Thứ Năm, 19 tháng 12, 2013

Trà Giang - Tương lai

Trà Giang - Tương lai 



Trà Giang
Tỉnh Quảng Ngãi đang tích cực chuẩn bị cho một tương lai gần, là nhiệm kỳ 2016 – 2021, tập trung vào việc lo hình thành lớp con người/ giới lãnh đạo mới, thường được gọi một cách mỹ miều là phương án/đề án công tác nhân sự.
Lâu nay, cùng với cả nước, ở vấn đề này, thường được nghe nói, tức là đánh giá, rằng bị hẫng hụt, thiếu sự chuẩn bị từ trước, nên đang có khủng hoảng, bế tắc.
Khi Trung Quốc chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XVIII của Đảng CSTQ, trong đó có việc “bồi dưỡng” để Tập Cận Bình trở thành lãnh đạo cao nhất và rồi phương án đó thành công, ở nước ta bắt đầu thấy lo, rằng liệu Việt Nam có được cách làm đó không, bởi ở Việt Nam, với chất lượng văn hóa còn thấp, thể hiện ở rất nhiều khía cạnh thực tiễn như ích kỷ, tham lam, cục bộ địa phương, họ hàng, bà con, đồng hương, cánh hẫu, phe phái, nhóm lợi ích, được thâm nhiễm vào sự vận hành của cơ chế chính trị hiện hành, sẽ rất khó có sự nhường nhịn, thừa nhận, tôn vinh nhau ở cấp cá nhân và sự đồng thuận tập thể ở cấp độ chính trị - xã hội để chọn lựa những người thay cho mình.
Quảng Ngãi cũng không ngoài lệ đó. Do vậy, trong công tác này, nhóm lãnh đạo cao nhất của tỉnh hiện nay, vừa thực hiện hướng dẫn của trung ương về kế thừa đúng độ tuổi đối với số có hướng phát triển, vừa bổ sung số mới có các tiêu chuẩn kế cận về cấp chức đang giữ, đã có qui hoạch trước, theo hướng bảo đảm cơ cấu số lượng về giới, độ tuổi, dân tộc, lĩnh vực địa bàn hoạt động và được đề nghị, phát hiện, tín nhiệm từ cấp dưới lên theo đúng nguyên tắc, qui trình “công tác cán bộ”. Tuy nhiên, với chừng ấy yêu cầu, danh sách vẫn chưa đủ, lãnh đạo tỉnh đã mở rộng phương án bằng qui trình tiến cử trực tiếp thông qua vai trò giới thiệu của những người hiện nay là tỉnh ủy viên, tập trung quyền lực quyết định ở Ban thường vụ, rồi thường trực. Đây chính là cái sân để theo phân cấp quyền lực đó, những người lãnh đạo hiện nay tha hồ “cài cắm” người của mình. Trong danh sách đã xuất hiện những đối tượng mới, không cần phải chọn lựa từ thực tiễn công tác, từ dưới lên, từ sự cống hiến đóng góp và thành tích công tác, không cần bảo đảm các yêu cầu tuần tự về cấp chức…, nhưng lại thấy đó là con, cháu, em và đàn em, người thân, đồng hương, chiến hữu và cánh hẫu. Những người không có các đối tượng này thì biết đâu lại tìm những mối và phương thức mà nghị quyết trung ương 4 gọi là chạy, không loại trừ được.
Nhìn hiện tượng đó, lại nghĩ đến như Triều Tiên, khi Kim Jong-un ngay một lúc vượt 27 bậc hàm của quân đội để trở thành Thống soái, đồng thời là lãnh đạo cao nhất, và mới đây, sau vụ thanh trừng ông dượng, đã được gọi là lãnh tụ của đất nước, hoặc như con của ông Nguyễn Tấn Dũng được chính cha mình bổ nhiệm thứ trưởng mà không cần qui hoạch hay bất cứ tiêu chuẩn nào, kể cả học chủ nghĩa mác-lênin theo chương trình trong nước. Chính trong cái cách tạo nên người lãnh đạo như vậy mới có việc cháu cho bắt dượng ngay trong buổi họp Bộ chính trị mở rộng, và xử tử ngay sau 2 ngày với một phiên tòa chỉ kéo dài trong một buổi. Trong khi đó, ở Thái Lan, cũng một tình huống tương tự, tức là phe đối lập muốn lật đổ Thủ tướng, công khai yêu cầu hẳn hoi bằng biểu tình và phát ngôn, lại được “xử” bằng những giọt nước mắt trên khuôn mặt của nữ Thủ tướng xinh đẹp với phát ngôn hết sức nữ tính, như trong phim nhiều tập : “Các người thật quá đáng…”, chứ không phải bằng những viên đạn súng máy mua bằng tiền của dân.
Đó là hai cách làm khác nhau. Một bên là tạo nên khung hệ thống, nhân sự chỉ lấp đầy bằng hình thức bầu cử tự do. Nếu đổ, chỉ là đổ nhân sự đó; hệ thống vẫn còn, chờ người khác. Một bên, hệ thống và nhân sự hòa vào một, hoặc ít nhất đã trở thành quan hệ nhân quả với nhau. Nếu đổ nhân sự, toàn bộ hệ thống có thể sụp. Cách thứ hai, vì vậy, đã có những kiểu lựa chọn con người mà cách thứ nhất không có, chẳng hạn lý lịch, truyền thống gia đình, hạt giống đỏ, tiêu chuẩn chính trị v..v…Có điều, chỉ lo, với cách ấy, vừa tạo ra tiêu cực hiện tại cho cả đời sống kinh tế văn hóa xã hội và sự phát triển, vừa tích tụ những mâu thuẫn nội tại có màu sắc như là mâu thuẫn giai cấp từ thời phong kiến “con vua thì…” trong cơ chế kinh tế tư bản, dẫn đến sụp đổ tất yếu trong tương lai và nhân dân sẽ khó xử vô cùng với cái đám xà bần ấy khi nó sụp đổ.
Khách gửi hôm Thứ Năm, 19/12/2013          
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131219/tra-giang-tuong-lai
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001