CHỦ NGHĨA CÁ NHÂN CẦN ĐƯỢC HIỂU THẾ NÀO CHO ĐÚNG ?
Hà Huy Toàn
Chủ nghĩa cá nhân (Individualism) là một hệ tư tưởng lấy cá nhân làm căn bản, theo đó cá nhân với bản tính vị kỷ vừa làm điểm xuất phát vừa làm phương pháp luận để xác lập các quan niệm đúng đắn về đời sống xã hội (social existence) nhằm giải phóng cá nhân hoặc mưu cầu hạnh phúc cho cá nhân, trong đó cá nhân chỉ biểu hiện trừu tượng trên ý niệm thành một khái niệm bao quát mọi cá nhân chứ không phải biểu hiện cụ thể trên thực tế thành một hoặc một số cá nhân nào đó, như a hoặc b, v. v..Theo chủ nghĩa cá nhân đã được định nghĩa như trên, cá nhân là một khái niệm bao quát mọi đặc tính chung nhất cho mọi cá nhân mà không sa đà vào đặc tính riêng cho một hoặc một số cá nhân nào đó, chính vì chung nhất nên tất cả các đặc tính đó đều được quy về một đặc tính duy nhất, đặc tính đó là bản tính vị kỷ. Bản tính này tồn tại hiện thực trong thực tế với mọi cá nhân nhưng lại chỉ biểu hiện hư ảo trên ý niệm qua từng cá nhân nhất định mà thôi. Với ý nghĩa như thế, chủ nghĩa cá nhân cho phép mọi cá nhân đều có thể hiểu biết được đời sống xã hội (social existence) diễn biến theo các quy luật nào, đồng thời cũng nhờ có ý nghĩa như thế mà chủ nghĩa cá nhân rất cần thiết cho mọi cá nhân trong việc tìm kiếm phương tiện để thoả mãn mình.
Thoạt tiên, chủ nghĩa cá nhân chỉ có thể hình thành thông qua một số ít cá nhân đặc biệt có khả năng đặc biệt so với đại đa số cá nhân khác. Chính nhờ có khả năng tự nhận biết mình – khả năng này còn được gọi là khả năng tự ý thức – mà một số ít cá nhân kia có thể nói lên được các ý tưởng đầu tiên về bản tính vị kỷ. Các ý tưởng đó được tích luỹ dần dần mà trở thành chủ nghĩa cá nhân. Vì chỉ nảy sinh trực tiếp từ bản tính vị kỷ nên khi mới xuất hiện, chủ nghĩa cá nhân chỉ có thể thể hiện lợi ích của chính người phát biểu nó mà thôi; cũng chính vì chỉ có thể thể hiện lợi ích của chính người phát biểu vào lúc mới xuất hiện nên chủ nghĩa cá nhân ắt phải bị tấn công dữ dội từ mọi phía ngay từ lúc đó làm cho nó bị quy kết thành tư tưởng nguy hiểm đối với cộng đồng có thể bị lợi dụng vào việc chống lại cộng đồng. Quả thật, mặc dù mưu cầu hạnh phúc cho mọi cá nhân nhưng vì chưa vượt qua được vô số định kiến thâm căn cố đế về bản tính vị kỷ nên chủ nghĩa cá nhân ắt phải bị phản kích như vậy khi mới xuất hiện ở bất cứ đâu; chủ nghĩa cá nhân mới xuất hiện ở bất cứ đâu, nó cũng bị phản kích dữ dội ở đó. Về sau kinh tế đổi chác phát triển thúc đẩy việc trao đổi tư tưởng làm cho người ta nhận thấy chủ nghĩa cá nhân có tính chất lành mạnh rất đáng để theo đuổi!
Về mặt lịch sử, chủ nghĩa cá nhân bắt đầu xuất hiện phổ biến ở Tây Âu châu vào Thời đại Phục hưng nhưng lại có nguồn gốc sâu xa ở Nam Âu châu, bao gồm cả Hy lạp lẫn La mã, vào Thời đại Cổ xưa với nhiều triết gia xuất chúng, trong đó đặc biệt phải kể đến Aristote. Do bảo tồn toàn bộ triết học ở cả Hy lạp lẫn La mã vào thời đại đó nên đến khi bắt đầu Thời đại Phục hưng, Chúa giáo (Christianity) đã trực tiếp truyền cảm hứng tinh thần cho chủ nghĩa cá nhân xuất hiện phổ biến rồi phát triển rực rỡ từ đấy về sau.
Về tên gọi cho tôn giáo này, tôi xin giải thích rõ ràng hơn như sau: vì Kinh thánh nói Chúa ở mọi nơi vào mọi lúc nên Christianity trong Anh văn cần phải được chuyển dịch sang Việt ngữ thành Chúa giáo mới thật sát nghĩa, nếu chuyển dịch Christianity thành Thiên Chúa giáo thì “Thiên Chúa giáo” không thể hiện được hết ý nghĩa đích thực cho Christianity; vì Thiên Chúa chỉ có nghĩa là Chúa Trời nên danh xưng này dễ làm cho người ta hiểu sai rằng Chúa chỉ có ở trên Trời, hiểu như vậy rất sai lạc so với Kinh thánh. Tức là trong quan hệ ý nghĩa với Christianity, Chúa giáo sát nghĩa hơn nhiều so với Thiên Chúa giáo: nếu Thiên Chúa giáo chỉ cho thấy Chúa ở trên Trời thì Chúa giáo lại phải cho thấy Chúa ở mọi nơi vào mọi lúc (cả trên Trời lẫn dưới Đất, cả trong Ta lẫn ngoài Ta, cả Không gian lẫn Thời gian, v. v.). Đó chính là lý do thực tế để tôi chỉ nói Chúa giáo mà không nói Thiên Chúa giáo như nhiều người vẫn nói sai như vậy, nói như vậy vừa sai lạc vừa dài dòng, thừa chữ nhưng thiếu nghĩa.
