184 trên 192 phiếu bầu Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền Liên hiệp quốc
Dân Luận: Việc Việt Nam có mặt trong Hội Đồng Nhân Quyền Liên Hiệp Quốc là một điều đáng buồn hơn là vui. Thứ nhất, qua lời Bộ trưởng Bộ Ngoại Giao Phạm Bình Minh thì đây dường như là một chiến thắng về đối ngoại hơn là đối nội, là dịp để chính phủ Việt Nam chứng tỏ Việt Nam muốn làm bạn với các nước hơn là một cơ hội để Việt Nam nâng cao nhận thức của người dân về quyền con người và củng cố các thể chế bảo vệ nhân quyền trong nước."Việc đông đảo các quốc gia thành viên Liên hiệp quốc tín nhiệm bầu Việt Nam làm thành viên Hội đồng Nhân quyền có ý nghĩa lớn về nhiều mặt" - Bộ trưởng Phạm Bình Minh trả lời báo chí về việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014 -2016.
Thứ nhì, Bộ trưởng cũng không trung thực khi nói rằng việc Việt Nam được bầu phản ánh sự tín nhiệm của cộng đồng quốc tế đối với Việt Nam. Bộ trưởng "quên" mất không đề cập đến chỉ có 4 nước đứng ra ứng cử vào 4 ghế của Hội đồng ở Châu Á và cả 4 đều được chọn vì không còn lựa chọn nào khác. Việc mượn chiến thắng dỏm này để đánh bóng tình hình nhân quyền trong nước cho thấy chính phủ Việt Nam tiếp tục tự dối mình và dối người để tiếp tục từ chối các quyền chính đáng của người dân. Thứ ba, việc Việt Nam, Trung Quốc và Arab Saudi là những nước có nhiều điều tiếng về vi phạm quyền con người đứợc vào Hội Đồng Nhân Quyền chắc chắn sẽ làm giảm tính hiệu quả của Hội Đồng này, đồng nghĩa với việc quyền con người của nhiều người trên thế giới này sẽ tiếp tục bị trì hoãn, không chỉ ở riêng Việt Nam.
* Xin Bộ trưởng cho biết mục đích, ý nghĩa của việc Việt Nam trúng cử vào Hội đồng Nhân quyền LHQ nhiệm kỳ 2014-2016 ?
- Bộ trưởng Phạm Bình Minh: Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người là một trong những vấn đề quốc tế lớn, một trong ba trụ cột hoạt động chính của LHQ, bên cạnh các vấn đề hòa bình, an ninh quốc tế và hợp tác phát triển. Với tầm quan trọng như vậy của vấn đề quyền con người, năm 2006, Đại hội đồng LHQ đã thành lập Hội đồng Nhân quyền để thay thế Ủy ban Nhân quyền trước đây bị các nước phê phán là hoạt động kém hiệu quả.
Hội đồng Nhân quyền gồm 47 quốc gia thành viên đại diện cho tất cả các khu vực, được bầu với nhiệm kỳ 3 năm, là cơ quan chịu trách nhiệm chính và quan trọng nhất của LHQ trong việc thúc đẩy và bảo vệ nhân quyền trên thế giới. Hội đồng có nhiều cơ chế giúp việc như Ủy ban Tư vấn, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền, các Thủ tục đặc biệt gồm 48 Báo cáo viên đặc biệt, Chuyên gia độc lập hoặc Nhóm làm việc, Thủ tục Khiếu nại và đặc biệt là Cơ chế Kiểm điểm phổ cập định kỳ (UPR) mà theo đó, tất cả các nước phải định kỳ nộp báo cáo và kiểm điểm trước Hội đồng Nhân quyền về việc đảm bảo quyền con người tại nước mình.
Việc ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền LHQ là bước đi quan trọng trong lộ trình triển khai chính sách đối ngoại “là bạn, là đối tác tin cậy, là thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế” và “chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng XI và Nghị quyết 22 của Bộ Chính trị. Quyết tâm này cũng thể hiện quan điểm của Đảng và Nhà nước ta coi quyền con người là giá trị và nguyện vọng chung của nhân loại, thể hiện chính sách nhất quán tôn trọng, bảo đảm quyền con người và chủ trương tăng cường đóng góp và thúc đẩy hợp tác quốc tế của ta trên lĩnh vực này.
