Đông Dương bách tuế
Đông Dương bách tuế: 1856 – 1956: lãnh thổ và con người
Chương trình triển lãm đầu tiên về «Đông Dương, lãnh thổ và con người, 1856 – 1956» vừa khai mạc và sẽ kéo dài từ ngày 16/10/2013 tới 26/01/2014 tại Viện Bảo tàng Quân đội ở Paris.
Nói đây là lần đầu tiên về Đông Dương, chủ yếu là Việt Nam, vì năm rồi, cũng tại đây, có tổ chức một cuộc triển lãm về Algérie, một xứ thuộc địa củ của Pháp, từ 16/05 tới 29/07.
Chương trình triển lãm làm sống lại những sự việc về chánh trị, kinh tế, xã hội của Algérie suốt thời gian dài 132 năm bị Pháp chiếm đóng và cai trị . Những điều này được nhắc lại khá trung thực nhờ công trình tập họp 271 sử liệu như tranh ảnh, văn kiện, sách vở, báo chí phát hành trong thời gian đó . Chọn thời điểm năm 2012 để tổ chức triển lãm, có lẽ chánh quyền pháp muốn kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Evian cho Algérie thu hồi nền độc lập.
Còn tổ chức triển lãm 100 năm Đông Dương vào lúc này, chánh quyền Pháp nhằm mục đích gì? Pháp muốn trở lại Việt Nam như Đài RFI (Thụy My) viết nhơn đưa tin về lễ khai mạc triển lãm Đông Dương «Nước Pháp trên con đường tài chinh phục Việt nam. Bốn mươi năm sau khi thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt nam, Pháp đang cố gắng giành lại thị phần tại thuộc địa cũ … »?
Về mặt quan hệ giữa hai nước, Trung tá Christophe Bertrand đảm trách tổ chức triển lãm nhận xét: «Lịch sử giữa Việt Nam và Pháp là một lịch sử phức tạp, phong phú và thú vị (…) được đánh dấu bằng những cuộc chiến dai dẳng và những dịp hội ngộ bị bỏ lỡ … Đối với Việt Nam, sự hiện diện của Pháp chỉ là một đoạn ngắn trong lịch sử. Ngày nay đã thay đổi kỷ nguyên, chúng ta đang trong giai đoạn bành trướng về kinh tế ».
Pháp có thêm một lý do nữa, có tính cơ hội, muốn trở lại Việt Nam. Phải chăng nay Chánh phủ xã hội pháp của T.T Hollande, vốn cũng là người thích khôi hài, tuy nay không còn khôi hài nổi nữa, đã cảm thấy dễ chịu, quên đi quá khứ ê chề của Điện Biên phủ, bắt tay ông Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì Ông Nguyễn Tấn Dũng đã biết làm hề trong buổi họp báo với Ông Thủ tướng Ayrault nhơn chuyến viếng thăm của ông ấy hồi cuối tháng 9/2013?
Đông Dương 100 năm được tổ chức trong Viện Bảo tàng Quân đội, 129 đường Grenelle, Paris VII, tức trong lâu đài Invlides. Vì trong Invalides còn dành cho Viện Bảo tàng Lịch sử Giải phóng, Lịch sự cận đại và Văn miếu giử hài cốt Nả-phá-luận Đại đế I.
Hôtel des Invalides
Nhơn nói về Hôtel des Invalides, tưỏng cũng nên để ý đến cách của Tây gọi các trụ sở công quyền không giống ai cả. Họ dùng tiếng Hôtel nhưng Hôtel không có nghĩa thông thường là «Khách sạn» . Dinh Thủ tướng là Hôtel Matignon. Cơ quan Thuế vụ là Hôtel des Impôts. Bót Cảnh sát là Hôtel de Police. Và chỉ có Hôtel này là dành cho khách được cảnh sát mời tới ngủ qua đêm, được hoàn toàn miễn phi, có cả ăn uống, trong vài ngày. Cũng cách gọi này, trước 1945, Tòa Đô chánh Sài gòn là Hôtel de Ville được người Vìệt Nam dịch ra là Dinh Đốc lý. Ngày nay, ở Paris, Tòa Đô chánh hay Tòa Thị xã Paris vẫn gọi là Hôtel de Ville. Cũng như tất cả các Tòa Thị xã trên toàn nước Pháp.