Về mối liên hệ thực tế giữa Chúa giáo với chủ nghĩa cá nhân, chính Friedrich August von Hayek (1899 – 1992), một trong những triết gia vĩ đại nhất trong thế kỷ XX, đã xác nhận rõ ràng trong “The Road To Serfdom” (Con đường Dẫn đến Nô lệ) như sau: “… Hiện nay chỉ cần nói rằng chủ nghĩa cá nhân, có nguồn gốc từ Chúa giáo cùng với cả Triết học Cổ xưa, vào Thời đại Phục hưng đã được thể hiện trọn vẹn rồi đặt nền móng cho cái được gọi là nền Văn minh Tây phương …” (Bản dịch Việt ngữ được thực hiện bởi Phạm Nguyên Trường: Đường Về Nô lệ. Nhà xuất bản Tri thức, Hà nội 2008. Trang 71).
Với cội nguồn sâu xa như vậy, chủ nghĩa cá nhân đã làm nền tảng triết học cho Phong trào Khai minh từ thế kỷ XVII đến thế kỷ XVIII mở đường cho nhận thức nhân văn đi đến các cuộc cách mạng xã hội: xoá bỏ chế độ chuyên chế để thiết lập chế độ dân chủ. Ngày nay, chủ nghĩa cá nhân vẫn tiếp tục chỉ dẫn cho các lực lượng tiến bộ đấu tranh chống chế độ chuyên chế nhằm xây dựng hoặc phát triển chế độ dân chủ. Chính vì bao quát được nhân loại có bản chất như thế nào rồi nhờ đó mà có vai trò làm kim chỉ nam cho mọi cá nhân tìm kiếm phương tiện để thoả mãn mình nên sau này, chế độ dân chủ tồn tại phổ biến hoặc trở thành một chính thể duy nhất trên khắp thế giới, chủ nghĩa cá nhân vẫn sẽ tiếp tục làm nền tảng tinh thần cho chế độ đó.
Chính vì làm vũ khí sắc bén nhất cho công cuộc dân chủ hoá thế giới nên chủ nghĩa cá nhân luôn luôn bị phản kích dữ dội bởi các thế lực phản động, các thế lực đó thường xuyên xuyên tạc chủ nghĩa cá nhân bằng nhiều luận điệu khác nhau.
Quả thật, chủ nghĩa cá nhân thường được định nghĩa sai lầm bởi các thế lực phản động với rất nhiều quan niệm phiến diện được diễn đạt khái quát thành một định nghĩa sai lầm cho rằng chủ nghĩa cá nhân là một hệ tư tưởng chỉ lấy một hoặc một số cá nhân nhất định làm căn bản, theo đó một hoặc một số cá nhân nào đó được lấy làm điểm xuất phát đồng thời cũng được lấy làm phương pháp luận để xác lập các quan niệm sai lầm về đời sống xã hội (social existence), trong đó cá nhân chỉ biểu hiện cụ thể trên thực tế thành một hoặc một số cá nhân nào đó, như a hoặc b, v. v. (mà thường biểu hiện thành chính người nào đặt niềm tin vào định nghĩa này cho rằng định nghĩa này đúng đắn), chứ không phải biểu hiện trừu tượng trên ý niệm thành một khái niệm bao quát mọi cá nhân.
Nếu chỉ có ý nghĩa phiến diện như thế thôi thì rõ ràng chủ nghĩa cá nhân rất đáng bị lên án. Nhưng thật ra, định nghĩa này chỉ cho thấy chủ nghĩa cá nhân đã bị xuyên tạc thành tư tưởng chống chủ nghĩa cá nhân mà thôi mặc dù chính định nghĩa này lại thường được phổ biến rộng rãi hơn làm cho chủ nghĩa cá nhân bị bài bác ở khắp nơi. Tuy nhiên, định nghĩa đúng đắn về chủ nghĩa cá nhân ở trên kia đã cho phép chúng ta đối phó thành công với thái độ chống chủ nghĩa cá nhân – một thái độ mà về bản chất, phản động hơn mọi thái độ phản động khác.
Muốn hiểu được chủ nghĩa cá nhân, nhất thiết phải hiểu được nhân loại có bản chất như thế nào đồng thời phải hiểu được đúng đắn về đời sống chính trị. Một lý thuyết khoa học về đời sống chính trị sẽ soi sáng tất cả những giá trị nền tảng cấu thành chủ nghĩa cá nhân.
Nhân loại là một thực tại siêu việt biểu hiện thành một sinh vật đặc biệt bao gồm tất cả các cá nhân vừa khác nhau vừa giống nhau: khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ nhưng giống nhau về bản năng sinh tồn, tức là bản năng ham sống hoặc bản năng sợ chết, biểu hiện cụ thể qua mỗi cá nhân nhất định thành bản tính vị kỷ.
Bản tính vị kỷ biểu hiện thành xu hướng tâm lý lấy mình làm mục đích đồng thời lấy mọi thứ khác làm phương tiện để thoả mãn mình; xu hướng đó biểu hiện thành ba phẩm chất cơ bản: ích kỷ, tư lợi và tham lam. Vì ích kỷ nên cá nhân nào cũng chỉ quan tâm đến bản thân, nếu không quan tâm đến điều này thì cũng phải quan tâm đến điều khác liên quan như thế nào đó đến mình; vì tư lợi nên cá nhân nào cũng chỉ chăm lo thu vén cho bản thân, nếu không thu vén cái này thì cũng phải thu vén cái khác cho bản thân; vì tham lam nên cá nhân nào cũng chỉ chăm lo thu vén thật nhiều cho bản thân, nếu không thu vén thật nhiều của cải cho bản thân thì ít nhất cũng phải thu vén thật nhiều lương tâm cho bản thân, mà nếu thu vén được thật nhiều cả hai thứ đó cho bản thân thì càng tốt!
Với bản tính vị kỷ, người ta sử dụng mọi thứ đồng thời cũng lạm dụng mọi thứ! Vậy bản tính vị kỷ là bản tính tốt đẹp hay bản tính xấu xa? Đây là một vấn đề rất khó giải quyết nhưng sẽ giải quyết được bằng một não trạng sáng suốt nhất, cái não trạng này vượt qua tất cả những định kiến, những thành kiến và những thiên kiến để tự biết mình.
