Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

Chưa có hồ chứa nào xả lũ sai quy trình

Chưa có hồ chứa nào xả lũ sai quy trình 



Thì ngài Phó Thủ Hải đã điềm nhiên tuyên bố như thế. “Miệng quan…”, thằng dân thân phận giun dế ai dám không tin. Đến chuyện Nguyễn Chí Đức bị một kẻ bạn dân đạp vào mặt nhiều lần, video quay rõ ràng, mà nhà chức trách vẫn bai bải nói không có, khiến cho cư dân mạng phải cay đắng “giải thích”: anh Nguyễn Chí Đức đã tự nguyện dùng mặt đập vào giày công an!
Còn nay, với tuyên bố của ngài Phó Thủ Hải, cần phải tiếp tục truyền thống đó: đập thuỷ điện xả luôn luôn đúng quy trình; chỉ có lũ là đổ xuống không đúng quy trình, trâu bò, tài sản của dân trôi theo dòng nước là không đúng quy trình, 42 mạng người mất trong cơn lũ là không đúng quy trình.
Truyền thống đó cần phải được phát huy cao hơn nữa: con đường tiến lên chủ nghĩa xã hội do “Bác đã chọn” – tuy chính miệng ngài Tổng Bí Trọng thừa nhận là 100 năm nữa chưa biết đã có chưa – tất nhiên là đúng quy trình; chỉ có tham nhũng – như “ghẻ ngứa” hay “bầy sâu” theo cách nói của ông uỷ nọ hay ông uỷ kia – là không đúng quy trình; chỉ có ông Đoàn Văn Vươn nổ súng hoa cải là không đúng quy trình, chỉ có dân oan khắp nơi ùn ùn khiếu kiện là không đúng quy trình, vân vân và vân vân.
Như thế, biện pháp là phải giáo dục cán bộ và nhân dân, để họ hiểu rõ “quy trình” và răm rắp tuân theo “quy trình”.
Than ôi! “Quy trình” là cái gì mà được hưởng quyền “bất khả xâm phạm” to như thế? Mà bắt cả nước phải khốn cùng như thế? Dân đen nghe các quan giải thích, chỉ có thể ngửa mặt lên trời khóc ba tiếng, rồi cúi mặt xuống đất cười ba tiếng.
Khóc cười để tống tiễn “quy trình”!
Bauxite Việt Nam

