Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2013

Thư pháp chữ Việt, nghệ thuật và thực dụng

Thư pháp chữ Việt, nghệ thuật và thực dụng 


Nhóm phóng viên tường trình từ VN
2013-11-15
viet-thu-phap-trong-mot-le-hoi-305.jpg
Viết thư pháp trong một hội chợ.
RFA Nhiều năm trở lại đây, nghệ thuật thư pháp chữ Việt trở nên quen thuộc đối với giới thưởng ngoạn, nhiều nhà thư pháp Việt định danh với những sở trường, tinh hoa khác nhau khiến cho con chữ cũng thêm phần bay bổng. Thế nhưng, trong bối cảnh tranh tối tranh sáng của thị trường, nhiều trò viết nhại thư pháp trên các hủ chao, hủ tương, hủ mắm cùng các kiểu bảng quảng cáo quán nhậu đã làm cho thư pháp chữ Việt trở nên nhàm chán, một phần khác, với tâm lý chữ Việt là chữ tượng âm, chỉ có chữ Hán mới là chữ tượng hình, mới hợp gu với thư pháp đã làm cho thư pháp chữ Việt bị mất lửa, phai nhạt rất nhiều.

Nghệ thuật và yếu tố dân tộc

Nhà thư pháp Hồ Công Khanh, sống ở Đà Nẵng, chia sẻ với chúng tôi rằng hiện tại, anh cảm thấy bị tổn thương trong một chừng mực nào đó bởi cuộc chơi của những người có tâm huyết như anh vô hình trung bị đánh đồng cùng một khái niệm “thư pháp Việt” với những con chữ ngoằn ngoèo trên hủ chao, hủ tương, hủ mắm cà… Với anh, nghệ thuật trước nhất phải là một cuộc dấn thân mà ở đó, người nghệ sĩ phải dồn tâm lực để tìm tòi, nghiên cứu, hy sinh và trả giá cho nó. Mỗi con chữ viết ra không phải là một sự trình bày đơn thuần mà là hành động ký thác tâm hồn, ghi chép khoảnh khắc thăng hoa của nội tâm, của văn hóa dân tộc lưu cửu nơi huyết quản.
Và với anh Khanh, viết thư pháp chữ Việt, ngoài ý nghĩa tìm tòi, khám phá về nghệ thuật chữ nghĩa, khai phá những ý niệm nung náu, ẩn mình nơi ký tự, cuộc chơi còn mang tính tự trọng dân tộc, trân quí con chữ của quốc gia cũng như tính chủ quyền về văn hóa bên trong nó. Anh Khanh nói: “Nếu như nói để bảo tồn văn hóa chữ Việt thì ngoài văn học, thơ ca ra rồi thì nghệ thuật con chữ là một cái nghệ thuật làm con người dễ cảm nhận hơn về chữ Việt. Thường thì trong thư pháp, người ta thường chọn câu từ thứ nhất mang ý nghĩa giáo dục, thứ hai là trong sáng, thứ ba nữa là nó mang những ý nghĩa về nghệ thuật. Thành ra, anh thấy đó là một trong những con đường mà anh cho là nó dễ thấy nhất trong việc bảo tồn văn hóa chữ Việt. Thật ra thì đối với thời buổi bây giờ, không riêng gì nghệ thuật thư pháp chữ Việt hay bất kỳ nghệ thuật nào  mà hầu như xã hội bây giờ mang một xu hướng ăn xổi ở thì… nó không có nó không có sáng tạo. Tại vì ở một xã hội nó không gợi mở được sáng tạo thì cái còn lại chỉ là cái bắt chước. Tới nữa, một xã hội mà đạo đức nó đi xuống thì người ta không bao giờ làm cái gì chính danh cả, người ta chỉ lợi dụng cơ hội đó để người ta kiếm tiền người ta sống thôi!”

viet-thu-phap-trong-mot-goc-cho-250.jpg
Một người viết thư pháp trong một góc chợ. RFA PHOTO.

Đồng cảm với nhà thư pháp Hồ Công Khanh, nhà thư pháp trẻ Hà Trọng, người có nhiều cuộc triển lãm cá nhân mang tính bất vụ lợi nhằm kêu gọi, cổ động bảo vệ môi trường, kêu gọi lòng hảo tâm hướng về những bé thơ có hoàn cảnh không may mắn bằng cách thương thuyết và dẫn mạnh thường quân trực tiếp đến gặp gỡ, giúp đỡ những em bé này. Hà Trọng nói rằng hiện nay, không riêng gì thư pháp, dường như mọi môn nghệ thuật đều có xu hướng bị thị trường hóa, ngay cả hội họa cũng thế. Nhưng điều đó không có nghĩa là tất cả những ai từng làm nghệ thuật đều bị chao đảo theo thị trường. Vẫn có rất nhiều nghệ sĩ nuôi giữ lòng tự trọng và tình yêu nghệ thuật, họ sáng tạo, mày mò nghiên cứu để tìm ra cái mới chứ không phải ăn theo, làm lấy được để kiếm sống.
Hiện tại, có quá nhiều người dường như không bỏ ra chút công phu nào cho nghệ thuật nhưng lại ra các khu chợ, các khu đông người ngồi viết thư pháp, gọi là cho chữ. Và ngược lại, cũng có không ít người không am hiểu về nghệ thuật đến nhờ Trọng viết thư pháp lên trái dưa hấu, trái bưởi để bán trong dịp Tết, bán cho người ta chưng bàn thờ ngày rằm. Gặp những trường hợp như thế, anh sẽ vui vẻ viết giùm cho người yêu cầu một trái làm kỉ niệm và giải thích cho họ thấy thế nào là nghệ thuật, thế nào là buôn bán nghệ thuật rồi đi đến kết luận anh là người sáng tạo nghệ thuật chứ không phải người mua bán theo nghĩa thuần túy và từ chối thật nhẹ nhàng để người yêu cầu không cảm thấy bị khó chịu.

