Lê Phan - Ám ảnh bởi Cách mạng Văn hóa
at 11/11/2013 02:04:00 PM
Lê Phan
Tuần này,
trong những tin tức đưa ra nhân đảng Cộng sản Trung Quốc nhóm họp Hội
nghị Trung ương 3 của Ðại hội 18, có một tin cho biết là Chủ tịch Tập
Cận Bình đã không đạt được một ước muốn từ lâu của mình, đóng cửa các
trại cải tạo lao động mà ở Trung Quốc vẫn thường được gọi là trại lao
cải.
Nguồn tin
này, phát xuất từ Thông tấn xã Reuters, nói là ông Tập đã bị chặn trong
cố gắng giải tán hệ thống các trại lao cải. Bản tin coi điều này chứng
tỏ ông Tập chưa củng cố nổi đủ quyền lực để áp đặt ý muốn của mình lên
toàn đảng. Ðiều đó có thể đúng, nhưng chúng ta còn phải chờ xem. Ở Trung
Quốc, kể từ thời ông Ðặng Tiểu Bình lên nắm quyền, Hội nghị Trung ương 3
đã trở thành quan trọng. Người ta thường nói, Hội nghị Trung ương 1 là
để cho tân lãnh tụ trình làng, hội nghị 2 là để chuẩn bị nhân sự, và hội
nghị 3 mới là chính sách. Hội nghị 3 của ông Ðặng quả là quan trọng vì
chính đó là lúc ông trình bày chính sách cởi mở kinh tế, chính sách mà
ngày nay Bắc Kinh gọi là “xã hội chủ nghĩa theo định hướng Trung Quốc.”
Nhưng hội nghị 3 của ông Hồ Cẩm Ðào đâu có gì quan trọng đâu.
Trong khi
đó, câu chuyện về hệ thống lao cải của Trung Quốc có lẽ cũng quan trọng
không kém vì cho chúng ta một nhận thức quan trọng về quốc gia này: đó
là sự ám ảnh của cuộc Cách mạng Văn hóa trong tinh thần người dân nước
này.
Ông Tập muốn
đóng cửa hệ thống lao cải chính là vì Cách mạng Văn hóa. Hồi đó, thân
phụ ông, Phó thủ tướng Tập Trọng Huân, một trong những nhân vật nổi
tiếng có chủ trương cấp tiến, đã là nạn nhân của chính hệ thống lao cải
mà người con trai ông muốn phá hủy.
Trong những
nhân vật thuộc hàng lãnh đạo nguyên thủy của đảng Cộng sản Trung Quốc,
Tập Trọng Huân có lẽ là một trong những nhân vật có chủ trương tự do cởi
mở nhất. Là bạn thân của ông Bành Ðức Hoài, ông đã bị vu cáo cùng ông
Bành và đã bị giáng xuống làm phó giám đốc một công ty sản xuất máy cày ở
Lạc Dương hồi năm 1965. Khi Cách mạng Văn hóa nổi lên, ông bị đưa ra
đấu tố, bị bắt đi cải tạo trong suốt 10 năm trời.
Theo
Reuters, ông Tập Cận Bình đã bị ảnh hưởng nặng khi ông Tập Trọng Huân
được đoàn tụ với gia đình sau 16 năm tù đày. Ông Trọng Huân không nhận
nổi hai cậu con trai của mình nữa. Ông hỏi, “Ðứa nào là Cận Bình, đứa
nào là Nguyên Bình?” Trong một bài báo kể lại câu chuyện này, ông em
Nguyên Bình nói cả gia đình đã bật khóc.
Mà ảnh hưởng
của cuộc Cách mạng Văn hóa không phải chỉ đối với gia đình ông chủ
tịch. Tôi mới có dịp đi Trung Quốc gần đây và tuy chỉ là qua một tour du
lịch, những câu chuyện của những người hướng dẫn cho thấy ảnh hưởng đó
lan tỏa đến cả giai cấp tiểu tư sản thành thị cũng như nông thôn.
Ông hướng
dẫn ở Tây An chẳng hạn kể lại là khi cuộc Cách mạng Văn hóa nổ ra năm
1966, ông ta năm đó mới 11 tuổi, bỗng qua đêm thấy mình thất học. Vốn
gia đình bố mẹ sống ở tỉnh lẻ, ông ta kể lại là đã được gửi lên Tây An
đi học ở nhà ông chú vốn là một giáo sư trung học. Ông chú cùng với các
thầy giáo khác bị bắt đi lao cải, đám học trò lúc đầu cũng bắt chước tìm
cách đấu tố các thầy nhưng sau cũng bị đưa về nông thôn.
