Thứ Bảy, 16 tháng 11, 2013

Cho phép hôn nhân đồng giới, một bước tiến đáng mừng

Cho phép hôn nhân đồng giới, một bước tiến đáng mừng 


Thanh Trúc, phóng viên RFA
2013-11-16
000_Hkg7848821-305.jpg
Giới trẻ tham gia hoạt động ủng hộ người đồng giới ở Hà Nội hôm 23/09/2012.
AFP 
Việt Nam vừa ra nghị định chính phủ cho phép hai người đồng giới kết hôn được quyền sống chung và sinh hoạt như một cặp vợ chồng bình thường. Trong mức độ chừng mực về mặt pháp lý và xã hội, sự chấp nhận có hiệu lực ngày tức thời này phải được hiểu như thế nào?

Thông thoáng và cởi mở hơn

Bắt đầu từ ngày 12 tháng Mười Một 2013, những cặp đồng tính sẽ được phép kết hôn và sống chung như vợ chồng.
Đó là nội dung Nghị Định Chính Phủ, có  hiệu lực tức thời, cho phép hai người cùng giới tính được làm đám cưới và dù không đăng ký kết hôn thì cũng không bị xử phạt hành chính như trước đây.
Bên cạnh đó, những cặp đồng tính lấy nhau sẽ được quyền sinh sống chung đôi như vợ chồng và sẽ được tự do tham gia vào những sinh hoạt cộng đồng. Mặt khác, nếu bị chính quyền địa phương can thiệp hoặc cản trở thì có thể viện dẫn nghị định, đã có hiệu lực từ ngày 12 tháng này, để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình.
Tin này ngay lập tức được nhiều người trong nước, đặc biệt những nhóm đồng tính, gọi chung là LGBT, diễn giải một cách vội vã là chính phủ Việt Nam đã chấp thuận hôn nhân đồng tính.
Một nhóm người rất nhỏ trong xã hội, một tỷ lệ nhỏ vốn bị yếu thế, nhưng xã hội đã để ý đến họ và tôn trọng họ thì đấy là một điều nên ngưỡng mộ.
-TS Phạm Quỳnh Hương
Theo luật sư Võ Hữu Thiên Ân, từ việc cho phép những cặp đồng tính được làm đám cưới đến việc chính thức chấp nhận hôn nhân đồng tính hãy còn là một chặng đường dài phải vượt qua:
“Nghĩa là hiện nay, theo dự thảo Luật Hôn Nhân Gia Đình mới của Việt Nam, thì kết hôn đồng tính ở dạng là không thừa nhận mà cũng không cấm. Thực tế là nó chỉ giải quyết những vấn đề người đồng tính người ta sống với nhau mà nếu sau đó có tranh chấp thì có những qui định để giải quyết, chỉ ở mức độ đó thôi.”
Nghị định vừa nói cho thấy chính phủ Việt Nam ủng hộ cho người đồng tính được lập gia đình với nhau, song nếu chỉ trong mức độ như luật sư Võ Hữu Thiên Ân trình bày thì liệu quyền lợi của họ có được bảo đảm để sống chung hạnh phúc không. Trả lời câu hỏi này, luật sư Võ Hữu Thiên Ân khẳng định là có:
“Nhà nước bảo hộ quyền về tài sản của những người đồng tính sống với nhau. Vì đây chỉ mới dự thảo luật thôi, dự thảo xong và nếu thông qua thì nó sẽ có những văn bản hướng dẫn các thứ để giải quyết tranh chấp về tài sản, tranh chấp về con cái, quyền nuôi con cấp dưỡng vân vân... thì nhà nước giải quyết vấn đề đó. Tinh thần của Luật Hôn Nhân Gai Đình mới là như vậy.”
Quyết định cho phép người đồng tính tổ chức lễ cưới, luật sư Võ Hữu Thiên Ân nhận định tiếp là đã mở ra một cánh cửa nhân đạo trong xã hội:

000_Hkg7848684-250.jpg
Giới trẻ tham gia hoạt động ủng hộ người đồng giới ở TPHCM hôm 23/09/2012. AFP PHOTO.

“Các anh đồng giới hay các chị đồng giới khi sống chung sẽ phát sinh tài sản chung, phát sinh những đứa con họ nhận về nuôi, và ở đây chủ yếu là bảo vệ quan hệ tài sản cho họ và bảo vệ cho những đứa con, những hệ lụy từ mối quan hệ đó nảy sinh sau này, có tranh chấp có ly hôn thì giải quyết như thế nào.
Thì cũng phải nói một điều chính xác, công nhận thì không công nhận mà là tôn trọng. Về quyền con người là tôn trọng bản năng của mỗi người theo xu hướng nào. Luật Hôn Nhân Gia Đình mới tôn trọng quyền đó. Đây là quan điểm rất tiến bộ so với Luật Hôn Nhân Gia Đình cũ rất là nhiều. Tương lai thì chưa biết có công nhận được hay không.
Thực ra chuyện đồng tính là một bộ phận rất nhỏ trong xã hội thôi nhưng bây giờ mức độ quan tâm lại rất nhiều. Những người khác thì tôi không biết nhưng lớp những người trong tuổi của tôi và tầm tuổi của tôi trở xuống, nghĩa là những người sinh ở thế hệ 7X, thì tôi nghĩ đối với vấn đề này nhìn nhận rất là thoáng thôi.”

