Thứ Hai, 1 tháng 4, 2013

Nhạc sĩ Dương Thụ và góc nhìn về Nhạc Trẻ

Vũ Hoàng, phóng viên RFA
2013-03-31
nhac-chat-luong-305.jpg
Chương trình biểu diễn ca nhạc chất lượng tại Hà Nội. Hình chụp hôm 29/03/2013.
RFA

Sức mạnh nằm ở nội tâm con người
Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ Dương Thụ, ông đã gắn bó với âm nhạc Việt Nam giai đoạn hiện đại suốt hơn 2 thập kỷ qua, nhìn về nhạc trẻ giai đoạn trước đó và bây giờ, những điểm gì ông thấy là thay đổi nhiều nhất?
NS Dương Thụ: Như các bạn biết, nhạc trẻ gắn liền với khoa học kỹ thuật, hơn nữa những phương tiện mới về internet cũng giúp các bạn rất nhiều trong việc học tập. Tất nhiên về mặt kỹ thuật so với những ban nhạc trẻ sau 75 mà ta gọi là những nhóm ca khúc chính trị - những nhóm thực chất là những ban nhạc trẻ, những ban rock và pop, về mặt kỹ thuật thì tiến bộ hơn, nhưng chưa chắc về mặt cảm xúc âm nhạc đã bằng.
Tiếng đàn hay là tâm hồn hay cộng với năng khiếu, tài năng, chứ tiếng đàn hay, chữ “hay” ở đây rung động người khác không chỉ ở chỗ anh có tài, có kỹ thuật đâu. Cho nên, các bạn trẻ bây giờ chơi nhiều, có tiến bộ về mặt kỹ thuật, nhưng về mặt cảm xúc âm nhạc không làm cho tôi để ý như các anh ngày xưa. Ví dụ, ngày xưa nhạc pop, nhiều anh viết những bài hay lắm, như bài Xe Đạp Ơi, nó hồn nhiên, tự nhiên xúc cảm. Hay ngày xưa anh Đức Huy anh viết nhạc pop trước năm 1975, nhiều bài hay lắm, như bài Cơn Mưa Phùn hay Bay Đi Cánh Chim Biển. Làm sao bây giờ các bạn ấy địch được với những người viết như thế.
Vấn đề chính là nhân cách, con người và vốn sống của anh. Chứ nếu anh sống hời hợt, nếu suốt ngày anh chỉ chúi mũi vào máy vi tính, không dính với đời sống, anh không có cái đau khổ của một người bình thường, cái đó nó không làm người khác rung động được.
Thời đại mới, chúng ta hơi coi trọng văn minh vật chất, văn minh kỹ thuật mà chúng ta không coi trọng yếu tố quan trọng nhất là con người. Vì thế, cho nên mặc dù các sân khấu, tác phẩm biểu diễn rất lộng lẫy, huy hoàng, ghê gớm nhưng nó không đọng lại được gì. Nhưng có khi chỉ anh Đức Huy ôm đàn guitar hát thì mình vẫn nhớ mãi được, đó là sức mạnh của người ta, sức mạnh nằm ở chính nội tâm con người. Điều đó các bạn trẻ không chú ý, các bạn hay chủ quan, hay kiêu và như vậy cũng không được.
Vũ Hoàng: Vâng, cám ơn nhạc sĩ Dương Thụ đã có những chia sẻ rất sâu sắc như vậy.

Công chúng nào thì nhạc sĩ ấy

Vũ Hoàng: Xin được quay lại với nhạc sĩ Dương Thụ. Như nhạc sĩ vừa đánh giá về góc nhìn của những người viết nhạc trẻ thời gian gần đây, tuy nhiên, ở góc độ của những người nghe nhạc, thì ông đánh giá ra sao ạ?
NS Dương Thụ: Giới trẻ bây giờ được phương tiện nghe tốt hơn, các bạn trẻ bây giờ tiêu thụ âm nhạc kinh khủng lắm, chúng tôi gọi là “ngốn nhạc”, họ nghe nhạc khủng khiếp lắm, nghe nhạc suốt ngày, ở đâu cũng thấy nhạc, không bao giờ để cho tai nghỉ cả, đó là một sự khác biệt. Vì âm nhạc sinh ra không phải để giải quyết chuyện ấy, âm nhạc như người bạn tốt nhất của anh về mặt tình cảm, chia sẻ với anh lúc buồn.
Tôi không phê bình gì cả, vì xã hội nào thì văn hóa ấy, công chúng nào thì đẻ ra lớp nhạc sĩ ấy, nếu công chúng mà xịn, mà giỏi thì những nhạc sĩ này không tồn tại, vì ai mà mua, mà nghe.
NS Dương Thụ
Phần lớn những người hiểu nhạc và yêu nhạc họ có những tác giả và tác phẩm yêu thích của họ, nghe đi nghe lại nhiều lần và có lúc, không phải là ăn cơm cũng nghe nhạc, uống nước cũng nghe nhạc, đi xe đò cũng nghe nhạc, dần dần người nghe nhạc không hiểu nhạc là cái gì, không hiểu được nhạc nữa. Và không hiểu được nhạc nữa sẽ nuôi sống những người viết nhạc kém, tạo ra một lớp người viết của họ, có thể nói thế này, công chúng nào thì nhạc sĩ ấy, đời sống âm nhạc nào thì đẻ ra âm nhạc ấy. Vậy nên mình cũng không trách người viết được vì có cung thì mới có cầu, vì họ thích lấp đầy lỗ tai suốt ngày thì phải có thứ mì ăn liền chứ sao có thể toàn đòi ăn cao lương mỹ vị được, cho nên cuối cùng hỏng hết.
Cho nên khi âm nhạc đánh mất ý nghĩa của mình, công chúng làm hỏng âm nhạc và điều đầu tiên là tạo ra một lớp nhạc sĩ chỉ viết coi nhạc là thứ vui chơi giải trí, viết nhạc vớ vẩn. Và như thế thì, một nền âm nhạc vắng bóng tác giả sẽ không phát triển được, tất cả những sự phát triển phải do những cá nhân tài năng.
Tất nhiên bây giờ vẫn có những nhạc sĩ gọi là nhân vật, nhưng quá ít, cho nên nền âm nhạc không đủ mạnh, bởi nó không có người sáng tạo, nó không có những nhân vật, mà chỉ có đám đông làm nhạc và đám đông nghe nhạc mà thôi. Tôi không phê bình gì cả, vì xã hội nào thì văn hóa ấy, công chúng nào thì đẻ ra lớp nhạc sĩ ấy, nếu công chúng mà xịn, mà giỏi thì những nhạc sĩ này không tồn tại, vì ai mà mua, mà nghe.
Cuộc đời định giá rõ lắm, thứ nhạc rẻ tiền chỉ 7-8,000 đồng một đĩa,  còn nhạc thứ hạng thì một đĩa hơn trăm ngàn, bây giờ người ta thích ít tiền mua được nhiều đồ, chứ người ta không nghĩ rằng một món đồ thật quý đáng giá hơn gấp trăm ngàn lần món đồ linh tinh, ngưởi ta chưa đến được văn hóa đó.

