Hoàng Ngọc Lễ - Không Hận Thù
at 4:27 PM
HOÀNG NGỌC LỄ -
Tôi không
biết em từ đâu đến, chỉ thấy em xuất hiện như ma trơi. Em qua nhà tôi
với tiếng mõ lốc cốc và cứ âm thầm lặng lẽ bước đi cho tới khi có người
ngoắc gọi. Dân phố ở đây hầu như đã quen em từ lâu và họ gọi em bằng một
cái tên thật dễ nhớ và thân tình: Thằng Cu Đen.
Năm 1973,
trong kế hoạch Việt Nam hóa chiến tranh, tôi được biệt phái về Sài Gòn
và thuyên chuyển vào ủy ban hỗn hợp quân sự Việt-Mỹ mà mục đích chính là
để giúp bàn giao những căn cứ, cơ sở của Mỹ lại cho quân đội Việt Nam.
Nhờ có sự giúp đỡ của ủy ban, tôi mua được căn nhà trong cư xá Thủ Đức
và thế là tôi quen em.
Nhà tôi ờ có
một khu vườn hẹp nhưng chủ nhà cũ đã để sẵn một ghế đá khá rộng. Tuy
không tương phản với khu vườn cũng như không có gì thẩm mỹ nhưng vì tuổi
trẻ, gặp đâu hay đấy nên tôi cứ để mặc. Để mặc như thế và rồi chiếc ghế
đã trở thành nơi tựa nương của Cu Đen trong một thời gian khá lâu. Ban
đầu thì Cu Đen chỉ ghé về ngủ qua đêm, lâu dần không thấy tôi nói gì vả
lại tôi cũng đi vắng thường xuyên nên cái ghế đá này đã vô tình trở
thành gia cư của em. Cu Đen đã mua sắm một rương gỗ khá lớn, dặt dưới
gầm ghế đá và có khóa hẳn hòi.
Một hôm tôi
về khuya, thấy em đang chìm trong giấc ngủ an lành, những tiếng ngáy đều
đặn và chiếc áo lính rách nát đắp thân em đã rơi xuống đất. Những con
muỗi to như những con mộng đang thi nhau hút máu trên khuôn mặt khắc
khổ và gày quắt của em. Thấy thương em quá và tôi khẽ đánh thức em, mời
em vô ngủ trong nhà. Từ đó tôi thân quen em và từ đó em đem cái rương gỗ
của em vô để trong nhà bếp.
Ngoài nghề
đánh giày, em còn kiêm nghề hớt tóc dạo. Em biết cả tẩm quất nên có khá
nhiều khách và em chỉ cần làm việc lẩn quẩn trong khu này mà không cần
phải đi xa như những em bé đánh giày, hớt tóc khác.
Cu Đen kể
với tôi rằng cha em chết trong chiến tranh, mẹ em nghèo khổ phải trần
thân nuôi ba đứa con và vì thế em phải vô cái đất Sài Gòn này để kiếm ăn
và dư tiền gửi vế giúp mẹ. Em khai 17 tuổi nhưng em lại có khuôn mặt
thơ ngây của đứa bé 15. Em thường than van với tôi rằng em chỉ tiếp tục
làm việc được một năm nữa mà thôi. Sau đó là đến tuổi đăng lính. Cu Đen
rất hiếu học, tối nào trước khi đi ngủ cũng đem sách vở ra học. Em học
gì tôi không biết, chỉ thấy em chong đèn đọc sách và thỉnh thoảng hỏi
tôi điều này, điều nọ.
Thấy hoàn
cảnh nghèo khó tội nghiệp của em, tôi bằng lòng cho em ở hẳn trong nhà
và thường thì những khẩu phần lương thực (ration-C) của Mỹ phát, tôi cho
em hết. Hoặc em ăn, hoặc đem bán; tùy em, muốn làm gì thì làm. Bù lại,
em chăm sóc nhà cửa rất chu đáo, sạch sẽ. Nhờ em mà căn vườn bé nhỏ của
tôi có nhiều cây hoa đẹp và lạ. Em đến đánh giày, hớt tóc ở nhà ai thấy
có kỳ hoa, dị thảo là xin về và chẳng mấy chốc mà tôi có một khu vườn
hết sức xinh tươi. Em sống với tôi như người thân trong gia đình và
chẳng thế mà đã không ít người đặt câu hỏi: "Vì sao tôi lại để em đi
đánh giày?".
