Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

VỤ ÁN BẦU KIÊN “CÚ ĐẤM” CHIẾN THUẬT HAY “CÚ HÍCH” CHIẾN DỊCH ? 

Phạm Viết Đào.

Nếu quả thực vụ án này được sử dụng như là một vụ án mẫu, vụ án điểm để làm bàn đạp đầy lùi các tệ nạn, củng cố lại được lòng tin của nhân dân vào bộ máy lãnh đạo của Đảng và vai trò cá nhân các vị đang nhận lãnh trọng trách lớn trong bộ máy Đảng, Nhà nước, Chính phủ.Như vậy vụ án Bầu Kiên sẽ trở thành vụ án điểm, vụ án mẫu để chứng minh bản lĩnh và mang tính chất nêu gương, thiết lập lại kỷ cương, chấm dứt một giai đoạn rối loạn, làm loạn ? Hay...

Cơ quan Điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can, bắt giam Nguyễn Đức Kiên về tội “kinh doanh trái phép”. Cơ sở để điều tra ông Kiên xuất phát từ đơn tố cáo vi phạm pháp luật xảy ra tại ba công ty do ông Kiên làm Chủ tịch HĐQT gồm: Công ty CP Đầu tư thương mại B&B; Công ty CP Đầu tư ACB Hà Nội và Công ty TNHH Đầu tư tài chính Á Châu Hà Nội. Ông Kiên đã thành lập một số công ty để kinh doanh tiền tệ trái phép; Hành vi này nếu không được ngăn chặn kịp thời, sẽ gây “lũng đoạn” một số ngân hàng.
Theo báo Tuổi trẻ: “Đây là 3 công ty do bầu Kiên thành lập với vốn điều lệ 2.300 tỉ đồng. Từ cơ sở kinh doanh của 3 công ty này, cũng theo Tuổi trẻ, Bầu Kiên đã:”Lập phương án kinh doanh “khống” để vay tiền;”Mặc dù cả ba công ty nói trên không có chức năng đầu tư tài chính nhưng ông Nguyễn Đức Kiên vẫn sử dụng pháp nhân của chúng để tham gia vào lĩnh vực tài chính. Với khoản vốn điều lệ khổng lồ và uy tín của mình trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng, ông Kiên đã xây dựng nên hình ảnh những công ty mạnh về kinh tế, khả năng kinh doanh mang lại hiệu quả kinh tế cao. Từ đó, ông Kiên lập các phương án kinh doanh lớn nhằm nâng giá trị tài sản của công ty lên, tạo ra uy tín về mặt tài chính. Hiện cơ quan điều tra tình nghi những phương án kinh doanh này đều là phương án “khống” được vẽ ra để lấy lòng tin của khách hàng, ngân hàng khi tham gia đầu tư vào công ty của ông Kiên cũng như để ông Kiên sử dụng trong việc đầu tư tài chính trái phép”.
Một dấu hỏi đặt ra: nếu Bầu Kiên chỉ phạm tội như vậy thì tội danh của Kiên cũng chỉ mang tính chất hình sự cá lẻ vì liên quan tới một số ngân hàng mà Bầu Kiên giao dịch, vay tiền.Nếu vậy, vụ bắt  Bầu Kiên chỉ là một vụ án “ gặp may “ của cơ quan chức năng: do có đơn tố cáo về hành vi kinh doanh trái pháp luật, gây hậu quả nghiêm trọng nên bắt giữ Bầu Kiên; Bầu Kiên vô tình trở thành “ vật thiết lễ “ cho cuộc vận động chỉnh đốn Đảng theo tinh thần Nghị quyết 4 ?
