Thứ Hai, 11 tháng 11, 2013

Minh Văn - Đi thăm Nhà Thơ

Minh Văn - Đi thăm Nhà Thơ 



Minh Văn
Đã hẹn với nhà thơ Trần Đức Thạch từ lâu mà tôi vẫn chưa đi thăm ông được. Biết ông ra tù cả năm nay, ngưỡng mộ cũng vì ông là một nhà thơ yêu nước. Những vần thơ của ông chứa đựng khát vọng tự do, khát vọng cống hiến - điều mà văn học nước nhà vẫn hằng khắc khoải. Cũng bởi lẽ đó mà ông phải ngồi tù 3 năm, vì đã dám cất lên tiếng nói sự thật bằng những vần thơ cháy bỏng.
Vậy là thân phận nhà thơ được khắc hoạ ngay giữa chốn đời, bởi một chế độ nhà nước kiểm duyệt văn học nghệ thuật vào loại hà khắc nhất thế giới - chế độ Cộng sản. Vì đang thời gian quản chế nên ông thuê một căn nhà nhỏ ở vùng núi miền tây xứ Nghệ, cách nhà những 80 km để mà sống gần gũi với thiên nhiên. Vì vậy mà bạn bè hay những người quan tâm đến ông, nếu muốn đến thăm thì phải vượt thêm chặng đường dài này.
Tôi và anh bạn khởi đầu hành trình vào một sáng cuối Thu Quý Tỵ (2013), con tỉnh lộ 48 mới được mở rộng khá tốt nên xe chạy bon bon. Cũng chỉ khoảng tuần nữa là lập Đông nên tiết trời se lạnh, cho dù nắng vàng mật ong đang dát nhẹ và rắc đều lên không gian. Khung cảnh trãi dần ra hai bên đường, xa xa nhấp nhô những ngọn núi xanh lơ. Tôi cũng đã có thời gian ngắn sống ở nơi này, cảnh cũ tình xưa khiến lòng bâng khuâng, cũng đã lâu không thăm lại chốn xưa. Nhưng tâm trí lúc này lại nghĩ nhiều đến nhà thơ, đến một bản lĩnh và phong cách sống khiến tôi hằng mến phục.
Vì là vùng đồi núi nên ngoài những ngọn đồi trồng cây công nghiệp hay lấy gỗ như cao su, keo, bạch đàn thì người dân ở đây cũng trồng thêm nhiều loại cây ăn trái để có thêm thu nhập. Bấy giờ có lẽ đang mùa thu hoạch cam nên đồng bào bày ra bán hai bên đường rất nhiều. Cứ một đoạn ngắn lại có những hàng cam sắp chồng lên nhau, trông xa như những ngọn đồi nhỏ tròn trĩnh.
Gần trưa thì chúng tôi đến ngã ba SL, nhớ lời nhà thơ dặn, tôi dừng lại và lấy điện thoại di động gọi cho ông. Nhà thơ ra đón chúng tôi, ông ăn mặc giản dị, mái tóc dài bồng bềnh trông thật nghệ sĩ. Theo chân ông rẽ vào lối nhỏ một đoạn thì đến nơi, ngôi nhà mà ông đang ở thật giản dị, chung quanh là vườn rau thơm xanh mướt. Một nơi thật phù hợp cho người ẩn dật, khung cảnh yên bình vắng vẻ. Nhà thơ vồn vã bắt tay và ôn tồn hỏi thăm chúng tôi về chuyến đi, rằng chạy xe có mệt không và mất bao thời gian. Vậy là cũng mất khoảng hai tiếng đồng hồ chúng tôi vượt chặng đường dài hơn 70 km để đến thăm ông. Ông rất vui khi thấy chúng tôi đến chơi, nhận được sự cảm thông và chia sẻ với những lý tưởng tốt đẹp mà ông đang theo đuổi. Tuy đã ngoại 60 nhưng tính cách nhà thơ còn rất trẻ và lạc quan, ông vừa nói vừa tươi cười:
- Các bạn cứ coi ngôi nhà giản dị này như nhà mình, hãy ngồi chơi tự nhiên và chúng ta cùng trò chuyện.
Cuộc trò chuyện ban đầu thật ấm cúng thân mật. Ông kể cho chúng tôi nghe về khoảng thời gian đầu mới ra tù, về tình cảm thân thương mà người dân dành cho mình, về sự theo dõi giám sát của chính quyền địa phương. Hiện ra trước mắt tôi lúc này là một con người quả cảm với nghị lực tranh đấu phi thường cho những giá trị nhân bản tốt đẹp ở đời. Một con người dám sống thật với chính mình, dám nói thẳng nói thật những điều mắt thấy tai nghe. Giờ thì tôi đã hiểu, tại sao ông lại bị chế độ Cộng Sản cầm tù. Phong cách sống của ông có khác gì cái gai trong mắt nhà cầm quyền, một chế độ nhà nước chỉ quen với sự phục tùng vô điều kiện của người dân, quen với sự kìm kẹp tự do tư tưởng con người. Câu chuyện hoà vào tình đời, tình người xao động. Tiếng chim chuyền cành líu lo ngoài song cửa vọng vào, giữa khung cảnh yên bình, cảm thấy lòng mình thật thanh thản nhẹ nhàng.