Vì vậy, việc đông đảo các quốc gia thành viên LHQ tín nhiệm bầu ta làm thành viên Hội đồng Nhân quyền có ý nghĩa lớn về nhiều mặt. Trước hết, điều này thể hiện sự ghi nhận, đánh giá cao của cộng đồng quốc tế đối với chính sách, nỗ lực và thành tựu của Việt Nam trong công cuộc Đổi mới toàn diện, trong đó có việc xây dựng Nhà nước pháp quyền, phát huy dân chủ và bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền của người dân. Trong nhiều năm qua, có thể nói, mọi thành tựu của đất nước đều hướng tới người dân. Thậm chí, phát triển kinh tế có lúc gặp khó khăn, nhưng việc thực hiện các Mục tiêu phát triển của Liên Hợp Quốc luôn được thực hiện tích cực, mạnh mẽ, mang lại lợi ích thiết thực cho nhân dân.
Trong sự kiện chính trị quan trọng hàng đầu của đất nước là sửa đổi Hiến pháp, vấn đề quyền con người cũng được chú trọng, theo hướng vừa thể hiện chính xác hơn chức năng cơ bản của Hiến pháp trong việc ghi nhận, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, đồng thời hiến định một số nguyên tắc và quyền con người cụ thể trong các công ước quốc tế về nhân quyền mà Việt Nam là thành viên.
Việc Việt Nam trúng cử là thành công to lớn của công tác đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta, phản ánh vị thế và uy tín ngày càng cao của đất nước trên trường quốc tế. Thành công này không đến một cách ngẫu nhiên, nó thể hiện thế và lực của đất nước đang ngày một vững chắc hơn, là sự tiếp nối của những thành công của Việt Nam trong ASEAN, APEC, ASEM, của việc cộng đồng quốc tế ủng hộ Việt Nam đăng cai Đại hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới năm 2015 và Hội nghị cấp cao APEC năm 2017. Trong các cuộc tiếp xúc để vận động các nước bầu Việt Nam vào HĐNQ, tôi cũng rất xúc động về tình cảm sâu sắc bạn bè quốc tế đối với đất nước, nhân dân ta; trong đó, nhiều vị lãnh đạo đã tích cực ủng hộ chúng ta trong những năm tháng đầy khó khăn trước đây của đất nước ta.
* Xin Bộ trưởng cho biết những định hướng lớn của Việt Nam khi tham gia Hội đồng Nhân quyền với tư cách là quốc gia thành viên?
- Với tinh thần đẩy mạnh hội nhập quốc tế sâu rộng và toàn diện, trong ba năm tới, với tư cách là thành viên Hội đồng Nhân quyền, Việt Nam sẽ tham gia tích cực và chủ động đóng góp vào công việc chung của Hội đồng, bám sát quan điểm, chính sách nhất quán của Đảng, Nhà nước ta về quyền con người và các định hướng lớn trong chính sách đối ngoại của ta, đồng thời thực hiện tốt các nghĩa vụ và cam kết của một quốc gia thành viên Hội đồng Nhân quyền và thành viên LHQ.
Là một quốc gia thành viên, chúng ta sẽ có điều kiện đề cao quan điểm, lập trường, chính sách, luật pháp, chia sẻ các kinh nghiệm thành công của Việt Nam trong việc bảo đảm quyền con người, đặc biệt về xây dựng Nhà nước pháp quyền, tăng cường vai trò của Quốc hội, cải cách tư pháp; thực tế tôn trọng và đảm bảo các quyền con người về kinh tế, xã hội, văn hóa và dân sự, chính trị tại Việt Nam, kết quả tích cực về xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh lương thực, an sinh xã hội, thực hiện tốt các Mục tiêu Thiên niên kỷ về Phát triển, qua đó góp phần phản bác các thông tin sai lệch về tình hình dân chủ, nhân quyền tại Việt Nam. Ta cũng có thêm điều kiện tranh thủ những kinh nghiệm quốc tế phù hợp.
Ta cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các nước thành viên nhằm tăng cường đóng góp trên tinh thần xây dựng và có trách nhiệm vào các vấn đề nhân quyền mà cộng đồng quốc tế quan tâm; tích cực thúc đẩy đối thoại, hợp tác quốc tế và việc tiếp cận các vấn đề nhân quyền một cách cân bằng, tổng thể và toàn diện; đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả hoạt động của Hội đồng Nhân quyền và các cơ chế khác của LHQ về nhân quyền.
Ngoài việc chia sẻ kinh nghiệm, việc tham gia vào các công việc của Hội đồng Nhân quyền cũng là cơ hội tốt để ta nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ, sẵn sàng tham gia sâu hơn vào các cơ chế đa phương quan trọng trong bối cảnh tăng cường hội nhập quốc tế.
TTO
Admin gửi hôm Thứ Tư, 13/11/2013
nguồn:https://danluan.org/tin-tuc/20131112/184-tren-192-phieu-bau-viet-nam-vao-hoi-dong-nhan-quyen-lien-hiep-quoc
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001