Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Nhà tù ở Việt Nam ‘vi phạm quyền tù nhân rất phổ biến’ 

LTS: Luật sư Nguyễn Văn Đài, 43 tuổi, mãn án 4 năm tù ngày 6/3/2011 vì bị cáo buộc tội “Tuyên truyền chống nhà nước…” cùng một vụ với nữ luật sư Lê Thị Công Nhân. Ông từng bị giam ở nhà tù Ba Sao tỉnh Nam Hà, nơi đang có nhiều tù nhân chính trị bị giam giữ, kể cả linh mục Nguyễn Văn Lý.

Nữ luật sư Nguyễn Thị Dương Hà, vợ Tiến sĩ Cù Huy Hà Vũ vừa gửi thư tố cáo cai tùvà ban giám thị nhà tù số 5 của Bộ Công An ở Thanh Hóa lên chủ tịch nước CSVN. Bà nêu ra 5 điểm vi phạm luật lệ nghiêm trọng của nhà tù và cai tù ở đó để đòi chấn chỉnh cho đúng pháp luật của chế độ. Nhân sự kiện này, Báo Người Việt phỏng vấn luật sư Nguyễn Văn Đài về những điều ông đã trải qua trong những ngày tù tội mà ông cho hay là tình trạng nhà tù bất chấp luật lệ có thể phổ biến khắp nơi ở Việt Nam.

Luật sư Nguyễn Văn Đài (phải) tại phiên tòa hồi tháng 5 năm 2007. (Hình: AFP)
Người Việt (NV): Trong kinh nghiệm của một người tù chính trị, ông có thấy những gì đã xảy ra cho TS Cù Huy Hà Vũ là chuyện phổ biến hay chỉ là sự “phân biệt đối xử” có tính riêng biệt với trường hợp tù nhân Cù Huy Hà Vũ?

Luật sư Nguyễn Văn Đài: Trong 5 điểm mà nhà tù số 5 – Bộ công an đã vi phạm với ông Vũ thì đã xảy ra với tôi và hầu hết các tù chính trị bị giam giữ tại nhà tù Nam Hà.

NV: Ông có thể kể cho một vài thí dụ từng xảy ra cho mình, chứng minh nhà tù Nam Hà không tôn trọng luật lệ?

LS Đài: Trong hơn 3 năm tôi bị giam giữ tại nhà tù Nam Hà, tôi không được nhà tù cho gọi điện thoại về gia đình lần nào. Tôi không được gặp riêng vợ tôi theo qui định của luật. Tôi không được nhận đầy đủ sách báo mà gia đình gửi, ví dụ những sách có liên quan đến tôn giáo, sách Thánh ca, các loại báo như Thanh niên, Tuổi trẻ, Công an,… Thời gian đầu tôi hay gửi thư qua quản giáo thì thư thường bị thất lạc, gia đình không nhận được.

NV: Có phải cai tù là “vua một cõi”, có quyền gần như tuyệt đối kể cả đối với sinh mạng của người tù?

LS Đài: Không hoàn toàn như vậy. Hiện nay chỉ có một số ít cai tù sử dụng vũ lực với tù nhân. Cai tù thường khôn ngoan hơn, bởi mục đích của họ là làm sao để cho thân nhân của người tù hối lộ họ nhiều hơn, tù nhân chịu khó lao động để họ có thể thu lợi nhiều hơn. Đôi khi một số cai tù sẵn sàng giúp đỡ tù nhân để đạt được hai mục đích trên của họ.

NV: Có thể cai tù ăn hối lộ rồi nương tay cho người này, trù dập hay đánh đập người kia không?

LS Đài: Chuyện cai tù nhận tiền, quà biếu trực tiếp từ tù nhân hoặc người nhà tù nhân là chuyện phổ biến ở các nhà tù Việt Nam. Những tù nhân hối lộ cho cai tù thì nhận được những công việc nhàn hạ, hoặc theo sở thích. Được giảm án nhiều hơn.

NV: Phản ứng của người tù nói chung đối vớì sự ngược đãi, ác độc của cai tù và cả chế độ tù đày như thế nào?

LS Đài: Đa số tù nhân hình sự thường phạm là cam chịu. Rất hiếm có các cuộc đấu tranh của những tù nhân này để đòi hỏi quyền lợi. Với tù chính trị thì thường xảy ra các cuộc đấu tranh như: đình công, tuyệt thực.

NV: Đựơc nghe thân nhân một số người tù kể rằng đã nhiều lần có các cuộc tuyệt thực, biểu tình trong nhà tù để chống lại sự độc ác và ngang ngựơc của cai tù của trại tù Ba Sao ở Nam Hà. Có xảy ra trong thời gian LS Đài còn ở đó không?

LS Đài: Trong thời gian tôi ở nhà tù Ba Sao, Nam Hà thì tôi đã chứng kiến ít nhất là 5 cuộc đình công và 1 lần tuyệt thực, 3 lần trả lại thực phẩm cho nhà tù. Chúng tôi tổ chức đình công khi cai tù áp đặt mức khoán lao động cao, làm cho tù nhân khó thực hiện được. Hoặc khi nhà tù không cung cấp đủ nước sạch cho tù chính trị. Chúng tôi tuyệt thực để cầu nguyện khi họ bắt giam kỷ luật những bạn tù chống đối lao động, khi họ tịch thu bếp không cho chúng tôi nấu ăn.

NV: Có sự phân biệt đối xử đối với những tù nhân sắc tộc thiểu số như người Thượng ở Tây nguyên, ngừơi Hmong ở các tỉnh miền núi phía bắc hay không?

LS Đài: Họ thường bị phân biệt đối xử trong việc giảm án. Những người Thượng ở Tây Nguyên, hay người H’Mông thường không được giảm án, hoặc được giảm án nhưng chỉ bằng 1/3 so với tù nhân khác.

NV: Có sự phân biệt đối xử giữa tù nhân chính trị, tôn giáo với tù nhân thường phạm hay không?

LS Đài: Thông thường tù chính trị, tôn giáo bị quản lý chặt chẽ hơn. Tù thường phạm có thể lao động tự do bên ngoài nhà tù, còn tù chính trị, tôn giáo thì không bao giờ. Tù chính trị, tôn giáo rất hiếm khi được đặc xá, việc giảm án hàng năm cũng ít hơn tù thường phạm.

NV: Khi tù nhân khiếu nại, phản đối vì cai tù làm sai, làm ngược luật lệ thì phản ứng của họ ra sao?

LS Đài: Có hai thái độ: Thường với tù thường phạm, bởi họ không đoàn kết và học thức ít. Do vậy cai tù, giám thị sẽ đe dọa kỷ luật giam riêng, không giảm án, thậm chí sẵn sàng sử dụng vũ lực để lần sau họ không dám phản đối.

Với tù chính trị và tôn giáo thì rất đoàn kết và đấu tranh tập thể. Do vậy cai tù, giám thị sẽ đến động viên, giải thích và đáp ứng đòi hỏi của tù nhân. Tất nhiên họ sẽ âm thầm điều tra xem ai khởi xướng cuộc phản đối đó. Nếu biết, họ sẽ gọi tù nhân đó ra gặp riêng, vừa đe dọa vừa thuyết phục để không xảy ra các cuộc phản đối lần sau.

NV: Xin cảm ơn LS Nguyễn Văn Đài đã trả lời phỏng vấn!


Nam Phương/Người Việt
nguồn: http://www.letrai.net/2012/08/nha-tu-o-viet-nam-vi-pham-quyen-tu-nhan.html
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001