Thị trường tràn lan người bán chữ

Cách chỗ nhà thư pháp Hồ Công Khanh và Hà Trọng sống không xa, có những nhà thư pháp khác cũng rất tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này nhưng vì một lý do nào đó, họ gác bút đã lâu. Và khoảng trống gác bút của họ, bây giờ là những sinh viên, những người viết thư pháp phát sinh theo thời vụ mọc ra càng lúc càng nhiều. Không khí làm việc cũng khá bận bịu, nhộn nhịp.
Có người viết thư pháp lên giấy lụa, giấy bản dày và cuộn thành bức để bán, cũng có người vẽ rồng, vẽ hoa, vẽ trúc, vẽ ong bướm và nhiều thứ khác lên giấy, mo cau, mo nang làm nền, sau đó vẽ con chữ lên đó và treo bán. Vì phần lớn những người này là sinh viên có điều kiện kinh tế tương đối khó khăn, nên việc cần mẫn kiếm tiền bằng nghề viết thư pháp của họ bao giờ cũng cho một cảm giác nào đó vừa nỗ lực, vừa bi thảm, khó nói.

viet-thu-phap-o-mot-hoi-cho-lang-nghe-250.jpg
Một gian hàng viết thư pháp. RFA PHOTO.

Một người thưởng ngoạn nghệ thuật ở Huế, tên Quảng, chia sẻ với chúng tôi rằng anh vốn là người rất yêu thích nghệ thuật, những năm đầu nghệ thuật thư pháp chữ Việt ra đời với các nhà thư pháp danh tiếng như Vũ Hối, Nguyễn Thiên Chương, Hồ Công Khanh… Anh nhận thấy ở họ, lòng yêu nghệ thuật, sự khai phá và tính tự tôn dân tộc thể hiện rõ nét qua con chữ, và mỗi con chữ mang cá tính, tâm hồn của người nghệ sĩ, rất sinh động.
Trong tình hình hiện tại, có vẻ như những nhà thư pháp có tên tuổi này không muốn hoạt động nữa, thay vào đó là hoạt động khá nhộn nhịp, chộn rộn của các thư pháp hội chợ, ở đó, ít có sự tĩnh lặng, cũng không cần dụng công nghệ thuật gì, chủ yếu là mua bán, người mua bỏ ra vài chục ngàn đồng, người bán ngồi lặp đi lặp lại những kĩ năng quen thuộc để viết ra một chữ gì đó, trao khách và lấy tiền… Mọi việc diễn ra nhanh gọn. Nhìn chung, ở đâu có hội chợ hay đám đông, chỗ đó có thể xuất hiện một chiếc nong, chiếc nia hoặc tấm vải bạt trải ra trên mặt đất cùng một người ngồi hí hoáy viết để bán kiếm tiền.
Việc kiếm tiền bằng viết thư pháp kể ra cũng khá thuận lợi, nó góp phần cải thiện đời sống của các sinh viên xa nhà, giúp nhiều người vượt qua được cái nghèo. Thế nhưng, cũng chính bởi sự dễ dãi trong lựa chọn cuộc chơi đã đẩy dần nghệ thuật thư pháp chữ Việt vào chỗ bế tắc, không còn yếu tố sáng tạo và mang thân phận của kẻ ăn theo. Đặc biệt, một số bạn sinh viên từng tham gia viết thư pháp bán kiếm tiền ở hè phố có nhận định khá mơ hồ về thư pháp chữ Việt.
Lê, sinh viên đại học văn khoa Huế, có thâm niên ba năm viết thư pháp bên bờ sông Hương, chia sẻ: “Cá nhân em thì thư pháp thì em thích chữ tượng hình của Trung Quốc hay Nhật Bản thôi. Còn chữ Quốc ngữ em không thích í, trong diện tiếp xúc, em nghĩ rứa. Mình không thể phủ nhận thằng Trung Quốc nó giỏi, nó quá giỏi, mình thì… dẫu sao cũng chỉ là chơi chơi chứ chẳng tạo ra giá trị, em nghĩ nó không tạo ra giá trị, nó không có giá trị văn hóa.”
Có thể nói, nghệ thuật thư pháp chữ Việt từng có một thời ngấp nghé chạm cánh cửa chính danh bởi những nhà thư pháp tâm huyết với bộ môn nghệ thuật này. Tuy nhiên, không bao lâu sau đó, sự bùng nổ của kiểu kiếm tiền dễ dãi bằng viết thư pháp cộng với tính vô hồn, thiếu vắng yếu tố nghệ thuật cũng như tinh thần dân tộc bị phai nhạt trong một nền giáo dục, văn hóa không có nền tảng đã đẩy môn nghệ thuật này đến chỗ tranh tối tranh sáng, phức tạp và phát triển theo chiều hướng thực dụng, đáng buồn!
Nhóm phóng viên tường trình từ Việt Nam.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/reportfromvn/viet-calligraphy-arts-n-pragmatism-11152013124345.html
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001