Nghệ sĩ Năm Châu và ý kiến gọi ông Trần Tấn Quốc trở về Sài Gòn
Ngành Mai, thông tín viên RFA
2013-11-16
2013-11-16
Tổ nghiệp cải lương an bài
Nhưng có lẽ do Tổ nghiệp cải lương an bài hay sao, mà ông Quốc về Cao Lãnh vào cuối tháng Hai 1961, lại đúng vào thời điểm ban tuyển chọn giải Thanh Tâm họp tuyển chọn nghệ sĩ triển vọng của năm 1960. Hai nữ nghệ sĩ Ngọc Giàu và Bích Sơn trúng giải nhưng chưa ai dám công bố vì vắng mặt ông chủ giải.Năm đó thành viên ban tuyển chọn gồm 15 người, chia ra 2 phe: Một phe thì đòi cứ công bố kết quả dù có mặt ông Quốc hay không, với lý luận nếu như ông Quốc chết rồi cũng chờ đợi ông sống dậy hay sao? Còn phe kia có 2 thành viên nặng ký là nghệ sĩ lão thành Bảy Nhiêu và Duy Lân thì nhứt quyết không chịu, nói rằng công bố kết quả giải Thanh Tâm mà vắng mặt chủ giải Thanh Tâm không lý do chính đáng thì còn ý nghĩa gì nữa chứ!
Nghệ sĩ Năm Châu và Má Bảy Phùng Há năm đó không có tên trong ban tuyển chọn, nhưng là nghê sĩ kỳ cựu được hỏi ý kiến thì cũng chẳng đồng ý việc công bố kết quả mà thiếu vắng ông Trần Tấn Quốc. Do vậy giải Thanh Tâm lâm vào khủng hoảng khó mà giải quyết.
Tình trạng khủng hoảng kéo dài cả tuần không có lối thoát, chưa ai tìm ra phương thế giải quyết thì sự việc quan trọng diễn ra mà không ai có thể ngờ được. Vấn đề này về sau nghệ sĩ Năm Châu kể lại rằng thời ấy ông đang dạy ở Trường Quốc Gia Âm Nhạc Sài Gòn. Khoảng 2 giờ chiều ngày nọ ông vừa vào lớp thì vị giám đốc trường là giáo sư Nguyễn Phụng xuống báo tin, rằng ông Ngô Trọng Hiếu ở Phủ Tổng Ủy Công Dân Vụ vừa cho người mời ông và Năm Châu đến đó mà không biết có việc chi.
Số là ông Ngô Trọng Hiếu, một nhân vật được coi như có uy quyền, thân cận với Ngô Triều, ông đã đưa nghệ thuật cải lương vào chiến lược dân vận do ông đề ra. Lúc làm Đại Sứ Việt Nam Cộng Hòa tại Nam Vang, ông thường “giả dạng thường dân” đi thăm xóm nhà người Việt sinh sống trên đất Miên. Ông nhận thấy cứ mỗi trưa, khi đài phát thanh Sài Gòn, giờ chương trình cổ nhạc thì hầu như mọi chiếc radio trong xóm nhà người Việt đều mở. Và khi hết cổ nhạc thì phần lớn họ tắt máy hoặc đổi sang đài Nam Vang nghe tiếng Miên (người Việt ở Nam Vang rất thông thạo tiếng Miên).
Sau khi Việt Nam và Miên đoạn giao, ông Hiếu về nước được bổ nhiệm đứng đầu Phủ Tổng Ủy Công Dân Vụ. Từ đó thì bộ môn nghệ thuật cải lương được chính quyền lưu tâm, mà dễ thấy nhứt là mỗi tối Thứ Bảy cho đài phát thanh Sài Gòn trực tiếp truyền thanh tuồng cải lương tại các rạp suốt 3 tiếng đồng hồ.
Nhà nhà nghe cải lương
Vào thời này người dân nông thôn chiếm hơn 90 phần trăm dân số, quanh năm suốt tháng hầu như chẳng có nguồn vui nào, ngoài cái thú được nghe radio hát tuồng cải lương. Sau một ngày làm lụng cực nhọc ngoài ruộng rẫy, tối đến đỏ đèn là đi ngủ, và mỗi đêm Thứ Bảy là họ tập trung tại mấy nhà có radio để nghe cải lương, theo dõi cho đến vãn hát, tức sau 11 giờ đêm. Dĩ nhiên những đài khác phát thanh cùng giờ đã không có thính giả.Cũng nên biết rằng thời đó một xóm chỉ có vài cái radio mà thôi, nên mỗi tụ điểm nghe cải lương chẳng khác gì một rạp hát. Mỗi cái radio có hàng trăm người đến nghe ké, già trẻ bé lớn ngồi từ trong nhà tràn ra sân.
Thông thường một tuồng cải lương có 3, 4 màn, trong lúc buông màn chuyển cảnh là lúc bản tin của Bộ Thông Tin được đọc thông báo tin tức, chánh sách của chính phủ, do đó mà dù muốn dù không người dân cũng phải nghe bản tin. Sự thể trên chứng tỏ bộ máy tuyên truyền chiến lược của ông Ngô Trọng Hiếu thật tinh vi trong vấn đề cho phát thanh tuồng cải lương.
