Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Thủ tướng Hun Sen khai chiến với giới công nhân

Thủ tướng Hun Sen khai chiến với giới công nhân 


Thứ bảy 04 Tháng Giêng 2014      
Cảnh sát Cam Bốt câu lưu người biểu tình tại công viên Tự Do - RFI
Cảnh sát Cam Bốt câu lưu người biểu tình tại công viên Tự Do - RFI

Tú Anh
Chính quyền Cam Bốt sử dụng bạo lực đối phó với phong trào lao động : Nổ súng bắn chết công nhân đình công, gây hấn với 650 ngàn lao động trong ngành may dệt, nguồn ngoại tệ huyết mạch của Xứ chùa Tháp. Phải chăng vì bảo vệ chiếc ghế Thủ tướng từ 28 năm nay mà ông Hun Sen đưa kinh tế Cam Bốt vào chỗ chết ?


Để đối phó với phong trào công nhân bãi công đòi tăng lương, chính quyền Cam Bốt đã sử dụng các biện pháp thô bạo nhất. Hôm qua, hàng chục ngàn công nhân may dệt Cam Bốt biểu tình trong khuôn khổ chiến dịch « toàn quốc tranh đấu ».
Bị cảnh sát ngăn chận, họ ném đá và chai xăng Molotov vào nhân viên công lực. Cùng lúc đó, cảnh sát đặc biệt chống bạo động đã xông vào khu kỹ nghệ Canadia, trong đó có nhiều cơ xưởng gia công các hiệu quần áo nổi tiếng của phương Tây, bắn chết 4 người biểu tình, trong đó có một nữ sinh theo cha mẹ tham gia đình công và 21 người khác bị thương.
Sáng nay 04/01/2014, một lực lượng công an cảnh sát dân phòng đông đảo lại tràn vào công viên Tự Do đập phá lều trại tạm trú của công nhân. Đô trưởng Pa Socheatvong tuyên bố kể từ hôm nay 04 tháng Giêng cho đến khi có lệnh mới, cấm không được biểu tình hay tập họp tại thủ đô Phnom Penh.
Phát ngôn viên lực lượng quân cảnh Kheng Tito khẳng định không cho phép sinh hoạt chính trị trong công viên Dân Chủ còn được gọi là công viên Tự Do, nơi mà chính quyền Hun Sen chấp nhận cho những tiếng nói phản kháng được tự do phát biểu.
Theo hãng tin AFP, biện pháp đàn áp vào sáng hôm nay tuy không gây đổ máu đã bị đối lập lên án. Phát ngôn viên của đảng Cứu Nguy Dân Tộc, Yim Sovann gọi đây là « hành động của chế độ độc tài Cộng sản ». Ông nói rằng người biểu tình đã chạy trốn để tránh bạo lực. Đảng Cứu Nguy Dân Tộc chỉ thị cho thành viên giữ « bình tĩnh » chờ ban lãnh đạo tìm một chiến lược mới. Câu hỏi đặt ra là tại sao Hun Sen sử dụng đến bạo lực, để làm gì và sẽ đi đến đâu ?
Lãnh đạo đối lập Sam Rainsy cho rằng mục tiêu đàn áp của chính quyền Hun Sen không phải chỉ để đánh phá phong trào đòi tăng lương của công nhân dệt may mà còn nhắm vào lực lượng thợ thuyền lao động trên toàn quốc và qua đó là trấn áp đối lập chính trị.
Theo hãng tin Reuters, xung đột giữa chính quyền và lực lượng công nhân chứng tỏ là tình hình xã hội tại Cam Bốt suy thoái nghiêm trọng. Trong bối cảnh này, đảng Cứu Nguy Dân Tộc đã kết hợp mục tiêu tranh đấu chính trị đòi Thủ tướng Hun Sen từ chức, đòi bầu cử lại với phong trào tranh đấu của công nhân đòi tăng lương.
Cũng theo Reuters, thật ra đối lập Cam Bốt đã tìm cách làm dịu lòng căm phẫn của công nhân, giới hạn yêu sách của họ ở mức độ chấp nhận được với lời hứa là tranh đấu cho lương công nhân sẽ tăng từ 80 đôla hiện nay lên 160 đôla. Trong khi đó, chính quyền Hun Sen không cho tăng hơn 100 đôla và đã ra lệnh cưỡng bách công nhân trở lại làm việc.
Vấn đề là đối với mức sinh hoạt tại Cam Bốt, với thu nhập 100 đôla mỗi tháng, người công nhân không thể nuôi sống gia đình. Do vậy, hành động đàn áp bắn công nhân biểu tình, gây chiến với 650.000 lao động, cho thấy là ông Hun Sen lúng túng.
Đối với Thủ tướng Hun Sen, nếu phải tăng lương cho công nhân thì nhiều công ty quốc tế sẽ rút đi làm thiệt hại nguồn ngoại tệ chính của Cam Bốt, khoảng 5 tỷ đôla mỗi năm, do ngành dệt may đem lại cho ngân sách Nhà nước bên cạnh viện trợ quốc tế.
Nhưng nếu không thõa mãn yêu sách công nhân thì tình hình xã hội sẽ tiếp tục suy thoái, đình công tiếp diễn, sản xuất ngưng trệ. Theo thẩm định của một đại diện công đoàn, trung bình mỗi ngày bãi công làm thiệt hại từ 20 ngàn đến 30 ngàn đôla cho mỗi xưởng may. Chỉ cần nhân con số này với 500 nhà máy trên toàn quốc thì thấy ngay quy mô thiệt hại.
Trong suốt 28 năm độc quyền lãnh đạo, chưa bao giờ Thủ tướng Cam Bốt đứng trước một tình thế gay go như hiện nay khi đối lập chính trị và phong trào phản kháng trong xã hội, nhất là công nhân ngành kinh tế chiến lược phối hợp tranh đấu.
Cuộc biểu tình hồi cuối tuần trước huy động một biển người là một bằng chứng. Các tổ chức nghiệp đoàn lao động bất bình đã tham gia vào cuộc tuần hành đòi Hun Sen từ chức và bầu cử lại Quốc hội.
Hành động đàn áp bị các tổ chức nhân quyền hoạt động tại chỗ lên án. Hoa Kỳ và Liên Hiệp Quốc kêu gọi phải điều tra. Cam Bốt ngày nay không phải là chế độ Bắc Triều Tiên. Liệu đối lập và dân chúng Cam Bốt sẽ tự trói tay, chịu đàn áp như trong một Nhà nước độc tài khép kín ?
nguồn:http://www.viet.rfi.fr/chau-a/20140104-thu-tuong-hun-sen-khai-chien-voi-gioi-cong-nhan
=======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001