Tôi không xác định bản tính vị kỷ là bản tính tốt đẹp hay bản tính xấu xa, tôi chỉ dám khẳng định rằng tính chất (tốt đẹp hay xấu xa) của bản tính vị kỷ tuỳ thuộc hoàn toàn vào tính chất (tốt đẹp hay xấu xa) của những hành vi hoặc những hành động được thúc đẩy bởi chính bản tính vị kỷ. Nếu bản tính vị kỷ mà thúc đẩy người ta làm điều tốt đẹp thì chính nhờ đó mà bản tính vị kỷ cũng trở thành bản tính tốt đẹp, ngược lại tự nó đã rõ ràng. Tôi xin viện dẫn một sự kiện thực tế để chứng minh thật xác đáng cái định luật nhân văn này. Lòng tham của A thúc đẩy A chiếm hữu tiền bạc của B, nếu A trộm cắp tiền bạc của B thì vì việc trộm cắp hiển nhiên phải bị quy thành một hành động xấu xa nên việc đó đã làm cho lòng tham của A trở thành một bản tính xấu xa, nhưng ngược lại, nếu A làm ra một hàng hoá có công dụng hữu ích đối với B rồi đổi lấy tiền bạc của B thì vì việc làm ra một hàng hoá như vậy hiển nhiên phải được quy thành một hành động tốt đẹp nên việc này đã làm cho lòng tham của A trở thành một bản tính tốt đẹp.
Vậy bản tính vị kỷ vừa làm động lực đầu tiên vừa làm mục đích cuối cùng cho hành động, còn hành động lại chỉ làm phương tiện cho bản tính vị kỷ thể hiện mình, hoặc hành động chỉ thực hiện bản tính vị kỷ mà thôi.
Ở đây có hai loại hành động đối lập nhau, đó là hành động vị kỷ đối lập với hành động vị tha. Hành động vị tha là hành động tốt đẹp hoặc làm lợi cho người khác, vì người khác hoặc hướng tới người khác. Hành động vị kỷ là hành động chỉ làm lợi cho mình đồng thời làm hại cho người khác. Thật ra, nếu xét theo cả động lực đầu tiên lẫn mục đích cuối cùng thì hành động nào cũng chỉ cốt làm lợi cho mình mà thôi, nhưng xét theo tác dụng xã hội, hành động vị tha luôn luôn tạo nên sự cân bằng giữa các cá nhân, qua đó mà bảo tồn đời sống nhân văn cho cá nhân hoặc làm cho cá nhân trở thành nhân loại, tức là hành động vị tha có tác dụng văn minh hoá cá nhân thành nhân loại. Chẳng hạn A cung cấp thực phẩm cho B rồi B cung cấp y phục cho A để cả A lẫn B đều được thoả mãn nhu cầu. Trái ngược với hành động vị tha, hành động vị kỷ luôn luôn tạo nên sự xiêu lệch giữa các cá nhân, qua đó mà đẩy các cá nhân vào tranh chấp rồi huỷ diệt lẫn nhau, tức là làm cho nhân loại đứng trước nguy cơ bị huỷ diệt hoặc ít nhất cũng quay trở lại nguồn gốc thú vật. Chẳng hạn A trộm cắp y phục của B khiến B tức giận mà đánh A làm cho xã hội bị nhiễu loạn hoặc rơi vào trạng thái chiến tranh giữa người với người, tức là hành động vị kỷ lôi cuốn cá nhân quay trở về nguồn gốc thú vật với đầy rẫy hành động dã man. Tiếp theo, do cá nhân nào cũng có bản tính vị kỷ: ích kỷ, tư lợi và tham lam, nên các cá nhân chỉ lệ thuộc vào nhau theo nguyên tắc cân bằng: nếu cái này mà sinh thành cái kia thì cái kia phải phụ thuộc vào cái này để chỉ phục vụ cái này mà thôi, nếu cha mẹ sinh ra con cái thì con cái phải chịu ơn cha mẹ, nếu anh cho tôi thì tôi cũng cho anh, v. v.. Nguyên tắc này có thể có tác dụng tốt nhưng cũng có thể có tác dụng xấu tuỳ theo cái trật tự kỷ cương được thiết lập cho mối quan hệ giữa các cá nhân.
Vấn đề được đặt ra: với trật tự nào, bản tính vị kỷ sẽ thúc đẩy người ta thực hiện những hành động vị kỷ? Với trật tự nào, bản tính vị kỷ sẽ thúc đẩy người người ta thực hiện những hành động vị tha? Cần phải thiết lập trật tự nào hoặc cần phải tổ chức xã hội theo trật tự nào để bản tính vị kỷ sẽ chỉ thúc đẩy người ta thực hiện những hành động vị tha hoặc sẽ thúc đẩy các cá nhân đối xử vị tha với nhau rồi văn minh hoá lẫn nhau hoặc nâng nhau lên thành nhân loại?
Xã hội luôn luôn được tổ chức theo một trật tự nhất định, trật tự đó có thể tự phát nhưng cũng có thể tự giác tuỳ theo các cá nhân tham dự có nhận thức chung như thế nào, cao siêu hay thấp kém: nếu nhận thức chung mà thấp kém thì trật tự đó càng tự phát; hoặc ngược lại, nếu nhận thức chung mà cao siêu thì trật tự đó càng tự giác; vì trật tự đó phụ thuộc nhiều như vậy vào nhận thức dù nhận thức chung hay nhận thức riêng nên ta cần phải xác định trật tự đó bằng quyết định luận nhận thức. Thật vậy, trật tự đó có thể cảm tính nhưng cũng có thể lý tính tuỳ theo nhận thức chung nặng về cảm tính hay thiên về lý tính: nếu nhận thức chung nặng về cảm tính thì trật tự đó sẽ nặng về cảm tính rồi được gọi là trật tự cảm tính; hoặc ngược lại, nếu nhận thức chung thiên về lý tính thì trật tự đó sẽ thiên về lý tính rồi được gọi là trật tự lý tính. Vì nhận thức cao siêu bao giờ cũng biểu hiện thành nhận thức lý tính cũng như nhận thức thấp kém bao giờ cũng biểu hiện thành nhận thức cảm tính nên đương nhiên trật tự tự phát phải đồng nhất với trật tự cảm tính cũng như trật tự tự giác phải đồng nhất với trật tự lý tính.
