Thứ Hai, 4 tháng 11, 2013

Nỗi buồn mang tên ‘Bình Thống đốc’

Nỗi buồn mang tên ‘Bình Thống đốc’ 



|
TP - Khai mở loạt bài này có lẽ bắt đầu từ thông cáo báo chí của bà Christine Largarde, Tổng Giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhân buổi làm việc của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng hồi tháng 9/2013 với các tổ chức tài chính quốc tế, Ngân hàng Thế giới (WB) và IMF ở Washington DC.

Thô
Thống đốc Nguyễn Văn Bình
“Chúng tôi đã thảo luận hiệu quả về tiến bộ Việt Nam đã đạt được trong việc khôi phục ổn định kinh tế vĩ mô trong năm vừa qua và về các chính sách củng cố những thành tựu này và thúc đẩy hơn nữa thành tích giảm nghèo đáng ngợi khen của Việt Nam. Tôi hoan nghênh nỗ lực của các cơ quan Chính phủ trong việc duy trì củng cố tài khóa và đạt được mục tiêu về thâm hụt ngân sách trong năm nay, điều này cùng với chính sách tiền tệ hiện tại, sẽ góp phần giúp kiềm chế lạm phát.
Tôi chúc mừng Thủ tướng Dũng đã chỉ đạo xây dựng chương trình cải cách của Việt Nam để bắt đầu tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, tăng cường quản trị doanh nghiệp tại các doanh nghiệp nhà nước và đẩy mạnh cổ phần hóa các doanh nghiệp này, và cải cách đầu tư công. Trong bối cảnh môi trường quốc tế hiện nay, tôi nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến triển nhanh chóng trong thời gian tới, để đảm bảo ổn định tài chính và tạo cơ sở để tăng trưởng mạnh và bền vững trên diện rộng”
Kỳ I: Nỗi buồn mang tên “Bình Thống đốc”
Thông cáo báo chí trên ghi nhận: Chỉ đạo xây dựng chương trình…
Vậy, còn người thực hiện? Thống đốc Nguyễn Văn Bình đang ngồi kia. Trước những lời ghi nhận của Chủ tịch WB và IMF, gương mặt ông bình thản, lặng lẽ…
Tôi chợt nhớ vẻ bình tĩnh, nói đúng hơn là bình thản của ông Thống đốc thời điểm tới tấp những câu hỏi chất vấn. Không còn là câu hỏi mà là búa là rìu của những đại diện cử tri trong các phiên chất vấn kỳ họp thứ hai và thứ 4 Quốc hội khóa XIII này.
Chưa hết, tháng 8 năm 2012, Tạp chí Global Finance xếp Thống đốc Nguyễn Văn Bình vào 20 thống đốc ngân hàng nhà nước kém nhất.
Về việc này, có người kể lại câu chuyện vui. Khi gia đình ông Bình chuyển hộ khẩu đến địa bàn phường khác được ít ngày thì vợ ông sinh con, mà sinh ba. Lúc làm thủ tục đăng ký hộ khẩu không được. Phường ấy đề nghị ông phải quay lại phường cũ để giải quyết vì việc thụ thai lẫn thai nghén được thực hiện và diễn ra trên địa bàn nơi cư trú cũ chứ phường mới không chịu trách nhiệm!? Ý người kể chuyện muốn nói tạp chí Global Finance chưa được khách quan, nợ xấu và những hệ lụy này khác của ngân hàng Việt Nam có nguồn gốc bởi lỗi hệ thống đã tích tụ qua nhiều năm, qua nhiều đời Thống đốc và đến khi ông Nguyễn Văn Bình nhậm chức thì vấn đề mới bắt đầu phát tác?.
Tới tấp những búa rìu trong Quốc hội lẫn rìu búa dư luận. Nặng chùy hơn là những cảnh báo sốt sắng rằng, sắp tới Việt Nam sẽ có một cuộc khủng hoảng tài chính – kinh tế, hay còn gọi là “suy thoái kép” bùng phát! Mà khởi nguồn từ hiệu ứng domino trong giới ngân hàng và tiếp tới dắt dây, lan tỏa ra toàn bộ huyết mạch kinh tế.