Máy radio thời này chạy băng pin khối của máy truyền tin quân đội, mua rất đắt nên đa số máy chỉ mở vào đêm Thứ Bảy, ngày thường họ không mở để tiết kiệm pin. Về sau radio Transistor xài pin 1, 5V của Nhựt được nhập cảng vào nhiều với giá vừa phải, nên con số nhà có máy radio tăng lên, người đi nghe ké giảm dần cho đến khi hết hẳn.
Ngoài ra ông Hiếu cũng từng đến trụ sở Hội Nghệ Sĩ Ái Hữu ở đường Cô Bắc dự lễ cúng Tổ và bầu ban chấp hành. Ngoài việc ban huấn từ, ông còn tặng tiền cho hội mở rộng công tác văn hóa. Tóm lại ông Ngô Trọng Hiếu là người rất quan tâm đến hoạt động cải lương, nên khi biết được giải Thanh Tâm bị khủng hoảng, ông liền cho lệnh gọi Giáo sư Nguyễn Phụng và nghệ sĩ Năm Châu đến.
Lúc Giáo Sư Nguyễn Phụng và nghệ sĩ Năm Châu đến nơi thì ông Hiếu hỏi ngay về vấn đề khủng hoảng giải Thanh Tâm, và sau khi Năm Châu trình bày tự sự thì ông Hiếu nói: “Vậy theo ý anh Năm Châu thì sự việc phải giải quyết thế nào cho ổn”?
Từ những năm trước, khi đài phát thanh Sài Gòn cho trực tiếp truyền thanh tuồng cải lương thì nghệ sĩ Năm Châu từng nói với vài nhà báo là ông rất thán phục ông Ngô Trọng Hiếu sự việc trên, đã có cái nhìn thực tế và không ngần ngại khen tặng ông Hiếu là một chiến lược gia lỗi lạc về chính sách dân vận. Giờ đây ông Hiếu hỏi vấn đề, Năm Châu cũng nói thẳng ra sự thật, và ông cặn kẽ giải bày rằng mình từng quen biết với ông Trần Tấn Quốc từ 20 năm nay, nhận thấy ông ta có 2 cái đam mê: Một là làm báo và thứ hai là yêu thích sân khấu cải lương, làm chủ bút tờ báo nào cũng mở trang kịch trường nói về cải lương. Thế nhưng, từ những tháng đầu tiên Ngô Tổng Thống về nước làm Thủ Tướng thì Bộ Thông Tin liền ra nghị định đóng cửa 3 tờ báo: Nhựt báo Thần Chung của Nguyễn Kỳ Nam (Nam Đình), tờ Dân Ta của Nguyễn Vỹ và tờ Tiếng Dội của Trần Tấn Quốc. Từ ấy đến nay ông Quốc hết làm chủ bút tờ báo này thì đến chủ bút tờ báo khác, và sau cùng là tờ Buổi Sáng đang vững mạnh thì xảy ra chuyện bà vợ Thanh Loan...
Ông Quốc thấy rằng giờ đây khó mà tiếp tục hành nghề nên bỏ về quê Cao Lãnh, một địa danh sát nách với Đồng Tháp Mười, cứ địa của kháng chiến trong thời kỳ chiến tranh Việt Pháp vừa qua. Theo ông thì ông Quốc đang lo phụng dưỡng mẹ già, do hoàn cảnh mà phải chịu gác bút, thế thôi! Nếu như bị chèn ép quá, ông Quốc chỉ một bước là đi theo bà vợ Thanh Loan dễ dàng, chừng ấy giải Thanh Tâm vô phương cứu vãn, đại đa số người dân miền Nam yêu thích cải lương sẽ bất mãn.
Năm Châu nói tiếp giờ đây phương thức hay nhứt là gọi ông Quốc về tiếp tục nghề làm báo, nếu ông có mặt ở Sài Gòn thì giải Thanh Tâm đương nhiên được giải quyết mà không cần phải ai yêu cầu. Hiện giờ giải Thanh Tâm chỉ khủng hoảng trong nội bộ, dư luận thiên hạ bên ngoài chưa biết nhiều, phải gọi ông Quốc về liền chớ không thôi thì đã muộn, vì nghe nói thì ông vẫn còn ở Cao Lãnh chứ chưa đi đâu hết. Năm Châu giải thích xong, ông Hiếu tươi cười nói rằng ông sẽ có cách giải quyết vấn đề.
Thế là sau khi Năm Châu và giáo sư Nguyễn Phụng ra về thì ông Ngô Trọng Hiếu đi ngay vào Dinh Độc Lập trình bày sự thể với Tổng Thống Ngô Đình Diệm. Liền sau đó một công điện hỏa tốc từ Phủ Tổng Thống gởi cho Trung Tá Đinh Văn Phát, Tỉnh Trưởng Kiến Phong, ra lệnh cho viên tỉnh trưởng này phải tìm cho ra ông Trần Tấn Quốc, mời về Sài Gòn gấp để gặp Ngô Tổng Thống tại Dinh Độc Lập.
Thời Đệ Nhứt Cộng Hòa mà có một nhà báo nào được Ngô Tổng Thống mời vào Dinh Độc Lập đàm đạo là chuyện hiếm thấy, nếu người ta không muốn nói là khó có thể xảy ra. Thế mà đã có một nhà báo miền Nam: Ông Trần Tấn Quốc lại được mời gặp Ngô Tổng Thống đến 4 lần trong một tháng ắt phải có điều gì quan trọng lắm.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/programs/TraditionalMusic/traditional-music-1116-nm-11152013153850.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001