc thật hết sức bất ngờ. Ở độ tuổi không còn mấy ai muốn đổi thay. Và bác sĩ bảo không ngờ hơn nữa là người đàn bà ra đi cùng với người đàn ông ấy không phải trẻ, hay đẹp hơn bác sĩ…


Không ngờ!

Thiên hạ hay nói. Chuyện đời, gì cũng phải ngờ. Mà chắc có lẽ bác sĩ không để ý điều đó.

Nàng nhìn lại bác sĩ. Bác sĩ ngó đi chỗ khác. 

- Thôi thì tôi chúc mừng.

Nàng đáp cám ơn. Bác sĩ có trong tay hồ sơ bịnh lý, biết rất rõ về tình trạng gia đình của thân chủ, càng biết rõ hơn hai vạch đỏ trên que thử nghiệm quan trọng như thế nào với thân chủ, thay đổi cuộc sống thân chủ thế nào. Vậy mà bác sĩ ngỏ lời chúc mừng. Chúc mừng. Nàng ôm vòng xuống bụng. Lời chúc mừng này có thể tin được bao nhiêu phần trăm sự thật đây nhỉ?

Nàng ngước nhìn theo bác sĩ đang đứng dậy loay hoay sửa soạn dụng cụ thử nước tiểu và thử máu, nhớ đến tâm trạng của mình khi vừa nhận ra những dấu hiệu nghi ngờ. Nhớ đến sự sợ hãi và khủng hoảng trước điều “không ngờ”. Rồi nàng cũng nhớ đến những “giải pháp an toàn", những chuyện cần phải làm -một nơi trú ẩn xa lạ, một lời biện hộ dối trá, một ứng phó nào đó trước những lời dị nghị sẽ phải nghe...

Tự dưng nàng muốn bật cười thật lớn. Nghĩ bụng, giữa thời buổi này mà còn tìm kiếm được một giải pháp an toàn hay sao. Và nàng tự nói với mình, thế giới sắp sửa khánh tận thì hạt cát nàng giữa lòng đại dương mà nhằm nhò gì!
*

Bước ra khỏi phòng mạch bác sĩ, xuống cầu thang chạm những giọt nắng vàng nghiêng bên thành cầu thang lần nữa, nàng dừng lại đôi giây, đưa tay hứng giọt nắng. Bác sĩ dặn nàng.

- Tuần sau nhớ trở lại, còn một khám nghiệm nữa. 

Nàng vâng. Biết bác sĩ tránh mấy chữ down syndrome, nàng thầm cám ơn bác sĩ. Bác sĩ cười tươi.

- Nhớ ăn uống cẩn thận, đầy đủ. Đi bộ mỗi sáng. Uống sữa. Ăn nhiều trái cây. 

Và bác sĩ dặn thêm

- Cố gắng bỏ cà phê -thân ái nói- bỏ từ từ, để khỏi nhức đầu. 

Sau cùng bác sĩ huơ huơ tay trong không. 

- Còn thói quen nào không thấy tốt lắm thì cũng cố gắng bỏ luôn.

Nàng dạ. Sau mỗi câu dặn dò đều được nàng dạ. Nếu bác sĩ dạy công dân giáo dục, chắc chắn nàng sẽ được hai mươi điểm trên hai mươi. Phần thưởng biết nghe lời, ngoan ngoãn. Và chắc có lẽ vì vậy, nên lúc tần ngần tiễn nàng ra cửa -một điều hiếm- bác sĩ còn ban thêm câu dặn dò. 

- Nhớ trở lại đây đều đặn hơn trước.

Nàng nói.

- Em nhớ tất cả điều bác sĩ nói. 

Bác sĩ gật đầu. Tuy nhiên như chưa yên tâm, bác sĩ bật ra câu ái ngại. 

- Ráng gìn giữ. 

Lần này thì muốn hay không nàng cũng “vâng” một cách hết sức chân thành. Tuy nhiên sau khi quay lưng đi rồi, nàng lại phì cười một mình. Bác sĩ làm như em u mê, không biết đến cả những kiến thức khoa học phổ thông thường thức dành cho một người đang cưu mang thêm một con người!

Và nàng tự nói thầm, chắc chắn là nàng sẽ bỏ hết tất cả những thói quen ngày cũ. Sẽ không chỉ thôi cà phê, thôi gò lưng thức khuya, dầu chẳng còn ai nhắc nhở và năn nỉ nàng đi ngủ sớm. Sẽ vất nhiều công việc qua một bên cho dù cuộc sống mỗi lúc một bề bộn hơn lên với nàng. Nàng sẽ...Sẽ. Sẽ. Và sẽ...

