Hà Tường Cát - Chỗ yếu của công kỹ nghệ Trung Quốc
at 11/13/2013 11:42:00 AM
HÀ TƯỜNG CÁT, Người Việt
Trên khắp
thế giới hiện nay, hầu hết những món hàng đều thấy hàng chữ “Made in
China”. Điều ấy có thể khiến người ta nghĩ rằng nền kinh tế Trung Quốc
sẽ dễ dàng tiếp tục phát triển mạnh và nhanh. Nhận định ấy quá đơn giản
bởi vì thực tế Trung Quốc đang phải đương đầu với nhiều vấn đề nảy sinh
do từ ngay tình trạng phát triển của họ.
Những
chiếc xe Hyundai xuất xưởng của liên doanh Hyundai/Beijing Automotive
Industry ở Bắc Kinh. Kỹ nghệ xe hơi Trung Quốc không tự phát triển được
và ngay dân chúng Trung Quốc cũng chỉ ưa chuộng xe của các hãng ngoại
quốc. (Hình: Tomohiro Uhsumi/Bloomberg via Getty Images)
Từ 3 thập kỷ
vừa qua, khi giới lãnh đạo đảng Cộng Sản Trung Quốc vứt bỏ chủ thuyết
Mao để thay thế bằng chủ nghĩa tư bản Tây Phương mà họ gọi một cách hoa
mỹ là “chủ nghĩa xã hội theo đường hướng Trung Quốc”, Trung Quốc đã dần
dần tiến lên tới vị trí cường quốc kinh tế thứ nhì trên thế giới, vượt
qua Nhật Bản và chỉ còn kém Hoa Kỳ.
Bằng hoạt
động xuất cảng hay gia công sản phẩm cho những công ty ngoại quốc, Trung
Quốc tích lũy được một ngân khoản ngoại tệ khổng lồ và trở thành chủ nợ
nước ngoài lớn nhất của Hoa Kỳ. Qua giai đoạn khủng hoảng tài chính
toàn cầu, nếu Hoa Kỳ cũng như Âu Châu phải chật vật mới trở lại được mức
tăng trưởng kinh tế khiêm nhượng trên dưới 2.0% thì Trung Quốc vẫn còn
duy trì được ở mức 7% dù rằng như thế là đã sút giảm nhiều so với mức
trên 10% liền trong hai thập kỷ trước,
Tuy nhiên
nhìn kỹ thì thấy nền công kỹ nghệ Trung Quốc dù có thể sản xuất được tất
cả mọi thứ, nhưng thiếu sáng tạo được ra nhiều sản phẩm riêng, có giá
trị xác định vai trò và vị trí cạnh tranh của họ trên thị trường quốc
tế. Công nghiệp Trung Quốc hầu hết mới chỉ là tập hợp của những xưởng
lắp ráp cho các công ty nước ngoài hay những sản phẩm sao chép của nước
ngoài. Nhiều máy tính bảng iPads của Apple được lắp ráp tại Trung Quốc
nhưng Trung Quốc chưa chế ra được những sản phẩm riêng có tầm mức ảnh
hưởng rộng lớn như iPads. Hãng điện tử khổng lồ Lenovo đưa ra những sản
phẩm rẻ tiền hơn nhiều hãng khác trên thế giới, nhưng mặt hàng của họ
cũng chỉ là desktops, labtops, tablets hay smartphones đã quen thuộc,
chưa có sáng kiến mới mẻ độc đáo nào khác.
Yếu kém căn
bản ấy kết hợp với những khó khăn nảy sinh từ hoàn cảnh kinh tế xã hội
biến chuyển trong cũng như ngoài nước, sẽ tới một lúc là trở lực cho sự
phát triển của Trung Quốc khi họ buộc phải có đủ khả năng cạnh tranh với
các quốc gia giầu như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Âu Châu cũng như những quốc gia
đang thăng tiến như Ấn Độ, Brazil.
Sự cải tổ
nền kinh tế Trung Quốc do đó phải bao gồm hai lãnh vực chính: cơ chế
hoạt động và sự phát triển sáng tạo. Người ta cho rằng kỳ 3 Đại Hội Ban
Chấp Hành Trung Ương khóa 18 của đảng Cộng Sản Trung Quốc họp trong 4
ngày từ Thứ Bảy 9 tháng 11 sẽ đưa ra những cải cách về chính trị, xã hội
cũng như kinh tế đáp ứng những nhu cầu này. Nhưng như thông lệ của Đại
Hội các đảng Cộng Sản, rất khó có thể trông đợi chuyện gì rõ ràng được
quyết định qua những sinh hoạt này.