VOV.VN -“Đến nay chưa có báo cáo nào nói có hồ nào đó xả lũ sai quy trình và các địa phương có hồ chứa đều khẳng định như vậy”.
Thông tin hồ thủy điện xả lũ sai quy trình đang khiến nhiều đại biểu Quốc hội và người dân bức xúc. Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải vừa dẫn đầu đoàn công tác của Chính phủ kiểm tra tình hình mưa lũ ở miền Trung.
clip_image001
Bên lề kỳ họp Quốc hội đang diễn ra, sáng nay (21/11), Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải chia sẻ với báo chí về kết quả đợt kiểm tra này.
PV: Xin ông cho biết, qua đợt kiểm tra tình hình mưa lũ vừa rồi có đúng là các hồ thủy điện xả lũ sai qui trình đã khiến tình trạng ngập lụt trở nên tồi tệ hơn?
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Các địa phương có hồ chứa lớn như Bình Định (160 hồ chứa), Quảng Ngãi (120 hồ), Đà Nẵng (hơn 70 hồ) đều rà soát các hồ chứa trước khi mưa lũ về. Các hồ chứa yếu đều được tách ra và không tích nước. Do vậy, đợt này mưa rất lớn so với những lần trước nhưng tình trạng vỡ hồ chứa không xảy ra. Tôi cho đây là điều đáng mừng, do cách ứng phó của các địa phương tốt. Thứ hai là các địa phương đã bám sát được các hồ thủy lợi lớn như hồ Phú Ninh (Quảng Nam), các hồ Nước Trong, Thạch Nham (Quảng Ngãi), hồ Định Bình (Bình Định) đều được kiểm soát chặt. Các địa phương có hồ thủy điện cũng nắm rất chặt các quy trình thông báo thời gian hạ mức nước, xả lũ.
Khi kiểm tra, tôi thấy các địa phương cũng như Bộ Công thương, Bộ Nông nghiệp và PTNT đều nắm vững về lượng xả lũ và điều hành của các hồ chứa. Theo tôi biết, đến nay chưa có báo cáo nào nói rằng có hồ nào đó xả lũ sai quy trình và các địa phương có hồ chứa đều khẳng định như vậy. Trường hợp của An Khê, tôi không đi, nhưng nghe các đồng chí trên đó báo cáo, thấy rằng thông báo của chủ hồ cho địa phương đều có đầy đủ, nhưng vấn đề này phải kiểm tra lại.
PV: Ông có thể cho biết quan điểm của mình về việc các hồ thủy điện xả lũ?
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Theo tôi, việc xả lũ là bình thường bởi mưa xối xuống lưu vực, nước chứa đầy hồ đương nhiên phải xả, bởi không chảy xuống lưu vực thì nước đi đâu? Vấn đề là phải xả đúng, nếu xả lũ sai quy trình chỉ làm nghiêm trọng hơn cho tình hình hạ du. Khi xả sai thì lũ chồng lũ bởi không điều tiết chính xác mức nước hồ chứa để xả cao hơn cả đỉnh lũ để đảm bảo an toàn hồ chứa. Đây chính là vấn đề cần phải kiểm soát chặt. Chính phủ vẫn yêu cầu các Bộ Công thương và Nông nghiệp - PTNT cùng các địa phương phải theo dõi chặt chẽ và nếu các hồ không thực hiện đúng quy trình xả lũ, chủ quan, không phân công trực khi mưa lũ và không có những mệnh lệnh chính xác thì có thể xảy ra tại họa khôn lường. Những trường hợp đó phải kiểm tra và xử lý nghiêm, thì những người vận hành và khai thác các hồ chứa mới thực hiện hết trách nhiệm của họ với vùng hạ du. Bởi phía hạ du còn bao nhiêu người hứng chịu.
Qua kiểm tra ở các địa phương đều có sơ đồ quá trình lũ của từng hồ, từ lúc lũ về cho đến mức nước ra sao và xả lũ như thế nào… đều được vẽ biểu đồ quá trình lũ và trên cơ sở đó đánh giá được hiệu quả của việc cắt lũ. Các hồ mặc dù vận hành đúng quy trình, nhưng hiệu quả cắt lũ chưa cao. Do đặc điểm địa hình dung tích cắt lũ không lớn, nên không cắt lũ nhiều được. Khi cắt lũ thì quan trọng nhất là dự báo chính xác đỉnh lũ về lúc nào vì quan trọng phải cắt lũ đúng đỉnh, nếu không hiệu quả sẽ thấp mặc dù không làm trần trọng thêm hạ du, nhưng không phát huy được hết năng lực lũ.
PV: Theo ông, chúng ta cần rút kinh nghiệm vấn đề gì trong thời gian vừa qua?
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Một là: rút kinh nghiệm ở hệ thống quan trắc. Để điều tiết chính xác hồ chứa và phát huy hết năng lực chống lũ của nó, thì số liệu dự báo phải rất chính xác và chỉ được sai số thấp nhất. Khi chúng ta phải hứng chịu biến đổi khí hậu, có tình trạng mưa cục bộ, mưa cực đoan và thế giới cung phải công nhận dự báo thời tiết thì dự báo mưa là khó nhất. Trong điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay, Chính phủ đã chỉ đạo đầu tư tăng dầy những Trạm Quan trắc. Sau vụ mưa lũ ở huyện Đồng Xuân, tỉnh Phú Yên (2009), mới thấy hệ thống quan trắc không phát huy hết tác dụng. Khi đó dự báo mưa rải rác không lớn, nhưng thực tế ở huyện miền núi Đồng Xuân nước ngập lên tận nóc nhà. Chứng tỏ mưa cục bộ lúc đó cỡ 1.000 ly, chứ không thấp như ở số liệu quan trắc. Chính vì vậy, tiếp tục đầu tư hệ thống quan trắc là điều kiện quan trọng, để đảm bảo phát huy hết năng lực chống lũ của các hồ chứa.