Phải tôn trọng bản năng

Dưới mắt tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương thuộc Hàn Lâm Việt Nam Về Khoa Học Xã Hội, Viện Xã Hội Học, dù chỉ mới cho phép các cặp đôi đồng tính làm đám cưới thôi thì đây cũng là một bước tiến rất quan trọng và rất đáng mừng vì:
“Nó là một thành quả của một quá trình lâu dài với những nỗ lực của cộng đồng, những mạng lưới của những người quan tâm đến người đồng giới để mà đi đến sự thừa nhận của chính phủ về kết hôn đồng giới.”
Về mặt dư luận xã hội, tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương nói tiếp, nghị định này phản ảnh cách nghĩ thông thoáng hơn, cởi mở hơn, tác dụng tốt lên nếp suy nghĩ của các bậc cha mẹ vào khi càng ngày càng có nhiều người bước ra ánh sáng và chứng tỏ cho mọi người thấy họ là người đồng tính:
Đó là xu hướng, là quyền tự nhiên của con người, chẳng ai muốn như vậy nhưng mà bản năng và bản chất người ta sinh ra như vậy thì phải tôn trọng.
-Võ Hữu Thiên Ân
“Nếu mà nói về cách nhìn của xã hội thì nó cũng rất là đa dạng, với những người trẻ tuổi thì người ta dễ dàng chấp nhận hơn. Thật ra truyền thống và quan niệm của người Việt Nam cũng khác Phương Tây, bố mẹ Việt Nam chỉ muốn con cái trưởng thành lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái. Đấy là một trong những nội dung của chữ phúc. Gia đình nào mà con cái không được như vậy thì người ta cho là bất hạnh là vô phúc, nhưng người ta chấp nhận đấy là điều không may cho mình và cũng không đối xử tàn tệ với con mình.
Theo quan sát của tôi, trong một thập niên vừa qua, có rất nhiều hoạt động truyền thông đưa đến cho người dân trong xã hội một cái nhìn mới bao dung hơn, cởi mở hơn và chấp nhận người đồng tính hơn.”
Nhờ những hoạt động đó, những người trong giới đồng tính LGBT được hưởng hiệu quả tích cực, không còn phải trốn tránh, che đậy và sống ngược với bản năng đích thực của mình, gia đình cũng không phải xấu hổ vì có con trai hay con gái bị coi là bất bình thường.
Trong lúc Tiến sĩ Phạm Quỳnh Hương cho rằng nếu Việt Nam thông qua luật cho phép hôn nhân đồng tính là một thành công về mặt xã hội:
“Tức là người ta được tiếp nhận một cách bình thường, ví dụ người ta đi xin việc hoặc kinh doanh này nọ thì không gặp khó khăn như trước đây nữa. Một nhóm người rất nhỏ trong xã hội, một tỷ lệ nhỏ vốn bị yếu thế, nhưng xã hội đã để ý đến họ và tôn trọng họ thì đấy là một điều nên ngưỡng mộ…”
Thì luật sư Võ Hữu Thiên Ân lại dự kiến rằng nhà nước sẽ công nhận hôn nhân đồng tính trong một ngày gần đây:
“Tại vì đó là xu hướng, là quyền tự nhiên của con người, chẳng ai muốn như vậy nhưng mà bản năng và bản chất người ta sinh ra như vậy thì phải tôn trọng.”
Tưởng cần nhắc Luật Hôn Nhân Và Gia Đình của Việt Nam, ban hành từ năm 2000, khoản 5 điều 10 qui định cấm hôn nhân đồng tính. Tháng Bảy năm 2012, tại một buổi hội thảo về vấn đề hôn nhân đồng giới, Bộ Tư Pháp Việt Nam từng loan báo rằng Luật Hôn Nhân Và Gia Đình từ năm 2000 có nhiều điểm bất cập và không sát với thực tế cuộc sống, rằng xét về quyền tự do cá nhân thì sự kết hôn giữa hai người cùng giới tính cần được công nhận.
Nếu luật Hôn Nhân Và Gia Đình mới được thông qua mà không loại trừ hôn nhân đồng tính thì Việt Nam là quốc gia đầu tiên của Đông Nam Á chấp nhận cho người cùng phái được đăng ký kết hôn một cách hợp pháp.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vn-open-doors-for-lgbt-marriage-tt-11162013130240.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001