Rồi người ta rầm lên dư luận Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình không phải là một gương mặt may mắn với giới tài chính ngân hàng!? Bởi dưới trào của ông, chưa bao giờ số lãnh đạo, từ cấp cao đến lãnh đạo chi nhánh ngân hàng lại bị khởi tố bị bắt, người lẫn tiền bị thất thoát nhiều như thế? Hàng chục vị, cộm cán có Bầu Kiên và dàn lãnh đạo ngân hàng ACB; Loại tép riu nhưng có sức hủy hoại nhiều tỷ đồng như dàn bộ sậu của VietinBank Trà Vinh cũng có.
Trên diễn đàn chất vấn của QH, cử tri đã quá quen với một số tư lệnh ngành, những vị bộ trưởng khôn khéo ẩn nhẫn với những lời nói khiêm nhường quen thuộc nhưng khá lọt tai chúng tôi xin chân thành tiếp thu và khẩn trương xem xét chấn chỉnh kịp thời!
Ông Bình có lặp lại điệp khúc ấy không? Có! Và không chỉ một lần. Ở các phiên điều trần trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Rồi trước ĐBQH cùng cử tri trong các phiên chất vấn công khai tại hHội trường có truyền hình trực tiếp. Và ông cũng theo, cũng học được phương pháp gần như đánh đố và … thách thức ngầm của một vài tư lệnh ngành rằng xin các ĐBQH cung cấp cho chúng tôi ngay ra đây những địa chỉ cụ thể, những cá nhân, đơn vị nào tiêu cực để chúng tôi xử lý! Tương tự như thế, ông xin chỉ cho ngành những doanh nghiệp nào tốt hoặc tương đối sạch sẽ thôi, nhưng vì lý do nào đó chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng, chúng tôi sẽ khẩn trương xem xét ngay!
Nhưng vị tư lệnh Ngân hàng này, như nhiều nhận xét rằng khôn đấy nhưng chưa ngoan? (Ngoan là na ná việc thành khẩn nhận khuyết điểm, chân thành tiếp thu và hứa tích cực sửa chữa vv…). Bằng cớ, ông đã nhiệt thành làm cái việc là giải trình, giải trình và… giải trình. Giải trình, tóm lại là giải thích cùng trình bày để bàn dân thiên hạ không những mang máng mà tường sâu thêm những khó khăn và hệ lụy của một hệ thống tiền tệ không nhịp bước và song hành với nền kinh tế. Rằng tại sao NHNN lại không mấy mặn mà và chậm trễ với việc kéo giá vàng trong nước cho sát giá vàng quốc tế? vv… và vv…
Lại nữa, nếu giải trình theo kiểu thích đến đâu thì giải đến đấy theo kiểu thô mộc dài dòng, mất thời gian thì ngay tức khắc, người điều hành phiên họp sẽ rung chuông nhắc nhở thậm chí cắt ngang. Nhưng chết cái, có thể ông chưa được khôn ngoan nhưng lại khéo?
Dường như vẻ tự tin của ông không phải là cố? Như một thứ bản năng? Tự tin vào kiến thức vào cung cách tháo gỡ. Vẻ tự tin của ông như truyền đi thông điệp rằng, cái đúng bao giờ cũng có sự lan tỏa. Người ta đồ rằng ông này có khiếu hùng biện chứ chả chơi?
Ngẫm thêm, nếu ông Bình thử lập cập, thử lúng túng thậm chí… nghẹn ngào một chút, có lẽ hiệu ứng sẽ khác? Nhưng với ông, liền mạch trên diễn đàn như thế là âm hưởng chủ đạo xuyên suốt của sự bình tĩnh tự tin và duyên dáng lọt tai.