Nàng nuốt nước bọt. Tự hứa sẽ thôi không đổ nước mắt cho dầu lòng còn chất chồng bao đắng cay. Nàng tự nhủ sẽ bước đi cách hiên ngang vững vàng. Bước đi một mình mà không cần vòng tay nào che chở. Không cần bờ vai nào tựa nương.

Nàng mở bừng hai mắt. Nhìn lên bầu trời xanh, rất xanh. Rồi nàng sẽ kiêu hãnh với nhân gian cho dẫu mới hôm qua nàng vẫn còn ngậm ngùi thấy mình không được cái hớn hở, cái vui mừng báo tin sẽ làm mẹ với mọi người -trong đó có cả người đã cùng với nàng tạo dựng nên hình hài bé nhỏ ấy. Nàng tự hỏi bầu trời mênh mông là dường ấy, lẽ nào không đủ dung lượng không khí cần thiết cho nhân vật bé bỏng của nàng. Cuộc sống thênh thang nhiều lối thoát dường ấy, không lẽ không một lối nào dành cho nàng. Và nàng lại mỉm cười. Đưa tay ôm vòng quanh bụng. Cảm thấy mình hữu dụng vì biết chắc hiện có một hình hài, dù bé bỏng, một nhân vật, dù tí hon, đang cần, rất cần đến nàng. Nàng loay hoay nghĩ đến những cái tên. Khi nhớ đến một cái tên ghép vần đã từng làm nàng cảm động đến muốn khóc, nàng ôm lấy vai, nhìn lên bầu trời lần nữa.

Nàng nói thầm. Rồi mẹ sẽ dẫn con đi xem con đại thử, sẽ cho con cưỡi đà điểu, sẽ cùng con đùa chơi với cá voi. Mẹ sẽ dạy con trồng cây khuynh diệp làm thức ăn cho gấu túi koala, và nói với con thành phố ngày xưa mẹ sống có nhiều cây khuynh diệp. Mai mốt khi con lớn khôn hơn, mẹ sẽ vẽ để cho con hình dung ra con đường mỗi sáng mỗi chiều khi mẹ bước đi dưới tàn nắng lưa thưa. Chắc có lẽ mẹ sẽ nhắc với con về một ánh mắt đuổi theo mẹ quấn quít. Mẹ sẽ hát cho con nghe bài ca dao dễ thương của xứ mình. Chim quyên chưa ăn trái nhãn lồng. Lia thia chưa kịp quen chậu, mà ta và bậu đã quen hơi. Chắc có lẽ mẹ sẽ nói với con rằng, con đã được hoài thai bởi một tình yêu thăng hoa và đã ra đời để ấn chứng cho tình yêu không bao giờ phai tàn ấy trong lòng mẹ.

Và có lẽ mẹ cũng sẽ nói với con rằng, mẹ luôn luôn ước ao con là con trai với nụ cười nhân lành của bố, ánh mắt hiền hậu của bố, và trái tim chân tình của bố, cho dẫu có thể sẽ không bao giờ con được gặp mặt bố, được gọi hai tiếng bố ơi ngọt ngào.

*

Lề bên trái. Lề bên trái. Cái đất nước phương nam thời tiết trái khuấy, mùa màng trái khuấy.

Nên bao giờ ra đường, nàng cũng dặn dò mình, cẩn thận đi ở lề bên trái.

Lề bên trái. Gã đàn ông ấy cũng đã đi ở lề bên trái. Hắn đã đi đúng với chiều nàng đang đi. Chỉ có điều hắn đi ngược lại phía nàng. Hắn bươn bả với một mớ đồ đạc gì đó trên tay. Hắn vội vã như lo buổi chợ sắp tàn. Hắn quýnh quáng như đàng sau hắn có người đuổi theo.

Hắn đi. Không. Hắn nhanh bước.

Gần như chạy.

Hắn sấn sổ những sãi dài. Hắn mạnh bạo nện gót xuống mặt đường.

Và rồi hắn va vào người nàng.

Hắn đụng phải nàng.

Hắn đâm sầm vào nàng. 

Ở phía lề bên trái. Ở phía nàng đang cẩn thận bước, bước thật chậm sau khi hứa với bác sĩ, hứa với nhân vật bé bỏng của mình, nàng sẽ cố gắng gìn giữ mọi điều.

Lề bên trái.