Chưa có những nhân vật đủ độ lớn


nhac-tre-250.jpg
Một số CD nhạc trẻ đang thịnh hành. RFA photo.

Vũ Hoàng: Thưa nhạc sĩ Dương Thụ, dường như sự không hiểu đúng về âm nhạc của cả giới nghe nhạc lẫn giới viết nhạc mà tạo ra một thị trường nhạc Việt khá lộn xộn như ông đánh giá. Vậy, nếu để hiểu đúng về một mặt khác tích cực hơn của nhạc Việt, thì nhạc sĩ đánh giá ra sao ạ?
NS Dương Thụ: Còn hiểu đúng thì ở Việt Nam vẫn có những nhạc sĩ phòng giao hưởng. Tôi cũng đang cố gắng cùng anh em hoạt động trong lĩnh vực này, mỗi năm làm chương trình “Điều Còn Mãi” là chương trình thính phòng giao hưởng hoàn toàn Việt Nam, có nhiều tác giả trẻ lắm, họ là những người viết nhạc giao hưởng, tức là văn hóa đẳng cấp họ có.
Thứ nhất là nó phát triển hơn xưa, vì âm nhạc mình cứ hiểu là những thứ nhạc bậy bạ nên mình chửi họ, chứ thực ra âm nhạc Việt Nam bây giờ là tiến bộ, về mặt thính phòng giao hưởng, xưa chỉ có mấy tác giả thôi, nhưng bây giờ thì đông lắm, mấy anh đi học ở nước ngoài, về viết, tôi đã từng dựng cho các anh ấy rất nhiều.
Thứ hai, về thanh nhạc, trước kia khi tốt nghiệp (giao hưởng) ở nhạc viện ra là vứt đi, nhưng bây giờ người ta có việc làm và kỹ thuật bây giờ cũng tốt, họ chỉ thiếu cảm xúc thôi, chứ trình độ của ca sĩ ở khu vực nhạc nghiêm túc cũng được nâng lên, nhưng tài năng kiệt suất thì không có, cũng giống như bên nhạc nhẹ, thiếu các nhân vật, các anh vào trường nhạc, rồi ra kiếm tiền nhanh quá.
Nói tóm lại, âm nhạc cũng phát triển về mặt nào đó, những nhạc sĩ nghiêm túc viết bên nhạc nhẹ như nhạc sĩ Quốc Trung, Anh Quân, Huy Tuấn, Giáng Son, Lê Minh Sơn, Võ Thiện Thanh là những tác giả đâu có tệ. Nhưng nó ít quá và từng nhân vật không đủ mạnh như thế hệ trước. Thí dụ, thế hệ trước có ông Văn Cao, ông Phạm Duy hay ông Đỗ Nhuận, mình không so sánh, vì so sánh là khập khiễng. Nhưng ở đây tôi muốn nói là độ lớn, mỗi người có độ lớn của họ so với thời kỳ họ sống. Độ lớn của các tác giả trẻ mới hiện nay chưa đủ độ lớn so với thời kỳ họ sống nên họ chưa khuynh loát được, họ chưa làm cho người khác theo được.
Vũ Hoàng: Vâng, cám ơn nhạc sĩ Dương Thụ rất nhiều đã chia sẻ đến thính giả đài ACTD về những suy nghĩ của ông về tình hình âm nhạc Việt Nam trong nước.
nguồn:http://www.rfa.org/vietnamese/programs/MusicForWeekend/dngthu-persp-of-yth-music-03312013113014.html
======================================================================
Chú ý: Nhấn vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
          Sẽ xóa những comment nói tục
          Thinhoi001

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001