Hệ quả từ biến động chính trị Triều Tiên
Vụ thanh trừng ở Triều Tiên đang khiến quốc gia vốn cô lập này mất đi đồng minh quan trọng: Trung Quốc.
Vụ xử tử nhanh chóng ông Jang Song Thaek, người chú rể quyền lực của nhà lãnh đạo Kim Jong-Un, và các quan chức cấp cao khác dường như đang phủ bóng đen lên mối quan hệ Trung-Triều.
Mọi việc càng đi vào ngõ cụt khi ông Jang được cho là bị thanh trừng vì xung đột kinh tế chứ không phải tranh giành quyền lực. New York Times dẫn nguồn tin điều tra của Cơ quan tình báo Hàn Quốc (NIS) cho biết, Bình Nhưỡng thổi phồng tội trạng của ông Jang thành những kiểu như “phản bội tổ quốc”, “âm mưu lật đổ chính quyền”, song thực tế là chỉ vì những xung đột kinh tế. Mà cụ thể ở đây là các hoạt động kinh doanh trong ngành công nghiệp than vốn đem về nguồn lợi nhuận lớn cho nước này.
NIS cho biết thêm, một phần nguyên nhân nữa là do ông Jang từ chối thực thi mệnh lệnh. Nhà lãnh đạo Kim Jong-Un ra lệnh cho ông Jang giải quyết những bất đồng về quyền lợi cũng như việc lạm dụng chức quyền của các trợ lý của ông này, song ông từ chối.
ĐIỀM GỞ CHO QUAN HỆ TRUNG – TRIỀU
Rõ ràng, việc này báo trước điềm gở cho quan hệ song phương với Trung Quốc bởi Bắc Kinh dường như là khách hàng duy nhất của Bình Nhưỡng.
Có thể thấy được điều đó khi ngay sau vụ việc, các doanh nhân của nước này tại Trung Quốc được triệu hồi về nước với số lượng lớn. Điều này thật sự khó hiểu bởi đây đều là các doanh nhân làm việc tại hai thành phố ở đông bắc Trung Quốc là Thẩm Dương và Đan Đông với mục tiêu tạo điều kiện thúc đẩy thương mại giữa hai nước và thu hút đầu tư của Trung Quốc vào Triều Tiên. Việc ông Jang bị xử tử chắc chắn sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến các dự án phát triển kinh tế tại Triều Tiên. Ông Jang vốn có mối quan hệ chặt chẽ với Bắc Kinh, đối tác thương mại quan trọng nhất của Bình Nhưỡng. Giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc triển khai một số dự án chung vì họ tin tưởng ông Jang. Nhưng giờ đây thì sao?
Trên thực tế, có 3 cáo buộc của ông Jang liên quan đến Trung Quốc. Nhân vật quyền lực một thời này bị buộc tội bán “tống” than và tài nguyên thiên nhiên khác mà Trung Quốc hầu như là khách hàng duy nhất. Ông cũng bị buộc tội “bán khu vực kinh tế và thương mại Rason ra nước ngoài trong thời hạn 5 thập kỷ với lý do trả nợ” – cũng chỉ có Bắc Kinh là đối tác duy nhất. Cuối cùng, ông bị buộc tội bán kim loại quý, do đó phá vỡ sự ổn định tài chính của đất nước. Cách đây vài tháng, Trung Quốc mua một số lượng vàng dự trữ của Triều Tiên. Ông cũng bị cáo buộc giúp đỡ các doanh nhân Trung Quốc đảm bảo giá thấp đối với hàng hóa Triều Tiên.
Rõ ràng, cuộc thanh trừng ông Jang phản ánh sự nghi ngờ và lo âu từ lâu của Bình Nhưỡng đối với Bắc Kinh.
TRUNG QUỐC LO VÌ “CÁCH XỬ TỬ BẰNG… CHÓ”
Bắc Kinh vẫn giữ lập trường trung lập trước việc ông Jang bị xử tử, coi đó là “vấn đề nội bộ” của Triều Tiên. Tuy nhiên, Bắc Kinh gần đây thể hiện sự không hài lòng qua việc mở chuyên mục chi tiết về vụ xử tử ông Jang trên Wen Wei Po, cơ quan ngôn luận chính thức của chính quyền Trung ương tại Hồng Kông.
Báo Straits Times dẫn nguồn tin từ Wen Wei Po cho biết, không giống như việc xử tử các tù nhân chính trị trước là xử bắn bằng súng máy, ông Jang bị lột trần truồng và bị ném vào một cái lồng, cùng với 5 phụ tá thân cận nhất. Sau đó, có 120 con chó săn, bị bỏ đói trong 3 ngày, được đưa vào chuồng… Cách xử tử này gọi là “quan jue”, tức là xử tử bằng chó. Toàn bộ quá trình kéo dài 1 giờ, dưới sự quan sát của nhà lãnh đạo Kim Jong-Un cùng với 300 quan chức cấp cao. Việc thông tin này xuất hiện trên tờ báo do Bắc Kinh kiểm soát cho thấy, Trung Quốc không còn quan tâm đến mối quan hệ với chế độ Kim Jong-Un. Hai ngày sau, tờ Global Times, kết hợp với People’s Daily, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, có bài xã luận nói rằng, thay đổi chính trị đột ngột là hình ảnh thu nhỏ về sự lạc hậu của hệ thống chính trị Triều Tiên. Bắc Kinh cảnh báo sẽ không chiều chuộng Bình Nhưỡng nữa, nói rằng, phần lớn người Trung Quốc vô cùng phẫn nộ với những câu chuyện “gây cháy” của ông Kim.
Yonhap dẫn báo cáo của Viện nghiên cứu Mỹ-Hàn (USKI) thuộc Đại học Johns Hopkins của Mỹ cho biết, Triều Tiên dường như đang tái vận hành nhà máy chế tạo nhiên liệu hạt nhân ở Yongbyon.
Khi ông Kim Jong-Un lên nắm quyền, mối quan hệ Trung – Triều dần nguội lạnh. Ông Kim Jong-Un chưa một lần đặt chân đến Trung Quốc và cũng chưa đón tiếp vị lãnh đạo cấp cao nào của Bắc Kinh. Nhưng các hành vi thất thường của Kim Jong-Un cho thấy, Trung Quốc không nên đánh giá thấp khả năng về mối đe dọa hạt nhân từ Bình Nhưỡng. Tờ Global Times gần đây thực hiện bài báo phỏng vấn Trung tướng Wang Hongguang, nguyên Phó Tư lệnh Quân khu Nam Kinh, nói rằng, vụ việc này cho thấy Triều Tiên ngày càng trở nên khiêu khích và đã vượt ra khỏi tầm kiểm soát (của Trung Quốc).
Bắc Kinh giờ đây được cho là không thể chế ngự một “cái đầu trẻ, hiếu thắng và ngang bướng” – ám chỉ ông Kim Jong-Un. Ảnh hưởng của Trung Quốc đối với quốc gia láng giềng này gần như là zero.
Khả Anh (Báo Mới)
nguồn:http://www.danchimviet.info/archives/82657/he-qua-tu-bien-dong-chinh-tri-trieu-tien/2014/01
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001