Theo suy đoán của nhiều người: bắt giữ Bầu Kiên không đơn thuần là một cú ra đòn ngẫu hứng của cơ quan chức năng mà là một cú đột phá, mở màn giống như trận Buôn Ma Thuột 1975.Bắt bầu Kiên là một cú điểm huyệt vào hệ thống mafia tiền tệ đang khuynh loát nền kinh tài Việt Nam, cú hích này đã tạo ra những chấn rung tới thị trường chứng khoán, đã kéo nhiều ông lớn cả ngân hàng lẫn chính phủ phải lao vào cuộc để " chữa cháy "...
Theo người viết bài này: bắt được bầu Kiên có giá hơn so với bắt Phạm Thanh Bình ( Vinashin) và Dương Chí Dũng ( Vinalines)...
Rất có khả năng: Bầu Kiên là một trong những mắt xích, vừa là “tác giả kịch bản” kiêm “ tổng đạo diễn” kiêm “ diễn viên” của nhiều màn ảo thuật từng lũng đoạn ngành ngân hàng-tài chính; Rất có thể Bầu Kiên là một trong những mắt xích quan trọng của cái đường dây biến ảo hàng trăm ngàn tỷ đồng tiền của nhà nước bấy lâu nay thành những đống sắt vụn, những khoản nợ khó đòi, những hợp đồng nợ xấu giời ơi đất hỡi đang được Thống đốc Nguyễn Văn Bình diễn đạt một cách nhàm tẻ, mệt mỏi, loanh quanh tại diễn đàn Quốc hội và các dự án " âm phủ"...
Theo thông tin các báo: Bầu Kiên trưởng thành trên thương trường bắt đầu từ anh sinh viên buôn bán xách tay hàng từ Đông Âu về Việt Nam; gặp thời vận: Việt Nam trả nợ cho Hungari, nơi Kiên học đại học và các nước Đông Âu xã hội chủ nghĩa trong thời kỳ chiến tranh bằng hàng hóa Việt Nam; Kiên được giao đứng ra thu gom và triển khai dịch vụ kinh doanh này và đã phất lên...
Theo một vài nguồn tin: Trong khi các các sinh viên khác đang mang hàng 2 chiều bằng phương thức xách tay thì Kiên đã nhanh chóng vượt họ; chở về Việt Nam hàng công tơ nơ thuốc từ Hungari về...Từ cái nền và điểm xuất phát cò con này mà Kiên phất lên:Từ năm 1994 đến 2006, bầu Kiên đảm nhận nhiều vị trí như Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng Á Châu, Chủ tịch HĐQT Công ty May thời trang MTT, Chủ tịch HĐQT Công ty Thiên Nam, Chủ tịch HĐQT Công ty Liên doanh nhựa đường Caltex, Chủ tịch HĐQT Công ty Thể thao ACB, Phó chủ tịch kiêm Chủ tịch Công ty liên doanh KFC Việt Nam, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần du lịch Chợ Lớn, thành viên HĐQT Công ty Cổ phần du lịch Thiên Minh...
Theo báo CATPHCM: Thế cho nên năm 2008, tài sản tính bằng cổ phiếu của bầu Kiên trong ngân hàng này là gần 1.000 tỷ đồng, nhưng đến năm 2010 chỉ còn khoảng 800 tỷ đồng. Tổng số tài khoản của gia đình ông Kiên tính theo thị trường chứng khoán năm 2010 là khoảng 2.000 tỷ đồng...