Cu Đen có
tật hay hỏi điều này, điều nọ liên quan tới quân sự, chiến tranh và
thường thì tôi trả lời em một cách bâng quơ vì nghĩ rằng đấy chẳng qua
là những thắc mắc, tò mò của vị thành niên. Chỉ tới khi em hỏi tên tuổi
chức vụ của những người tới thăm tôi, trong đó có các bạn Mỹ thì tôi mới
bảo em và cấm em được tò mò như thế! Có điều lạ là Cu Đen rất tò mò và
mặc dầu tôi đã la mắng em nhiều lần về những câu hỏi hiếu kỳ của em
nhưng mỗi khi nhà tôi có khách lạ là Cu Đen hay tìm cách để lân la tới
gần.
Tôi cho Cu
Đen ở trọ gần một năm thì bỗng nhiên một hôm đi làm về, tôi không thấy
Cu Đen đâu nữa. Chiếc rương gỗ vẫn còn đấy nhưng mở khóa. Bên trong vẫn
còn đầy ắp lương khô, một vài cuốn sách toán và tập làm văn lớp ba, lớp
tư cùng toàn bộ dụng cụ đồ nghề đánh giày, hớt tóc. Tôi đóan em về quê
thăm mẹ hoặc đi thăm bà con đâu đó nhưng vì sao em lại không nói với tôi
một lời. Khác với bình thường, mỗi khi đi đâu xa, em thường lễ phép xin
và chào tôi rồi mới đi. Hơi thắc mắc nhưng tôi không mấy quan tâm về sự
vắng mặt của em.
Cả mấy tuần
sau vẫn thấy em không về. Tôi đoán có chuyện chẳng lành đã xảy ra cho em
hoặc là em bị bắt lính dọc đường. Tôi nhờ đại úy Thông, một người bạn
thân ở trung tâm 3 nhập ngũ tìm giúp nhưng vẫn bật vô âm tín. Tôi ân hận
là đã không hỏi kỹ địa chỉ nhà quê của em để liên lạc. Tôi mất hẳn liên
lạc với em từ đấy!
Mấy ngày nay
Sài Gòn chìm đắm trong một tình trạng bất ổn và xáo trộn tới tột độ.
Hàng phòng ngự của quân đội Việt Nam cộng hòa sau những ngày tháng chiến
đấu anh dũng đã bị tràn ngập và những chiếc xe tăng của quân đội cộng
sản Bắc Việt cũng đã đè bẹp được tuyến phòng thủ của đồng bào Hố Nai ở
Suối Đỉa và đang trên đường tiến quân về Sài Gòn. Tổng Thống Dương Văn
Minh đã lên tiếng hiệu triệu cho quân sĩ buông súng đầu hàng. Quân sĩ và
nhân dân rối loạn, nhiều đơn vị quân đội cộng hòa vẫn chiến đấu đơn lẻ ở
một vài nơi quanh Sài Gòn, khiến cho trọng pháo cộng quân khạc đạn inh
ỏi thanh toán. Quân trang, quân dụng vứt bỏ khắp nơi. Mặc dầu có lệnh
buông súng đầu hàng nhưng tại cổng trường sĩ quan Thủ Đức vẫn còn một
đơn vị cộng hòa án ngữ và vào phút cuối cùng của cuộc chiến, một chiếc
xe tăng T-54 đã bị bắn cháy tại đây.
Quân đội
cộng sản đã bao vây toàn khu vực trường sĩ quan và từ bên trong đã có
những binh sĩ buông súng ra ngoài quy hàng. Những tiếng súng chiến đấu
lẻ tẻ vẫn vang rền và những tiếng súng đại pháo long trời nổ đất vẫn nổ
vang trực chỉ nơi có những tiếng súng nhỏ xuất phát.
