Thứ Sáu, 20 tháng 12, 2013

Lê Mạnh Hùng - Cách mạng xã hội chủ nghĩa của Russell Brand

Lê Mạnh Hùng - Cách mạng xã hội chủ nghĩa của Russell Brand 

   at 9:22 AM

Lê Mạnh Hùng - 

Vừa qua, tuần báo cánh tả cổ kính vốn đã có trên 100 tuổi của Anh, tờ New Statesman, đã mời anh hài Russell Brand làm chủ bút thỉnh giảng trong một tuần. 

Brand bèn lợi dụng cơ hội này viết một bài dài kêu gọi “một cuộc cách mạng toàn diện từ ý thức cho đến toàn bộ hệ thống chính trị kinh tế xã hội của phương Tây.” Chủ nghĩa tư bản và ý thức hệ biện minh cho nó - hủ hóa 100% - cần phải bị lật đổ. Brand cũng không muốn cho người ta quyền bỏ phiếu, nói rằng việc bỏ phiếu chỉ làm kéo dài cái ảo tưởng rằng hệ thống thối nát hiện nay có thể sửa chữa được. Ðó đúng là một lời kêu gọi, tuy rằng một cách lộn xộn cho một cuộc cách mạng kiểu cộng sản.

Sinh trưởng trong một gia đình trung lưu. Brand có một tuổi trẻ khá thăng trầm. Anh bỏ nhà đi hoang vào lúc chưa đầy 20 tuổi và thử mọi thứ ma túy. Sau này anh trở thành một anh hề, được nhiều người biết đến nhất sau khi bị đài BBC đuổi vì đã làm một số trò diễu thất cách. Bỏ sang Hollywood, trở thành một “ngôi sao,” lấy ca sĩ nhạc pop Katy Perry một năm rưỡi rồi ly dị, và trở thành tương đối giầu có (theo tiêu chuẩn của các ngôi sao) với một tài sản được ước tính là 15 triệu đô la.

Cố nhiên là tất cả những điều đó không loại bỏ được quyền của anh hài này kêu gọi làm một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa. Marx sinh ra trong một gia đình tư sản. Engel là đại tư bản có nhà máy tại Anh và Ðức, Lenin xuất thân là quý tộc. Stalin học ở đại chủng viện và Mao là con một địa chủ. Ngay cả Hồ Chí Minh cũng sinh ra trong một gia đình khá giả. Tất cả những người đó đều đã đứng ra kêu gọi hoặc là làm cách mạng. Thành ra không có lý do để phủ nhận việc kêu gọi một cuộc cách mạng kiểu xã hội chủ nghĩa được đưa ra từ Hollywood hay là tại một cái studio của đài BBC.

Người ta tò mò muốn biết một cuộc cách mạng kiểu Brand sẽ như thế nào. Nhưng trong bài viết trên tuần báo New Statesman và trong buổi phỏng vấn trên chương trình Newsnight của đài BBC Brand hầu như không đưa ra chi tiết gì mà chỉ toàn tố cáo chủ nghĩa tư bản hủ bại mà thôi. Có lẽ như vậy là tốt. Dù sao chăng nữa chúng ta cũng không quên được những cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa của thế kỷ thứ 20 đã là những tai họa khủng khiếp cho nhân loại với hàng chục triệu người bị giết, bị tra tấn, bị bỏ cho chết đói, chết rét. So sánh với những tội ác này, tội ác của chế độ Quốc Xã còn nhẹ hơn nhiều.

Ðiều đáng sợ là những người lãnh đạo các cuộc cách mạng này đưa chúng ra nhân danh lòng nhân đạo, chống bất công, lợi dụng cái hiện thực của sự nghèo đói phổ biến để biện minh cho việc cướp quyền lực của mình. Nhưng sau đó lại tạo ra còn nhiều đau khổ hơn nữa. Brand cũng đi theo con đường đó. Anh đi sang Kenya trong một chuyến công tác thiện nguyện cho Comic Relief và thấy trẻ em lục lọi đống rác kiếm những cái nút chai và những đồ phế thải nào còn có giá trị. Sau đó anh đi dự một buổi trình diện thời trang của Givenchy và nói “tôi không thể nào cắt bỏ hình ảnh của những đứa trẻ đói rách ra khỏi đầu óc của tôi.” Ðó là cơ sở đạo đức cho cuộc cách mạng của Brand.