Lập luận như vậy cho phép chúng ta tin rằng có thể có nhiều trật tự khác nhau để tổ chức xã hội.
Nhưng nhiều bằng bao nhiêu? Lập luận bằng bản tính vị kỷ vốn có ở mọi cá nhân, tôi đã xác định được ba loại trật tự khác nhau cho việc tổ chức xã hội: chính thể chuyên chế, chính thể quý tộc và chính thể dân chủ. Ngoài ba trật tự đó sẽ không còn một trật tự nào khác. Xã hội ở bất cứ đâu vào bất cứ thời đại nào cũng phải được tổ chức theo một trật tự nhất định trong ba trật tự nói trên, nếu không phải trật tự này thì cũng phải trật tự khác chỉ trong ba trật tự đó thôi.
Bản tính vị kỷ vốn tồn tại ở mọi cá nhân đòi hỏi phải có pháp luật để ngăn ngừa mỗi cá nhân nhất định gây nên tổn thất cho các cá nhân khác trong khi theo đuổi mục đích riêng: tìm kiếm phương tiện riêng để thoả mãn nhu cầu riêng; đồng thời khuyến khích mỗi cá nhân đó sẵn sàng phục vụ các cá nhân khác để mình cũng được thoả mãn nhu cầu riêng.
Pháp luật (hoặc luật pháp) là những quy tắc xử sự mang tính chất bắt buộc chung đối với mọi cá nhân cấu thành xã hội được quy định đồng thời được bảo đảm thực hiện bởi ý chí chung biểu hiện thành những chuẩn mực về quyền lợi cùng với nghĩa vụ tương ứng: được làm gì, đồng thời phải làm gì.
Muốn có pháp luật, trước hết phải làm ra pháp luật; làm ra pháp luật rồi lại phải sử dụng pháp luật; trong khi sử dụng pháp luật lại phải giữ gìn hoặc bảo vệ pháp luật. Nhưng muốn làm được ba việc đó lại đòi hỏi phải có ba loại quyền lực tương ứng: quyền lực lập pháp, quyền lực hành pháp và quyền lực tư pháp; trong đó quyền lực lập pháp bao hàm cả quyền lực hành pháp lẫn quyền lực tư pháp hoặc nếu không có quyền lực lập pháp thì tuyệt đối không thể có cả quyền lực hành pháp lẫn quyền lực tư pháp; chính vì bao hàm cả quyền lực hành pháp lẫn quyền lực tư pháp nên quyền lực lập pháp có hai chức năng đối lập nhau: chức năng quy định đối lập với chức năng ngăn cản; chức năng quy định là chức năng tự mình ra lệnh hoặc tự mình sửa lại quyết định đã được đưa ra bởi người khác; chức năng ngăn cản là chức năng làm vô hiệu hoá quyết định đã được đưa ra bởi người khác, nhưng nếu đã có thể ngăn cản được thì cũng có thể phê chuẩn được, mà đã phê chuẩn tức là lại không ngăn cản nữa. Mối quan hệ giữa ba loại quyền lực đó sẽ cấu thành ba trật tự khác nhau để tổ chức xã hội.
Trật tự thứ nhất được gọi là chính thể chuyên chế, theo đó cả ba loại quyền lực nói trên đều được tập trung cả vào một cá nhân duy nhất hoặc một nhóm cá nhân nào đó có chung cả quyền lợi lẫn ý đồ, trong đó lại chỉ có một cá nhân duy nhất làm thủ lĩnh nắm quyền quyết định, tức là xét đến cùng chính thể chuyên chế chỉ tập trung cả ba loại quyền lực nói trên vào một cá nhân duy nhất mà thôi. Cá nhân đó được gọi là nhà độc tài (dictator), tức là một người quyết định mọi việc. Nhà độc tài tập hợp một đám tay chân thân tín thành nhà nước chuyên chế hoặc nhà nước độc tài; trên cơ sở đó, nhà độc tài làm ra pháp luật rồi lại sử dụng pháp luật đồng thời bảo vệ pháp luật. Theo bản tính vị kỷ thúc đẩy, nhà độc tài sẽ chỉ làm ra pháp luật mù quáng, tức là pháp luật chỉ bảo đảm lợi ích cho một hoặc một số ít cá nhân nào đó mà thôi (một số ít cá nhân đó bao gồm nhà độc tài cùng với đám tay chân thân tín làm tay sai cho chính nhà độc tài), rồi sử dụng (thi hành) pháp luật đó bằng những phương pháp tuỳ tiện đồng thời bảo vệ pháp luật đó bằng những phương pháp độc đoán. Chính vì chỉ có pháp luật mù quáng nên chính thể chuyên chế chỉ tồn tại được với ba điều kiện cơ bản: bạo hành, cướp bóc và dối trá. Ba điều kiện đó bổ sung cho nhau đồng thời dẫn đến ba hệ quả tương ứng: khiếp sợ, bất công và ngu dốt. Sự thể như sau: bạo hành gây nên sự khiếp sợ (nhà độc tài phải bạo hành với dân chúng làm cho dân chúng khiếp sợ mà phục tùng nhà độc tài, nếu nhà độc tài không bạo hành với dân chúng thì dân chúng sẽ không phục tùng nhà độc tài), cướp bóc gây nên sự bất công (nhà độc tài phải cướp bóc dân chúng làm cho nhà độc tài trở nên giàu có nhưng dân chúng lại trở nên nghèo khó, nếu không cướp bóc thì nhà độc