Trên nóc nhà
tôi và nhà bên cạnh vẫn còn một ổ chiến đấu nhỏ, hình như của ban hội
đồng xã, nghĩa quân thì phải vì họ mặc quần áo hổ lốn. Tôi định trèo lên
nóc chiến đấu với họ. Tôi rút khẩu súng ngắn mà anh bạn Mỹ cho tôi đút
vội vào lưng quần rồi tìm bậc thang trèo lên nhưng tai tôi nghe tiếng
xích xe tăng đã quá gần. Tôi cảm thấy lạnh người và bủn rủn như mình
không còn xương sống. Ở nhà bên cạnh phát ra những tiếng la khóc inh ỏi
rợn người và mùi khói khét lẹt. Tôi trờn người lên tường ngó qua. Một
cảnh tượng vô cùng hãi hùng trứơc mắt. Một thân người đang cháy dở bên
cạnh những người khác đang ra sức dập tắt.
Những người
chiến đấu đơn lẻ trên nóc nhà tôi cũng đã nhảy xuống, họ vứt súng trước
cái rãnh nước trước nhà và tiu nghỉu ra đi trong lặng lẽ, buồn thảm.
Dân chúng
đứng chặt hai bên đường, bàng hoàng nhìn đoàn xe của quân Bắc Việt tiến
tới. Họ đứng nhìn trong câm lặng, hiếu kỳ hơn là để hoan nghênh, đón
rước. Tôi trèo lên nóc nhìn ra đường. Những binh khí vẫn còn vứt vung
vãi đó đây, tôi thu dọn rồi vứt tất cả xuống rãnh nước. Bỗng tai tôi
nghe tiếng reo hò:
- Ô thằng Cu Đen!
- Cu Đen đã về!
Nghe nhắc
tên Cu Đen, tôi bàng hoàng nhìn xuống đường, dán mắt vào đoàn quân đang
tiến tới. Tôi nghi ngờ mắt mình. Chẳng lẽ thằng Cu Đen lại oai hùng thế!
Nó hùng dũng , oai phong dẫn đầu đoàn quân tiến tới, đứng trong chiếc
xe jeep mui trần của quân đội Mỹ vứt lại. Tay nó cầm loa, miệng nó hét
vang trời. Người bên đường phân vân bàn tán.
Mấy ngày sau
đó, khu phố tôi ở họp hành liên miên, ngày nào cũng những lời nói quen
thuộc, ngày nào cũng tần ấy câu, tần ấy chữ như chiếc máy thu băng quay
đi lập lại một đoạn băng cũ kỹ.
Có những hôm
có cả Cu Đen chủ trì phiên họp. Da nó nám đen, mặt nó lạnh như tiền,
đứng cạnh nó lúc nào cũng có hai thanh niên mặc đồ màu cứt ngựa, đi dép
dâu, tay khư khư khẩu súng AK như sẵn sàng nhả đạn. Có những lúc, Cu
Đen chăm chăm nhìn vào tôi với cái nhìn sắt đá, lạnh nhat. Mặt nó xanh
như vừa bị cắt tiết. Tôi đoán biết nó không còn gì cảm tình với tôi nên
mỗi khi bắt gặp cái nhìn của nó là tôi nhìn lảng sang nơi khác.
Những sợ
hãi, bẽ bàng chưa hết thì bỗng một hôm khi tôi còn đang chập chờn giấc
ngủ thì tiếng dập cửa thôi thúc, dập dồn. Từ ngoài cửa vọng vào:
- Mở cửa ra ngay! Công an khám nhà!
Tôi khiếp
hồn, lo sợ! Qua ánh sáng nhen nhúm của đèn đường, tôi thấy lô nhô một lũ
người cùng với họng súng AK đen ngòm chĩa vào trong nhà. Tôi vội tìm
chìa khóa, chân tay tôi run bần bật tựa hồ đứng không vững. Cánh cửa mở
ra, một lũ người ùa vào không nói một lời. Họ bố trí mỗi người một góc,
nòng súng dí chỉ vào tôi. Tất cả đều xa lạ ngoài Cu Đen. Tôi khẽ kêu
thầm tên Cu Đen, nó không trả lời mà tiến thằng tới tra còng vào tay tôi
rồi nó đọc lệnh khám nhà và sau đó bắt tôi đi.