Thực ra những số liệu trên vẫn là những số liệu mang tính chất bề nổi, nhiều khi rất xa với sự thật bởi để kiểm đếm tài sản của những phần tử hoạt động kinh doanh trong bóng tối là việc chẳng khác gì đếm cá dưới sông. Điều này chắc cơ quan chức năng cũng đang hướng mục tiêu phá án này sau khi bắt Bầu Kiên?
Về cái gọi là “tội phạm thâu tóm ngân hàng” mà Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng “yêu cầu điều tra, xử lý nghiêm minh bất kỳ đó là ai, thực ra suy cho cùng một kẻ như bầu Kiên, chỉ sử dụng tiền không thì cái giá để thâu tóm đâu có thấp, lãi suất chắc không cao; phải dùng quyền lực chính trị nhà nước thì mới lãi to, cái này Kiên đâu có được sở hữu...
Tóm lại cái tổ con chuồn, những mảng miếng giúp Bầu Kiên hốt bạc của thiên hạ vẫn chưa ai hình dung ra kể cả Thủ tướng; do vậy các thông tin ban đầu trên báo rất sơ sài và rất thiếu sức sống nếu không muốn nói là còn nhiều mâu thuẫn, “ đầu Ngô mình Sở”, vì vậy nên nó đang gây hoang mang dư luận...
Hiện nay tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng thường có mấy dạng đáng lưu ý như sau:

1/ Cò ngân hàng

Đây là loại tội phạm sử dụng quan hệ và phạm vi ảnh hưởng với giới chức ngân hàng và quan chức chính phủ để điều tiết các khoản vay lớn; loại tội phạm này tham gia vào đường dây chung chi khoản tiền vay được của ngân hàng; Hoạt động nầy thịnh hành vì nền kinh tế Việt Nam tuy đã được thị trường hóa nhưng vẫn bị tàn dư của cơ chế xin-cho ám ảnh, chi phối...Theo thông tin vỉa hè thì cái khoản chung chi này có khi lên tới 30 % trên tổng số tiền được vay; Mặc dù khoản chung chi cao nhưng lại phải chia năm sẻ bảy nên thu nhập của từng cò cũng có mức độ khó lòng giàu bốc lên được...

2/ Dựng lên các đề án “kinh doanh ma”, các “dự án âm phủ” để rút tiền ngân sách ra chia nhau; Hay nói cách khác: Cò dự án chính phủ...