tài sẽ không có phương tiện để cai trị dân chúng), dối trá gây nên sự ngu dốt (nhà độc tài phải dối trá với dân chúng làm cho dân chúng ngu dốt mà chấp nhận làm tôi tớ cho nhà độc tài, nếu nhà độc tài không dối trá với dân chúng thì dân chúng sẽ chỉ đòi hỏi quyền lợi cho mình mà không muốn phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhà độc tài, tức là dân chúng sẽ đòi hỏi được bình đẳng với nhà độc tài). Pháp luật mù quáng không chỉ gây nên xung đột giữa nhà độc tài với dân chúng mà còn gây nên xung đột giữa cá nhân này với cá nhân khác, từ đó gây nên xung đột giữa nhóm người này với nhóm người khác, làm cho mọi cá nhân đều bị đau khổ như nhau; tức là pháp luật đó không chỉ ngăn cản người ta làm điều tốt đẹp mà còn thúc đẩy người ta làm điều xấu xa làm cho bản tính vị kỷ trở thành bản tính xấu xa. Bằng pháp luật đó, chính thể chuyên chế gò ép mỗi cá nhân nhất định vào một khuôn khổ biệt lập dựa vào kinh tế tự túc làm cho mỗi cá nhân đó trở thành một phần tử cô lập hoặc một cá nhân phi xã hội. Hệ quả này cho thấy pháp luật mù quáng không những không nhắm đến mà còn đi ngược lại mục đích chân chính đã được đề ra từ trước cho pháp luật, tức là chính thể chuyên chế làm cho pháp luật trở thành con số không hoặc pháp luật không thể tồn tại được với chính thể chuyên chế, chính thể này có thể có hẳn cả một rừng luật nhưng nó có thể chỉ dùng luật rừng mà thôi. Luật Rừng tức là Bạo lực. Bạo lực chỉ xác nhận rằng chính thể chuyên chế không cần có pháp luật. Chính vì làm cho pháp luật trở thành con số không hoặc chỉ quy pháp luật về bạo lực nên chính thể chuyên chế làm cho nhà nước chuyên chế hoặc nhà nước độc tài trở thành nhà nước bạo quyền, tức là nhà nước chỉ tồn tại bằng bạo lực: được thiết lập bằng bạo lực đồng thời được bảo tồn bằng bạo lực cũng như chỉ quản lý bằng bạo lực đồng thời bị quản lý bằng bạo lực. Chừng nào mỗi cá nhân nhất định vẫn có thể tự thoả mãn được mình trong khuôn khổ biệt lập, chừng đó chính thể chuyên chế còn có thể yên tâm tồn tại được. Nhưng nếu nhu cầu mà mở rộng hơn khuôn khổ đó khiến mỗi cá nhân nhất định phải thoả mãn mình bằng những phương tiện cần thiết bên ngoài khuôn khổ đó mới tồn tại được thì chính thể chuyên chế sẽ bị đe doạ bởi các nguy cơ thầm kín đến từ mỗi cá nhân nhất định, mỗi cá nhân đó sẽ tự phát phá vỡ cái khuôn khổ biệt lập đang giam hãm mình: cá nhân này sẽ trao đổi hoạt động với các cá nhân khác để thoả mãn mình: kinh tế đổi chác sẽ thay thế kinh tế tự túc.
Trật tự thứ hai được gọi là chính thể quý tộc, theo đó ba loại quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, được phân chia cho hai cơ quan khác nhau: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp đồng thời thực hiện cả quyền lực tư pháp đối lập với cơ quan hành pháp thực hiện quyền lực hành pháp đồng thời cũng thực hiện cả quyền lực tư pháp, làm cho cơ quan này có thể bị xét xử bởi cơ quan kia. Chính vì cùng thực hiện quyền lực tư pháp làm cho cơ quan này có thể bị xét xử bởi cơ quan kia nên cơ quan lập pháp chỉ thực hiện được nửa vời quyền lực lập pháp cũng như cơ quan hành pháp chỉ thực hiện được nửa vời quyền lực hành pháp mà thôi. Cả ba loại quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, đều chỉ được thực hiện nửa vời làm cho chính thể quý tộc chỉ có pháp luật nửa vời mà thôi. Pháp luật này làm cho chính thể quý tộc đòi hỏi phải có danh diện mới tồn tại được. Danh diện chỉ đòi hỏi một điều kiện duy nhất, đó là sự điều độ, theo đó cái gì cũng phải điều độ. Nhưng vì cá nhân nào cũng có bản tính vị kỷ: ích kỷ, tư lợi và tham lam, nên tuyệt đối không thể có cái gì làm tiêu chuẩn hoặc cơ sở cho sự điều độ. Sự điều độ không có cơ sở nào hoặc tiêu chuẩn nào để hiện hữu làm cho chính thể quý tộc chỉ tồn tại được mập mờ mà thôi, tức là chỉ xác định được tương đối. Thực tế cho thấy chính thể này chỉ làm bước quá độ từ chính thể chuyên chế lên chính thể dân chủ. Chính vì chỉ làm bước quá độ như vậy nên chính thể quý tộc còn có thể biểu hiện thành chính thể quá độ hoặc chính thể nửa vời.
