Thứ Năm, 30 tháng 8, 2012

Từ tiếng kêu cứu của mẹ                         

Theo qdnd.vn - 6 giờ trước
QĐND - Nhớ lại những ngày tháng sục sôi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chúng tôi đến thăm gia đình cố nhạc sĩ Văn Cao ở số 108, phố Yết Kiêu, Hà Nội. Bà Thuý Băng, vợ cố nhạc sĩ lại mang ra những bản nhạc do ông sáng tác; những bức ảnh chụp ông cùng gia đình và những bài báo viết về ông để nhớ về Văn Cao - một nhạc sĩ đa tài và nổi tiếng. Trong phòng khách căn nhà ấy vẫn còn đó cây đàn piano cũ, những tác phẩm hội hoạ vẫn treo ở trên tường, tượng bán thân nhạc sĩ Văn Cao vẫn đặt trang trọng trên tủ.
 Nhạc sĩ Nghiêm Bằng, con trai thứ hai của nhạc sĩ Văn Cao, bồi hồi ôn lại lời kể của cha mình khi viết ca khúc "Tiến quân ca”. Nhạc sĩ Nghiêm Bằng kể: "Cha tôi viết bài hát tại căn gác hẹp ở số nhà 45, phố Nguyễn Thượng Hiền, bên cạnh cửa sổ nhìn sang căn nhà hai tầng, mấy làn cây và một màn trời xám. Ở đây thường vọng lên tiếng động của những chiếc xe bò chở xác người chết đói đi về phía Khâm Thiên. Ở đây hàng đêm mất ngủ vì gió mùa luồn vào từng khe cửa, vì tiếng đánh chửi nhau của một gia đình anh viên chức nghèo khổ, thiếu ăn, vọng qua khe gác.
Từ tiếng kêu cứu của mẹ
Bản nhạc có bút tích của nhạc sĩ Văn Cao.
Tin từ Nam Định lên, cho biết bà tôi (mẹ Văn Cao) và các cô, chú tôi đang đói. Họ đang tìm mọi cách sống qua ngày, như mọi người đang chờ đợi một cái chết thật chậm, tự ăn mình như ngọn nến. Tiếng kêu cứu của mẹ, các em và các cháu làm bố tôi thấy như đang vọng cả căn gác, cả giấc ngủ chiều hôm. Tất cả đang chờ đợi bố tôi tìm cách giúp đỡ. Ông không biết làm gì, chỉ đang gắng sức viết một bài hát. Ông chưa được gặp các chiến sĩ cách mạng, chưa biết họ hát như thế nào! Nên ông đang nghĩ cách viết một bài hát thật giản dị, cho họ có thể hát được...”.
Suy nghĩ miên man như thế, tự nhiên dâng trào một giai điệu trong ông và hoà quyện cùng lời ca bật ra: “Đoàn quân Việt Minh đi (sau này đổi thành Đoàn quân Việt Nam đi). Chung lòng cứu quốc. Bước chân dồn vang trên đường gập ghềnh xa…”. Ông hình dung được lá cờ đỏ sao vàng tung bay lộng gió giữa màu xanh của núi rừng chiến khu. Nhịp điệu của bài hát ngân vang dài, mở đầu cho tiếng cồng vang vọng: “Đoàn quân Việt Nam đi. Sao vàng phấp phới. Dắt giống nòi quê hương qua nơi lầm than…”.
Tháng 11-1944, ông tự tay viết bài "Tiến quân ca" lên đá in trong trang văn nghệ đầu tiên của Báo Độc Lập. Một tháng sau khi báo phát hành, ông từ cơ quan ấn loát trở về Hà Nội, qua một đường phố nhỏ (bấy giờ là đường Mai Hắc Đế) chợt nghe tiếng đàn măng-đô-lin, từ một căn gác vọng xuống. Có người đang tập "Tiến quân ca". Ông dừng lại và tự nhiên thấy xúc động. Một xúc động đến với ông hơn tất cả những tác phẩm đã được trình diễn ở các rạp hát trước đây. Ông nhận ra được vài chỗ nhịp điệu còn chưa được hoàn chỉnh. Nhưng bài hát đã in rồi, bài hát đã được phổ biến và không còn là của riêng ông.
Ngày 17-8-1945, ông đến dự cuộc mít tinh của công chức Hà Nội. Bài "Tiến quân ca" đã “nổ” như một trái bom. Nước mắt ông trào ra. Chung quanh ông, hàng ngàn giọng hát cất lên, vang theo những đoạn sôi nổi. Ngày 19-8-1945, một cuộc mít tinh lớn diễn ra tại quảng trường Nhà hát Lớn với dàn đồng ca của thiếu niên Tiền phong hát "Tiến quân ca", chào lá cờ đỏ sao vàng… Hàng chục ngàn giọng hát cất lên, thét lên tiếng thét căm thù bọn đế quốc, với sự hào hứng chiến thắng của cách mạng…”.
Bài hát "Tiến quân ca" được chọn là Quốc ca của nước Việt Nam độc lập tại Đại hội quốc dân Tân Trào, cùng với việc phát lệnh Tổng khởi nghĩa toàn quốc…
Bài và ảnh: Hoàng Hiển
nguồn:http://tintuc.xalo.vn/00-329751441/Tu_tieng_keu_cuu_cua_me.html
------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001