Cả một lũ
người hùng hục khám xét, họ lùng sục mọi nơi mọi chỗ rồi kéo ra trước
mặt tôi một rương hòm chứa đầy lương khô Mỹ, một vài bộ đồ lính nhàu
nát, đồ nghề hớt tóc đánh giày…Họ kết tội tôi là CIA Mỹ. Cu Đen đã chất
vấn tôi:
- Khi xưa anh làm gì cho Mỹ?
- Thưa em, anh không làm gì cho Mỹ nhưng vì công việc mà làm chung với họ mà thôi!
- Ai
là anh em với anh, yêu cầu anh chấm dứt xưng hô như thế! Anh điêu ngoa
vừa chứ! Nếu không làm tay sai cho Mỹ tại sao anh lại đưa Mỹ về nhà họp
hành rồi ăn toàn lương khô Mỹ?
- Thưa cán bộ! Tôi không hề họp hành với người Mỹ ở nhà tôi nhưng vì là chỗ quen biết nên thỉnh thoảng họ có đến nhà thăm tôi.
- Anh
đừng láo! Đã có biên bản hẳn hòi và qua báo cáo của nhân dân, anh đúng
là tay sai của Mỹ. Tang vật còn đầy rẫy trước mặt, anh còn chối cãi làm
gì?
- Yêu cầu các đồng chí đưa nó lên xe và niêm phong căn nhà cũng như đưa tất cả tang vật theo hắn về cơ quan điều tra.
Tôi trở về
lại Sài Gòn sau gần hai chục năm trời xa cách. Tôi về ngang căn nhà xưa
của tôi. Nhà bây giờ ai ở mất rồi. Tường cao đã che phủ kín khu vườn.
Tôi tìm cách nhìn vào trong nhưng tường cao quá! Tôi bâng quơ nghĩ lại
bao kỷ niệm của năm xưa, tôi nhớ tới thằng Cu Đen. Tôi nhớ đến những lúc
tôi cho nó ăn những hộp lương khô của Mỹ. Tôi nhớ lại cái giây phút mà
nó ăn những hộp lương khô này một cách ngon lành giống như người đã nhịn
ăn nhiều ngày. Tôi nhớ đến những lúc nó ở chung với tôi, nhớ đến ngày
mà tôi vắng tin nó! Nhớ đến những lúc tôi chạy hết nơi này, chốn nọ để
hỏi tìm tin tức của nó và buồn thay nhớ những lúc nó dẫn đầu đoàn quân
chiến thắng về thành, nhớ những lúc nó vặn hỏi tra khảo tôi về những hộp
lương khô mà chính những hộp lương khô này đã nuôi sống nó trong một
thời gian dài.
Tôi bàng
hoàng nhớ lại cái lúc mà thằng Cu Đen tra còng lạnh toát vào cườm tay
tôi dẫn đi với những hộp lương khô và hòm dồ nghề của nó. Tôi đau lòng
và nước mắt tuôn rơi. Tôi lặng lờ bước vô nhà một người hàng xóm. Họ
nhận ra tôi, chúng tôi ôm nhau khóc ngất rồi họ kể cho tôi nghe đủ điều.
Đặc biệt nhất là tin tức về thằng Cu Đen:
- Chú
biết không? Khi chú đi rồi thì một thời gian sau Cu Đen được thăng
thưởng về huyện giữ chức gì đó! Chắc là quan trọng lắm! Thỉnh thoảng nó
có về khu phố mình họp hành và la hét khiếp lắm!
- Tội
nghiệp cho chú! Cả khu phố này người ta oán ghét thằng Cu Đen. Đúng là
làm ơn mắc oán! Ai đời người ta nuôi sống rồi báo ơn người ta như vậy
đó!
Bà Sáu mẹ của anh Bảy hàng xóm của tôi thêm vào:
- Đúng là quả báo nhãn tiền! Hại đời người ta, người ta không sao bây giờ mình là ăn mày không xong.
- Ủa mà làm sao vậy Sáu! Thấy lạ, tôi hỏi.