Trật tự thứ ba được gọi là chính thể dân chủ, theo đó ba loại quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, được phân chia độc lập với nhau cho ba cơ quan khác nhau: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp, cơ quan hành pháp thực hiện quyền lực hành pháp và cơ quan tư pháp thực hiện quyền lực tư pháp; ba cơ quan đó cấu thành nhà nước dân chủ, tức là nhà nước dân chủ phải được tổ chức theo quy chế phân lập tam quyền để ngăn ngừa quan chức nhà nước lạm dụng quyền lực nhà nước. Do quyền lực lập pháp có hai chức năng đối lập nhau: chức năng quy định đối lập với chức năng ngăn cản, nên cơ quan lập pháp phải được phân chia thành hai thiết chế khác nhau: Thượng Nghị viện phân biệt với Hạ Nghị viện về cả số lượng thành viên lẫn nhiệm kỳ hoạt động. Để ngăn chặn sự liên kết bất chính dù công khai hay bí mật giữa ba cơ quan nói trên, chính thể dân chủ phải có nguyên tắc đa nguyên bình đẳng biểu hiện thành chế độ đa đảng hoạt động bình đẳng theo nguyên tắc đa nguyên để nếu một nhóm người nào đó mà nắm được cả ba loại quyền lực kia thì nhóm người đó sẽ phải bị kiểm sát chặt chẽ (kiểm tra kết hợp với giám sát) bởi tất cả các nhóm người khác, làm cho ba cơ quan kia phải thật sự độc lập với nhau. Tiếp theo, muốn cho nguyên tắc đa nguyên bình đẳng được thực hiện triệt để, chính thể dân chủ phải có chế độ bầu cử tự do để ngăn ngừa được tệ nạn quan liêu trong nhà nước dân chủ hoặc bảo đảm được sự bình đẳng thật sự giữa nhà nước dân chủ với toàn thể công dân; chế độ bầu cử tự do làm cho người ta lựa chọn được những người có cả tài năng lẫn đức hạnh làm người lãnh đạo đồng thời cũng làm cho người lãnh đạo chỉ phụ thuộc vào nhân dân mà phải phục vụ nhân dân, tức là làm cho nhân dân thật sự làm chủ nhà nước dân chủ. Vậy xét đến cùng, chính thể dân chủ làm cho mọi cá nhân đều có cả ba loại quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Mọi cá nhân đều làm ra pháp luật rồi lại đều sử dụng pháp luật đồng thời đều bảo vệ pháp luật. Theo bản tính vị kỷ thúc đẩy, mọi cá nhân đều phải làm ra pháp luật nghiêm minh, tức là pháp luật phải bảo đảm lợi ích cho mọi cá nhân, rồi sử dụng (thi hành) pháp luật đó bằng những phương pháp tự do đồng thời bảo vệ pháp luật đó bằng những phương pháp công bằng. Chính vì phải có pháp luật nghiêm minh nên chính thể dân chủ chỉ tồn tại được với ba điều kiện cơ bản: 1/ Nhà nước dân chủ phải được tổ chức theo quy chế phân lập tam quyền, theo đó nhà nước này phải được phân chia độc lập về nhân sự thành ba cơ quan khác nhau để thực hiện ba loại quyền lực tương ứng: cơ quan lập pháp thực hiện quyền lực lập pháp, cơ quan hành pháp thực hiện quyền lực hành pháp và cơ quan tư pháp thực hiện quyền lực tư pháp; sự phân chia quyền lực như vậy làm cho quan chức nhà nước không thể lạm dụng được quyền lực nhà nước; 2/ Nhà nước dân chủ phải được làm chủ theo nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bởi toàn thể nhân dân, theo đó nhà nước này phải bị kiểm sát chặt chẽ bởi nhiều tổ chức độc lập để ngăn ngừa các điều luật mù quáng dẫn đến tai hoạ cho dân chúng, cũng như phương tiện giao thông phải có phanh hãm thật tốt để phòng tránh tai nạn giao thông; 3/ Nhà nước dân chủ phải được bảo tồn theo chế độ bầu cử tự do hoặc phải hoạt động theo nhiệm kỳ; sau mỗi nhiệm kỳ nhất định, nhà nước này phải thay đổi nhân sự thông qua bầu cử tự do, theo đó mọi cá nhân đều phải được tham gia lựa chọn những người có cả tài năng lẫn đức hạnh làm người lãnh đạo đồng thời cũng đều phải được ứng cử làm người lãnh đạo, nhưng chỉ được ứng cử vào một trong ba cơ quan khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp, nếu ứng cử vào cơ quan này thì không được ứng cử vào hai cơ quan kia hoặc nếu đắc cử vào cơ quan này thì phải từ bỏ chức vụ ở hai cơ quan kia để người đắc cử chỉ nắm được một trong ba loại quyền lực khác nhau: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Quy chế phân lập tam quyền ngăn ngừa được quan chức nhà nước lạm dụng quyền lực nhà nước. Nguyên tắc đa nguyên bình đẳng bảo đảm cho nhân dân làm chủ được nhà nước dân chủ. Chế độ bầu cử tự do làm cho nhà nước dân chủ phải phụ thuộc vào nhân dân mà phục vụ nhân dân; chế độ bầu cử đó phải tuân thủ cả quy chế phân lập tam quyền lẫn nguyên tắc đa nguyên bình đẳng để thực hiện được triệt để cả hai thiết chế đó, tức là ba điều kiện đó bổ sung cho nhau đồng thời cùng nhau bảo tồn pháp luật nghiêm minh, pháp luật này lại bảo tồn Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Tự do là tình trạng được làm tất cả những gì có lợi cho mình đồng thời cũng có lợi cho cả người khác biểu hiện thành toàn bộ các quyền làm người của mỗi cá nhân nhất định hoặc nhân quyền như vẫn thường gọi. Bình đẳng là như nhau hoặc giống nhau về cả quyền lợi lẫn nghĩa vụ. Bác ái là yêu thương người khác như yêu thương chính mình. Pháp luật nghiêm minh ngăn ngừa sự xung đột giữa người với người làm cho mọi cá nhân đều được hạnh phúc như nhau; tức là pháp luật đó không chỉ ngăn cản người ta làm điều xấu xa mà còn thúc đẩy người ta làm điều tốt đẹp làm cho bản tính vị kỷ trở thành bản tính tốt đẹp, hoặc nói cụ thể hơn: pháp luật nghiêm minh thúc đẩy người ta hành xử theo đạo đức. Bằng pháp luật đó, chính thể dân chủ đặt để mỗi cá nhân nhất định vào một khuôn khổ liên đới dựa vào kinh tế đổi chác làm cho mỗi cá nhân đó trở thành một cá nhân xã hội. Hệ quả này cho thấy pháp luật nghiêm minh luôn luôn nhắm đến mục đích chân chính đã được đề ra từ trước cho pháp luật, tức là chính thể dân chủ bảo đảm cho pháp luật tồn tại hoặc pháp luật chỉ tồn tại được với chính thể dân chủ mà thôi. Cũng chính vì bảo đảm cho pháp luật tồn tại nên chính thể dân chủ làm cho nhà nước dân chủ trở thành nhà nước pháp quyền, tức là nhà nước chỉ tồn tại bằng pháp luật: được thiết lập bằng pháp luật đồng thời được bảo tồn bằng pháp luật cũng như chỉ quản lý bằng pháp luật đồng thời được quản lý bằng pháp luật.
Chính thể dân chủ đối lập thù địch với chính thể chuyên chế, nhưng chính thể quý tộc lại dung hoà chính thể chuyên chế với chính thể dân chủ. Tuy nhiên, vì chính thể dân chủ không thể dung hoà được với chính thể chuyên chế nên chính thể quý tộc không thể hiện hữu. Vậy chỉ còn lại sự tương tranh giữa chính thể chuyên chế với chính thể dân chủ mà thôi.