Và rồi mãi trò chuyện mà quên cả thời gian, lúc này người vợ yêu của nhà thơ mới nhẹ nhàng nhắc nhở chúng tôi là đã đến giờ dùng bữa trưa. Tôi thầm vui cho hạnh phúc của nhà thơ, tuy đang phải sống trong sự quản chế của một chế độ nhà nước hà khắc, nhưng ông lại được người vợ trẻ hết mực yêu chiều. Hạnh phúc là vậy, có cần gì nhiều, hạnh phúc là khi con người ta được là chính mình và sống giữa tình yêu thương. Quả thực, ông là một con người may mắn, tôi thầm nhủ như vậy.
Nhìn mâm cơm người vợ hiền mới bưng lên, ông lởi xởi:
- Mời các bạn dùng bữa trưa với mình, chúng ta cứ có gì dùng nấy nhé...
Tôi tiếp lời:
- Đối với nhà thơ, tinh thần là món ăn chính mà anh...
Rồi chúng tôi cùng cười vang mà vui vẻ ngồi vào mâm. Bên những ly bia, câu chuyện đời lại được tiếp nối như một mạch chảy không bao giờ dứt. Lúc này lại được chứng kiến một cái tài nữa của nhà thơ, ấy là đánh đàn Ghitar. Ông hát và đánh đàn rất nhuyễn. Biết tôi lận đận về đường tình duyên, ông vừa ôm đàn gảy vừa hát tặng tôi một bài hát về vòng nhẫn cưới thật xúc động. Và không để những chuyện tình cảm làm lắng dịu không khí, tiếng đàn lại vang lên những điệu nhạc đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền. Chúng tôi vừa vỗ tay vừa hát theo nhà thơ, như hoà cùng nhịp đập về nổi khát khao tự do dân chủ cho đất nước.
Cuối buổi, chúng tôi ra vườn rau thơm mà ông và vợ hằng ngày trồng trọt chăm bón để chụp hình lưu niệm. Lúc chia tay, nhà thơ cùng vợ con ra tận cổng để chào từ biệt chúng tôi, không khí thật bịn rịn thân thương. Ông trao tặng tôi tập thơ Điều Chưa Biết - do nhà xuất bản Nghệ An xuất bản và ấn hành năm 2006.
Tôi xiết chặt tay nhà thơ lần cuối trước khi chia tay, ông nói với tôi như một người bạn tâm giao:
- Lạc quan, yêu đời, luôn hy vọng vào tương lai tốt đẹp. Đó là vũ khí của chúng ta, nó sẽ khiến cho kẻ độc tài thất bại, và tự do sẽ chiến thắng.
Ngọn lửa niềm tin ấm áp đó của ông truyền tiếp cảm hứng cho tôi về các giá trị tự do sẽ được giải phóng trong tương lai. Trời đã về chiều, những cơn gió lạnh miền sơn cước đang ùa về làm lay động những khóm lá bên đường.
“Có một truyền thuyết về một con chim chỉ hót một lần trong đời, nhưng hót hay nhất thế gian. Có lần nó rời tổ bay đi tìm bụi mận gai và tìm cho bằng được mới thôi. Giữa đám cành gai góc, nó cất tiếng hát bài ca của mình và lao ngực vào chiếc gai dài nhất, nhọn nhất. Vượt lên trên nổi đau khôn tả, nó vừa hót vừa lịm dần đi, và tiếng ca hân hoan ấy đáng cho cả sơn ca và hoạ mi phải ghen tị. Bài ca duy nhất có một không hai, bài ca phải đổi bằng tính mạng mới có được. Nhưng cả thế gian lặng đi lắng nghe, và chính thượng đế trên thiên đình cũng mỉm cười. Bởi vì tất cả những gì tốt đẹp nhất chỉ có thể có được khi ta chịu trả giá bằng nổi đau khổ vĩ đại...; ít ra là truyền thuyết nói như vậy”. (*)
Đối với nhà thơ Trần Đức Thạch, thì đó là tình yêu của ông với thơ ca nghệ thuật. Ông đã cất lên tiếng thơ lòng một lần trong đời, và đã bị chính chiếc gai sắc nhọn của chế độ độc tài cầm tù cùng với niềm tin sắt son vào tự do nghệ thuật.
11/11/2013

Minh Văn
- (*): Trích trong tiểu thuyết “Tiếng chim hót trong bụi Mận Gai” của nữ văn sĩ Colleen McCullough.
Hồ Gươm gửi hôm Thứ Hai, 11/11/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131111/minh-van-di-tham-nha-tho
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001