Vợ anh Bảy nhanh miệng trả lời:
- Còn
sao nữa! Làm oán thì mắc oán chứ còn làm sao? Khi thằng Cu Đen lên
huyện một thời gian thì nó ăn tiền hối lộ sao đó nên bị khiển trách và
bị đổi về mãi tận miệt vườn rồi ăn nhậu bừa bãi nên bị đuổi ra khỏi đảng
về làm dân.
Anh Bảy tiếp lời vợ:
- Thằng
Cu Đen bị khiển trách, hận đời đâm ra chơi bời ăn nhậu. Nó tìm lại
những người quen biết xưa nhưng không ai muốn kết thân với nó. Nó lại
càng buồn, càng ăn nhậu dữ. Bị đuổi ra khỏi đảng một thời gian thì nó bị
nạn. Nó nhậu quá rồi bị đứt gân máu não và sau một thời gian sau thì
bệnh tình tuy đỡ nhiều nhưng nó bị lâm chứng bán thân bất toại. Rồi nó
đi ăn xin làm lẽ sống. Nay phố này, mai phố khác…..
Nghe đến đây
tôi cảm thấy đau nhói trong tim và khắp người tôi nóng bừng, chân tay
tôi nhức buốt. Tôi cảm thấy tội nghiệp cho thằng Cu Đen qúa! Đầu óc tôi
rối bời và không muốn nghe thêm nữa. Tôi kiếu từ gia đình người hàng xóm
ra về và hẹn gặp họ lại vào một dịp khác.
Tôi bước đi chuyệnh choạng, lảo đảo. Đầu óc tôi nặng trĩu rối bời: "Tội nghiệp cho thằng Cu Đen quá! Tìm nó ở đâu bây giờ?".
Chân tôi
bước vào một tiệm ăn một cách rất vô thức. Bụng tôi rỗng toác nhưng
không buồn ăn. Tôi kêu đại một tô phở lót lòng mà đầu óc quay cuồng
những hình ảnh của thằng Cu Đen khi nó còn ở chung với tôi. Đôi khi
những hình ảnh nó bắt tôi đi, nó tra hỏi, ngược đãi tôi hiện về nhưng
tôi cố xua đuổi. Tai tôi nghe đâu đây lời ca ai oán của người ăn xin hòa
cùng một tiếng đàn lê thê ảm đạm.
Người ăn xin
có lẽ đã gục đầu dưới chân tôi từ lâu mà tôi không để ý! Tôi nhìn xuống
thấy chiếc nón nỉ rách tả tơi trên một thân hình gầy xọm và rách rưới.
Lời ca than cứ thế lại trổi vang thật não nùng, ai oán. Tôi móc bóp lấy
đại mấy đồng tiền vừa đổi đặt nhẹ trên bàn tay gân guốc và đen đủi của
người hành khất.
Có lẽ vì qúa
cảm động vì một món tiền khá hời nhận được nên người ăn xin gục lạy tôi
nhiều lần. Tôi không nỡ để ông ta làm thế! Tôi nhổm dậy kéo ông đứng
lên. Ông nhìn thẳng vào mắt tôi cảm kích. Tôi nhìn ông như quen thuộc.
Bốn mắt dán chặt vào nhau. Tôi thấy ông ta quen quen và có lẽ ông ta
cũng thấy thế!
Rồi hình như
ông nhận ra tôi, lạnh lùng quay mặt bước đi. Tôi thấy ông bước đi run
rẩy như có điều bất ổn trong lòng. Tôi nhìn ông có cái tai quen thuộc.
Cái rái bị cắt đứt một phần. Tôi nhận ra đúng là nó! Bật miệng kêu to:
- Cu Đen
Người hành
khất giật mình sợ hãi quay lại. Mặt ông ta xanh ngắt không còn hột máu.
Ông ta đứng chết trân run rẩy. Cái nón rách run bắn khỏi tay ông, để lộ
một khuôn mặt đen thui cháy nắng. Tôi cảm động quá! Tiến tới ôm chặt ông
vào lòng và miệng tôi mấp máy:
- Cu Đen ơi! Cu Đen!
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/12/hoang-ngoc-le-khong-han-thu.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001