Đây là loại tội phạm nguy hiểm và thường gắn với các dự án của chính phủ và các tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, ví như trường hợp Vinashin, Vinalines? Bởi chỉ có những dự án mang danh Chính phủ và các tập đoàn kinh tế nhà nước có nhãn mác lớn, bắt mắt nên việc tiêu tiền chùa, việc rút ra tẩu tán, tiêu hóa nó rất nhanh; sau đó số tiền ăn gian này được đẩy vào loại nợ xấu, nợ khó đòi, kinh doanh ra ngoài ngành không hiệu quả...
Cái cỗ máy bày ra trò ảo thuật này đã tinh quái biến những hành vi bản chất là tham ô, biển thủ công quỹ trở thành hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm, do dốt nên gây hậu quả nghiêm trọng; hành vi cốc ý lam trái; những kẻ tham gia vào đường giây chung chi những khoản tiền gian này là bẫm nhất, an toàn hơn, ra tấm ra miếng hơn...
Bởi vì: nếu bị kết tội tham ô thì số tiền 1 tỷ theo Luật Hình sự đã có thể bị tử hình; Trong khi đó hành vi thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng hay tội cố ý làm trái có thất thoát lên tới hàng tỷ USD nhưng Phạm Thanh Bình cũng chỉ bị kết án 20 năm tù...
Như chúng ta đều biết: Để vay được vốn ngân hàng; bất cứ ngân hàng nào khi ra quyết định cho vay cũng làm khá nghiêm ngặt khâu thẩm định dự án; tức phải là những dự án kinh doanh thật, mang lại hiệu quả thì mới được giải ngân. Riêng đối với các dự án nhất là của các tập đoàn kinh tế mang danh Chính phủ thì phần thủ tục này đôi khi chỉ cần căn cứ vào nghị quyết nọ kia, thậm chí đôi khi chỉ cần một cú phôn là có thể hợp thức xong cả công đoạn thẩm định dự án nhiêu khê loằng ngoằng và đầy các thủ tục ràng buộc pháp lý...
Việc “ bay hơi “ nhanh trong một vài năm, để lại rất ít vết tích những khoản tiền lên tới hàng tỷ USD trong các vụ án Vinashin, Vinalines và ở một số tập đoàn kinh tế nhà nước cho phép chúng ta suy đoán: nhất định đằng sau nó phải có cả một “dây chuyền công nghệ” được chế tác bởi các chuyên gia cự phách...
Liệu Bầu Kiên có chân trong cái “ dây chuyền công nghệ “ được các tập đoàn tội phạm lập ra để sản xuất ra các dự án “kinh doanh ma”, các “dự án âm phủ” để rút tiền ngân sách ? Cần nên hiểu do những nét đặc thù của loại hoạt động này: các vở kịch biến ảo này rất nhiều khi tác giả kịch bản kiêm đạo diễn, kiêm diễn viên lại cũng ảo nốt, ít khi giơ đầu chịu báng bởi chúng chỉ đứng sau hậu trường...Thành ra những kẻ chường mặt ra như Phạm Thanh Bình ( Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinashin ), Dương Chí Dũng ( Chủ tịch Hội đồng quản trị Vinalines ) nhiều khi giá trị vật chứng pháp lý lại không khác mấy con rồi do kẻ khác lập trình các hành vi, do vậy nên sau khi vụ án xảy ra việc bắt tội và quy tội nhất là tội tham ô, tham nhũng thường rất khó; mặc dù số tiền thất thoát lớn nhưng lại không phát hiện ra được nó vào túi ai ? Và một nghịch lý: Có khi kẻ vớ bẫm lại không phải chịu trách nhiệm hình sự gì vì chúng nấp trong bóng tối, sau lưng kẻ có quyền lực; Kẻ có quyền lực đôi khi lại chỉ là kẻ hưởng xái vì thế thường nhận mức án: Thiếu tinh thần trách nhiệm ?! Đây cũng là một trong những căn bệnh mà báo chí quen gọi là "lỗi hệ thống", "bệnh cơ chế" ?!
Vậy Bầu Kiên có chân trong những đường dây kể trên không? Đây là dấu hỏi mà nhiều người đang đặt ra với Ban Chuyên án trong kỳ án này; Bởi nếu không là Bầu Kiên thì nhất định phải có những kẻ như y tham gia vào loạt hoạt động tội phạm này. Đó là điều có thể giải thích vì sao có những kẻ tự nhiên giàu lên rất nhanh, trở thành đại gia mà mà không thấy sản xuất-kinh doanh mặt hàng gì ra hồn, đóng góp được một sản phẩm có giá trị gì cho xã hội...Sản phẩm kinh doanh của loại cò này thường là: những đống giấy lộn, những tạp dự án; những thiết bị sắt vụn nhưng được thanh khoản bằng những đống tiền tươi thóc thật rút từ trong kho nhà nước; Đấy mới chính là loại hình kinh doanh có lãi suất cao nhất, thời thượng nhất,tốn ít công sức nhất, ít rủi ro nhất, ngon lành nhất đám tội phạm này dựa một thế lực chính trị đang mạnh cánh...