Theo tin của
Tân Hoa Xã hôm Thứ Ba, bản thông cáo ngắn ngủi của Đại Hội nói rằng
Trung Quốc sẽ cải cách sâu rộng và toàn diện nền kinh tế để bảo đảm là
thị trường sẽ đóng một vai trò quyết định trong sự điều phối các nguồn
tài nguyên quốc gia. Vai trò của thị trường đã thường được xác định là
“căn bản” kể từ khi Trung Quốc quyết định áp dụng chính sách “kinh tế
thị trường theo đường hướng xã hội chủ nghĩa” năm 1992 thời Chủ Tịch
Giang Trạch Dân và Thủ Tướng Chu Dung Cơ.
Ba cải cách
có tính “khai thông” là cải tổ thị trường tài chính, thị trường nhân
dụng để cải thiện phúc lợi và cải tổ đất đai, đều chưa thấy được đề cập
qua bản thông cáo này. Như nhiều quan sát viên đã dự đoán, Chủ Tịch Tập
Cận Bình không cố gắng đẩy mạnh cải cách tới một mức có thể là phiêu lưu
trong hoàn cảnh Trung Quốc dù có nhiều vấn đề phải giải quyết nhưng hãy
còn tương đối ổn định chưa cần những bước mạo hiểm. Trên tất cả, quyền
sở hữu nhà nước vẫn được xác định là trụ cột của nền kinh tế.
Những chi
tiết liên quan đến chính sách kinh tế rất hiếm trong bản thông cáo của
Đại Hội để có thể giúp người ta hiểu được sẽ có những thay đổi như thế
nào. Phóng viên BBC Celia Hatton tại Bắc Kinh nói rằng danh sách đầy đủ
hơn về các thay đổi kinh tế và xã hội được dự kiến sẽ công bố trong
những ngày tới hoặc tháng hay tuần tới.
Nói cách
khác, tiến tới từng bước theo phương cách thực dụng, cuối cùng có lẽ sẽ
là đường lối cải cách ở Trung Quốc hiện nay. Ngay cả giai đoạn cải cách
của Đặng Tiểu Bình sau Đại Hội kỳ 3 khóa 11 năm 1978, cũng được thi hành
theo nguyên tắc tuần tự chứ không phải là triệt để. Chủ Tịch Tập Cận
Bình và Thủ Tướng Lý Khắc Cường, khi viện dẫn tinh thần Đặng qua câu
“sang sông phải biết đá”, có lẽ muốn xác định rằng cải cách bây giờ nếu
không nhanh chóng vẫn sẽ mang đến chuyển biến quan trọng như thời Đặng.
Riêng về
tình hình kinh tế Trung Quốc hiện tại và tương lai, Michael Schuman
trong một bài viết trên tạp chí Time số đề ngày 18 tháng 11 cho rằng nền
kinh tế Trung Quốc có 5 vấn đề phải đối phó:
Thứ nhất,
lao động không còn rẻ. Dân Trung Quốc già đi nhanh chóng, hậu quả của
chính sách gia đình một con, số công nhân chịu làm công việc buồn nản
trong các giây chuyền sản xuất giảm xuống và công nhân có chuyên môn đòi
hỏi được trả công khá hơn. Lương công nhân Trung Quốc trong 10 năm vừa
qua đã tăng lên 5 lần tới khoảng $500 một tháng. Nhiều công ty nước
ngoài trước đây tìm đến Trung Quốc để dùng lợi thế nhân công rẻ, bây giờ
bắt đầu tìm đường rút đi. Một số công ty Mỹ chuyển sang Ấn Độ, nơi tiền
lương công nhân rẻ hơn 75%. Ngay cả công ty Trung Quốc như hãng giầy
Huajian cũng tìm đường đầu tư lập xưởng sản xuất ở Ethiopia, Phi Châu.
Nhóm tư vấn Boston Consulting Group nhận xét là chi phí sản xuất tại
Trung Quốc tới năm 2015 sẽ lên ngang bằng Hoa Kỳ, chưa kể những trở ngại
khác về hiệu quả kinh tế như sự thiếu linh động về nguồn cung cấp và cơ
hội trên thị trường do nơi sản xuất xa.
Thứ nhì, các
công ty Trung Quốc thiếu kỹ năng. Ngoại trừ một số ít như Huawei, công
ty sản xuất trang bị viễn thông, có giá trị cạnh tranh toàn cầu, nhiều
công ty Trung Quốc không có đủ trình độ chuyên nghiệp. Geely, công ty
chế tạo xe hơi ở Hàng Châu năm 2006 đã giới thiệu chiếc xe Trung Quốc
đầu tiên tại hội chợ quốc tế xe hơi Bắc Mỹ tại Detroit, nhưng rồi sau đó
Geely không thành công trong dự án xuất khẩu xe du lịch ra thị trường
quốc tế. Nhà sáng lập công ty Li Shufu nhìn nhận rằng, xe của mình chưa
đủ khả năng cạnh tranh với xe Mỹ, Nhật , Nam Hàn vì còn kém nhiều tính
năng và vấn đề quản lý công ty không thích ứng với những cải tổ và tiến
bộ mới cần phải có kịp thời. Tại Trung Quốc, khách hàng có khả năng mua
xe vẫn chuộng các nhãn hiệu quốc tế như Chevy, Volkswagen, Hyundai kể cả
xe của những hãng này lắp ráp tại Trung Quốc. Trong ngành đóng tàu
biển, Trung Quốc đã vượt qua Nam Hàn tính theo tải trọng, nhưng các hãng
Trung Quốc hầu hết đều chỉ chế tạo theo đơn đặt hàng và kiểu mẫu của
các công ty ngoại quốc, họ chưa đạt tới trình độ áp dụng được những sáng
kiến kỹ thuật mới như Nam Hàn.