Chính thể chuyên chế không dựa vào sự giống nhau về bản năng sinh tồn giữa cá nhân này với cá nhân khác vốn làm bản chất bên trong cho cá nhân luôn luôn tồn tại cố định hoặc tồn tại bất biến mà chỉ dựa vào sự khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ giữa cá nhân này với cá nhân khác vốn chỉ làm hiện tượng bề ngoài cho cá nhân luôn luôn tồn tại năng động hoặc tồn tại khả biến. Chính vì chỉ dựa vào sự khác nhau như vậy giữa cá nhân này với cá nhân khác nên chính thể chuyên chế luôn luôn bấp bênh đến mức độ mà bất kỳ sự chống đối nào cũng có thể làm cho chính thể này bị chao đảo. Chính sự thể này đã giải thích cho ta hiểu được tại sao chính thể chuyên chế luôn luôn đòi hỏi nhà nước chuyên chế phải truy bức bất cứ một cá nhân nào hoặc bất cứ một nhóm cá nhân nào có sự chống đối dù bằng hành vi hay bằng lời nói. Ngược lại, chính thể dân chủ không dựa vào sự khác nhau về cả thể chất lẫn trí tuệ vốn tồn tại năng động hoặc tồn tại khả biến mà chỉ dựa vào sự giống nhau về bản năng sinh tồn vốn tồn tại cố định hoặc tồn tại bất biến. Chính vì chỉ dựa vào sự giống nhau về bản năng sinh tồn nên chính thể dân chủ luôn luôn chắc chắn. Quả thật, vì chính thể dân chủ bảo đảm lợi ích cho mọi cá nhân, tức là chính thể dân chủ cắm rễ vào từng cá nhân nhất định, nên có thể có người nghĩ đến việc chống lại nhà cầm quyền nhưng chẳng mấy ai hoặc thậm chí không có cá nhân nào nghĩ đến việc chống lại chính thể dân chủ. Đó là một trong nhiều lý do quan trọng làm cho chính thể này tồn tại bền vững.
Chính thể chuyên chế làm cho nhân loại chỉ có thể phải sống bằng kinh tế vật tính, tức là nền kinh tế chỉ tuân theo các quy luật vật lý; nhưng ngược lại, chính thể dân chủ lại làm cho nhân loại phải sống bằng kinh tế nhân tính, tức là nền kinh tế phải tuân theo các quy luật luân lý hoặc các quy luật đạo đức như vẫn thường gọi.
Để thiết lập chính thể chuyên chế cũng như bảo tồn chính thể đó, người ta chỉ cần hành xử theo ý muốn mà không cần phải hành xử theo lý trí; hoặc chỉ cần nhận thức cảm tính mà không cần nhận thức lý tính, tức là chỉ cần muốn mà không cần phải hiểu rõ, không cần phải hoài nghi, không cần phải lý giải. Với sự ngu dốt (Ignorant) hoặc nhận thức cảm tính, người ta chỉ có thể tạo ra được chính quyền tồi dở mà không thể tạo ra được chính quyền tử tế. Điều đó cho thấy chính thể chuyên chế chỉ thuộc về trật tự tự phát. Quả thật, cứ đấu đá lung tung hoặc cứ truy bức bừa bãi theo nguyên tắc được làm vua thua làm giặc sẽ tự phát dẫn đến chính thể chuyên chế. Nhưng ngược lại, việc thiết lập chính thể dân chủ cũng như việc bảo tồn chính thể này lại đòi hỏi người ta phải có nhận thức lý tính, tức là cần phải hiểu rõ, cần phải biết hoài nghi và cần phải biết lý giải. Nhận thức này cho phép người ta nhận biết được chính mình rồi nhờ đó mà xác lập được quy chế phân lập tam quyền, nguyên tắc đa nguyên bình đẳng và chế độ bầu cử tự do. Sự thể này cho thấy chính thể dân chủ phải thuộc về trật tự tự giác, nó cũng cho thấy rằng việc xoá bỏ một chế độ độc tài dù khó khăn đến đâu cũng chưa khó khăn bằng việc xây dựng một chế độ dân chủ.
Mỗi cá nhân nhất định luôn luôn có mâu thuẫn nội tại giữa nhu cầu tiêu dùng vô hạn với khả năng sản xuất hữu hạn, mâu thuẫn này bắt buộc mỗi cá nhân nhất định phải trao đổi hoạt động với các cá nhân khác để thoả mãn mình, tức là phải sống bằng kinh tế đổi chác hoặc kinh tế thị trường như vẫn thường gọi, kinh tế này lại đòi hỏi phải có Tự do – Bình đẳng – Bác ái. Tuy nhiên, chừng nào chính thể chuyên chế còn tồn tại ở bất cứ đâu vào bất cứ lúc nào, chừng đó đòi hỏi kia còn bị khước từ ở bất cứ nơi nào còn tồn tại chính thể đó vào bất cứ lúc nào.
Mâu thuẫn đối kháng giữa chính thể chuyên chế với kinh tế đổi chác ắt sẽ gây ra vô số tai hoạ khủng khiếp cho mọi cá nhân: không chỉ có chiến tranh giữa người với người mà còn có cả chiến tranh giữa người với thiên nhiên nữa, biểu hiện thành nhiều loại thiên tai khủng khiếp, như hạn hán, lũ lụt, bão tố, địa chấn, v. v., nhưng nghiêm trọng nhất phải thuộc về ô nhiễm môi trường, cả môi trường tự nhiên lẫn môi trường xã hội đều bị ô nhiễm. Chính thể chuyên chế không chỉ gây nên ô nhiễm cho môi trường tự nhiên mà còn gây nên ô nhiễm cho cả môi trường xã hội nữa; khi bị ô nhiễm, môi trường xã hội rất hiếm hành vi tốt đẹp cũng như rất hiếm tư tưởng lành mạnh nhưng lại rất nhiều hành vi xấu xa cùng với rất nhiều tư tưởng độc hại, hai thứ đó nương tựa vào nhau để cùng nuôi dưỡng nhau làm cho mỗi cá nhân nhất định khó có thể hoặc thậm chí không thể nhận thức được bản thân, từ đó khó có thể hoặc thậm chí không thể có khả năng cần thiết để làm chủ bản thân, tâm lý sợ đấu tranh lan tràn từ cá nhân này đến cá nhân khác làm cho xã hội luôn luôn lầm đường lạc lối từ sai lầm này đến sai lầm khác. Các sai lầm đó lại trực tiếp dẫn đến nhiều tai hoạ mới.