Hôtel des Invalides là một tòa nhà đồ sộ tọa lạc trên Đại lộ Invalides, thuộc Quận VII của Thành phố Paris, nơi đặt Viện Bảo tàng Quân đội nên cũng là nơi tổ chức lễ vinh danh những chiến sĩ hy sinh cho nước Pháp khi đưa linh cữu hồi hương.
Hôtel des Invalides do vua Louis XIV cho thành lập bằng Chiếu chỉ ban hành ngày 24 tháng 2 năm 1670 và qua năm 1676 mở cửa làm nơi dành cho thương binh và quân đội của nhà vua. Louis XIV được biết là Vua Mặt Trời. Ông để lại cho đời sau câu nói thời danh «Nhà nước là ta». Cộng sản hà nội học lóm được, xác định chế độ của họ đang cai tri Việt Nam «Nhà nước là đảng».
Từ xa nhìn, người ta sẽ nhận ra Hôtel des Invalides nhờ nóc tháp bầu tròn cao vút màu vàng óng ánh. Vừa tới trước cổng, dọc theo bờ tường là một hàng đại bác đen ngòm nằm thẳng tắp như đón chào khách. Qua khỏi cổng, bên trong bờ tường, trong sân, cũng đầy những khẩu đại bác ngắn, dài, đủ cỡ. Tất cả đều còn trong tình trạng tốt nhờ được bảo quản kỷ vì đó là những chứng tích lịch sử Pháp từng là một đế quốc hùng mạnh suốt nhiều thế kỷ. Cỏ May ngắm nhìn những khẩu đại bác mà không bìết khẩu nào đã nã đạn vào Đà Nẵng để sau đó Vìệt Nam thất thủ, trở thành thuộc địa của Pháp kéo dài 100 năm. Và năm 1954, rồi tháng 4/1975, cộng sản Hà Nội tiếp thu Việt Nam, thay thế Pháp, tiếp tục chánh sách thực dân ác ôn hơn Pháp nhiều lần. Thông thường khi cai tù độc ác bị thay thề, thì cai tù mới, rút kinh nghiệm, phải ác độc hơn để có thể bảo vệ ngôi vị cai tù lâu dài hơn.
100 năm: lãnh thổ và con người
Triển lãm chiếm 2 phòng lớn trên lầu 3 của Viện Bảo tàng Quân đội. Phòng 1 dành trưng bày những sử liệu liên quan tới giai đọan đầu Pháp chiếm Việt nam (1858 – 1907): từ những bước chân đầu tiên qua khỏi Ấn độ tới thành lập Đông Dương thuộc Pháp. Phòng 2 dành cho Đông Dương, tức Đông Dương của Pháp (1907 – 1956). Khi nói Đông Dương, người ta thường hiểu đó là 3 quốc gia thuộc địa Pháp: Việt Nam, Cao Miên và Ai-lao, khác với Đông dương là 5 nước nằm giữa Ấn-độ và Trung hoa: Việt, Miên,Lào, Thái, Miến. Phần hai này nhắc lại giai đọan cuối trào của Đế quốc Pháp ở Viển đông và trọng tâm của thuộc địa đông dương.
Chương trình triển lãm tập họp được 380 mẫu vật trong đó có những sử liệu lần đầu tiên được đem ra trưng bày. Tất cả đánh dấu khá rõ nét 100 năm quân đội pháp hoạt động ở Đông Dương và chấm dứt ở trận Điện Biên phủ vào năm 1954.
Vị trí Việt Nam trong địa phương được nhìn nhận là một vị trí chiến lược bởi bán đảo đông dương nằm ở chổ giao lưu giữa Ấn độ và Trung hoa nên từ thế kỷ XVI không tránh khỏi khêu gợi tham vọng về quyền lợi của người Âu châu. Những trao đổi thương mãi với bán đảo đông dương bắt đầu với người Bồ-đào-nha, tiếp theo vào thế kỷ sau, với người Hòa-lan và người Anh. Người Pháp tới vào thế kỷ XVII theo kế hoạch tôn giáo, tìm nơi tìếp tế cho đoạn đường giữa Ấn độ và Trung hoa cho Công ty Hàng hải Đông Ấn của họ. Giáo hoàng Vatican ra lệnh Dòng Tên và những thừa sai của Phái bộ hải ngoại qua miền đất xa xôi này truyền giáo cho dân địa phương và đào tạo một đội ngũ giáo sĩ người bản xứ.