Thứ ba, kỹ
nghệ Trung Quốc cần có những phát kiến và sản phẩm mới. Việc này không
dễ dàng vì đòi hỏi phải có tổ chức nghiên cứu và phát triển. Một trường
hợp hiếm hoi như Tancent ở Thẩm Quyến là công ty đã sản xuất được nhiều
thiết bị điện tử di động, có hệ chuyển tin WeChat rất phổ thông. Còn
Xiaomi có thể cạnh tranh với Apple ở Trung Quốc bằng điện thoại thông
minh giá rẻ nhưng thuộc vào thế hệ đã cũ từ 3 năm. Thủ Tướng Ôn Gia Bảo
trước kia đã phàn nàn rằng “Sinh viên không chỉ học kiến thức, họ phải
học cách hành động và vận dụng bộ não”. Sinh viên Trung Quốc nhiều người
rất xuất sắc nhưng không ứng dụng được khả năng của họ vào thực tế.
Songukrishnasamy, giám đốc trung tâm nghiên cứu và phát triển của
Honeywell ở Thượng Hải cho biết các kỹ sư Trung Quốc thường chỉ muốn làm
cái gì được yêu cầu, họ không đề ra sáng kiến mới vì ngại nếu không
thành công sẽ chịu trách nhiệm. Ông nói: “Sợ thất bại là một phần của
văn hóa Trung Hoa”.
Điểm yếu kém
thứ tư của kinh tế Trung Quốc là không tạo ra được những thương hiệu có
tầm cỡ toàn cầu. Hãng điện tử Lenovo hay hãng sản xuất đồ gia dụng
Haier là những tên được cả thế giới biết đến, nhưng thuộc số rất hiếm
của Trung Quốc. Chi tiêu vào việc quảng cáo của các công ty Trung Quốc
không đủ để thương hiệu của họ trở thành quen thuộc. Hơn nữa cũng do
thực tế giới hạn về sáng tạo, Trung Quốc không có nhiều sản phẩm độc đáo
hấp dẫn trên thị trường. Các hãng Trung Quốc chú trọng đến sản phẩm của
họ hơn tới khách hàng cho nên dù sản phẩm tốt hơn nhưng khách hàng
không tăng hơn. P.T. Black, chuyên viên về giới tiêu thụ ở Thượng Hải,
nhận định: “Có một điểm yếu kém chung của các công ty mà tôi coi là
thuộc về nhân tính, nghĩa là sự chú trọng tới người khác. Nếu không nhắm
khách hàng là mục tiêu để hành đông thì không thể nào tạo nên một
thương hiệu có giá trị quần chúng”. Dân Trung Quốc vẫn ưa chuộng những
thương hiệu nước ngoài, từ giầy Adidas, Nike, thời trang Clairborne,
Giovanni, tới cà phê Starbucks.
Cuối cùng là
vấn đề quản trị điều hành. Để sửa chữa những khó khăn và yếu kém nói
trên, cần tới một hệ thống quản lý điều hành đủ khả năng và linh lợi.
Điều này không chỉ thuộc cục bộ các công ty mà còn đòi hỏi sự cải cách
trong toàn bộ nền kinh tế Trung Quốc trong đó các công ty quốc doanh vẫn
chiếm phần khống chế khiến cho lãnh vực tư nhân phải cạnh tranh không
vượt thoát xa hơn được. Nhân sự có khả năng quản lý điều hành không
nhiều, mặc dù người Hoa vẫn có tiếng là giỏi về hoạt động kinh doanh,
nhưng trong tình hình cạnh tranh toàn cầu hiện nay, mọi thứ đều thay
đổi, sự khôn ngoan và kinh nghiệm cũ hàng trăm năm không đủ bảo đảm
thành công. (HC)
nguồn:http://www.diendantheky.net/2013/11/ha-tuong-cat-cho-yeu-cua-cong-ky-nghe.html
======================================================================
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Chú ý: Điền vào “nhận xét” ở cuối bài để xả stress
Sẽ xóa những comment không phù hợp
Thinhoi001