Ðã trên 30
năm nhưng cậu học sinh thành thị vẫn chưa quên những ngày cay đắng ở
nông thôn. Ông ta kể tất cả đám học sinh thành thị bị đưa vào một hợp
tác xã, làm những công việc đồng áng nặng nhọc. Không có trâu, họ thay
nhau làm trâu.
Công việc
quần quật từ sáng sớm đến chiều tối, nhưng cái khổ nhất là không có gì
giải trí. Sách báo không có, họ chỉ biết nghe loa phóng thanh của trại,
một điều mà ông ta bảo nhiều khi cũng là một thứ tiêu khiển vì ít nhất
cũng nói đến những gì xảy ra ở những nơi khác dù chỉ là tuyên truyền.
Khổ một nỗi đến cái loa phóng thanh cũng lâu lâu bị im tiếng vì không có
điện.
Mười năm
sau, được thả trở về thành phố, cả một thế hệ thanh niên đã trở thành
thất học. Nhờ ông bố là một quân nhân cao cấp, chính quyền kêu về và
giao cho làm giám đốc bệnh viện địa phương. Gia đình trở lại nếp sống cũ
và ông bố nhất định bắt cậu con trai phải trở lại đi học. Ông ta kể lại
thực sự lúc đó không muốn đi học nữa, chỉ muốn xin bố cho vào làm tài
xế cho bệnh viện tỉnh. Ông bố không chịu, cậu con trai đành ngồi xuống
học thi vào đại học. Khổ một nỗi trong kỳ thi tuyển có bốn môn chính thì
lại có toán. Vốn là người hoàn toàn không có khả năng về toán, ông cứ
thi trượt hoài. May mắn thay lúc đó chính quyền bắt đầu thấy cần có một
số sinh viên học sinh ngữ, và thi tuyển vào đại học sinh ngữ không cần
toán. Nhờ vậy mà ông đã vào được trường đại học ngoại ngữ để giờ đây đã
lên được đến phó giám đốc địa phương của công ty du lịch nhà nước.
Chiến dịch
mà ông hướng dẫn của tôi là nạn nhân được Mao khởi xướng vào tháng 12
năm 1968. Trong suốt chiến dịch kéo dài đến gần một thập niên này, thanh
niên trí thức ở thành thị bị ra lệnh phải về nông thôn để học hỏi nông
dân. Danh từ “trí thức” đây được sử dụng theo một cái nghĩa hết sức lỏng
lẻo tả những học sinh mới tốt nghiệp các trường “middle school.” Mục
đích của chiến dịch này là để giúp ông Mao Trạch Ðông khống chế bớt
phong trào thanh thiếu niên Hồng vệ binh, con quái vật mà chính ông tạo
ra để dùng làm công cụ đàn áp những người mà ông nghĩ là có ý định muốn
chống đối mình. Ðuổi họ về nông thôn, bắt vào làm việc quần quật trong
các hợp tác xã nông nghiệp, sẽ làm cho họ ít tạo thêm xáo trộn.
Cuộc sống
của ông hướng dẫn ở nông thôn tuy vậy chắc chưa tệ hại bằng cuộc sống
của ông Tập Trọng Huân khi bị đi lao cải. Ðược biết, ngày 22 tháng 2 năm
1978, khi đáp chuyến tàu hỏa rời Lạc Dương tới Trịnh Châu thuộc tỉnh Hà
Nam, ông đã không kềm chế nổi cảm xúc và đã ôm ông Trần, bí thư tỉnh ủy
Hà Nam và nói, “Ðây là lần đầu tiên từ 16 năm nay mà tôi ôm một người
khác.”
Là người
ngoài cuộc, thật khó hiểu cuộc sống trong một đất nước mà lãnh tụ đã cố
tình tạo nên xáo trộn ở một mức độ khủng khiếp đến như vậy. Hàng trăm
triệu người bị tố khổ, bị hành hạ, bị đi tù. Hàng trăm triệu thanh thiếu
niên bị đưa về nông thôn và lớn lên thất học. Không biết bao nhiêu
triệu người chết vì tù đày, hành hạ. Nền kinh tế sụp đổ. Và ngày nay,
hơn 30 năm sau, ảnh hưởng của chính sách điên cuồng đó vẫn còn. Có thể
những vết tích tàn phá của đám hồng vệ binh như khúc tường thành ở Thành
Ðô đã được sửa chữa lại nhưng những vết thương tâm hồn thì không có gì
hàn gắn nổi. Ðó mới là cái đáng sợ của cuộc Cách mạng Văn hóa.
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/11/le-phan-am-anh-boi-cach-mang-van-hoa.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001