Tuy nhiên trong bài viết dài dòng của mình trên tuần báo Newstatesman, Brand cũng đã đụng đến được những vấn đề nguy hiểm và có tầm quan trọng lớn lao. Tại các xã hội đang phát triển, đặc biệt là những xã hội đang có thay đổi nhanh chóng, hàng triệu người nghèo mạt rệp sống như những đứa trẻ Brand thấy ở Kenya nhờ việc lục những đống rác, trong khi những người khác sống thừa mứa trên nhung lụa. Còn tại những nước giầu như Anh hay Mỹ, những thanh thiếu niên nam nữ thuộc tầng lớp nghèo của xã hội vốn không có tiền học lên nay hầu như không thể kiếm được việc đủ sống. Ngay cả những người có một học vấn tốt nhiều khi cũng bị kẹt.

Những người thuộc tầng lớp dưới của xã hội, nam hoặc nữ, nếu có tài cố nhiên là vẫn có thể thăng tiến, nhưng kể từ những năm 1980 đến nay, hầu như không có một tình trạng thăng tiến chung, xóa bỏ cách biệt giai cấp tại xã hội phương Tây nữa... Nhưng những thập niên đầu tiên sau Thế Chiến Thứ Hai tại Châu Âu và Mỹ quả thật có một thay đổi lớn trong cuộc đời của những người thuộc tầng lớp dưới của xã hội. Họ được ăn uống đầy đủ hơn, làm việc ít giờ hơn trong những điều kiện làm việc tốt hơn, được chăm sóc sức khỏe tốt hơn và sống lâu hơn thế hệ cha mẹ họ.
Nhưng không phải họ ai cũng cám ơn chế độ tư bản đã mang lại cho họ những điều đó. Một số đông đảo những người gọi là thuộc thế hệ “baby boom” bị quyến rũ bởi chủ nghĩa Marx và coi một cuộc cách mạng xã hội chủ nghĩa “hòa bình nếu có thể, bạo động nếu cần thiết” là con đường lô gích phải tới. Nhưng may mắn thay, đối với đại đa số những người đó, sự sụp đổ của chế độ Cộng Sản tại Liên Xô và các nước Ðông Âu cũng như sự phản bội chủ nghĩa cộng sản tại Trung Quốc đã cho họ những bằng chứng để họ mở mắt.

Brand có thể cũng sẽ mở mắt, nhưng anh ta nay đã 38 tuổi rồi mà vẫn còn nắm lấy cái khẩu hiệu của một nhà cách mạng, khinh bỉ mọi dung nhượng mà một chế độ dân chủ cần phải có vì “không có chính trị gia nào mà không hủ hóa.” Câu nói đó lột rõ cái trống rỗng trong quan niệm của Brand. Anh chỉ suy nghĩ theo những khuôn sáo. Và tuy rằng Brand có thể là một diễn viên hài hước có tài, nhưng bên ngoài nó, cách mạng đối với Brand có vẻ cũng như là cái áo mới đối với một bà nhà giầu. Cái áo mới này, cái áo cách mạng có thể không kéo dài thời gian một chuyến bay từ Luân Ðôn trở lại LA.

Cách mạng không xảy ra tại những xã hội hiện đại trừ phi những xã hội này đã bị tan rã thành hỗn loạn. Ðó là vì những xã hội này đã phát triển thành một phức hệ với những cơ cấu giai cấp, thu nhập và tài sản chồng chéo. Tại hầu hết mọi quốc gia hiện đại, đa số dân chúng đều đã có một tài sản, dù là khiêm tốn mà họ không muốn để bị mất. Một sự tan rã tuy nhiên vẫn có khả năng xảy ra khi mà tại các nước từ giầu đến nghèo ta thấy có những khác biệt khổng lồ giữa giầu và nghèo dẫn đến những khác biệt khổng lồ trong cơ hội thăng tiến.

Cách tốt nhất để tránh một sự sụp đổ xã hội là làm sao giảm thiểu những hậu quả của tình trạng này qua những biện pháp cả kinh tế lẫn chính trị xã hội. Ðiều đó đòi hỏi thời gian và cố gắng từ các nhà hoạt động cho đến những nhóm xã hội và những học giả nghiên cứu cũng như những chính trị gia tại Quốc Hội và các cơ quan công quyền. Hy vọng rằng Brand sẽ trưởng thành và tham gia vào việc này trước khi anh đạt được tuỏi 40, tuổi mà cụ Khổng gọi là tuổi “bất hoặc.”
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/12/le-manh-hung-cach-mang-xa-hoi-chu-nghia.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001