Hai là, tiếp tục theo dõi việc thực hiện các hồ chứa để thấy những bất hợp lý và điều chỉnh. Vì không có quy trình nào được coi là bất di bất dịch và phải xây dựng trên cơ sở các tính toán về kỹ thuật và có thể ra thực tiễn chưa phản ánh hết được cần tính toán lại.
Ba là, vấn đề thông tin mưa lũ rất quan trọng. Tôi đi kiểm tra xuống tận xã và biết người dân được thông báo đã đi sơ tán bởi khi lũ về chỉ một lúc là nước dâng trên cả đầu người. Người dân sau khi có thông báo đã tự giác sơ tán. Miền Trung người dân tự giác tránh lũ hơn và họ sơ tán ngay. Tuy vậy, vẫn có nơi người dân nói không biết có lũ. Các địa phương đều thông báo lưu ý lần này có lũ lớn, khả năng trên lũ năm 2009 một mét. Nhưng địa phương lại vẫn nói đã thông báo đầy đủ. Tôi vào mấy nhà dân bị sập vào ban đêm, hỏi được biết đồng bào chạy ra ngoài rồi, hoặc lúc ấy đã lên ủy ban ngồi. Tôi đã giao cho các Bộ chức năng và ủy ban các địa phương kiểm tra xem thông tin có vấn đề gì không? Hiện nay Chính phủ giao cho Bộ Nông nghiệp và PTNT phải kiểm soát được luồng thông tin từ lãnh đạo, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và từ các hồ đập. Phải hoàn thiện hệ thống thông tin về mưa bão lũ.
PV: Thông tin truyền đạt đến người dân kịp thời như vậy nhưng tại sao số người chết vẫn nhiều, thưa ông?
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Khi phân tích các trường hợp chết, tôi yêu cầu các địa phương làm rõ và biết khi lũ về siết vào ban đêm là ít nhất. Những vùng ngập sâu, lũ nặng lại không chết nhiều bằng những vùng ngập ít hơn, lũ nhẹ hơn. Chết sau lũ lại nhiều hơn vì khi lũ xuống, người dân đi làm đồng… nhặt cá, tôm, giúp đỡ nhau… Có nhiều trường hợp chết rất đáng tiếc. Từ đó phải tăng cường tuyên truyền chống bão lũ và tăng cường công tác cộng đồng, đầu tư vào các hệ thống cơ sở hạ tầng. Vì rất nhiều đường cấp huyện, quốc lộ chưa bảo đảm yêu cầu chống lũ. Đồng bào sơ tán chậm là không kịp đi vì ngập. Phải đầu tư những con đường cứu nạn, cứu hộ chống bão lũ. Cần điều chỉnh việc xây dựng cơ sở hạ tầng, tránh tạo thành vật cản dòng lũ… Chúng ta đang ở thời kỳ biến đổi khí hậu, nên những tính toán thoát lũ trước đây không còn phù hợp nữa, cần thay đổi. Phải đánh giá đúng tình hình mưa lũ để sơ tán dân cho phù hợp.
PV: Vừa qua, trong các phiên chất vấn, nhiều đại biểu đề nghị truy cứu hình sự nếu xả lũ sai. Theo ông điều này có cần thiết?
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Vấn đề này đã có qui định pháp luật rồi. Nếu địa phương hoặc bộ, ngành nào phát hiện anh làm sai thì họ sẽ có chức năng thanh tra. Và việc truy cứu trách nhiệm hình sự phải do cơ quan công an làm. Hình sự hay không phải do cơ quan pháp luật xem xét. Các địa phương phải báo cáo xem trường hợp nào sai thì xử lý. Tuy vậy, mình phải phát hiện ra những bất cập để điều chỉnh.
PV: Vậy với khu vực miền Trung có những đặc thù gì phải lưu ý khi xây dựng hồ chứa, thưa ông?
Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải: Qua cơn bão số 15 cho thấy, miền Trung có đặc thù địa hình dốc, ngắn, nên mưa lũ xuống tạo dòng nước chảy rất siết và nhanh. Đặc thù là ngập nhanh và rút nhanh. Chính vì thế, các hồ chứa không thể thiết kế được diện tích phòng lũ lớn như các hồ ở miền Bắc và miền Nam, chưa nói các hồ chứa này lại kết hợp với thủy điện, bắt buộc phải tính toán theo hiệu quả kinh tế, nên dung tích phòng lũ không lớn. Thậm chí các hồ chứa ở các miền Bắc, Nam lớn như Hòa Bình, Sơn La, trước mùa lũ đều được điều chỉnh lượng nước, đưa về mức phòng lũ. Khi lũ về thì cắt lũ và đến hết năng lực phòng lũ thì bắt xả.
PV: Xin cảm ơn ông!/.
Vũ Hạnh/VOV online
Nguồn: vov.vn

Được đăng bởi bauxitevn vào lúc 00:42
nguồn:http://boxitvn.blogspot.com/2013/11/chua-co-ho-chua-nao-xa-lu-sai-quy-trinh.html
======================================================================

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001