Thứ Sáu, 31 tháng 8, 2012

1231. Lời khuyên cho mô hình dân quân biển của Việt Nam
Posted by Administrator on August 31st, 2012
The Diplomat

Lời khuyên cho mô hình dân quân biển của Việt Nam

Tác giả: James R. Holmes
Người dịch: Đỗ Quyên
30-8-2012

Một tác giả Việt Nam tuyên bố, Hà Nội đang “tìm kiếm một mô hình lực lượng dân quân biển”, có lẽ để bảo vệ quần đảo Hoàng Sa của họ khỏi tay, e hèm, khỏi tay một nước châu Á nào đó rất lớn đang nuôi những mưu đồ riêng của họ đối với quần đảo này. Kèm theo đây, một vài ý nghĩ về triển vọng thành lập một lực lượng như thế. Mới nhìn qua, khái niệm dân quân biển nghe có vẻ kỳ kỳ. Các quốc gia đều có hải quân, lính tuần duyên (canh gác bờ biển) và đội tàu buôn, tất cả đều có chức năng riêng, được xác định rất rõ ràng. Đúng không?
Không nhất thiết. Có vô số tiền lệ cho những cách làm ăn khác nhau tại những vùng biển lớn. Trăm hoa đua nở! Trong tác phẩm “Bảo vệ biển”, viết về lịch sử (và tiền sử) của hải quân Anh, sử gia N. A. M. Rodger quan sát thấy các nước có nghề biển đã từng có rất nhiều đội tàu trong hàng thế kỷ. Vai trò và sứ mệnh của họ đã bị lu mờ, đặc biệt trong giai đoạn trước khi triều đình tổ chức hải quân thường trực. Chiến tranh trên biển từng là một thứ đầy bất ngờ, vô kế hoạch, ở những thời kỳ xa xưa.
Đặc điểm đó của lịch sử hàng hải có vẻ như đã gần bị quên lãng. Chẳng hạn, vào năm 2009, Naval Diplomat (Ngoại giao Hàng hải) sang thăm Viện Quan hệ Quốc tế Clingendael, The Hague, để chiêu đãi các vị tư lệnh của Hải quân Hà Lan – những người được cử đến để tiếp nhận chương trình Atalanta (Operation Atalanta), chiến dịch chống cướp biển trên Vịnh Aden của EU. Naval Diplomat đến đây với một vài ý tưởng lặt vặt về việc làm thế nào để bảo vệ các thương nhân đang quá cảnh qua vùng biển trong khu vực.
Ý kiến của tôi: Vịnh Aden là một dải đất khổng lồ. Hải quân sẽ không bao giờ có thể triển khai đủ lính đến đây để bảo vệ từng tàu hàng trước mọi cuộc tấn công của bọn hải tặc. Vậy thì, tại sao không trang bị vũ khí cho các tàu hàng đó? Những đội tàu, lực lượng phòng vệ, hay thậm chí thủy thủ, được trang bị vũ khí, có thể giữ thế trên cơ bọn cướp biển đi trên những con tàu nhỏ. Nghe có vẻ hợp lý. Tôi đã so sánh điều đó với việc những người định cư tự trang bị vũ khí để đánh lại cướp ở Miền Tây Hoang Dã – nhưng nó gây ra phản ứng ngược một cách đáng sợ. Tôi nghĩ là cần nhiều “chủ nghĩa cao bồi Mỹ” hơn.
Rồi thì tôi trở lại với quá khứ hàng hải của châu Âu. Sau khi người ta sáng chế ra súng hải quân, các vua chúa châu Âu ra lệnh rằng tất cả các thương gia đều phải được trang bị những vũ khí mới nhất. Được trang bị như thế, họ có thể tự vệ trước bọn cướp. Họ cũng có thể có vị trí chiến đấu nào đó khi quốc gia tung hải quân ra đánh nhau với kẻ thù. Các bên đều đã có một số lượng lớn thương nhân được trang bị vũ khí, khi Ngài Francis Drake chỉ huy Hải quân Anh chiến đấu với hạm đội tàu của xứ Medina Sidonia thuộc Tây Ban Nha. Tại sao lại không rót rượu thời Phục Hưng vào chai của thế kỷ 21 – tôi đã nói như thế. Trang bị vũ khí cho tàu buôn sẽ bảo đảm rằng trên vùng biển ngoài khơi Somalia, sức mạnh sẽ được đáp trả bằng sức mạnh, thủy thủ sẽ được tạo cơ hội để chiến đấu.
Ý tưởng về dân quân biển cũng đã mê hoặc người Mỹ thời xưa – một nhóm dân quân cầm vũ khí để đánh lại quân Redcoast (tức quân đội Anh – ND) trong trận Lexington – Concord, đến giờ vẫn là ký ức sống động. Tại sao lại không áp dụng cái mẫu đó cho chiến tranh trên các đại dương? Alfred Thayer Mahan chỉ trích thế hệ khai quốc vì họ đã tưởng họ có thể tổ chức ngay lập tức một “lực lượng dân quân biển” ít tốn kém để chống lại các tàu của Anh trong Chiến tranh 1812. Mahan viết rằng Hải quân Mỹ và tàu chống cướp biển đạt được một số thành công đáng chú ý trong các cuộc đụng độ, nhưng Hải quân Hoàng gia đã bóp chết tàu buôn Mỹ gần như hoàn toàn vào trước năm 1814.
Tôi nghĩ ở đây có một bài học như của Mahan để lại cho Việt Nam. Dân quân có thể gây rối những kẻ địch mạnh hơn họ rất nhiều, nhưng tỷ số thua so với thắng của họ quả thật là kéo dài.