Để bóc mẽ ra loại tội phạm này ngoài tài năng, nghiệp vụ sắc bén, sự kiên cường của cơ quan chức năng chỉ đạo còn cần đòi hỏi lực lượng đi phanh phui, chống lại loại tội phạm này phải mẫn cán, trung thành và cũng phải được hậu thuẫn bởi một thế lực chính trị mạnh cánh; Có như vậy thì may ra mới khoan phá được những ổ đề kháng, bonker kiên cố, những “bát trận đồ” ngăn cản, chống trả và đủ khả năng làm rối loạn mất phương hướng các mũi đột phá...
Trong cuộc ra quân lần này, được triển khai theo chiến dịch chỉnh đốn Đảng theo Nghị quyết 4, dư luận phần nào đặt niềm tin vào người đứng đầu TBT Nguyễn Phú Trọng, một nhà lãnh đạo cho đến thời điểm hiện tại chưa thấy tì vết gì, tai tiếng loằng ngoằng gì liên quan tới chuyện tiền nong, con cái; Về năng lực người ta có thể đặt những dấu hỏi về ông nhưng về phẩm chất cá nhân, hiện ông là người chưa bị điều tiếng gì; là Chủ tịch nước Trương Tấn Sang một chính khách có bản lĩnh chính trị ngoan cường; Là Bộ trưởng Trần Đại Quang, một ủy viên Bộ chính trị trẻ, ông sinh 1956; người mà tiền đồ chính trị còn đang rất rộng mở...Nếu quả thực vụ án Bầu Kiên này được sử dụng như là một vụ án mẫu, vụ án điểm để làm bàn đạp đầy lùi các tệ nạn, củng cố lại được lòng tin của nhân dân vào bộ máy lãnh đạo của Đảng và vai trò cá nhân các vị đang nhận lãnh trọng trách lớn trong bộ máy Đảng, Nhà nước, Chính phủ.Nếu như vậy vụ án Bầu Kiên sẽ trở thành vụ án điểm, vụ án mẫu để chứng minh bản lĩnh và mang tính chất nêu gương, thiết lập lại kỷ cương, chấm dứt một giai đoạn rối loạn, làm loạn thì ắt sẽ tạo những tia hy vọng...
Vấn đề chuyên án có mở rộng đến cùng, tới đáy của vấn đề nhằm truy kích và thiết lập lại trật tự trong lĩnh vực cốt tử ngân hàng-tiền tệ này còn thuộc vào tài năng và sự kiên cường của ban chuyên án, những người trực tiếp tác chiến.
Để lần ra đường dây thao túng này, vẫn có thể tìm ra bằng nghiệp vụ ngân hàng tiền tệ mà các các cơ quan chức năng chống rửa tiền quốc tế vẫn áp dụng thì vẫn có thể tìm ra những nguồn gốc của những đồng tiền đen tiền bẩn, tiền phi pháp của những kẻ như Bầu Kiên...Nếu cơ quan chuyên án kết hợp với các cơ quan thanh tra chuyên ngành truy tìm ráo riết các nguồn tiền ra vào các tài khoản của Bầu Kiên và những kẻ tình nghi thì vẫn có thể lần tìm ra dầu vết vì: số tiền đó lên tới hàng trăm, hàng ngàn tỷ đồng chuyển qua lại của hệ thống ngân hàng...
Một con người thân cận, có khả năng vào ra cửa sau của nhiều quan chức chính phủ, ngân hàng như Bầu Kiên khó lòng bỏ qua mảng miếng làm ăn bự này; Chính mảng làm ăn này, mới có thể giải thích thỏa đáng cho những khoản tài sản lớn mà Bầu Kiên có được trong một thời gian ngắn, trong cái thời buổi người khôn của khó này ?! Còn những mặt hàng kinh doanh mà bầu Kiên kê khai trong giấy phép thì khi triển khai, lo được đủ lương cho công nhân, trả được nợ ngân hàng, lo được nghĩa vụ thuế đã là tài lắm rồi; lấy đâu ra tiền để đi những con xe mấy chục tỷ đồng ?
Tóm lại, vụ án Bầu Kiên nếu không được đẩy tới cùng, làm cho ra nhẽ và được bạch hóa thông tin thì dễ dẫn tới những hậu quả kinh tế-chính trị phản tác dụng, “phản lực” khó lường định; Vụ án Bầu Kiên đổ bể cũng giống như một lần thiết chế quản lý ngân hàng, tiền tệ được một lần tiêm chủng ngừa bệnh; Nếu sự tiêm chủng này không đủ liều, dẫn tới việc những virus ủ bệnh được miễn dịch, tất yếu chúng sẽ trở nên lỳ lợm, nguy hiểm và hung tợn hơn khi gặp thời cơ bùng phát bệnh ?!

P.V.Đ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001