Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son: “Việt Nam không có báo lá cải”
“Phải khẳng định trong xã hội chúng ta không có báo lá cải. Tuy nhiên có tờ báo trong một thời kỳ, thời điểm nào đó đã không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Đây chỉ là hiện tượng thể hiện khuynh hướng báo lá cải”, Bộ trưởng Thông tin-Truyền thông phân tích.
Tiếp tục phiên chất vấn Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Bắc Son sáng nay, 21/11, đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nêu nhiều con số thống kê, Việt Nam hiện có hơn 800 báo in, 67 đài phát thanh truyền hình và hàng trăm báo, trang tin điện tử. Ông Tiến cho rằng, lực lượng báo chí hùng hậu nhưng chưa thể hiện quy hoạch, quản lý tốt để ngăn chặn tình trạng trùng lặp thông tin, cạnh tranh không lành mạnh. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son làm rõ về trách nhiệm quy hoạch phát triển hệ thống báo chí – một vấn đề đặt ra từ nhiệm kỳ trước.
Bộ trưởng TT-TT “gật đầu” với phân tích của đại biểu về hệ thống báo chí hùng hậu hiện nay và cung cấp thêm con số 17.000 phóng viên được cấp thẻ đang hoạt động, trong đó riêng truyền hình có khoảng 5.000 phóng viên.
Bên cạnh những đóng góp quan trọng, nổi bật của báo chí, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son thẳng thắn thừa nhận những hạn chế, yếu kém trong quá trình tác nghiệp của một bộ phận báo chí như việc một số tờ báo hoạt động chưa đúng tôn chỉ mục đích, đưa tin tiêu cực nhiều, không phù hợp. Nhiều báo thậm chí còn đưa tin sai, không kiểm chứng, đưa tin ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, phân tích tỉ mỉ, diễn giải quá kỹ các vụ án, gây hoang mang xã hội.
Về vấn đề quy hoạch phát triển hệ thống báo chí, ông Son xác nhận số lượng như đại biểu đề cập là khá lớn và lĩnh vực quản lý nhà nước này do Bộ TT-TT chịu trách nhiệm.
“Đây là thách thức rất lớn của chúng tôi vì báo chí không chỉ là kênh thông tin tuyên truyền mà hiện nay, để đáp ứng nhu cầu hưởng thụ, giải trí của nhân dân, báo chí cũng là một công cụ quan trọng. Ngoài ra, Việt Nam là một quốc gia ven biển với 28 tỉnh thành có biển, 6 triệu dân đang sống bằng nghề biển, mỗi ngày đều có khoảng 1 triệu người dân mưu sinh trên mặt biển, báo chí cũng là kênh thông tin để đảm bảo an toàn cho mỗi chuyến đi, có vai trò lớn trong công tác phòng chống lụt bão…” – Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son lập luận, như vậy, nhiệm vụ, chức năng của báo chí cũng như trách nhiệm bao quát của cơ quan quản lý ngày càng nặng nề.
Bộ TT-TT đã tham mưu cho Chính phủ định hướng báo chí theo hướng sắp xếp, tổ chức lại để đảm bảo vẫn đủ về số lượng đầu báo lại nâng cao được chất lượng. Bộ chủ trương xây dựng mô hình cho phép một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm. Mục tiêu cụ thể nhất, phấn đấu đến năm 2020 các cơ quan báo chí đều tự hạch toán, nhà nước chỉ hỗ trợ đặt hàng với những ấn phẩm cho khu vực vùng sâu vùng xa, vùng trọng điểm của nhà nước. Truyền hình thì phải tự sản xuất 50% chương trình, hạn chế việc nhập chương trình, phim truyền hình từ nước ngoài về để phát sóng.
Đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (TPHCM) quan tâm tới khía cạnh khác là dù nhà nước không chấp nhận, không cho phép nhưng thực tế đã xuất hiện xu hướng báo chí không lành mạnh như dư luận vẫn gọi là “báo lá cải”. Nêu nhiều biểu hiện, tác động tiêu cực của báo lá cải đối với giới trẻ, bà Trang băn khoăn, những biểu hiện phức tạp về tội phạm vị thành niên hiện nay có bắt nguồn từ xu hướng không lành mạnh này.
“Trả lời phỏng vấn vừa qua, Bộ trưởng có đề cập nguyên nhân dẫn đến việc này là từ công tác quản lý báo chí của nhà nước. Thời gian tới, Bộ chủ trương làm gì để chấm dứt tình trạng này?” – đại biểu hỏi.
Bộ trưởng TT-TT trả lời: “Đối với nhà nước ta hiện nay, báo chí là phương tiện thông tin thiết yếu của xã hội, là cơ quan ngôn luận của nhà nước, các tổ chức chính trị xã hội, là diễn đàn của nhân dân nên phải khẳng định trong xã hội chúng ta không có báo lá cải. Tuy nhiên có tờ báo trong một thời kỳ, thời điểm nào đó đã không thực hiện đúng tôn chỉ mục đích. Đây là hiện tượng thể hiện khuynh hướng báo lá cải chứ Việt Nam không có báo lá cải”.
Vị tư lệnh ngành cũng khẳng định sẽ tăng cường kiểm tra để ngăn chặn kịp thời, xử lý sai phạm. Bộ cũng có kế hoạch đối với công tác đào tạo để nâng cao đạo đức của phóng viên trong quá trình tác nghiệp, nâng cao vai trò trách nhiệm của cơ quan chủ quản, duy trì phương thức, quy trình làm báo đã quy định để hạn chế, tiến tới không còn những sai phạm đã được chỉ ra.
Trao đổi thêm về chế tài đối với đơn vị vi phạm quy định về cung cấp thông tin cho báo chí mà đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang đặt ra, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, ngoài việc tuyên truyền thực hiện quy chế 25 về người phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí của Thủ tướng, Bộ TT-TT đã tổ chức hội nghị, tập huấn cho các địa phương về việc triển khai nhiệm vụ này.
Về băn khoăn nêu ra liên quan đến thông tin sửa đổi Điều 7 luật Báo chí về nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan mà đại biểu Lê Như Tiến đề cập, Bộ trưởng Son nhấn mạnh, điều luật này đã ghi rõ quy định trong phạm vi của mình, các cơ quan có nghĩa vụ cung cấp thông tin kịp thời, trừ trường hợp thông tin về các vụ án trong quá trình điều tra. Trong trường hợp đó, báo chí vẫn được đưa tin theo nguồn tin báo có và phải kiểm chứng, chịu trách nhiệm về thông tin này. Báo chí có thể giữ bí mật về nguồn tin, chỉ phải cung cấp khi có yêu cầu của Chánh án, Viện trưởng VKS cấp tỉnh trở lên.
Ông Son quả quyết, đến thời điểm này vẫn chưa thể nói gì về việc sửa đổi luật báo chí nói chung cũng như điều khoản quy định này nói riêng vì chương trình làm luật khóa XIII không bố trí nội dung này. Tuy nhiên, việc sửa luật Báo chí, ông Son nhận định là vấn đề phải đặt ra trong thời gian tới.
Theo Dân Trí
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/81607/bo-truong-nguyen-bac-son-viet-nam-khong-co-bao-la-cai/2013/11
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001