Rằng hay thì thật là hay. Hay nhưng cốt lõi của cuộc chất vấn là doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận nguồn vốn, rằng chỉ số lạm phát cao sẽ được điều chỉnh như thế nào? Rồi giá vàng trong nước cứ vùn vụt tăng. Cái rổ, cái giỏ của các bà nội trợ dường như có cả thỏi vàng độc quyền SJC của ngân hàng trong đó? Sinh hoạt của quốc gia này đang trong tình trạng vàng hóa. Rồi nợ xấu liên tục phát sinh vv…
Thẳng thắn, thêm chút bức xúc và cả mỉa mai, có ĐBQH bộc trực theo kiểu bực mình rằng Thống đốc nói thì hay đấy nhưng đừng tưởng dân chúng tôi không biết gì? Rằng dường như Thống đốc trình bày theo logic của Thống đốc chứ không trình bày theo logic của cuộc sống!
Cái gì cũng có giá của nó? Thôi thì tất tật đồ ăn vật dụng cùng vô khối những sinh hoạt thường nhật, nói nhẹ thì có hình ảnh ông thủ lĩnh ngành ngân hàng bảng lảng thấp thoáng, nói nặng thì “chường mặt” trong đó.
Sự kiện ngày 11/6/2013, khi 489 ĐBQH bỏ phiếu tín nhiệm 47 chức danh chủ chốt do QH bầu hoặc phê chuẩn, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình có tỷ lệ phiếu tín nhiệm thấp cao nhất, với 209 phiếu. (Cụ thể ông được 88 phiếu tín nhiệm cao, 194 phiếu tín nhiệm và 209 phiếu tín nhiệm thấp).
Bây giờ thiên hạ đang sục sôi sự kiện tay bác sĩ bất lương ở Thẩm mỹ viện Cát Tường ném xác bệnh nhân xuống sông cùng chuyện ngành y tế đang hứng chịu những búa rìu này khác. Rồi rầm lên cái ý kiến bà Bộ trưởng Y tế nên từ chức.
Tôi chợt nhớ buổi họp báo thường kỳ (chứ không phải bất thường) của Chính phủ về nhiều sự kiện khác, nhân có người hỏi về việc này, ông Bộ trưởng Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam đã bình tĩnh: “Không phải cứ mỗi khi xảy ra một sự việc cụ thể thì một bộ trưởng phải nghĩ ngay đến việc từ chức hay không từ chức. Điều đầu tiên phải nghĩ là tại sao tình hình lại như vậy, do chủ quan của ngành mình hay do khách quan, do thời kì mình chỉ đạo hay do nhiều thời kì dồn lại? Và điều quan trọng nhất là cần có quyết tâm và lộ trình kế hoạch để khắc chế cùng hoá giải tình hình. Tôi tin rằng nếu không phải tất cả thì đại đa số các bộ trưởng đều cho rằng nên như thế”.
Tất nhiên ngành Y tế sẽ có cách làm riêng của họ, trong đó có cả những động thái mất bò mới lo làm chuồng là vội rà soát kiểm tra các cơ sở hành nghề giải phẫu thẩm mỹ. Câu chuyện của ngành Y tế hẳn đương còn dài nhưng có lẽ có lý như ông Đổng lý Văn phòng Chính phủ đã rành rẽ, vấn đề không phải giải thích tình hình mà là cải tạo tình hình. Các cụ nói trong họa có phúc là vậy? Mà vận câu của ông bộ trưởng này vào trường hợp của ông Bình, hình như vẫn không sợ sái?
Cũng sau thời điểm ở Washington DC, nơi có trụ sở WB và IMF phát ra những lời khen tặng cổ võ cho hướng đi kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam thì ở trên Truyền hình quốc gia xứ ta cũng có một cuộc phỏng vấn. Người được phỏng vấn là ông TS Trần Du Lịch, Ủy viên UB Kinh tế Ngân sách của QH (về vị tiến sĩ uyên bác, khắc tinh của những trì trệ yếu kém nền kinh tế, vốn rất kiệm những lời khen tặng này, các phương tiện truyền thông đã đề cập nhiều; và TS cũng chính là tác giả của những rìu búa chắc nịch sắc bén với ngành Ngân hàng thời gian qua). Vậy ông Trần Du Lịch đã đánh giá thế nào?
(Còn nữa)
Xuân Ba (Tiền Phong)
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/81118/noi-buon-mang-ten-binh-thong-doc/2013/11
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001