Trước khi Pháp đặt chân tới miền đất Đông Dương, ba nước này gồm nhiều sắc dân thiểu số nên có nhiều khác biệt về sắc tộc và ngôn ngữ, văn hóa. Mối quan hệ cũng chênh lệch. Hai nước Miên và Lào còn bị Siêm-la (Thái-lan) đô hộ trong lúc đó, Việt nam nằm trong ảnh hưởng văn hóa chánh trị trung hoa.
Trong quá trình chinh phục, Pháp đã phải mất 40 năm thiết lập sự đô hộ ở Viễn-Đông, mặc dầu bị những thay đổi chế độ ở chánh quốc và những diển tiến chánh trị ở địa phương. Sau chiến tranh nha phiến (1839 – 1841), Pháp tăng cường lực lượng hải quân trên Nam hải. Từ năm 1840, Hải quân pháp, để củng cố vị trí của mình trên vùng biển này, chủ trương phải can thiệp vào Việt nam .
Pháp chiếm Việt Nam làm hai lần. Trước tiên, từ năm 1856 tới 1867, Hải quân của Hoàng đế Napoléon III tiến chiếm Miền Nam Việt Nam, đặt tên vùng đất này là Nam kỳ (Cochinchine), sau đó, mở rộng qua tới Cao-Miên . Kế tiếp, từ năm 1873 tới năm 1897, Pháp hưởng ứng theo áp lực của nhóm quyền lợi kinh tế, say xưa với hào quang Pháp là một Đế quốc hùng mạnh và thiết tha với sứ mạng đem lại văn minh nên gởi qua một đạo quân viển chinh tiến chiếm và bình định Miền Trung và Miền Bắc Việt Nam. Pháp đã phải đối đầu trên bộ và trên biển với Trung hoa.
Năm 1887, Pháp làm chủ vùng này gồm Nam kỳ là thuộc địa, Trung kỳ hay xứ An-nam, Bắc kỳ và Cao-mên là 3 xứ Bảo hộ. Năm 1893, chiếm Lào . Năm 1907, dưới áp lực quân sự của Pháp, Siêm trao trả lại cho Miên hai tỉnh. Nhưng phải tới sau Đệ I Thế chiến, Pháp mời thật sự «bình định» được vùng này.
Đất nước trở thành lãnh thổ Đông dương thuộc Pháp, làm mất chủ quyền quân chủ lâu đời của Việt Nam, nên giới nho sĩ và một bộ phận lớn nông dân đứng lên chống lại nhà cầm quyền Pháp. Cuộc kháng chiến yêu nước kéo dài, dai dẳng. Nhưng đặc tánh yêu nước và chánh trị của những phong trào phản khán võ trang này bị nhà cầm quyền thực dân cho là những hành động thảo khấu. Thực dân Pháp không ngần ngại dùng võ lực đàn áp thẳng tay.
Sứ mạng khai hóa của Pháp được họ vận dụng để giải thích lý do đô hộ của họ và sự bất bình đẳng giữa người Âu châu và người bản xứ. Năm 1910, đội ngũ thực dân cai trị Việt Nam chỉ có 20 000 người. Ba phần tư sanh sống tại những thành phố lớn như Sài Gòn, Chợ lớn, Hà Nội. Vì vậy, hành chánh và quân đội phải tuyển dụng dân bản xứ nhưng những chức vụ chỉ huy hay quan trọng đều do người pháp nắm giữ.
Đối phó với những phản kháng của những phong trào tranh đấu ái quốc của dân chúng Việt Nam, Toàn quyền Albert Sarraut vừa dùng cảnh sát và quân đội đàn áp, vừa thiết lập một chánh sách mới kết hợp những phần tử ưu tú của Triều đình An nam vào phục vụ nhà cầm quyền thực dân. Nhưng chánh sách này không thật sự thành công và nhứt là không giúp mở rộng đời sống chánh trị quốc gia.