Lề bên trái. Đến nửa đêm, nàng vẫn còn nói với mình. Đi ở lề bên trái. Và đến nửa đêm nàng vẫn nhớ rất rõ khúc đường gã đàn ông đã va vào nàng. Nàng nhớ cả cái tư thế nàng ngã xuống trên nền xi măng như thế nào.

Cái va chạm không mạnh, cái ngã không đau, nên khi gã lật đật đỡ nàng dậy, lắp bắp nói câu xin lỗi y hệt như cái tướng lau chau gã đi như chạy trước khi đụng phải nàng, nàng đã không nổi nóng lên, mà lại nói. 

- Lần sau nhớ cẩn thận đi ở lề bên trái.

Lề bên trái. Đất nước nàng đang sống, chạy xe ở lề bên trái, đi bộ ở lề bên trái. Nàng đã tuân theo luật đi lề bên trái một cách hết sức cẩn thận. Dặn lòng nhiều lần. Phải luôn luôn đi ở lề bên trái.

Vì thế đến nửa đêm giật mình thức giấc bởi cơn đau lâm râm ở bụng dưới nàng vẫn nghĩ vu vơ đến cái lề bên trái. Cả khi cơn đau mỗi lúc tăng hơn, nàng cũng tự nói với mình không được lơ là, bất cẩn. Không được coi thường cả một thói quen không tốt. Không được tự ý làm bất cứ điều gì có thể gây tổn hại cho nhân vật bé bỏng của mình.

Và trong trạng thái nửa tỉnh nửa mê, lặn ngụp với những cơn co thắt, khi nhanh khi chậm, khi giật khi níu như thế, cho đến lúc nàng đột nhiên bỗng nhớ đến cơn đau dậy thì thời con gái. Những cơn đau thắt người thắt dạ. Những cơn đau xanh mặt xanh mày. Nàng tự mắng mình, đau gì mà đau lắm như thế, nhưng rồi cũng đột nhiên, bên tai nàng bàng hoàng vang lên lời của bác sĩ. Ở tuổi này, phải hết sức thận trọng mới mong giữ lại được…

Mồ hôi nàng rịn ra ở chân tòc rồi vả ra như tắm. Cổ họng nàng nghẹn cứng một hơi thở. Nàng cố gồng người, níu chặt lấy tấm chăn, ráng không cử động, không nhúc nhích, không day trở, nhưng đến lúc nghe giữa hai bên đùi mình một giòng nước âm ấm chảy ra thì nàng ngồi bật dậy như một cái lò xo. Nàng kêu lên. Không!

Không! Khép chặt hai đùi lại với nhau thật cứng, nàng cong người lên, nín thở. Không! Nàng kêu lên lần nữa. Không! Không phải!

Không! Không bao giờ là cơn đau nàng từng nghe nói đến. Không! Không bao giờ là điều bác sĩ đã ân cần căn dặn nàng!

Không! 
Nàng nghiến chặt răng lại với nhau. Không... Không phải... Không... Không bao giờ…

*

Nước mắt nàng ứa ra. Rớt hai cánh tay xuống bụng, nàng đau đớn ôm vòng ra phía trước, cố giữ chặt như thể dùng hết sức bình sinh của mình mà chiến đấu với một thế lực vô hình cũng đang muốn giành giựt món đồ quí giá của nàng.

Nàng lại kêu lên. Không! Không thể được! Tôi đang nằm mơ. Rõ ràng tôi đang nằm mơ. Đây chỉ là một cơn mơ. Chỉ là một giấc chiêm bao, không hơn không kém.

Là một chiêm bao... 

Chỉ là một giấc chiêm bao. Như tôi đã từng nghĩ tình yêu ấy, con người ấy đã hiện ra trong mơ của tôi. Nàng quặn thắt lòng, cố xua đuổi những điều không muốn nghĩ tới đang vần vũ trong trí. Mình sẽ không hề hấn gì. Không hề hấn gì.

Mình sẽ vượt qua. Vượt qua. Mình từng vượt qua nhiều điều. Mình từng vượt qua cả chính mình thì huống hồ gì cơn đau này...

Dốc hết sức, nàng chồm lên, với tay lấy chiếc điện thoại, toát mồ hôi quay số khẩn cấp, lòng thầm gọi, tôi ơi! Con ơi!

Mà phía bên dưới, giữa hai đùi nàng, một giòng nước âm ấm, vẫn cứ ứa ra không cách gì cưỡng lại được như trêu chọc nàng một cách hết sức tàn nhẫn.

HOÀNG NGA
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/07/hoang-nga-le-ben-trai.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001