Những cách thức kỳ cục để tổ chức đội tàu chẳng phải cái gì độc đáo, chỉ có ở phương Tây. Không phải nhìn đâu xa, nước Trung Hoa phong kiến đã giao phó việc bảo vệ bờ biển cho các đội tàu địa phương khác nhau. Chẳng hạn, ngư dân thường hoạt động như cánh tay bổ trợ cho lực lượng trên biển của Trung Quốc.
Một số truyền thống như thế đã kéo dài sang thời cộng sản. Ví dụ, Bắc Kinh ca ngợi vai trò của đội tàu cá quốc gia trong trận hải chiến năm 1974 với hải quân Miền Nam Việt Nam ở quần đảo Hoàng sa. Theo câu chuyện chính thức được kể lại, ngư dân Trung Quốc đã góp phần đưa hải quân nhân dân đến chiến thắng – chứng minh chủ quyền không thể tranh cãi của Trung Quốc trên các vùng biển phía nam. Họ (ngư dân) tiếp tục là lực lượng hỗ trợ trong chiến dịch hàng hải của Trung Quốc, cho đến tận ngày nay.
Các nhà chiến lược ở Hà Nội cũng nên nghiên cứu vấn đề dân quân biển thông qua một lăng kính lý thuyết – đó là đọc lại học thuyết của Mao Trạch Đông về chiến tranh ba giai đoạn. Căn cứ lời Mao viết thì Việt Nam đang ở giai đoạn 1 của một cuộc đấu tranh kéo dài, khi họ phải dựa vào tài sản nghèo nàn của mình để quấy nhiễu một kẻ thù mạnh hơn rất nhiều. Họ đối đầu với một nước Trung Hoa vốn dĩ đang triển khai một hạm đội hải quân theo quy ước, rất hùng mạnh. Hải quân Trung Hoa có lẽ đang ở giữa giai đoạn 2 và 3 rồi, và đang tiếp tục phát triển. Dân quân biển cần một chỗ che chắn để có thể phát huy sức mạnh thực sự của họ. Đó là một thứ xa xỉ mà cả ngư dân Trung Quốc lẫn các chiến binh bán thời gian (part-time) khác đều thích, mà dân quân Việt Nam lại không có.
Mahan rút ra nhiều bài học tương tự từ Chiến tranh năm 1812. Tàu khu trục nhỏ và các hoạt động của tàu nhỏ khác đều tốt cả, nhưng bản thân chúng không bao giờ có thể đóng vai trò quyết định khi đương đầu với một lực lượng hải quân hùng mạnh. Người Mỹ sẽ tự lừa dối mình nếu họ tin vào điều ngược lại. Tương tự, Việt Nam cần xây dựng một lực lượng hải quân chuyên nghiệp của riêng mình, xây dựng liên minh hoặc quan hệ đối tác để làm tăng thêm sức mạnh trên đại dương, hoặc để giữ hòa khí với sức mạnh Trung Quốc.
Có một số tiền lệ trong đó một nước trên bộ nhỏ yếu có thể mượn một hạm đội để chiến đấu với một siêu cường về biển. Đó là cách Sparta đã sử dụng để chiến thắng hải quân thành Athen kiêu hùng 2500 năm về trước. Trên thực tế, những người Sparta quen sống trên đất liền đã mượn một đội tàu Ba Tư, vào thời điểm quan trọng nhất của cuộc Chiến tranh Peloponnesia, tiến tới chinh phục một thành Athen suy yếu. Chính trị tạo nên những người bạn cùng phe rất lạ lùng.
Một điểm cuối cùng trong lý thuyết của Mao. Mao viết rằng các du kích luồn lách trong quần chúng giống như cá bơi trên biển, hòa mình trong nước để tránh các hoạt động chống chiến tranh du kích. Điều này có thể được áp dụng như thế nào đối với một lực lượng dân quân biển phải đi xa khỏi bờ biển Việt Nam? Tàu nhỏ thuyền nhỏ có thể hòa vào hoạt động gần bờ trên các vùng biển đông đúc, lẫn vào cả đám đông tàu thuyền để tránh bị phát hiện, bị xác định và tấn công. Hoạt động ẩn náu mà Mao đã dự đoán từ trước đó, là điều khả thi tại các vùng biển gần bờ. Quả thật, hoạt động trên các vùng biển nước nông có thể chiến thắng cả lực lượng hải quân mạnh.
Nhưng sẽ hiệu quả đến đâu khi đi ra khỏi môi trường gần bờ, khi mà “biển” dành cho giao thương hàng hải hẹp lại, “ngư trường” cạn cá, và chỉ hải quân cực kỳ mạnh mới ra được? Tôi chưa rõ mô hình dân quân biển sẽ thích ứng với vùng biển nước sâu như thế nào.
Hà Nội đối mặt với một nhiệm vụ ghê gớm, là phải giữ yêu sách chủ quyền lâu dài trước một đối thủ quyết liệt, có ưu thế vượt trội về kinh tế và ngày càng được trang bị kỹ hơn. Dự đoán này chẳng phải điều gì đáng để thèm muốn.

Nguồn: The Diplomat
Bản tiếng Việt © Ba Sàm 2012
nguồn:http://basamnews.com/blog/2012/08/31/loi-khuyen-cho-mo-hinh-dan-quan-bien-cua-viet-nam/#more-73693
--------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001