Trong những năm 1930, cộng sản ra đời ở Việt Nam, tìm cách khai thác có lợi cho phong trào cộng sản quốc tế, sự bất mãn của giới nông dân, từ điền chủ tới tá điền đều khốn đốn do hậu quả nghiêm trọng của cuộc khủng hoảng kinh tế năm 1929.
Nhật Bản đầu hàng đồng minh. Hoàng đế Bảo Đại thoái vị. Chánh trường Việt Nam trở thành một khoảng trống vô chủ. Cộng sản Việt minh của Hồ Chí Minh xuất hiện «cướp chánh quyền» và ngày 2/9, tuyên bố Độc lập, thiết lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ở Pháp, dư luận chánh giới và cả dân chúng bị chia rẽ giữa sự thờ ơ và sự bất mãn theo đuổi chiến tranh, còn nhà cầm quyền thì muốn tìm lối thoát trong danh dự.
Ngày 7 tháng 5 năm 1954, Điện Biên phủ thất thủ. Ngày 21 tháng 7 năm 1954, Thủ tướng Pháp, Ông Pierre Mendès France, tại Hội nghị Quốc tế Genève, ký Hiệp ước đình chiến và chấm dứt chiến tranh, chia nước Việt Nam làm hai ở vĩ tuyến 17. Cũng chấm dứt sự có mặt người Pháp ở Đông dương.
Có một chi tiết làm cho khách thăm viếng triển lãm là người Việt Nam không thể bỏ qua là chữ Đông Dương, các chữ Đông đều đưọc viết theo mẫu tự chữ việt nam, tức chữ Đ có gạch ngang.
Một chi tiết vô cùng thú vị!
Paris-Hà Nội trong những ngày tới
Để tỏ dấu hiệu hòa hoản giữa hai nước, lợi dụng khi Ông Võ Nguyên Giáp chết thật sự, Ông Laurent Fabius, Tổng trưởng Ngoại giao của Chánh phủ xã hội của Ông Tổng thống Hollande, không ngần ngại tuyên bố công kênh Ông Giáp lên thành “một con người ngoại hạng”, “người yêu nước vĩ đại của cộng sản Việt Nam”. Trong lúc đó, cựu chiến binh pháp lên án Tướng Giáp đã không thi hành qui ước Genève về tù binh, làm tử vong cả hai mươi ngàn tù binh Pháp. Một thứ tội ác chống nhân loại.
Ông Tổng thống Hollande sẽ qua thăm viếng chánh thức Việt Nam vào năm 2104.
Ngày nay, Pháp không còn là nhà đầu tư hàng đầu ở Việt nam vì địa vị này đã bị Huê kỳ, Nhựt bổn, Đại hàn và Tàu chiếm giữ từ năm 2011.
Trong năm 2012, Pháp xuất cảng vào Việt Nam trị giá 615 triệu đô-la nhưng nhập cảng từ Việt Nam lên tới 2, 69 tỉ.
Những quan hệ thuận lợi về lịch sử, chánh trị với Việt Nam vẫn chưa có thể cải thiện những trao đổi kinh tế. Trong việc ký kết Hiệp định đối tác chiến lược Pháp-Việt vào cuối tháng 9 vừa qua, người ta nghĩ quan hệ kinh tế giữa Paris và Hà Nội sẽ khởi sắc hơn.
Paris hy vọng sẽ bán được cho Vìệt Nam nhiều máy bay Airbus 320, sẽ đầu tư về ngành khí đốt, xây dựng hạ tầng cơ sở, khai thác kỹ thuật cao, nông nghìệp và y tế, mở ngân hàng mới …
Những nhận xét lạc quan trên dẩn tới kết luận: «Các dấu hiệu cho thấy băng giá đã bắt đầu tan nhưng chỉ mới là bước đầu, còn rất nhiều việc phải làm trong thời gian tới».
Nhưng có những việc phải làm mà Chánh phủ Pháp không thể làm được để việc làm ăn của Pháp có kết quả tốt là bộ máy độc tài, tham nhũng, kìm kẹp nhân dân của đảng cộng sản, trước hết, cần phải được tháo gở sạch sẽ!
© Nguyễn Thị Cỏ May
© Đàn Chim Việt
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/81466/dong-duong-bach-tue/2013/11
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001