Vô số tai hoạ khủng khiếp phát sinh từ chính thể chuyên chế đòi hỏi phải tổ chức xã hội theo một trật tự mới: chính thể dân chủ. Chính thể này chỉ tồn tại được với ba điều kiện cơ bản đã được trình bày ở trên kia, nhưng ba điều kiện đó lại phải dựa vào ba điều kiện khác: kinh tế đổi chác, xu hướng đa nguyên và khả năng hiểu biết. Ba điều kiện này bổ sung cho nhau đồng thời dẫn đến ba hệ quả trực tiếp: Tự do – Bình đẳng – Bác ái.
Hệ quả này đã dẫn dắt chúng ta đi thẳng đến một lý thuyết khoa học về Chúa giáo (Christianity), một tôn giáo về nền cộng hoà.
Aristote quan niệm rằng: mục đích cuối cùng của cuộc đời không phải là làm tốt, mà là hạnh phúc. “Chúng ta lựa chọn hạnh phúc vì chính giá trị tự tại của nó mà không vì những chuyện gì khác; còn khi lựa chọn danh dự, khoái lạc, tri thức, v. v., bởi vì chúng ta tin tưởng rằng chúng làm ta hạnh phúc”. “Nhân loại, theo bản chất tự nhiên, là động vật chính trị”, tức là động vật sống theo pháp luật, vì có khả năng trao đổi suy nghĩ về công lý, bất công và những điều tốt đẹp. Nhà nước tồn tại theo pháp luật hoặc dựa vào pháp luật để tồn tại (nhà nước pháp quyền) là điều tuyệt đối cần thiết cho cuộc sống. “Nhân loại, khi được làm cho hoàn thiện thêm (bởi giáo dục) là đỉnh cao nhất của thú vật, nhưng khi bị tách khỏi pháp luật và công lý, nó là một loại thú vật tồi tệ nhất … Chính công lý là sợi dây nối kết nhân loại với nhà nước (pháp quyền) vì lẽ việc thực hiện công lý là nguyên lý cao nhất trong một tập thể chính trị”. Để đạt được hạnh phúc, nhân loại phải dựa vào chức năng duy nhất mà chỉ nó mới có, đó là “hoạt động của tâm hồn theo lý trí” (activity of the soul according to reason).
Chúa giáo còn chỉ dẫn rõ ràng hơn nữa. Trước hết, Chúa giáo chỉ dẫn cho nhân loại phải biết sống theo pháp luật để có thể trở nên tốt đẹp hoặc được hạnh phúc; tiếp theo, Chúa giáo khẳng định cho nhân loại hiểu được rằng: muốn sống theo pháp luật, nhân loại phải biết thiết lập nhà nước dân chủ hoặc nhà nước cộng hoà; tiếp theo nữa, Chúa giáo chứng minh cho nhân loại hiểu được rằng: muốn thiết lập được nhà nước dân chủ hoặc nhà nước cộng hoà, nhân loại phải biết sống bác ái, tức là yêu thương người khác như yêu thương chính mình, nếu đấu tranh thì phải đấu tranh bằng ý chí thông qua đối thoại hoà bình mà tuyệt đối không được đấu tranh bằng bạo lực thông qua gây hấn chiến tranh. Chính Chúa Jesus đã dạy bảo các môn đệ rằng: “kẻ nào sử dụng đao kiếm sẽ bị chết bởi đao kiếm” (ý nói: sử dụng bạo lực sẽ bị chết bởi bạo lực!); rằng: “kẻ nào tự nâng mình lên sẽ bị hạ xuống, kẻ nào tự hạ mình xuống sẽ được nâng lên” (ý nói: mọi người đều như nhau – bình đẳng!); rằng: “anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em; Thầy đã yêu thương anh em như thế nào, anh em hãy yêu thương nhau như thế” (ý nói: mọi người đều phải biết sống bác ái!). Như thế tức là phương pháp đấu tranh bằng ý chí hoặc phương pháp đấu tranh bất bạo động đã được xác lập lần đầu tiên bởi chính Chúa Jesus. Lời giáo huấn này đã xâm nhập sâu rộng vào toàn thể nhân loại, từ đó đã tạo nên nhiều quốc gia có nhà nước dân chủ hoặc nhà nước cộng hoà, như các quốc gia ở Mỹ châu (Canada, Mỹ, Mexico, Argentina, Brazil, v. v.), Âu châu (Anh, Pháp, Đức, Ý, Ba lan, v. v.), Úc châu (Australia, New Zealand, v. v.), Á châu (Ấn độ, Nhật bản, Israel, Đài loan, Nam Triều tiên, v. v.), Phi châu (Nam Phi, v. v.); nhờ biết lắng nghe Lời Chúa đồng thời biết vận dụng Lời Chúa vào đời sống của mình mà tất cả các quốc gia đó đều cực kỳ thịnh vượng: kinh tế giàu có, chính trị tự do, văn hoá tân kỳ (cả khoa học lẫn nghệ thuật đều nảy nở rực rỡ!), chứ không nghèo đói nhếch nhác như các quốc gia khác không có nhà nước dân chủ hoặc nhà nước cộng hoà.
Không phải ngẫu nhiên mà Thánh nhân Mahatma Gandhi (1869 – 1948) cũng đã từng thừa nhận rằng chính Chúa Jesus đã xác lập được một con đường chắc chắn nhất cho nhân loại đi lên. Với Chúa Jesus, Chúa giáo lại dẫn đến chủ nghĩa cá nhân như đã được xác nhận đúng đắn bởi F. A. Hayek. Đến lượt mình, chủ nghĩa cá nhân lại làm con đường hiện thực nhất dẫn đến Tự do.
Đấy, chủ nghĩa cá nhân đã thể hiện mình như thế đó!
HÀ HUY TOÀN
nguồn:http://diendanxahoidansu.wordpress.com/2014/01/01/chu-nghia-ca-nhan-can-duoc-hieu-the-nao-cho-dung/
=======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001